TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thư Caritas - Tháng 06/2021

Thứ bảy - 29/05/2021 06:53 | Tác giả bài viết: |   1052
Tháng Sáu cũng là tháng Hè của các em học sinh, có ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6) và ngày Quốc tế phòng chống lao động trẻ em (12/6). Nhân dịp này, chúng ta cùng suy nghĩ đến việc trẻ em tham gia lao động trong gia đình và trong xã hội.
Thư Caritas - Tháng 06/2021
UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS VIỆT NAM
Địa chỉ: 319 Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước,
Quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: +84 (28) 3727-1904
Email văn phòng: caritasvietnamccsa@gmail.com

 

Số 27/01/2021/CVN

Tp. Thủ Đức, ngày 28 tháng 5 năm 2021

THƯ CARITAS - THÁNG 06/2021:
PHÒNG CHỐNG LAO ĐỘNG TRẺ EM

Kính gởi: Quý Cha Giám đốc Caritas Giáo phận, anh chị em hội viên, tình nguyện viên, và ân nhân Caritas

Kính thưa Quý Cha và Anh chị em,

Chúng ta đón chào tháng Sáu, tháng kính Thánh tâm Chúa Giêsu. Qua trái tim nhân lành của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đang bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho nhân loại, đặc biệt người nghèo và trẻ em. Tháng Sáu cũng là tháng Hè của các em học sinh, có ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6) và ngày Quốc tế phòng chống lao động trẻ em (12/6). Nhân dịp này, chúng ta cùng suy nghĩ đến việc trẻ em tham gia lao động trong gia đình và trong xã hội.

1. Trẻ em và lao động

Thiết tưởng phòng chống lao động trẻ em không có nghĩa là chống lại mọi hình thức trẻ em tham gia lao động, kể cả những công việc thường nhật trong gia đình. Chúng ta không còn ở thời kỳ coi lao động như hình thức hạ thấp phẩm giá con người. Điều cần lưu ý là giúp trẻ em tiếp cận việc lao động như thế nào. Năm 2020, khi kêu gọi hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em, Đức giáo hoàng Phanxicô đã coi việc ép buộc trẻ em lao động là “một hiện tượng cướp đi tuổi thơ của các bé trai và bé gái và gây nguy hiểm cho sự phát triển toàn diện của các em.”[1] Kiểu nói “gây nguy hiểm cho sự phát triển toàn diện” lưu ý chúng ta trong việc giáo dục con người toàn diện. Trẻ em đang tiếp cận thế giới của người lớn, do đó phải có sự giáo dục tiệm tiến, mang tính sư phạm, giúp các em tập đón nhận thế giới này với tất cả những giá trị và thách đố của nó.

Khi còn nhỏ, trẻ em được đưa vào thế giới của trò chơi. Nấu ăn, bán hàng, khám bệnh, dạy học, chăm sóc búp bê… là những trò chơi chuẩn bị cho các em tiếp cận thế giới thực mà chúng sẽ phải sống sau này. Điều quan trọng là trong khi tổ chức trò chơi cho các em, cũng phải giúp các em dần dần bước ra khỏi thế giới trò chơi để đi vào thế giới thực. Thế giới trò chơi mang tính sư phạm trong việc giáo dục con người làm quen với thực tế. Tuy nhiên, dừng lại trong thế giới trò chơi quá lâu mà không có khả năng thoát ra khỏi đó để đi vào thế giới thực, con người sẽ trở nên ích kỷ, ấu trĩ, thiếu trách nhiệm. Do đó, là những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục, chúng ta cần giúp các em tiếp cận thế giới thực một cách tiệm tiến và có ý thức. Trẻ em học tiếp cận thế giới thực bằng những công việc tùy theo lứa tuổi như chăm sóc nhà cửa, quét nhà, rửa chén bát, quan tâm đến các em nhỏ hơn trong gia đình, giúp cha mẹ những công việc nhẹ nhàng… Hơn nữa, lao động là một cách thức quan trọng giúp con người đón nhận thế giới và đón nhận nhau trong tinh thần liên đới và trách nhiệm.

2. Trẻ em và lao động trẻ em

Điều 3 của Bộ luật Lao động Việt Nam (2019) định nghĩa “người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi.” Như vậy, lao động trẻ em là người dưới 16 tuổi làm việc cho người sử dụng lao động.

Vì trẻ em rất dễ có nguy cơ bị bóc lột bởi người sử dụng lao động vốn quan tâm đến lợi nhuận kinh tế hơn là tôn trọng phẩm giá con người, nên cần phải có những qui định bảo vệ chúng tránh khỏi tình trạng mà Đức giáo hoàng Phanxicô gọi là “không khác gì nô lệ.” Hơn nữa, các em chưa đủ năng lực bảo vệ chính mình, nên dễ rơi vào tình trạng nô lệ bởi những người theo “quan điểm cho phép đối xử với con người như đồ vật.”[2]

Tại Việt Nam, người sử dụng lao động thường là những người thuê trẻ em làm việc nhà, và bản chất công việc này lại thường diễn ra trong khung cảnh gia đình, nên các trẻ em có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị phân biệt đối xử, bóc lột, và lạm dụng. Theo một ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tại Việt Nam có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động; hơn một nửa trong số đó đang phải đảm nhận những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.[3]

Là tổ chức bác ái và cổ võ việc nâng cao nhận thức về quyền con người, chúng ta cố gắng giúp các em, đặc biệt các con em trong gia đình chúng ta, hiểu được ý nghĩa của lao động; tránh áp lực trẻ em phải đảm nhận vai trò kinh tế, vì như thế là “cướp đi tuổi thơ của các bé trai và bé gái.” Đức thánh cha Phanxicô lưu ý không thể lấp đầy những khoảng trống kinh tế và xã hội bằng cách sử dụng lao động trẻ em. “Trẻ em là tương lai của gia đình nhân loại: tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển, sức khỏe và sự thanh bình cho các em!”[4]

Trong tháng Sáu, chúng con xin gởi lời chúc mừng Bổn Mạng đến quí Cha Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phụ tá Giám đốc Caritas các Giáo phận Mỹ Tho, Phú Cường, Hà Nội, Hà Tĩnh, Bùi Chu (Thánh Gioan Tẩy Giả 24/6), Nha Trang, Kon Tum, Long Xuyên, Phan Thiết, Qui Nhơn, Lạng Sơn, Caritas Việt Nam (Phêrô 29/6), Thanh Hóa (Phaolô 29/6). Xin chân thành cám ơn sự cộng tác của quý Cha và nguyện xin Thánh Bổn Mạng chúc lành cho quý Cha.

Kính mến,

Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám Đốc Caritas Việt Nam

Nguồn: caritasvietnam.org 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây