TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính Tòa -2019

Thứ bảy - 08/05/2021 00:39 |   1017
Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính Tòa -2019

Thánh lễ đêm Giáng Sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột – 2019


“Thiên Chúa và con người gặp gỡ”

Lễ Giáng Sinh, cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người xẩy ra nơi Chúa Hài Đồng, Ðấng đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta (x Ga 1, 1-18).

Lễ Giáng Sinh, là ngày lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Người Con mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại như lời tiên tri Isaia: “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.” (Is 9, 5).

Lễ Giáng Sinh ngày nay đã trở thành ngày hội toàn cầu, mang một thông điệp hòa bình: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14).

Từ chiều ngày 24.12.2019, đã có hàng vạn người, không phân biệt màu da, tôn giáo, tập trung về khuôn viên Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, hòa chung niềm vui với các tín hữu Công giáo nơi đây mừng Chúa Giáng Sinh.

21 giờ 30, Cộng đoàn hiệp ý với Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Giám mục Giáo phận; Cha Giuse Trịnh Văn Hân - Cha sở Nhà thờ Chính tòa; Cha Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh – Cha phó, dâng Thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, cầu nguyện cho thế giới an bình.

Khởi đầu Thánh lễ, Đức Giám mục mời gọi Cộng đoàn cùng hiệp lòng với tất cả mọi anh chị em Kitô hữu trên toàn thế giới, hướng lòng về hang đá thờ lạy Ngôi Hai, Con Thiên Chúa Làm Người, đem bình an đến cho nhân loại.

Cầu xin Chúa ban cho tất cả những người có trách nhiệm trên toàn đất nước, cũng như trong tỉnh nhà, được mọi ơn lành phần hồn phần xác, và được ơn khôn ngoan, có được trái tim đầy lòng thương xót, hầu có thể yêu thương và chu toàn trách nhiệm phục vụ nhân dân một cách tốt đẹp nhất. Cầu nguyện cho những anh chị em đang đau bệnh, hoặc mắc ngăn trở không thể tham dự lễ Giáng Sinh. Cách riêng, chúng ta cầu nguyện cho những gia đình đang gặp khó khăn thử thách. Xin Chúa ban cho tất cả mọi người hưởng được niềm vui an bình của đêm Ngôi Hai xuống thế làm người.

Sau bài Tin Mừng (Lc 2, 1-14), Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ về ý nghĩa các Bài đọc loan báo về Đấng Cứu Thế được sinh ra trong thân phận của một hài nhi. Không những chỉ là một đứa bé, điểm khởi đầu của kiếp người, nhưng hài nhi này còn sinh ra trong cảnh nghèo khó, đến nỗi mà theo cái nhìn bình thường người ta không thể nhận biết Ngài là ai. Phải nhờ đến lời loan báo của các thiên thần, các mục đồng ngày xưa mới biết được Ngài là Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế. Hài nhi đó được sinh xuống trần để cứu nhân loại.

Đức Cha diễn giải việc Chúa Giê-su có thể cứu chúng ta về việc gì, và cứu chúng ta như thế nào? Con người ngày hôm nay, đối diện với những âu lo của kiếp người, trước những mưu toan tính toán để có được một đời sống tiện nghi giàu có hơn, đang tìm cách để thỏa mãn những đam mê của mình, có còn cần đến ơn cứu độ của Chúa Giê-su đem lại không? Để có thể trả lời cho những vấn nạn này, chúng ta cần phải xem lại Chúa Giê-su đã làm gì và những điều Ngài đã làm có còn ý nghĩa gì với con người ngày hôm nay không.

Đức Cha khẳng định: Nhờ sự nhập thể và nhờ gương mẫu của Ngài mà trong bản thân mỗi người công giáo chúng ta đang có sự thay đổi rất lớn: con người xác thịt bị ảnh hưởng do tội lỗi đang dần dần bị lột xác nhờ nỗ lực của niềm tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Mà nếu trong đời sống thường ngày, có những lúc chúng ta yếu đuối, muốn quy hàng những đam mê ích kỷ lại trỗi dậy trong chúng ta, hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đang hiện diện bên cạnh mỗi người, và Ngài đang mời gọi mỗi người chúng ta tiếp tục chiến đấu: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
(Mời nghe Bài Giảng)

Trước khi ban phép lành trọng thể cuối lễ, Đức Giám mục bày tỏ niềm vui vì năm nay, tất cả mọi tín hữu trong Giáo phận Ban Mê Thuột đều được tham dự Thánh lễ Giáng Sinh, kể cả những vùng trắng, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên như Giáo họ Phaolô, Kim Sơn ở huyện Krông Bông; Lạc Thiện, Krông Nô ở huyện Lăk; Ea Lê ở huyện Êa Súp; Chư Phả ở Ea H'leo; Ma D’răk, Cư Prao, Thuận Khánh ở giáp Khánh Hòa,… Ngài chúc tất cả mọi người mùa Giáng Sinh an lành, được tràn đầy sự bình an của Chúa Hài Đồng. Ngài cũng gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến tất cả những người già, những người đang đau yếu, bệnh tật.

"Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta".

Xin cho chúng con biết đặt Chúa Hài Nhi trong tâm hồn để chiêm ngắm, biến tâm hồn chúng con thành nệm ấm chăn êm cho Chúa ngự trị. Xin cho chúng con biết sống phó thác cho tình yêu Thiên Chúa, biết đem cả cuộc đời hiện tại để làm chứng cho Chúa, xin ban cho chúng con sự bình an đích thực qua Đức Kitô - Ánh Sáng Cứu Độ trần gian, để thông điệp hòa bình luôn hiện hữu trên chúng con. Xin cho chúng con biết chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với mọi người chung quanh, trong tinh thần yêu thương, tôn trọng và khiêm tốn.

 














 

 

Vũ Đình Bình


Mời xem HÌNH ẢNH 
 
Bài giảng Lễ đêm Giáng Sinh 2019

Lễ Đêm Giáng Sinh 2019 (Is 9, 1-6 ; Tt 2, 11-14 ; Lc 2, l-14)#

Anh chị em thân mến,

Đêm nay, trong bầu khí linh thiêng Mừng Chúa Giáng Sinh, chúng ta cùng hiệp lòng với tất cả mọi anh chị em Kitô hữu trên toàn thế giới, hướng lòng về hang đá thờ lạy Ngôi Hai, Con Thiên Chúa Làm Người, đem bình an đến cho nhân loại.

Đối với người Kitô hữu chúng ta, đêm nay có một ý nghĩa thật là đặc biệt: chúng ta hiểu và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với con người qua việc Con Thiên Chúa bỏ trời cao nhập thể trở nên người như chúng ta. Nhờ việc Nhập Thể của Ngài, con người tội lỗi tìm lại được địa vị làm con Thiên Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh.

Nhờ được trở nên con cái của Thiên Chúa người Kitô hữu luôn nỗ lực sống theo gương Chúa Giê-su, tích cực thánh hóa bản thân và góp phần xây dựng xã hội con người càng ngày càng tốt đẹp hơn.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho tất cả những người có trách nhiệm trên toàn đất nước, cũng như trong tỉnh nhà, được mọi ơn lành phần hồn phần xác, và được ơn khôn ngoan, có được trái tim đầy lòng thương xót, hầu có thể yêu thương và chu toàn trách nhiệm phục vụ nhân dân một cách tốt đẹp nhất.

Trong thánh lễ đêm nay, chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em đang đau bệnh, hoặc mắc ngăn trở không thể tham dự lễ Giáng Sinh. Cách riêng, chúng ta cầu nguyện cho những gia đình đang gặp khó khăn thử thách. Xin Chúa ban cho tất cả mọi người hưởng được niềm vui an bình của đêm Ngôi Hai xuống thế làm người.

Giờ đây, chúng ta cùng thành tâm thống hối, nhìn nhận mọi tội lỗi thiếu sót, xin Chúa thứ tha, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
 
Bài giảng

Anh chị em thân mến,

Đêm nay bao tâm hồn thiện chí đang hướng lòng về hang đá, chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su, Người Con mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại như lời tiên tri Isaia loan báo trong Bài đọc I: “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.” (Is 9, 5)

Điều mà Tiên tri Isaia loan báo 600 năm trước đã được các thiên thần báo tin cho các mục đồng vào đêm Chúa Giê-su giáng sinh làm người trong hang đá ở Be-lem: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 11 - 12)

Cả hai đoạn sách đều nói về Đấng Cứu Thế được sinh ra trong thân phận của một hài nhi. Không những chỉ là một đứa bé, điểm khởi đầu của kiếp người, nhưng hài nhi này còn sinh ra trong cảnh nghèo khó, đến nỗi mà theo cái nhìn bình thường người ta không thể nhận biết Ngài là ai. Phải nhờ đến lời loan báo của các thiên thần, các mục đồng ngày xưa mới biết được Ngài là Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế. Hài nhi đó được sinh xuống trần để cứu nhân loại. Vậy, Chúa Giê-su có thể cứu chúng ta về việc gì, và cứu chúng ta như thế nào?

Con người ngày hôm nay, đối diện với những âu lo của kiếp người, trước những mưu toan tính toán để có được một đời sống tiện nghi giàu có hơn, đang tìm cách để thỏa mãn những đam mê của mình, có còn cần đến ơn cứu độ của Chúa Giê-su đem lại không? Để có thể trả lời cho những vấn nạn này, chúng ta cần phải xem lại Chúa Giê-su đã làm gì và những điều Ngài đã làm có còn ý nghĩa gì với con người ngày hôm nay không.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giê-su, trong những năm còn tại thế, Ngài không đưa ra một chủ thuyết nào để lôi cuốn con người theo mình, Ngài chỉ làm cho điều Thiên Chúa muốn nơi con người được thể hiện trong chính bản thân mình. Bởi vì Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã có từ trước muôn đời, trở nên người giữa chúng ta, nên Ngài biết rõ về Thiên Chúa và biết rõ khả năng của con người có thể đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa như thế nào. Vì thế, điều quan trọng nhất mà Ngài đã thực hiện trong chính cuộc sống của mình và là mẫu gương cho con người tại thế đó là làm biểu hiện trong cuộc sống của con người khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thương con người và chia sẻ với con người sự thánh thiện của mình.

Có phải do ảnh hưởng của tội nguyên tổ mà con người không có khả năng vượt qua sự yếu đuối của chính mình để sống thân tình với Thiên Chúa? Thưa không. Chúa Giê-su trong thân phận con người, Ngài đã vượt qua những cám dỗ mạnh mẽ trong sa mạc, trước khi bước vào đời sống sứ vụ. Sau 40 ngày ăn chay trong hoang địa, Chúa Giê-su cảm thấy đói, và ma quỷ thách Ngài biến những viên đá thành bánh. Đây không chỉ là một cám dỗ về nhu cầu tự nhiên của cái ăn, cái mặc, nhưng là cám dỗ để khơi dậy lòng kiêu ngạo của con người.

Có phải vì ý thức về khả năng của mình mà con người khó có được sự khiêm tốn trước mặt Chúa? Thưa không? Chúa Giê-su, thân phận là Thiên Chúa, đã không đòi cho được vinh quang mình đang có, đã chấp nhận làm người yếu đuối như chúng ta để chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và cho chúng ta có được niềm tin vào khả năng của chính mình.

Có phải do bản tính ích kỷ làm cho con người chỉ biết nghĩ đến chính mình, chỉ biết lo cho mình và biến người khác thành phương tiện không? Thưa không? Chúa Giê-su đã đến để yêu thương mọi người, giúp cho mọi người nhận biết mình là anh chị em của nhau vì cùng có một Cha trên trời. Ngài đã yêu thương các môn đệ đến cùng. Ngài đã yêu thương tất cả mọi người, nhất là những con người đau khổ. Ngài đã đem lại niềm hy vọng cho những người bị bỏ rơi ngoài rìa xã hội: chữa lành người phung cùi, đem lại ánh sáng cho người mù, giúp cho người què bước đi trên chính đôi chân của mình.

Ngài tự ví mình như người mục tử tốt lành, tận tình chăm sóc cho đàn chiên: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Khi những người nghe Ngài thuyết giảng trong sa mạc bị lâm vào tình trạng thiếu thốn lương thực, Ngài đã giúp mọi người ăn no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Và khi lương thực trần gian không còn đủ khả năng nuôi dưỡng đời sống tâm linh của con người, Ngài đã lấy thính thịt máu mình làm của ăn cho mọi người: “Này là Mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn”.

Khi bị treo lên thập giá, bị đối xử một cách tàn tệ, Chúa Giê-su không đòi hỏi sự công bằng - báo thù, nhưng Ngài khai mở một con đường mới có khả năng giúp con người vượt qua cách suy nghĩ của công bằng giao hoán, để biết thông cảm, tha thứ cho sự yếu đuối của anh em mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ và ban sức mạnh của Thánh Thần, để các ngài hiểu và dám sống theo tinh thần mà Chúa Giê-su đã sống. Đến phần các môn đệ ra đi làm chứng cho đức tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh, các ngài đã thực sự để cho niềm tin vào Chúa Giê-su biến đổi họ, từ cách suy nghĩ lời nói, đến hành động: dám sống theo những giá trị mà Chúa Giê-su đem lại, trong khi cố gắng vượt thắng dần dần những cách suy nghĩ và hành động của con người tội lỗi.

Anh chị em thân mến,

Đêm nay chúng ta mừng ngày Con Thiên Chúa giáng thế làm người; chúng ta mạnh dạn làm chứng cho mọi người sống chung quanh chúng ta hiểu rằng: chúng ta thực sự tin vào giá trị cứu độ mà Chúa Giê-su dâng hiến cho nhân loại. Chúng ta khẳng định rằng nhờ sự nhập thể và nhờ gương mẫu của Ngài mà trong bản thân mỗi người công giáo chúng ta đang có sự thay đổi rất lớn: con người xác thịt bị ảnh hưởng do tội lỗi đang dần dần bị lột xác nhờ nỗ lực của niềm tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Mà nếu trong đời sống thường ngày, có những lúc chúng ta yếu đuối, muốn quy hàng những đam mê ích kỷ lại trỗi dậy trong chúng ta, hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đang hiện diện bên cạnh mỗi người, và Ngài đang mời gọi mỗi người chúng ta tiếp tục chiến đấu: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

Ước gì mỗi dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng lại biến cố khởi đầu của mầu nhiệm Nhập Thể Làm Người của Con Thiên Chúa; và trong dịp này, chúng ta cũng cần nhắc nhở nhau rằng, nếu vì yếu đuối mà có lúc chúng ta trở về số không, đừng ngần ngại bắt đầu lại với Chúa Giê-su, vì chính Ngài là Đấng đem lại cho chúng ta và thế giới này niềm hy vọng sống xứng đáng với giá trị con người. Hãy chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với mọi người chung quanh, trong tinh thần yêu thương, tôn trọng và khiêm tốn.

Xin chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

+ Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây