TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thông điệp Laudato si’ và đại dịch

Chủ nhật - 13/06/2021 21:23 | Tác giả bài viết: |   964
Tổ chức Centesimus annus Pro pontifice – Năm thứ 100 ủng hộ Đức Giáo hoàng, một thực thể của Vatican, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào ngày 13/6/1993.

Tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice, thông điệp Laudato si’ và đại dịch

Tổ chức Centesimus annus Pro pontifice – Năm thứ 100 ủng hộ Đức Giáo hoàng, một thực thể của Vatican, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thành lập vào ngày 13/6/1993. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận do giáo dân điều hành nhằm mục đích cổ vũ Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.

Trong gần ba mươi năm qua, Tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice đã dấn thân nghiên cứu, hiểu và áp dụng các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính. Dưới ánh sáng của thông điệp Laudato si' của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổ chức đã khởi xướng một cuộc đối thoại với các công ty quốc tế để đào sâu thêm việc thực hiện cụ thể các nguyên tắc của thông điệp. Ông Eutimio Tiliacos, Tổng Thư ký của tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice, nói với Vatican News rằng đó là vấn đề "trách nhiệm đối với toàn thế giới".

Trong thời đại dịch, trách nhiệm, các giá trị và lương tâm, những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Laudato si' về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đang trở lại mạnh mẽ hơn, ngay cả khi đối diện với một sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ mà trong những năm qua không đi cùng sự phát triển của con người và không hiểu biết về cách sử dụng đúng quyền lực.

Môi trường và con người

Từ lâu Tổ chức do bà Anna Maria Tarantola làm chủ tịch đã thực hiện sáng kiến “One to many”- Một đến nhiều, với mục đích để biết các tổ chức kinh doanh, giáo dục, chính trị và Lĩnh vực Thứ ba – các tổ chức không nằm trong lĩnh vực công và thương mại - đang thực hiện cụ thể các nguyên tắc được nêu trong thông điệp Laudato si’ như thế nào. Điều này cũng sẽ được thảo luận trong hội nghị quốc tế năm 2021 do tổ chức Centesimus Annus tổ chức, dự kiến ​​vào tháng 10 tới và dành riêng cho các chủ đề về liên đới, hợp tác và trách nhiệm như là nền tảng để xây dựng một thế giới hòa nhập hơn.

Ngoài ra, Tổ chức đã có các cuộc họp với  các công ty Enel, Eni, Snam của Ý về năng lượng, tập trung vào sự phát triển công nghệ dựa trên sự bền vững của môi trường và chuyển đổi năng lượng.

Ông Tổng Thư ký của tổ chức Centesimus Annus pro Pontifice, nhận xét trong một cuộc trò chuyện với Vatican News: “Đại dịch đã cho thấy rõ những giới hạn của công nghệ và mối quan hệ của nó với con người. Ông giải thích, công nghệ đặt ra những vấn đề rất mạnh mẽ về bản chất đạo đức và về mối quan hệ với đạo đức, những điều được nêu rõ trong Laudato si' và cũng được nhấn mạnh trong thông điệp Fratelli tutti – Tất cả anh em. Ông Eutimio Tiliacos lưu ý: "Đặc biệt, chủ đề trung tâm gắn kết hai thông điệp này là trách nhiệm của con người đối với việc sử dụng công nghệ, đối với việc sử dụng thứ gì đó một mặt mang lại lợi ích và mặt khác có thể gây ra vấn đề, vì chúng ta không chỉ làm thay đổi môi trường, mà trong những trường hợp nghiêm trọng, gây nguy hại cho chính con người".

Trách nhiệm đối với chúng ta và người khác

Đặc biệt, Tổ chức đọc lại thông điệp Laudato si' không "chỉ" từ  quan điểm "xanh" mà còn như một "thông điệp xã hội". Ông Tiliacos nhắc lại rằng, Đức Thánh Cha tái xác nhận một cách rất mạnh mẽ, không có cuộc khủng hoảng chỉ về môi trường hay chỉ về xã hội: chúng là hai mặt của cùng một vấn đề. Để làm được điều này, rõ ràng là cần phải can thiệp vào nhân cách, tâm trí, tinh thần của mỗi người và đặc biệt của những người có trách nhiệm lớn hơn đối với hoạt động kinh doanh, cả từ quan điểm chính trị và kinh tế ở cấp độ toàn cầu, quốc gia nhưng cả ở cấp độ địa phương.

Cách thức thực hiện là áp dụng một phương pháp bằng cách giao cho cá nhân trách nhiệm để có thể can thiệp ngược lại đối với những gì không hoàn hảo, những sai sót đã được thực hiện trong quá khứ, đưa đến việc phải chịu trách nhiệm không chỉ cho những gì cá nhân có thể làm hoặc đang làm, nhưng vì những gì đã làm trong quá khứ.

Đó là một phương pháp không được giới hạn trong việc nhìn thấy tác động của những gì chúng ta làm ngay lập tức, khi tiếp xúc với những người có mối tương quan và do đó có thể áp dụng cho các tình huống cụ thể. Nhưng theo những gì Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta làm, phương pháp này dựa trên quan điểm rộng hơn về trách nhiệm đối với toàn thế giới, với nhân loại nói chung, ngay cả những người chúng ta không nhìn thấy và sẽ không bao giờ nhìn thấy bởi vì họ là những người sống ở những nơi khác nhau trên thế giới, những người mà chúng ta sẽ không bao giờ tiếp xúc, nhưng họ phải chịu hậu quả của việc chúng ta làm, cũng như chúng ta phải chịu ảnh hưởng của việc người khác làm.

Từ quan điểm này, ông Tiliacos tiếp tục giải thích chủ đề bền vững là chủ đề dẫn chúng ta trở lại mối quan hệ giữa cá nhân và bên thứ ba, nơi các bên thứ ba không phải là vợ/chồng và con cái của chúng ta hoặc đồng nghiệp của chúng ta mà là toàn thể nhân loại. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong Thông điệp: “Không có biên giới và rào cản chính trị hay xã hội nào cho phép chúng ta tự cô lập mình và vì lý do này không có chỗ cho toàn cầu hóa thờ ơ”.

Cần phải đứng dậy từ sự vấp ngã

Từ viễn tượng này cũng phát sinh các động lực mới để giải quyết tình trạng khẩn cấp do đại dịch đang diễn ra. Vì thế Tổ chức Centesimus Annus được huy động để khuyến khích các hình thức bác ái cụ thể. Đức Thánh Cha đã đề cập đến điều này trong thư gửi tới bà Chủ tịch Tarantola vào năm ngoái.

Trong thư, trích lời của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Côrintô “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12, 26), Đức Thánh Cha cám ơn Tổ chức vì đã sẵn sàng chủ động ứng phó với đại dịch, bằng cách cố gắng hỗ trợ, đồng hành và khuyến khích các dự án giúp chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe do Covid-19.

Đức Thánh Cha còn nêu cụ thể về những hoạt động của Tổ chức: “Tại thời điểm này, các khoản đóng góp mà tôi nhận được bằng tiền đã được định hướng để mua máy thở và các yếu tố quan trọng khác có thể giúp đảm bảo sự an toàn của nhân viên y tế. Chúng tôi đã gửi đến các bệnh viện ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp và Madagascar. Chúng tôi phải ưu tiên hỗ trợ các bệnh viện ở châu Phi, nơi trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực có tay nghề cao vốn đã khan hiếm, lại càng bị thiếu hụt để giải quyết một đại dịch ở mức độ này. Tôi sợ rằng trong tương lai không xa, chúng có thể sụp đổ và cuối cùng  gây ra thiệt hại lớn. Một lần nữa, tôi rất vui khi biết rằng chúng tôi có thể tin tưởng vào anh chị em vì đã đáp ứng tình trạng khẩn cấp của anh chị em  chúng ta trong điều kiện dễ bị tổn thương trong đại dịch này. Chúng ta biết rằng, mỗi khi chúng ta làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất, là chúng ta làm cho chính Chúa Giêsu (Mt 25,40).

Trong Thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh về điều tệ hơn cuộc khủng hoảng này đó là thảm kịch của sự lãng phí nó.

Ông Paolo Garonna, giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Luiss Guido Carli và là thành viên của ủy ban khoa học của Tổ chức Centesimus Annus, ghi nhận: "Trong Laudato si', chúng ta tìm thấy ý tưởng: trong tự nhiên và trong các quá trình sản xuất và phân phối tự nhiên và của con người về của cải, tất cả đều có ích, mọi thứ đều có ý nghĩa. Đó là một chút tầm nhìn quan phòng, thậm chí là cánh chung, về các quá trình kinh tế và xã hội, do đó nó mời gọi chúng ta từ chối nền kinh tế lãng phí và từ chối nền kinh tế mà theo một cách nào đó, chỉ chú ý để những ai là kẻ mạnh và kẻ chiến thắng".

Giáo sư Garonne nói thêm: “Vì vậy, thất bại cũng cần thiết, chúng ta cần đứng dậy sau cú vấp ngã, từ những khủng hoảng, chúng ta cần học hỏi để cố gắng nắm bắt mọi cơ hội. Cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đến những phương thức sản xuất mới, những cách thức tổ chức xã hội mới, những cách thức chung sống mới. Nó sẽ đòi có một sự hướng dẫn mạnh mẽ. Và trên hết, nó sẽ đòi hỏi các nền tảng đạo đức của các quá trình chung sống xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta phải được củng cố, nếu không có những điều này, chúng ta không thể định hướng và điều hành tương lai, với nguy cơ bị lấn át bởi sự không chắc chắn”.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây