TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC tiếp tham dự viên Hội nghị về di dân Ý

Thứ năm - 11/11/2021 20:12 | Tác giả bài viết: |   778
Sáng ngày 11/11/2021, trong cuộc tiếp kiến dành cho các tham dự viên của hội nghị có chủ đề “người Ý ở châu Âu và sứ vụ Kitô giáo”
ĐTC tiếp tham dự viên Hội nghị về di dân Ý

ĐTC tiếp các tham dự viên Hội nghị về di dân Ý và sứ vụ truyền giáo của họ

Sáng ngày 11/11/2021, trong cuộc tiếp kiến dành cho các tham dự viên của hội nghị có chủ đề “người Ý ở châu Âu và sứ vụ Kitô giáo”, được tổ chức bởi tổ chức Người di dân của Hội đồng giám mục Ý, Đức Thánh Cha nhắc rằng người di cư không phải là “người xa lạ”, nhưng là một phần của “chúng ta”.

Nhận xét về chủ đề của hội nghị, Đức Thánh Cha nêu lên hai khía cạnh: trước hết là “mối quan tâm mục vụ thúc đẩy chúng ta hiểu biết thực tại”, ở đây là tình trạng di dân ở Ý; và điều thứ hai là “mong muốn truyền giáo, điều có thể là men khơi dậy việc tái loan báo Tin Mừng tại châu Âu”. Và Đức Thánh Cha chia sẻ với các tham dự viên ba suy tư có thể giúp họ trong hiện tại và tương lai.

Người di cư là một phần quan trọng của “cái chúng ta”

Trước tiên là tính di động, di cư. Chúng ta thường xem những người di cư là “những người khác”. Nhưng Đức Thánh Cha lưu ý: “Trong thực tế, cả khi đọc dữ liệu của hiện tượng, chúng ta phát hiện ra rằng người di cư là một phần quan trọng của “cái chúng ta”, cũng như, trong trường hợp người Ý di cư, những người gần gũi với chúng ta: gia đình của chúng ta, sinh viên trẻ, sinh viên mới tốt nghiệp, thất nghiệp, các doanh nhân của chúng ta”. Đây là một thực tế mà Đức Thánh Cha cảm thấy đặc biệt gần gũi, vì gia đình ngài cũng di cư từ Ý đến Argentina.

Châu Âu là ngôi nhà chung

Điểm suy tư thứ hai là châu Âu. Từ cuộc di cư của người Ý đến các nước khác của châu Âu, Đức Thánh Cha nhận định rằng châu Âu là ngôi nhà chung. Giáo hội ở châu Âu đón tiếp những người di cư Ý và các quốc gia khác, những người đang đổi mới bộ mặt của các thành phố và quốc gia. Đó là một bức tranh khảm đẹp đẽ. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi “đừng để nó mang sẹo hay bị hư hỏng bởi định kiến hoặc hận thù được che đậy bởi sự tôn trọng giả hình”. 

Chứng tá đức tin của người di dân

Và điểm suy tư thứ ba của Đức Thánh Cha liên quan đến chứng tá đức tin của các cộng đoàn di cư Ý ở các quốc gia châu Âu. Họ đã loan truyền niềm vui Tin Mừng, nêu bật vẻ đẹp của cộng đoàn rộng mở và hiếu khách. Theo Đức Thánh Cha, nó là sợi dây liên kết tuyệt vời với ký ức của các gia đình với những tiền nhân di cư và có thể tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo. Đức Thánh Cha nói: “Đó là một di sản cần được bảo tồn và chăm sóc, bằng cách tìm ra những phương cách giúp chúng ta làm sống lại lời loan báo và chứng tá đức tin. Và điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự đối thoại giữa các thế hệ: đặc biệt là giữa ông bà và con cháu”.

Hoà nhập người di dân

Và từ kinh nghiệm ở châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “những người nhập cư, nếu bạn giúp họ hòa nhập, thì sẽ là một chúc lành, một sự phong phú và một món quà mới mời gọi một xã hội phát triển”. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với châu Âu. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Những người di cư cũng là một chúc lành cho và trong các Giáo hội của chúng ta ở Châu Âu. Nếu được hoà nhập, họ có thể giúp hít thở bầu không khí của sự đa dạng giúp tái tạo sự thống nhất; họ có thể nuôi dưỡng bộ mặt của Công giáo; họ có thể làm chứng cho tính tông truyền của Giáo hội; họ có thể tạo ra những câu chuyện về sự thánh thiện. Ngài nhắc đến thánh Francesca Saverio Cabrini, một nữ tu di cư từ miền Lombardia của Ý đã trở thành nữ thánh công dân đầu tiên của Hoa Kỳ. (CSR_7370_2021).

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây