TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nhìn lại Hội thảo Văn Hóa 400 năm Chữ Quốc Ngữ

Thứ bảy - 12/06/2021 22:24 |   900

Nhìn lại Hội thảo Văn Hóa
Bốn trăm năm hình thành và phát triển Chữ Quốc Ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam



Bốn bài thuyết trình đều gợi nhớ câu chuyện cổ tích Việt Nam. Một gia đình nghèo, ông bà để lại gia sản cho con cháu vỏn vẹn cây khế ngọt. Cây khế thường thôi, chẳng sinh lợi, chẳng đẻ ra tiền của nên con cháu có vẻ hờ hững, chỉ chăm bón cho cây khế như một kỷ vật để nhớ ông bà! Nhưng lạ đời nhà chỉ có cây khế mà đủ loài chim chóc bốn phương bay đi bay về, rủ nhau tụ hội, líu lo thưởng thức làm các con cháu trong nhà sốt cả ruột, rủ nhau xua đuổi cho đám chim bay đi. Bị xua đi, bầy chim ríu rít đáp lại, “Ăn một trái trả ngàn vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”. Thì ra cây khế là cây vàng, cây ngọc, cây sung túc ông bà để lại cho con cháu.

Có phải cũng như một loài cây khế, chữ Quốc Ngữ gia sản tổ tiên để lại chỉ là gia sản văn hóa không giữ làm kinh doanh, làm giàu nhưng Chữ Quốc Ngữ làm chúng ta nở mày, nở mặt với thế giới. Việt Nam chưa giàu, Việt Nam chưa bằng ai nhưng Việt Nam có chữ Việt, Việt Nam có nền văn hóa lâu đời, sáng tỏ. Cuộc hội thảo Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ đã để lại đôi cảm nhận khó quên. 

Cảm nhận về thuyết trình viên

Các thuyết trình viên không phải ai xa lạ, đều là người Việt nói tiếng Việt, nói về chữ Việt, nên ai đó có thể ái ngại, biết đâu “mẹ hát con khen hay” bỏ ngoặc kép, thêm phẩy khen chữ Việt, khen người Việt và dễ hờ hững với các thừa sai nước ngoài đã cùng với người dân bản địa nỗ lực hình thành chữ Quốc Ngữ. Tiến sĩ Kiều Ly là một trong bốn thuyết trình viên là người Việt không Công giáo đã khẳng định trong một bài phỏng vấn của báo chí, tiến sĩ chủ trương khách quan, không quá đề cao dân tộc, cũng không quá khích bài ngoại khi tìm hiểu cuộc hình thành chữ Quốc Ngữ.

Tất cả các thuyết trình viên được mời đều thuộc giới chuyên môn cao về sử học, ngôn ngữ học, văn hóa, truyền giáo học và cả bốn vị đều đầy kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy. Chỉ nhận lời thuyết trình với thời gian giới hạn nhưng mỗi thuyết trình viên đến với hội thảo đều nóng bỏng tâm huyết.

Từng vị đã cất công tìm bới cả rừng tài liệu, nghiên cứu sách vở và kêu gọi các đồng nghiệp cộng tác để viết và đã dốc cạn tâm trí công sức cho bài viết. Cách nào đó, các thuyết trình viên đã làm con tằm nhả tơ, những sợi tơ mong manh nhưng đã dệt nên nhiều góc cạnh của một tấm thảm lịch sử về Chữ Quốc Ngữ và quý báu hơn các thuyết trình viên đã làm lời mời gọi thế hệ hậu duệ tiếp tục phát triển và làm sáng tỏ nền văn hóa, văn chương Việt. 

Về hội thảo viên

Chủ đề Bốn Trăm Năm Hình Thành và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ như chẳng thiết thân, không cụ thể và cũng khó hấp dẫn với những ai lạnh nhạt với văn hóa. Chính ban tổ chức cũng băn khoăn mãi không biết gửi thiệp mời ai, đừng ai, mà ai ngờ các hội thảo viên lại rất thiết tha. Con số 320 hội thảo viên có mặt là bằng chứng. Có thể nhiều hội thảo viên còn phải vất vả mới theo kịp các thuyết trình viên khi trình bày các góc cạnh kỹ thuật của chữ Quốc Ngữ. Thực sự dù còn mải chèo chống với các vấn đề khó nuốt, các đề tài khô khan, mọi người vẫn nhiệt tình theo dõi từng vấn đề, lắng nghe từng thuyết trình viên. Rõ ràng không phải chỉ tò mò theo dõi chuyện mới, chuyện cũ mà mỗi người còn để lộ tâm tư buồn vui giống tâm tư những người con, người cháu có dịp về thăm quê cha đất tổ, ai cũng thích thú nghe kể về sản nghiệp tổ tiên. Sản nghiệp tổ tiên không chỉ là mảnh vườn tược, ruộng đất, nhưng còn là vùng trời Thanh Chiêm, Nước Mặn, đất Đàng Trong, đất Đàng Ngoài, Phú Xuân, Thăng Long và quý giá nhất là Chữ Quốc Ngữ dành cho người Việt nhưng do sáng kiến của các thừa sai nước ngoài cộng tác với người dân bản địa. Các hội thảo viên đã chăm chú lắng nghe, đâu như nghe để “để nhớ, để thương” để biết ơn công ơn các tiền nhân.

Trong hội thảo nhiều chuyên viên ngôn ngữ, nhiều nhà văn hóa, ngữ học, sử học là tín hữu đạo Chúa và có cả các thân hữu lương dân đã góp mặt trong hội thảo. Các vị có thể đã sẵn một công trình nghiên cứu đồ sộ, với các luận chứng, quan điểm riêng nhưng qua cuộc hội thảo này, mong quý vị tìm được vài ba mảnh ghép nào đó cho bức tranh toàn cảnh lịch sử vẫn còn nhiều mảng trống hoặc có dịp thu thập thêm luận chứng mới cho một quan điểm, một lập luận. Hay là giản dị, các vị có mặt chỉ để gặp gỡ, lắng nghe những người quen, người thân nói về tổ tiên mình. Dù với bất cứ lý do gì, cuộc góp mặt lắng nghe và chia sẻ của quý vị hôm nay đã thành lời khích lệ các con cháu ghi ơn các tổ tiên và tựa trên ngôn ngữ thống nhất này làm điểm mạnh cho cuộc phát triển văn hóa trên quê hương đất Việt.

Nhìn từ một góc độ nào, chính quý vị, từ nhiều lãnh vực chuyên môn đã và đang tiếp tục điểm tô, làm đẹp cho “nàng Việt Ngữ” khoe hương khoe sắc trong vườn hoa ngôn ngữ thế giới. 

Về nội dung hội thảo

Lm Gs Ts Quốc Anh muốn chứng minh Kitô giáo đã được đón nhận vào vùng Á Đông, mảnh đất đã thấm nhuần từ lâu nền triết học và tôn giáo của tam giáo (Nho, Phật và Đạo giáo). Chính nền triết học và thần Kitô giáo đã giúp các giáo hữu Việt Nam ý thức họ thuộc về một tôn giáo phổ quát, toàn cầu để giữ vững lòng tin qua nhiều cuộc bắt đạo thế kỷ 18 & 19. Những sách giáo lý thuở ban đầu đã định hình căn tính giáo hữu Việt Nam. Giúp họ ý thức, họ thuộc về một tôn giáo phổ quát, toàn cầu và giữ vững niềm tin qua nhiều cuộc bắt đạo.

Ngoài việc sử dụng khoa triết và thần học tự nhiên để lập luận cho việc thờ phượng một Thiên Chúa đích thực và đối thoại với các truyền thống ngoại giáo, cha Alexandre de Rhodes giới thiệu những hiểu biết cơ bản về giáo lý Công giáo. Chẳng hạn với Phép Giảng Tám Ngày, cha dựa trên quan hệ quân-sư-phụ, thuyết Tam Phụ để trình bày, mỗi người phải có bổn phận trung hiếu với ba người cha của mình, theo thứ tự ưu tiên là Thiên Chúa, đến quốc vương, rồi mới đến cha mẹ. Là Đấng Tạo Hóa của trời đất muôn loài, Thiên Chúa giống như Cha chung của toàn thể nhân loại. Ngài là vị Thượng Phụ tối cao vượt xa vai trò của vị Trung Phụ, vua chúa cai trị một nước và vị Hạ Phụ là cha mẹ trong gia đình.

Theo cha Quốc Anh, bên cạnh thừa sai Alexandre de Rhodes còn có những khuôn mặt triết học, thần học lớn như Lm Girolamo Majorica, vị linh mục đã để lại nhiều công trình giáo lý do cha in ấn, phiên dịch hay soạn thảo như cuốn Thiên Chủ Thực Nghĩa (nguyên bản của Lm Matteo Ricci), cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (viết theo Brevio doctrina Christiana của Roberto Bellarmino), Các Thánh Truyện gồm 12 tập và còn rất nhiều những tài liệu hộ giáo khác của Lm Francesco Buzomi đã được cha Majorica ấn loát.

Tiếp đó, 150 năm sau sách giáo lý của Majorica, cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ của giám mục thừa sai Pierre Pigneaux de Behaine, MEP đã ra đời, đánh dấu giai đoạn phát triển cận đại của chữ Quốc Ngữ.

Sau thời kỳ gian nan, được các thừa sai dòng Tên khai sáng, chữ Quốc Ngữ  đã chuyển mình phát triển và lan rộng dần trên đất Việt, Ts Kiều Ly dẫn hội thảo viên vào giai đoạn chữ Quốc Ngữ nở hoa. Đáng chú ý là Ts Kiều Ly đã giới thiệu một từ ngữ mới “Ngôn ngữ Thừa Sai” trong bài Nhà Biên Soạn Thực Sự Sự Của Manuductio. Ts Kiều Ly đã có công: sử dụng từ chìa khóa này làm lời khẳng định chữ Quốc Ngữ luôn nhắm tới mục đích truyền giáo, không là phương tiện giao thương hay lợi thế chính trị. Nói khác, Việt Ngữ là ngôn ngữ hội nhập văn hóa không xâm thực văn hóa.

Ts Kiều Ly còn xác định, vào thời kỳ Chữ Quốc Ngữ đang trên đà phát triển, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, các thừa sai dòng Tên “nghỉ việc” và các Lm Hội Thừa Sai đã tiếp nối các thừa sai dòng Tên tiếp tục phát triển thứ ngôn ngữ truyền giáo này tại Việt Nam và nhấn mạnh vai trò của các cộng tác viên người Việt như Lm Bentô Thiện và thầy Igesio Văn Tín, nhưng chính yếu vẫn là các vị giám mục như Pierre Lambert de la Motte và François Pallu, Đức cha Laneau, Đức cha Bá Đa Lộc và Đức cha Adran, vị giám mục điều phối công trình soạn từ điển Dictionarium Annamiticum-Latinum (cùng với tám cộng tác viên người Việt, Đàng Trong). Do nhu cầu giáo dục các chủng sinh, Đức cha Laneau đã quyết định dạy tiếng Việt, chữ tiền Quốc Ngữ cho các chủng sinh. Và chữ Quốc Ngữ đã thành chữ viết trung gian giữa các vị giám mục nước ngoài với các chủng sinh. Riêng Đức cha Deydier muốn các bí tích phải được viết bằng ngôn ngữ bản xứ để các linh mục có thể đọc được khi cử hành các nghi lễ.

Ts Kiều Ly cũng ghi nhận, việc tổ chức các chủng viện đóng góp rất quan trọng vào việc giảng dạy và gìn giữ Chữ Quốc Ngữ trong vòng gần ba trăm năm giữa lòng Giáo hội và chính các linh mục, chủng sinh người Việt góp phần lớn cho việc gìn giữ, phát triển Chữ Quốc Ngữ.

Riêng Lm Ts Nguyễn Đức Thông đã giới thiệu bức tranh toàn cảnh về chữ Quốc Ngữ và văn học Công giáo từ những năm tháng ươm mầm tới giai đoạn triển nở rực rỡ. Mỗi giai đoạn chuyển mình của Chữ Quốc Ngữ được đánh dấu bằng các tác phẩm Quốc Ngữ mới. Bắt đầu là công thức thánh tẩy của 35 giáo sĩ dòng Tên bằng chữ Quốc Ngữ, công thức thanh tẩy đã xuất hiện ngay từ năm 1645, đã thành câu, viết rời và sử dụng dấu chính xác: “Tau rữa mài nhân danh Cha và Con và Spirito Sancto”. Sau công thức thanh tẩy là cuốn Phép Giảng Tám Ngày và từ điển Việt-Bồ La của Alexandre de Rhodes, rồi tới Tự điển Annam - Latin của Bá Đa Lộc, tiếp theo là tập Lịch Sử Nước Annam và Từ điển Annam - LatinLatin - Annam của Giám mục Taberd và tiếp tục tới văn học Việt Nam thời cận đại và hiện đại. 

Theo cha, ba yếu tố thuận lợi của môi trường Việt Nam: con người sùng đạo, chủ trương hội nhập của các thừa sai và chữ Quốc Ngữ dễ học, dễ viết đã dẫn  tới thành công tốt đẹp về công trình truyền đạo và phát triển chữ Quốc Ngữ.

Lm Ts. Nguyễn Đức Thông coi chủ trương nâng đỡ chữ Quốc Ngữ của chính quyền Pháp thời Pháp thuộc và xu hướng tích cực phát triển chữ Quốc Ngữ của các trí thức Việt Nam thời cận đại là những yếu tố thuận lợi cho chữ Quốc Ngữ vươn lên. Có thể coi trình bày của cha như một tổng quan về văn học sử Công giáo Việt Nam. Các đề tài tuy không được trình bày với chuyên môn sâu nhưng đủ cho con cháu hiểu biết công ơn trời biển của ông bà tổ tiên.

Ngược với Lm Ts Nguyễn Đức Thông, Lm Gs Đào Trung Hiệu đã dừng bước đưa hội thảo viên tới chiêm ngưỡng một nhân vật tài danh trong khu rừng văn hóa Công giáo Việt Nam, thánh Philipphê Phan Văn Minh, vị thánh đã rạng danh trong toàn Giáo hội Việt Nam do đã chết vì đạo Chúa năm 1853, với án trảm quyết tại pháp trường Đình Khao, Vĩnh Long. Riêng ở đây Lm Gs Đào Trung Hiệu muốn giới thiệu cha thánh Minh như một chuyên viên ngữ học. Khi còn là chủng sinh Philipphê Minh đã cộng tác soạn thảo cuốn từ điển Dictionarium Anamitico-Latinum và Việt-Latinh. Trong cuốn này, chữ Quốc Ngữ không khác nhiều với tiếng Việt hôm nay.

Và thánh Minh cũng được giới thiệu là nhà thơ. Hồi ấy tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều thi đàn như Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú,  Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, Gia Định Tam Gia Thi Tập. Thánh Philipphê cũng mở một thi đàn, những bài thơ trên thi đàn được ghi lại trong tập Phi Năng Thi Tập nhằm trình bày đạo lý Chúa và khuyến khích giáo dân can đảm sống đạo. Lời Phi lộ của Phi Năng Thi Tập là tâm tình rất sốt sắng do Thánh Philipphê Phan Văn Minh viết: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa là phần gia nghiệp đời đời của tôi. Tôi xin chọn Thánh Danh Chúa làm chủ tể trong hội thi xướng họa này để tỏ lòng tha thiết kính yêu, và cũng là việc giải trí tốt đẹp trong đời sống thường ngày của hàng văn gia đất nước Đại Nam.”

Kết luận

Các thừa sai đến đất Việt không đi buôn bán, đi mua đất nhưng đi giảng đạo Chúa cho người Việt bằng ngôn ngữ Việt và may mắn thuở đó thế hệ các thừa sai ban đầu đã sáng nghĩ ra chữ Quốc Ngữ và cùng với những người dân bản xứ, tất cả cùng đổ mồ hôi sôi nước mắt định hình và phát triển chữ Quốc Ngữ làm ngôn ngữ rao giảng Tin Mừng và làm phương tiện tiếp cận thừa sai với các dân bản xứ.

Ước mong các thế hệ con cháu luôn trân trọng gìn giữ lấy chữ Quốc Ngữ như của gia bảo cũng là kho tàng văn hóa ông bà để lại. Ước mong các thế hệ con cháu biết chung lòng, góp sức phát triển lên mãi kho tàng văn hóa quý báu này.

Cuộc góp mặt hôm nay của các thuyết trình viên và các hội thảo viên đã thành lời biết ơn ngỏ với các tiền nhân vì món quà vô giá chúng ta đã nhận, Chữ Quốc Ngữ.

 

Linh Mục Giuse Trịnh Tín Ý, Thư Ký Ủy Ban Văn Hóa 
Nguồn: Ủy ban Văn hóa/HĐGMVN 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây