TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tưởng niệm Cuộc Thương Khó tại Vatican

Thứ sáu - 02/04/2021 19:22 |   1045
Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, lúc 6 giờ theo giờ Roma, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Tưởng niệm Cuộc thương khó của Chúa Giêsu tại Bàn thờ Ngai toà, bên trong Đền thờ Thánh Phêrô.

Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu tại Đền thờ Thánh Phêrô

va030421a

Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, lúc 6 giờ theo giờ Roma, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi Tưởng niệm Cuộc thương khó của Chúa Giêsu tại Bàn thờ Ngai toà, bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Vì lý do các ca nhiễm virus corona tại Ý nói chung và tại Roma nói riêng vẫn đang tăng cao, nên các cử hành trong Tuần Thánh diễn ra với những hạn chế về số người tham dự và hình thức cử hành. Năm nay, cũng như năm ngoái, vì đại dịch, để tránh lây nhiễm virus, sau nghi thức Tôn vinh Thánh Giá, chỉ một mình Đức Thánh Cha hôn kính Thánh Giá.

Bài giảng trong buổi Tưởng niệm Cuộc Thương Khó năm nay do ĐHY Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của phủ giáo hoàng, đảm trách.

Đức Hồng Y đã chọn câu 29, đoạn 8 của thư thánh Phaolô gởi tín hữu Roma là chủ đề: “Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”.

Ngài nói:

Ngày 3/10 năm ngoái, trên mộ Thánh Phanxicô ở Assisi, Đức Thánh Cha đã ký thông điệp về tình huynh đệ “Fratelli tutti – Tất cả anh em”. Chỉ trong thời gian ngắn, thông điệp đã khơi dậy nơi nhiều con tim khát vọng hướng tới giá trị phổ quát này, làm lộ ra nhiều vết thương ngược với tình anh em trong thế giới ngày nay. Thông điệp cũng đã chỉ ra một số con đường để đạt đến tình huynh đệ chân chính và đích thực, và đã khuyến khích tất cả – mọi người và các tổ chức – dấn thân vì tình huynh đệ này.

Thông điệp đã được gửi trực tiếp đến nhiều người, trong và ngoài Giáo hội: thực tế là cho toàn thể nhân loại. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống: từ cá nhân đến công đồng, từ tôn giáo đến xã hội và chính trị. Xét vì chân trời phổ quát này, nên thật đúng khi nó tránh việc hạn chế cuộc thảo luận chỉ về những gì dành riêng cho Kitô hữu. Tuy nhiên, ở cuối thông điệp, nền tảng Tin Mừng về tình huynh đệ được tóm tắt trong một vài từ nhưng đầy sống động.

Những người khác uống từ các nguồn suối khác. Đối với chúng ta, suối nguồn của nhân phẩm và tình huynh đệ nằm trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Từ đó khơi nguồn, cho tư tưởng Kitô giáo và cho hoạt động của Giáo hội, sự ưu tiên dành cho mối tương quan, cho sự gặp gỡ với mầu nhiệm thánh thiêng của người khác, và cho sự hiệp thông phổ quát với toàn thể nhân loại như một ơn gọi của tất cả mọi người.

Trong Tân Ước, “anh em”, theo nghĩa nguyên thuỷ, có nghĩa là người được sinh ra từ cùng một cha và cùng một mẹ. Sau đó, “anh em” được hiểu là những người thuộc cùng một dân tộc và quốc gia. Vì vậy, thánh Phao-lô nói rằng ngài sẵn sàng bị nguyền rủa, bị xa lìa Đức Kitô, vì anh em đồng bào của mình theo huyết thống, tức là dân Israel (x. Rm 9: 3). Và dĩ nhiên là trong những bối cảnh này, cũng như bối cảnh khác, “anh em” bao gồm cả nam lẫn nữ, anh chị em.

Trong Tân Ước, anh em là những môn đệ của Chúa Giêsu, những người đón nhận giáo huấn của Người. “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12, 48-50).

Theo dòng chảy này, Phục Sinh đánh dấu một giai đoạn mới và mang tính quyết định. Đức Kitô trở thành “Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Các môn đệ trở thành anh em theo một nghĩa mới và hết sức sâu sắc: họ không chỉ chia sẻ giáo huấn của Chúa Giêsu, mà còn cả Thần Khí của Người, sự sống mới của Đấng đã sống lại. Điều đáng chú ý là chỉ sau khi phục sinh, lần đầu tiên, Chúa Giê-su mới gọi các môn đệ là “anh em”: Chúa nói với Maria Mác-đa-la: “hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’” (Ga 20,17). Trong thư Dothái: Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em (Dt 2,11).

Sau Phục sinh, đây là cách sử dụng phổ biến nhất của từ “anh em”; nói đến anh em trong đức tin, thành viên của cộng đoàn Kitô giáo. Anh em “cùng huyết thống” cũng trong trường hợp này, nhưng là huyết thống của Đức Kitô! Điều này làm cho tình huynh đệ trong Chúa Kitô trở nên điều đó độc đáo và siêu việt, so với bất kỳ tình huynh đệ nào khác, và cũng vì Chúa Kitô là Thiên Chúa. Tình huynh đệ này không thay thế các loại tình huynh đệ khác dựa trên gia đình, quốc gia hay chủng tộc, nhưng làm tăng phẩm giá cho chúng. Tất cả mọi người là anh em trong tư cách là thụ tạo của cùng một Thiên Chúa là Cha. Với đức tin Kitô giáo, chúng ta có thêm một lý do thứ hai. Chúng ta là anh em không chỉ bởi được tạo dựng, mà còn được cứu chuộc; không chỉ bởi vì tất cả chúng ta đều có cùng một Cha, nhưng còn vì tất cả chúng ta đều có cùng một người anh em là Đức Kitô, “Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”.

Dưới ánh sáng của những điều này, chúng ta có một vài suy tư hiện thực. Tình huynh đệ được xây dựng bằng việc bắt đầu với người thân cận, với chúng ta, không phải bằng những kế hoạch lớn lao, với những mục tiêu đầy tham vọng và trừu tượng. Điều này có nghĩa là tình huynh đệ phổ quát bắt đầu với chúng ta, với tình huynh đệ trong Giáo hội Công giáo. Chưa kể đến tình huynh đệ giữa tất cả các tín hữu trong Đức Kitô, tức là đại kết.

Tình huynh đệ Công giáo đang bị thương tích! Chiếc áo của Chúa Kitô đã bị xé toạc bởi sự chia rẽ giữa các Giáo hội; nhưng cũng không kém phần nghiêm trọng khi mỗi mảnh của chiếc áo thường bị chia thành các mảnh khác nữa. Dĩ nhiên là chúng ta nói đến yếu tố con người, bởi vì không ai có thể xé được chiếc áo thật của Chúa Kitô, tức là nhiệm thể của Người được Chúa Thánh Thần linh hoạt. Trong mắt Thiên Chúa, Giáo hội là “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, và sẽ vẫn như vậy cho đến tận thế. Tuy nhiên, điều này không bào chữa cho sự chia rẽ của chúng ta, nhưng nó giúp ý thức về tội lỗi của mình và thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ hơn để chữa lành.

Nguyên nhân phổ biến nhất của sự chia rẽ giữa những người Công giáo là gì? Không phải là giáo thuyết, không phải là các bí tích và các thừa tác vụ: là tất cả những điều mà chúng ta tuân giữ trọn vẹn và đồng tâm nhất trí bởi ân sủng riêng của Thiên Chúa.

Nhưng là lựa chọn chính trị, khi nó được ưu tiên hơn lựa chọn tôn giáo và giáo hội, và ủng hộ một hệ tư tưởng. Ở một số nơi trên thế giới, đây là yếu tố thực sự của sự chia rẽ, ngay cả khi nó không được nói ra hoặc bị phủ nhận một cách coi thường. Đây là một sự xấu hổ, theo nghĩa chặt chẽ nhất của từ này. Có nghĩa là “vương quốc của thế giới này” đã trở nên quan trọng hơn trong lòng con người hơn là Vương quốc của Thiên Chúa.

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều được kêu gọi kiểm điểm lương tâm nghiêm túc về điều này và thành tâm hoán cải.

* * *

Chúng ta phải học từ Tin Mừng và từ gương của Chúa Giê-su. Đã có một sự phân cực chính trị mạnh mẽ xung quanh Ngài. Đã có bốn phái: Pharisêu, Sađốc, Hêrôđê và phái nhiệt thành. Chúa Giê-su không đứng về phía nào trong số họ và mạnh mẽ chống lại nỗ lực kéo Ngài sang bên này hay bên kia. Cộng đồng Kitô giáo nguyên thủy đã trung thành theo Chúa trong lựa chọn này. Đây là một ví dụ điển hình cho những chủ chăn, phải là chủ chăn của cả đàn, không chỉ của một thành phần. Do đó, họ là những người đầu tiên phải kiểm điểm lương tâm một cách nghiêm túc và tự hỏi xem liệu mình đang dẫn dắt đoàn chiên của mình đi đâu: về phía mình hay về phía Chúa Giêsu. Công đồng Vatican II đã uỷ thác cho giáo dân nhiệm vụ mang những chỉ dẫn xã hội, kinh tế và các chính sách của Tin Mừng vào những lựa chọn khác nhau, trong sự tôn trọng người khác và ôn hoà.

* * *

Nếu có một ân sủng hay một đặc sủng riêng mà Giáo hội Công giáo phải vun trồng vì lợi ích của tất cả các Giáo hội, thì đó là sự hiệp nhất. Chuyến viếng thăm gần đây của Đức Thánh Cha đến Iraq đã khiến chúng ta tận mắt cảm nhận được ý nghĩa của nó, đối với những người bị bách hại hoặc đã sống sót sau các cuộc chiến và sự ngược đãi, thì họ cảm thấy mình là thành phần của một thân thể phổ quát; và làm cho chúng ta chứng kiến việc một ai đó có thể khiến phần còn lại của thế giới nghe thấy tiếng kêu của họ và làm tái sinh niềm hy vọng. Một lần nữa sứ mạng của Chúa Kitô trao cho thánh Phêrô đã được thực hiện: “hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22,32).

Chúng ta dâng lên Đấng đã chết trên thập giá “để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác” (Ga 11,52) ngày nay, với “con tim sám hối và tinh thần khiêm nhường”, lời cầu nguyện mà Giáo Hội dâng lên mỗi Thánh Lễ, trước khi Hiệp Lễ:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa; xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

---

Sau buổi Tưởng niệm Cuộc thương khó, lúc 9 giờ tối, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá tại quảng trường Thánh Phêrô.

Văn Yên, SJ - Vatican News Tiếng Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây