TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TGM Bà Rịa -Thông báo về Phụng Vụ

Thứ hai - 11/09/2023 19:27 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Võ Công Tiến |   590
Để thi hành huấn thị của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc đào tạo Phụng vụ trong Tông thư Desiderio Desideravi,
TGM Bà Rịa -Thông báo về Phụng Vụ

TOÀ GIÁM MỤC BÀ RỊA
227 Cách Mạng Tháng Tám, Phước Hiệp
Tp. Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Đt: (0254) 3737 873
Email: vptgmbr@yahoo.com; baria@cbc-vietnam.org 

Số: 110-23/TGM

Bà Rịa, ngày 10 tháng 9 năm 2023

THÔNG BÁO VỀ PHỤNG VỤ 

Kính gởi: Các linh mục, phó tế, tu sĩ
Và anh chị em giáo dân

Quý cha và anh chị em thân mến,

- Để thi hành huấn thị của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc đào tạo Phụng vụ trong Tông thư Desiderio Desideravi,

- Để thực thi chương trình “Đào tạo Phụng vụ” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tại Giáo phận Bà Rịa chúng ta, sau cuộc trao đổi với các cha trong buổi tĩnh tâm ngày 05 tháng 9 vừa qua, Đức Cha đã quyết định, từ nay:

1. Các cha sử dụng những tài liệu học hỏi về Phụng vụ do Uỷ ban Phụng tự biên soạn trong chương trình đào tạo cho Giáo dân tại các Giáo xứ, Giáo điểm và cộng đoàn tu sĩ.

2. Các cộng đoàn Phụng vụ cử hành Thánh lễ theo những thực hành được nêu lên trong bản hướng dẫn số 1 của Uỷ ban Phụng tự, đó là:

NHẬP LỄ:

- Chỉ sử dụng trống, trắc khi tập hợp cộng đoàn, trước khi đi rước.

- Kèn thổi khi đường rước xa, nhưng phải ngưng khi đoàn rước tiến tới cửa nhà thờ và phải thổi theo những bài thánh ca được chuẩn nhận.

Xông hương:

Trong một Thánh Lễ, xông hương theo một trong hai cách thức:

a. Theo cách Á Đông: xá nhang hoặc đốt hương trong lư hương trước khi hôn kính bàn thờ.

b. Xông hương theo truyền thống Âu Tây sau khi hôn kính bàn thờ.

Nghi thức nhập lễ:

- Linh mục đứng tại ghế ngồi chủ toạ, trừ trường hợp bất khả thi.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Công bố Lời Chúa

- Các cha thành lập Ban thừa tác viên Lời Chúa đảm trách phận vụ công bố Lời Chúa.

- Chỉ đặt một bục đọc Lời Chúa, đây cũng là giảng đài và nơi đọc Lời nguyện cộng đoàn.

- Trong Phụng vụ Lời Chúa, chính Chúa nói và cộng đoàn lắng nghe, cộng đoàn không đọc chung các bài Sách Thánh và Tin Mừng.

- Các thừa tác viên đọc sách: nam mặc áo Alba, hoặc âu phục có mang cà-vạt, nữ mặc áo dài.

- Trong lễ có cử hành Bí tích Hôn nhân, cô dâu chú rể không đọc Sách Thánh; và trong lễ An táng, thân nhân người quá cố cũng không đọc Sách Thánh, trừ phi không còn ai khác thi hành nhiệm vụ này (xem chú thích trong bản hướng dẫn).

Thánh vịnh Đáp ca

- Việc đọc/ hát thánh vịnh là nhiệm vụ của người xướng/ hát thánh vinh hoặc của thừa tác viên đọc sách. Họ sẽ đọc hoặc hát Thánh vịnh Đáp ca tại bục đọc sách – không đọc tại nơi ca đoàn.

Giảng lễ

- Thông thường, chính linh mục chủ tế sẽ giảng lễ, nhưng cũng có thể để một vị đồng tế hoặc phó tế giảng; không được để giáo dân giảng lễ.

- Phải giảng vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc; nên giảng trong lễ các ngày thường mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục Sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ.

- Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian ngắn.

- Người giảng lễ không được rời giảng đài; không ca hát, hỏi đáp, tặng quà… (những việc này dành cho lúc dạy giáo lý, giảng phòng, tĩnh tâm…)

Tuyên xưng đức tin

- Khi phải đọc kinh Tin Kính, chỉ được đọc hoặc hát một trong hai lời tuyên xưng Nicêa và của các Tông đồ. Không được thay thế bằng bất cứ bài hát nào, kể cả bằng những mẫu tuyên xưng trong nghi thức các bí tích khác.

Lời nguyện cộng đoàn (Lời nguyện tín hữu/ Lời nguyện chung)

- Phải đọc trong các Lễ Trọng, Lễ Chúa nhật, Lễ Thêm sức, Lễ Hôn phối, Lễ An táng.

- Các ý nguyện được đọc tại giảng đài hoặc một nơi thích hợp, do phó tế, một ca viên, một thừa tác viên đọc sách, hoặc các tín hữu giáo dân.

- Những ý nguyện phải giản dị, vắn tắt, tự nhiên và thận trọng, diễn tả ý nguyện của toàn thể cộng đoàn.

PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

- Bàn thờ để trống suốt phần Nhập lễ và Phụng vụ Lời Chúa.

Chuẩn bị lễ vật

- Không được để sẵn trên bàn thờ từ đầu lễ: chén thánh, rượu nước, bình đựng bánh lễ, sách lễ, khăn thánh (trừ khi phải sử dụng khăn thánh có kích thước lớn).

Kinh nguyện Thánh Thể

- Không được tự tiện thay đổi hoặc thêm bớt bất cứ lời nào trong Kinh nguyện Thánh Thể.

- Cộng đoàn quỳ từ sau lời tung hô Thánh Thánh Thánh đến hết vinh tụng ca “Chính nhờ Người”.

Truyền phép

- Các công thức truyền phép phải đọc rõ ràng và lớn tiếng.

Chúc bình an

- Sau lời “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, chủ tế thinh lặng chào chúc bình an cho các vị đồng tế, phó tế hoặc thừa tác viên đứng gần; các vị đồng tế hay thừa tác viên khác đứng gần nhau cũng làm như thế. Giáo dân ở các hàng ghế hai bên cũng quay vào giữa chào chúc bình an cho nhau.

KẾT LỄ

- Chỉ đọc câu “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” trong khi chờ bản dịch mới cho các công thức khác.

Cũng xin được phép nhắc nhớ quý cha điều 22 trong Hiến chế Phụng vụ của Công đồng Vatican II:

1. Việc điều hành Phụng vụ thánh tuỳ thuộc thẩm quyền duy nhất của Giáo Hội: nghĩa là thuộc quyền Tông Toà và chiếu theo giáo luật, cũng thuộc quyền Giám mục.

2. Do năng quyền được trao ban theo luật, việc điều hành Phụng vụ trong những phạm vi luật định, cũng được dành cho tập thể các Giám mục có thẩm quyền, được thiết lập cách hợp pháp trong từng địa phương.

3. Vì vậy, tuyệt đối không ai khác, dù là linh mục, được tự ý thêm bớt hay thay đổi một điều gì trong Phụng vụ.

Mong các thành phần Dân Chúa trong Giáo phận ngày càng quan tâm, ý thức học hỏi và thực hành để các việc cử hành các mầu nhiệm thánh luôn mang lại cho chúng ta dồi dào ơn Chúa.

Thân mến chào quý cha và anh chị em.

Thừa lệnh Đức Cha Giáo Phận

GIUSE VÕ CÔNG TIẾN
Linh mục Tổng Đại Diện
Giáo Phận Bà Rịa

 

Nguồn:  giaophanbaria.org (10.09.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây