TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GHCGVN: Nỗ lực truyền giáo 50 năm qua

Thứ năm - 10/06/2021 03:39 | Tác giả bài viết: UB Loan Báo Tin Mừng |   1249
GHCGVN: Nỗ lực truyền giáo 50 năm qua

Giáo Hội Công giáo Việt Nam và nỗ lực truyền giáo 50 năm qua

MỞ ĐẦU

Lịch sử Giáo Hội chính là lịch sử truyền giáo, vì Sứ Mạng Truyền Giáo tạo nên và duy trì sức sống của Giáo Hội. Trong sách Giáo Lý Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam in dưới hình thức các câu hỏi - đáp, bài “Lịch sử Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam” [NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2004, tr. 44, bài 21] nhắc cho người giáo dân rằng: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu. Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái [Eph 4,15-16]”. Hội Thánh được sinh ra và lớn lên cùng với Đức Kitô trong sức mạnh Chúa Thánh Thần. Bài giáo lý đó cũng đề cập chặng đường 50 năm của Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam khi đặt ra các câu hỏi: Hàng Giám Mục Việt Nam được thiết lập năm nào? Hiện nay Hội Thánh Việt Nam có bao nhiêu Giáo phận? Năm 1980 Hội Thánh Việt Nam có sự kiện nào đáng ghi nhớ? Người tín hữu Việt Nam ngày nay sống Đức Tin giữa lòng dân tộc như thế nào? Những câu hỏi này dù đã được trả lời, nhưng ta vẫn có thể khám phá thêm những nhân tố nào đã tác động để công cuộc truyền giáo mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên Đất Nước chúng ta.

1. GIỚI HẠN PHẠM VI ĐỀ TÀI

Nhóm Nghiên Cứu Loan Báo Tin Mừng của chúng tôi thấy rằng đề tài Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Và Nỗ Lực Truyền Giáo 50 Năm Qua bao quát nhiều lãnh vực thuộc các Uỷ Ban Mục Vụ khác. Do vậy, chúng tôi tập trung cái nhìn vào góc độ chỉ đạo của các Giám Mục Việt Nam từ năm 1960 cho đến nay tích tụ trong những văn thư mà các Vị đã ban hành, hoặc gửi cho các tín hữu trong giáo phận hoặc toàn quốc liên quan tới sứ mạng Truyền Giáo. Đó là điểm nhấn của bài viết này.

2. THOÁNG NHÌN TIẾN TRÌNH TRUYỀN GIÁO

Trong thời kỳ Bảo Trợ (1533 – 1659), ngươi Đại Việt được tiếp nhận Phúc Âm nhờ bao công lao vất vả của các Vị Thừa Sai ban đầu. Đến thời kỳ Tông Toà (1659 – 1960). nhờ ơn Chúa củng cố nền tảng Đức Tin vững chắc, các tín hữu đã tiếp tục trưởng thành đến độ có thể làm chứng nhân bằng hiến cả mạng sống cho Hội Thánh được lớn mạnh, và “khi thời gian đã mãn” Hội Thánh tại Việt Nam đã hiên ngang bước vào thời kỳ Chính Toà kể từ năm 1960 tới nay, theo Sắc Chỉ Venerabilium Nostrorum ngày 24/11/1960 của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII về việc thiết lập phẩm trật Giáo Hội tại Việt Nam (x. Niêm Giám 1964 – Việt Nam Công giáo, trang 174).

Trong thoáng nhìn ấy, người tín hữu Việt Nam vẫn đọng lại trong tâm tư những lời khuyên nhủ, các giáo huấn, hướng dẫn, và những chia sẻ tâm tình của các Vị Chủ Chăn kính mến nơi giáo phận, cũng như trên toàn quốc. Nơi đây, chúng tôi chỉ ghi lại một số lời các chủ chăn tác động hiệu quả tới công cuộc Truyền Giáo mà chúng ta đang bàn.

3. THẬP NIÊN CUỐI THỜI KỲ TÔNG TOÀ

Thư Chung 1951: Giữ gìn Đức Tin và bước đi thận trọng

Lịch sử có lối đi riêng của nó. Đức Tin của người Công giáo lại bị coi như vật cản của một chính thể mới. Trước những khó khăn cho việc truyền đạo và sống đạo, các Giám Mục tại Đông Dương lúc đó đã họp tại Hà Nội từ 05-10/11/1951 dưới quyền chủ tọa cuả ĐGM John Dooley Khâm Sứ Toà Thánh Tại Đông Dương để soạn thư chung mô tả tình hình Giáo Hội và đưa ra phương thức đối phó, trong đó có đoạn: “Vậy, hỡi các bạn linh mục thân yêu, anh em hãy dạy cho dân chúng biết học thuyết xã hội Công giáo, nhất là phải nhấn mạnh vào hai nhân đức nền tảng: công bình và bác ái. Cả giáo sĩ và giáo dân, hãy sống một đời Công giáo sâu xa đặt nền trên nguyên tắc Phúc Âm. Đức bác ái cuả bổn đạo thời xưa đã chinh phục được thế giới trở lại. Bác ái là nhịn nhục, chịu đựng, tha thứ và thành thực muốn làm sự lành cho người khác. Đức bác ái cuả Chúa Kitô đã toàn thắng tật ghen tương của thế gian thì đức bác ái của anh em cũng sẽ thắng cơn ghen ghét của những địch thù Thiên Chuá”. Trong số 11 Giám Mục ký thư chung này có 5 Giám Mục là người Việt Nam (GM Phêrô Ngô Đình Thục, GM Anselmô Lê Hữu Từ, GM Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, GM Đôminicô Hoàng Văn Đoàn, GM Giuse Maria Trịnh Như Khuê).

Trong thời điểm có vẻ đen tối này, thì một an ủi lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam đó là ngày 29/4/1951 Đức Thánh Cha Piô XII suy tôn chân phước 25 vị Tuẫn Đạo Việt Nam. Biến cố này cũng cố đức tin của người Công giáo Việt Nam (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 30)

Thư Chung 1952: Sống đạo trong dòng văn hóa dân tộc

Các Giám mục tại Việt Nam luôn cố gắng theo sát diễn biến thời cuộc, nên năm 1952 đã gửi một thư chung nữa để nhấn mạnh sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu, mà mọi Kitô hữu phải dự phần theo “nhiệm vụ giáo hóa và hướng dẫn trong phạm vi Đức Tin và Luân lý” của giáo quyền. Thư chung đề cao lòng yêu mến nền văn hóa dân tộc: “Hội Thánh Chúa Kitô không thể nghĩ đến việc chỉ trích hay miệt thị những tính cách riêng biệt mà từng dân tộc với lòng sùng kính ham chuộng và sự hãnh diện sáng suốt bảo tồn và coi như một di sản quí hoá”. Về mặt xã hội, thư chung cảnh cáo: “Tư sản là một thực quyền phát nguyên từ nhân vị, muốn phá tư sản tức là đồng thời muốn huỷ hoại trật tự trong xã hội”. Giáo huấn của thư chung cũng hô hào giáo dân tham gia sinh hoạt các đoàn thể Công giáo tiến hành để được huấn luyện sống đạo vững chắc hơn.

Để cụ thể hóa các giáo huấn về truyền giáo, các Giám Mục đã quyết định thành lập một “Trung tâm hoạt động tông đồ giáo dân” và đặt Linh Mục Gérard Gagnon (Cha Nhân), dòng Chúa Cứu Thế điều khiển trung tâm. Sau này Cha Gagnon đã lập “biệt thự Thánh Tâm” tại Đà Lạt giúp tập trung huấn luyện nhiều đoàn viên tông đồ cho các đoàn thể của nhiều giáo phận. Cộng tác với Cha Gagnon có Linh Mục Bart. Nguyễn Trí Mạnh (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 34).

Thư Chung 1953: Phân biệt phạm vi Công giáo và phạm vi chính trị

Băn khoăn về tình hình phức tạp của thời cuộc và ý thức trách nhiệm của chủ chăn, nên các Giám Mục lãnh đạo Giáo Hội viết thêm một thư chung để chỉ ra những nguyên tắc cụ thể về những hoạt động thuộc phạm vi quốc gia hay thế tục. Trong đó xác định Công giáo là một “đoàn thể hoàn toàn tôn giáo và là thành phần của Hội Thánh chung cho thế giới, và không bao giờ có ý nghĩa Hội Thánh là một đoàn thể chính trị”. Từ nguyên tắc này các Giám Mục xác định quyền “nói nhân danh Hội Thánh Việt Nam” - “Không gia nhập một đảng phái chính trị nào và không phản đối chính thể nào, nếu chính thể đó biết công nhận những quyền lợi bất di dịch của Hội Thánh” - Người Công giáo “được tự do nhập đoàn thể hay đảng phái chính trị họ thấy am hợp, miễn là những đoàn thể đảng phái đó tôn trọng tôn chỉ hay trong chương trình hoạt động không có gì phản trái với một lương tâm Công giáo sáng suốt”.

Thư chung cũng nhấn mạnh người Công giáo lúc nào “cũng phải giữ đạo Công giáo một cách khiêm tốn nhưng cương quyết”. Mặt khác, các giám mục cũng tìm cách phổ biến sâu rộng giáo dục Công giáo, nên Đức Khâm sứ Dooley đã mở hội nghị báo chí Công giáo 30/3/1954, có 13 tờ báo tham dự, lập ra uỷ ban liên lạc báo chí Công giáo Việt Nam. Uỷ ban đã không thực hiện đuợc mục tiêu vì xảy ra biến cố di cư 1954 (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 34 và các trích dẫn HGPCGVN từ tr. 109-114)

Biến cố lịch sử: cuộc di cư 1954

Hiệp Định Genève 1954 chia đội đất nước Việt Nam: từ vĩ tuyến 17 lên phía Bắc thuộc chế độ cộng sản, phần còn lại là miền Nam tự do. Giáo Hội Việt Nam cũng chịu chung số phận chia cắt này, vì phần bị chia cắt ở miền Bắc lại là phần rất đông giáo dân. Khoảng 650.000 giáo dân đã rời bỏ miền Bắc di cư vào Nam, tìm tự do và được giữ đạo dễ dàng hơn. Cùng cuộc di cư này, còn có mấy trăm ngàn đồng bào khác. Các linh mục, tu sĩ người nước ngoài cũng dần dần phải rời bỏ nhiệm sở miền Bắc.

Đức Cha Phêrô Maria Phạm ngọc Chi được Đức Khâm sứ Dooley trao nhiệm vụ coi sóc giáo dân và giáo sĩ di cư. Có hai linh mục phụ tá là Mic. Nguyễn Khắc Ngữ giáo phận Lạng Sơn và Dom. Hoàng Mạnh Hiền, dòng Đa Minh.

Trong thời điểm chia cắt phũ phàng này, nhiều vị chủ chăn đã chọn thi hành sứ mạng trong thử thách của chế độ mới, nhiều vị đã vào miền Nam tự do lại trở ra Bắc để ươm trồng và truyền giảng Phúc Âm. Vị Giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh như Khuê, một người nổi tiếng khôn ngoan, thánh thiện và cương quyết đã xây dựng và khánh thành một nhà thờ mới do một linh mục thừa sai ngoại quốc làm chính xứ chỉ vài tháng trước khi thành lập nhà nước cộng sản miền Bắc vào năm 1954 (Histoire universelle des missions catholiques. Vol III, p. 232-233-photos). Thời gian ngắn sau đó, các thừa sai cũng phải ra đi. Cha Paul Carat MEP viết về Đức Cha Khuê: “Chúng tôi được lãnh đạo bởi một con người thánh thiện, Ngài nêu gương sáng cho mọi người ... Ngài lợi dụng tự do tương đối đi thăm Phủ Doãn Tông Toà của Ngài. Bị chặn chỗ này, Ngài chạy chỗ khác, và nài nỉ tín hữu giữ Đức Tin kiên cường ... Ngài nói: “Nếu sau này các giáo dân của tôi phải chịu khổ thể xác hay tâm hồn, thì chính tôi là người phải trả lẽ trước mặt Chúa” (Lettres du P. Paul Carat, MEP).

Sau cuộc di cư, 10 giáo phận miền Bắc chỉ còn lại 7 Giám Mục, 374 Linh Mục và một số ít tu sĩ phục vụ 750.000 tín hữu. Xem ra biến cố 1954 là một thử thách gay go cho sự sống đạo và truyền đạo của Giáo Hội Công giáo cả 2 miền Nam - Bắc tại Việt Nam: Sứ mạng truyền giáo phải thích nghi theo dòng lịch sử.

Trong góc độ truyền giáo, ý nghĩa của sứ mạng Phúc Âm lúc này nhấn mạnh vào cầu nguyện, hy sinh, và chia sẻ. Những tín hữu Việt Nam lúc này chính là những hạt giống tuyệt hảo nhất đang được gìn giữ ấp ủ trong kho lẫm của Thiên Chúa, đợi ngày tung gieo trên cánh đồng quê hương. Thời điểm này chưa phải là mùa gặt để có thể nói tới con số các tín hữu gia tăng do những phong trào truyền giáo hằng mong ước chỗ này hoặc chỗ kia.

Cũng nên nhắc lại ở đây sau Hiệp Định Genève 1954, vì tình hình chính trị, vị Khâm sứ Toà Thánh đóng ở miền Bắc Việt Nam, không liên lạc được với các lãnh thổ khác thuộc quyền, vì vậy ngày 15/2/1956 Toà Thánh đặt một vị Thanh tra Tông Toà tại Saigon. Sau đó, ngày 13/3/1957 vị Thanh tra Tông Toà được nâng lên thành Đại lý Khâm Sứ (x. Niêm Giám 1964 - VNCG tr. 166). Đến năm 1959 vị Khâm Sứ Toà Thánh rời Hà Nội. Toà Thánh thiết lập Toà Khâm Sứ tại Saigon. Đức Cha Mario Brini được cử làm Khâm Sứ Toà Thánh ở Việt Nam. Ngài có công rất lớn trong việc Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam.

Từ những ghi nhận trên đây, ta có thể hướng tới thời kỳ Chính Toà đầy phấn khởi đã gặt hái nhiều kết quả, và làm nảy sinh những viễn tượng lạc quan hơn.

4. BỐI CẢNH NHỮNG NĂM 1960 ĐẾN 1980

Thư Chung Mùa Chay 1960: Phản ứng cuả các Giám Mục miền Nam

Trước tình hình giáo dân miền Bắc di cư, các giáo phận miền Nam đã mở rộng vòng tay đón tiếp, hỗ trợ cuộc sống vật chất, an ủi và chia sẻ cuộc sống tinh thần. Nhiều họ đạo gốc Bắc đã mọc lên ở khắp nơi, từ đồng bằng miền Tây, cao nguyên miền Đông cho tới duyên hải miền Trung, lên đến tận Tây Nguyên miền núi. Công cuộc truyền giáo vẫn nương theo đà di dân mà mở rộng.

Các Giám Mục miền Nam nhìn nhận tình hình biến động xã hội - chính trị của đất nước ở cả hai miền, đã bày tỏ một thái độ cảnh giác cao trong thư chung Mùa Chay ngày 2/3/1960. Trong đó phê phán gắt gao cộng sản vô thần. Đó là một chủ trương hoàn toàn đối nghịch với “tất cả những gì là tinh thần, siêu nhiên, tín ngưỡng, hoặc đạo lý ; nói cách khác, nó hoàn toàn đối nghịch với chân lý nói chung, và học thuyết Công giáo nói riêng”. Quan điểm này dựa trên bối cảnh lúc đó thế giới đang có cuộc chiến tranh lạnh giữa khối tự do và cộng sản. Bên cạnh Việt Nam là một Giáo Hội Công giáo Trung Quốc đã bị ngăn cách trong vòng kiểm soát và cai trị của cộng sản, và thực tế tại Việt Nam làn sóng cộng sản đang lan dần từ phương Bắc xuống phương Nam, gây nên những mối lo âu trong dân chúng. Những lời lẽ kết án mạnh mẽ đối với cộng sản trong thư chung này là điều dễ hiểu, hợp logic, có tính đề phòng đối phó, và tự vệ (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 38 - 41 và các trích dẫn Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Việt Nam [HGPCGVN], tr. 126 – 144.)

Ý nghĩa của Sứ mạng Tin Mừng trong thư chung này là củng cố Đức Tin: người tín hữu phải được nuôi dưỡng và tăng trưởng tối đa bằng những giá trị lành mạnh của luân lý Công giáo, để vươn cao nơi trần gian như lúa tốt phải cao hơn, lớn hơn, mạnh hơn để đè bẹp cỏ lùng đang vươn lên trong đồng ruộng (x. Mt 13, 24-30).

“Năm Vàng” của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Hội Đồng Giám Mục được khai sinh

Trong khi Giáo hội Công giáo Việt Nam trải qua những biến cố sôi động đó thì Đức Giáo Hoàng PIO XII qua đời, và Đức Giáo Hoàng GIOAN XXIII đắc cử ngày 28 tháng 10 năm 1958. Ngài mở đầu một kỷ nguyên mới cho Giáo Hội Công giáo toàn cầu. Ngày 25/01/1959 Ngài tuyên bố mở Công Đồng Vaticanô II. Một tin chấn động hoàn cầu và thế giới Công giáo.

Riêng với Giáo Hội Công giáo Việt Nam, ngày 24/11/1960, Đức Giáo Hoàng GIOAN XXIII ban sắc chỉ VENERABILIUM NOSTRORUM thiết lập Hàng Giáo Phẩm (Hierarchia Episcopalis) tại Việt Nam. Tin vui đó được coi là biến cố rất vĩ đại, đầy ủi an mà Chúa thương đổ xuống trên con cái của hằng trăm ngàn vị tuẫn đạo, và giờ đây còn đang đón nhận biết bao thử thách.

Với sắc chỉ này, Giáo Hội Công giáo Việt Nam phấn khởi và đầy Niềm Tin bước vào Kỷ Nguyên Công Đồng Vaticanô II. Giáo Hội Công giáo Việt Nam phải trở thành chứng nhân lớn của Đức Tin trên quê hương và toàn thế giới.

Vài nhận định về Sắc Chỉ

– Mặc nhiên công nhận công lao vô cùng to lớn của các vị thừa sai ngoại quốc trong sứ mạng Loan Báo Tin Mừng cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong việc tổ chức, đào tạo Kitô hữu Việt Nam trở thành những thánh tử đạo, những Tông đồ nhiệt thành.

– Các tín hữu Việt Nam được an ủi và khích lệ khi đã tỏ ra kiên cường trong đức tin, sống đạo sốt sắng, duy trì hiệp nhất và tuân theo quyền bính của Giáo Hội.

– Giáo Hội Việt Nam được tăng thêm 3 giáo phận mới, không lâu sau được thêm một giáo phận nữa, chứng tỏ sức mạnh truyền giáo của Giáo Hội.

– Việc phân chia giáo phận mới giúp thúc đẩy hơn việc truyền giáo. Bởi vì đó cũng là phân chia và xác định trách nhiệm của sứ mạng Tông Đồ.

– Sắc Chỉ cũng đặc biệt lưu ý việc đào luyện thanh niên có ơn gọi. Do đó càng thúc đẩy mạnh mẽ việc truyền giáo.

– Sắc Chỉ vẫn thúc đẩy dân Chúa tại Việt Nam vững bước tiến vào tương lai.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ca ngợi cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam

Đức Giáo Hoàng muốn xác định những ưu điểm của giáo dân Việt Nam trong công cuộc sống đạo và truyền giáo, nên Ngài đã gửi thông điệp 14/1/1961 để khích lệ tinh thần cộng đồng dân Chúa Việt Nam: “Còn giáo dân Việt Nam phải nhìn nhận trong cái danh dự cao quý này không những một bằng chứng nâng cao giá trị cho những truyền thống Công giáo cố hữu ở đây, truyền thống đã được đánh dấu bằng máu các thánh tử đạo ... Từ nay hầu hết các địa phận ở Việt Nam sẽ do các Giám Mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng một cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ ... Những huấn dụ, những chỉ thị do các vị Giáo Hoàng ban bố qua các thông điệp truyền giáo đã có hiệu quả dồi dào và đã được khắp nơi tuân theo một cách trung thành” (x. HGPCGVN 1960 - 1995, tr. 145-15). Sự quan tâm của Đức Giáo Hoàng GIOAN XXIII còn thể hiện qua việc nâng đền thờ La Vang (22/8/1961) và nhà thờ chánh toà Saigon (13/11/1962) lên Vương Cung Thánh Đường. Và tới ngày 18/1/1963 lập giáo phận Đà Nẵng tách ra từ giáo phận Quy Nhơn thuộc Giáo Tỉnh Huế (x. Niêm Giám 1964 – Việt Nam Công giáo, trang 178).

Nhìn lại bối cảnh sinh hoạt của Giáo Hội tại miền Bắc

Khi Toà Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, thì cũng lại là lúc Đất Nước bị chia cắt làm hai miền. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc bằng Hiệp Định Genève 1954, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cách hai miền Nam, Bắc. Trong khoảng thời gian 300 ngày kể từ khi ký kết Hiệp Định, nhân dân hai miền được tự do chọn lựa nơi định cư. Giáo dân, Linh Mục và cả Giám Mục nữa, từ miền Bắc vào miền Nam để khỏi phải sống chung với cộng sản vô thần. Giáo dân Hà Nội di cư 95%, Nam Định 90%, nhiều xứ họ giáo dân rời bỏ quê hương hết một nửa. Giáo phận Hà Nội có hơn 160 Linh Mục người Việt Nam, nay chỉ còn lại 60, phần nhiều là tuổi cao. Giáo phận Hải Phòng còn lại 10 Linh Mục già yếu. Giáo phận Lạng Sơn còn lại một Linh Mục và một thầy Kẻ Giảng. Vị Linh Mục duy nhất này, Cha Vincentê Phạm Văn Dụ, trong sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đã được Toà Thánh phong làm Giám Mục chính toà địa phận Lạng Sơn, nhưng phải đợi 19 năm sau, tức năm 1979, nhân khi Trung Quốc đem quân tràn sang biên giới phía Bắc, Ngài di tản về Bắc Ninh và được Đức Giám Mục Bắc Ninh Phaolô Phạm Đình Tụng tấn phong trong âm thầm lặng lẽ. Cùng được phong Giám Mục chính toà trong văn kiện trên đây của Toà Thánh, còn có Cha Đa Minh Đinh Đức Trụ, Giám Mục Thái Bình, người sẽ phải cải trang làm anh đạp xích lô đến Hà Nội để được Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê tấn phong trong đêm. Đức Tân Giám Mục Thái Bình đã “hò hẹn” với Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh trên một con thuyền lênh đênh giữa sông để tấn phong Cha làm Giám Mục chính toà giáo phận Bùi Chu.

Gian nan là thế, nhưng rất may mắn là “Đức Cha Khuê có một bộ tham mưu trẻ, có năng lực ở bên cạnh. Công việc hàng đầu: lúc nào cũng là củng cố đức tin trước thời đại đầy thử thách … Nhà in Têrêxa do Cha Trần Văn Mai làm giám đốc, còn bao nhiêu giấy tốt, đều cho in sách Kinh Bổn. Toà Giám Mục Hà Nội dự định làm sao cho mỗi gia đình trong địa phận cũng như ở các nơi đều ít ra có một bộ sách Kinh Bổn. Nhà in còn trù liệu in tất cả các sách đạo bằng tiếng Việt, nhất là các sách tháng Đức Bà, tháng Trái Tim, tháng các Linh Hồn, để mọi người có sẵn trong tầm tay ít là thức ăn cần thiết cho đức tin. Sách tóm Bốn Phúc Âm cũng là sách đứng ưu tiên hàng đầu. Sở dĩ lúc đó không đặt ưu tiên vào bộ Thánh Kinh, một là vì không đủ kinh phí, hai là lúc này chưa có bộ Thánh Kinh hoặc Tân Ước được phổ biến rộng rãi, giáo dân còn ít đọc Sách Thánh”.

“Lịch Công giáo năm 1956 được in bằng thứ giấy đẹp nhất, tốt nhất. Làm thế vì nghĩ rằng, sau này không biết có in được lịch nữa không, hoặc có giấy mà in không. Nên lần này có thể là in lịch cuối cùng, phải in rất kỹ rất bền để dùng cho các năm sau”

Đức Cha Khuê còn soạn một bộ giáo lý dưới hình thức câu hỏi – thưa. Ngài chỉ thị các nhà thờ, vào ngày Chúa Nhật, phải đọc một đoạn trước khi giảng. (Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng: những câu chuyện về một thời, tập II, Hà Nội 2007, trang 72-73).

Trong lúc hàng giáo sĩ chuẩn bị những “thức ăn cần thiết nhất cho đức tin”, thì giáo dân vẫn sống đạo theo cung cách xa xưa của cha ông, kinh vãn chuỗi hạt là những “món ăn” hàng đầu trong các buổi cầu nguyện mà vắng bóng Linh Mục. Thường khi là cả năm mới được dự một thánh lễ, nhưng nhà thờ họ vẫn leo lét ngọn đèn chầu. Ấy là công lao vất vả của ông trùm, hàng tuần đạp xe cả mấy chục cây số, cung nghinh Thánh Thể cho giáo đoàn chịu lễ mỗi sáng Chúa Nhật và duy trì ngọn đèn chầu cho các buổi kinh hạt sáng chiều … có những họ đạo hàng mấy chục năm chưa nhìn thấy Giám Mục của mình, Đức Cha (Giuse Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục Bắc Ninh), trong chuyến thăm viếng mục vụ tháng 2/1999, đã ban phép Thêm Sức cho những cộng đoàn mà giáo dân tuổi từ 8 đến 80, đã “gỡ rối” cho hàng trăm đôi vợ chồng chưa hề lãnh nhận bí tích Hôn Phối mà nay đã con đàn cháu đống. Bà con bảo nhau, gọi nhau, từ vùng sâu vùng xa, cơm nắm muối vừng về gặp Giám Mục (Vũ Sinh Hiên: Quê Hương và Hội Thánh – Từ những chuyến đi, Saigon, 1999).

Người ta vẫn nhắc lại đó đây hình ảnh những chứng nhân đức tin đã dấn thân chịu đựng những thử thách gay gắt, căng thẳng nhất để như hạt giống thối đi cho hôm nay Hội Thánh tại miền Bắc được sinh hoa kết quả. Đó là những câu truyện về một số Đức Cha mà một thời người ta đã gọi là Giám Mục “chui” vì được thụ phong âm thầm lặng lẽ, hoặc trong cảnh trốn tránh vì gặp nhiều khó khăn từ phía nhà cầm quyền, như Đức Cha Khuất Văn Tạo (Bắc Ninh), Đức Cha Đa Minh Đinh Đức Trụ (Thái Bình), Đức Cha Giuse Phạm Năng Tĩnh (Bùi Chu), Đức Cha Bùi Chu Tạo (Phát Diệm), Đức Cha Phêrô Phạm Tần (Vinh), Đức Cha Vinh Sơn Phạm Văn Dụ (Lạng Sơn), Đức Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Đức (Vinh) ….. (x. Công giáo Trên Quê Hương Việt Nam, Chương 28 & 29, Tập II của Lm. JMT Nguyễn Thế Thoại, xuất bản 2001). Nhiều vị trên đây đã không thể rời Toà Giám Mục để đến với đoàn chiên mà chỉ cư trú trong Toà Giám Mục hằng 10, 20, 30 năm. Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều Linh Mục, thầy Giảng hoặc nam nữ tu sĩ và giáo dân đã đồng lao cộng khổ với các Giám Mục của mình trong nhiệm vụ tông đồ như đã mô tả trên. Đó là những chứng nhân đức tin, những hạt giống nẩy mầm của Giáo Hội miền Bắc.

Còn đối với đoàn chiên đã ra đi thì các Giám Mục miền Bắc đã tìm ra hướng sinh hoạt tương đối ổn định cho họ. Mỗi giáo phận đều có một trụ sở mà vị đại diện của giáo phận ấy coi sóc, mỗi giáo phận cũng tổ chức một ủy ban quản trị tài sản của giáo phận mình gồm 4 thành viên. Thêm vào đó, các Dòng tu hoặc chủng viện của các giáo phận cũng sinh hoạt và có tuyển sinh hằng năm. Riêng các chủng viện từ niên khóa 1960-1961 ngưng tuyển sinh để dần dần sát nhập vào chủng viện của giáo phận địa phương miền Nam. Ngoài ra, các sở và các nhà thờ giáo xứ di cư được phân phối trên toàn miền Nam. Các nhà thờ mọc lên “như nấm” làm cho các giáo phận miền Nam như vui hơn.

Dù ngay cả khi Đất Nước đã được thống nhất liền một dải vào năm 1975, thì vẫn còn đó cảnh tù tội mà không có bản án, cảnh quản chế của nhiều Linh Mục, của các cụ trùm, ông quản giáo, anh ca trưởng v..v… Đến thời kỳ đổi mới (1986), sau Đại Hội VI của Đảng Cộng Sản cầm quyền, sinh hoạt của Giáo Hội hai miền Nam – Bắc tạm thời được dễ chịu dần dần, tuy mức độ xử lý sinh hoạt tôn giáo nặng nhẹ mỗi nơi mỗi khác, tuỳ theo trình độ và tâm tính của cán bộ địa phương.

Gặp lại nhau, Giáo Hội miền Nam xin chân thành ngả nón trước ý chí kiên cường, lòng trung thành của Giáo Hội miền Bắc đối với Thiên Chúa, đối với Hội Thánh. Lại càng thán phục hơn nữa khi chỉ 30 năm, Giáo Hội miền Bắc đã mau lẹ tiếp thu những phát triển của Hội Thánh toàn cầu, khiến hôm nay “mặt bằng” đức tin và hiểu biết của hai miền, giáo sĩ cũng như giáo dân, đã có chung một tiếng nói, một đồng cảm dành cho Nhà Chúa.

Bối cảnh sinh hoạt của Giáo Hội tại miền Nam

Tại miền Nam tính từ dưới vĩ tuyến 17, năm 1954, Giáo Hội đã tiếp nhận khoảng hơn 800.000 tín hữu gồm đủ mọi thành phần từ Giám Mục, Linh Mục đến các tu sĩ và giáo dân (x. Công giáo Trên Quê Hương Việt Nam, Chương 29, Tập II của Lm. JMT Nguyễn Thế Thoại, xuất bản 2001). Công việc trước mắt là ổn định nơi ăn chốn ở cho con số giáo dân khổng lồ này, công việc không chỉ riêng là của nhà cầm quyền mà là của cả giới lãnh đạo Giáo Hội nữa. Hàng loạt các giáo xứ được thiết lập từ miền Trung tới đồng bằng sông Cửu Long. Con nhà có đạo di cư bỏ nhà cửa ruộng nương lại sau lưng, nhưng vẫn muốn giữ “căn cước” của mình. Giáo dân Tam Toà lại lập giáo xứ Tam Toà, giáo dân Phát Diệm lại lập giáo xứ Phát Diệm, thành ra hôm nay, khi Đất Nước đã liền một dải mà có hai giáo xứ cùng tên ở hai miền Nam – Bắc. Bỗng chốc, Giáo Hội miền Nam chẳng cần phải loan báo Tin Mừng mà có hàng ngàn giáo xứ, hàng trăm ngàn tín hữu. Giáo dân miền Nam vốn chân chất, giữ đạo theo phong cách Nam Bộ, uyển chuyển nhẹ nhàng, ít câu nệ hình thức, thì nay sống chung với những cộng đoàn Bắc di cư, thích rềnh rang cờ quạt chiêng trống. Rồi đây những miền đất hứa mưa thuận gió hoà, khác hẳn với thời tiết khắc nghiệt ở phương Bắc, sẽ đưa bà con đến những cánh đồng bội thu, rồi cần cù làm lụng, chắt chiu tiền bạc, họ lại xây cất những thánh đường nguy nga, mua sắm những giàn trống kèn làm ngỡ ngàng dân Nam Bộ. Có những họ đạo Nam Kỳ rặt, nay đón nhận một số giáo dân Bắc Kỳ di cư, rồi chỉ vài năm sau, những người mới nhập cư này vốn năng động, khéo ăn khéo nói, họ cũng nhận làm ông câu ông biện như ai. Nói chung, việc đạo đã không gặp khó khăn nào trong việc hội nhập và tái cấu trúc Giáo Hội ở bên dưới vĩ tuyến 17.

Chỉ hai năm sau Hiệp Định Genève và bốn năm trước ngày thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, Toà Thánh đã phê chuẩn và cho thi hành Hiến Chương Công giáo Tiến Hành Việt Nam vào năm 1956. Hiến Chương này đã mở rộng cánh cửa cho công việc Loan Báo Tin Mừng qua các đoàn thể Công giáo tiến hành. Giáo dân thoải mái tham gia các hội đoàn tuỳ theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người. Có những đoàn thể chuyên biệt dành cho những người cùng ngành nghề hoặc cùng một hoàn cảnh sinh hoạt: hướng đạo Công giáo, thanh sinh công, thanh lao công, trí thức Công giáo, thanh niên thánh nghiệp… Có những đoàn thể không chuyên biệt, ai tham gia cũng được như Legio Mariae, các dòng ba Đa Minh – Phanxicô, Cát Minh… Tất cả các hội đoàn này đều nhằm mục đích: thánh hoá bản thân tín hữu, giáo dục các thành viên theo linh đạo Hội Đoàn, và loan báo Tin Mừng cho mọi người xung quanh. Không còn bàn luận gì nữa, việc Loan Báo Tin Mừng không chỉ là ở trong nhà thờ, trên toà giảng, mà là bằng chính cuộc sống yêu thương, bác ái của Kitô hữu. Từ nhiều thế kỷ trước, hiệu quả của công việc Loan Báo Tin Mừng đã từ những thúng thuốc nam của các “Bà Mụ”, các Chị dòng Mến Thánh Giá, len lỏi vào các thôn làng hẻo lánh, cũng như hôm nay từ những lần thăm hỏi ân cần của anh chị em hội viên Legio Mariae (tạm dịch là Tông đồ Mẹ Maria) đến với từng người neo đơn cô quạnh.

Thêm vào đó, hiện nay hầu như mỗi giáo phận đều đã thiết lập Trung Tâm Mục Vụ, cơ quan đầu não của giáo phận lo huấn luyện giáo dân và hoạch định chương trình Loan Báo Tin Mừng trong toàn giáo phận.

Tại miền Nam, sau năm 1954, dân chúng được hưởng tự do ở bước đầu áp dụng chế độ dân chủ. Ngoài việc các hội đoàn được sinh hoạt thoải mái, có tư cách pháp nhân được chính quyền công nhận và được giao lưu với các đoàn thể quốc tế, các giáo phận, các dòng tu, các hội đoàn còn được tự do sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí và truyền thanh. Trong khuôn khổ hạn hẹp, không thể kể hết ra đây những cơ quan báo chí do Giáo Hội chủ trương hoặc có khuynh hướng Kitô giáo do Giáo Hội đề xướng, những chương trình truyền thanh trên các làn sóng do Nhà Nước chủ quản. Tất cả những phương tiện truyền thông đại chúng này đã giúp rất nhiều vào việc thông tin các sinh hoạt của Giáo Hội trong nước và toàn cầu, giáo dục đức tin cho người tín hữu, loan báo Tin Mừng cho đồng bào. Để hiểu được tầm quan trọng này, chúng ta chỉ cần suy diễn từ sự kiện độc đáo là đồng bào thiểu số vùng cao Tây Bắc đã gặp gỡ Đức Kitô và giữ được ngọn lửa Đức Tin, chỉ là nhờ những làn sóng phát thanh từ hải ngoại truyền về mà đồng bào đã lén lút nghe trộm trong đêm khuya. Đức Đương kim Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêđíchtô XVI, khi còn là Hồng Y, đã chẳng tuyên bố rằng có bao nhiêu con người là có bấy nhiêu con đường dẫn đến gặp gỡ Chúa sao!

Góp tên trong danh sách báo chí và nhà xuất bản của Giáo Hội tại Việt Nam, ta có thể kể ra những đặc san như: Thông Cảm (giới sinh viên CG) – Thánh Nghiệp (Giới thanh niên) – Đồng Tháp (GP. Mỹ Tho) – Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (DCCT) – Đức Mẹ La Vang (Huế) – Legio Mariae – Lửa Mến (Gia đình Phạt Tạ) – Tin Vui (Dòng Phanxicô) – Trái Tim Đức Mẹ (Dòng Đồng Công) – Tông Đồ (Truyền bá Phúc Âm) – Những tuần báo như: Sống Đạo – Thẳng Tiến ; những nguyệt san như: Sacerdos – Nhà Chúa ; những nhà xuất bản như: Chân Lý – Thiện Mỹ - Đa Minh – Hiện Tại – Ra Khơi – Thánh Gia – Thánh Tâm – Liên Châu – Phúc Hải – Tân Định – Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp… (x. Niêm Giám 1964 – Việt Nam Công giáo, trang 508 - 512). Rất nhiều sáng kiến truyền giáo được thể hiện đa dạng trong nội dung những văn phẩm nói trên. Do vậy, có thể nói công tác truyền giáo đã được phát khởi xuất sắc ngay từ những ngày đầu Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thiết lập.

Sau khi cuộc sống của dân di cư Công giáo từ miền Bắc đã ổn dịnh, các giáo phận miền Nam bỗng nhận thấy mình quá tải. Đã đến lúc phải thành lập các giáo phận mới để sinh hoạt trong Giáo Hội được thuận tiện và hiệu quả hơn. Giáo phận Long Xuyên (1960) tách ra từ giáo phận Vĩnh Long ; giáo phận Đà Nẵng (1963) được tách ra từ giáo phận Qui Nhơn ; giáo phận Ban Mê Thuột (1967) được thành lập từ giáo phận Kontum. Từ giáo phận thủ đô Saigon, hàng loạt các giáo phận được hình thành để chia bớt gánh nặng với… “Tây Đàng Trong”: Đà Lạt (1960); Mỹ Tho (1960); Xuân Lộc (1966); Phú Cường (1966) và Phan Thiết (1975). Sau năm 1975, sang thiên niên kỷ III, giáo phận Bà Rịa Vũng Tàu (2005) tách ra từ giáo phận Xuân Lộc, nâng tổng số giáo phận của Việt Nam Công giáo lên con số 26.

Giáo Hội tại miền Nam với công cuộc Loan Báo Tin Mừng sôi nổi, với những thành quả nhãn tiền cứ tưởng như là lên núi Tabor đến nơi rồi, nào ngờ, con đường Thiên Chúa dẫn dắt Giáo Hội là xuống dốc lên đèo đến thế! Ngày 30/4/1975, toàn bộ miền Nam rơi vào tay chính quyền Cộng Sản miền Bắc. Một bộ phận nhỏ giáo dân bỏ nước ra đi, nhưng tuyệt đại đa số giáo dân ở lại với Quê Hương, không một vị nào trong Hàng Giáo Phẩm ra đi như năm 1954.

Một số Văn thư của các Giám Mục Việt Nam

Trước hết khi đề cập đến Hội Đồng Giám Mục trong thời khoảng 1960-1975, ta nên hiểu đó là các Giám Mục miền Nam, vì sự gián đoạn mối liên lạc Bắc - Nam không thể có gặp gỡ các Giám Mục của 2 miền.

Từ khi có Hội Đồng Giám Mục, các Giám Mục Việt Nam có nhiều dịp gửi huấn dụ chung đến mọi thành phần dân Chúa trên quê hương như:

Ngày 8/11/1963: Các Giám Mục dự họp Công Đồng Vaticanô II viết thư gửi các linh mục vừa thuật truyện Công Đồng, vừa kêu gọi các linh mục hãy nghiên cứu giáo lý và mục vụ truyền giáo sâu xa hơn để đáp ứng đòi hỏi của Công Đồng. Trong thư cũng đề cập một thái độ văn hoá là cần dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, cố gắng làm cho Chúa Kitô có bộ măt Việt Nam

Ngày 22/1/1964: Các Đức Giám Mục ra thông cáo về việc kiện toàn tổ chức Hội Đồng Giám Mục- Canh tân Phụng Vụ - Tìm giải quyết vấn đề quân dịch cho các chủng sinh - Duy trì và phát triển Đại Học Đà Lạt - Khuyến khích các cơ quan ngôn luận Công giáo phục vụ giáo lý và sống đạo - Xác định thái độ Giáo Hội đứng bên ngoài các tranh giành chính trị. Thông cáo này rút ra từ nội dung thư luân lưu viết cùng ngày. Ngoài 9 Giám mục Việt Nam ký tên còn có các Đức Cha Marcel Piquet Nha Trang, Đức Cha Paul Seitz Kontum, và Đức Cha André Jacq hiệu Toà Cesara.

Năm 1966, các Giám Mục Việt Nam có gửi thư lên Đức Giáo Hoàng nói về sinh hoạt của Giáo Hội tại Việt Nam như việc huấn luyện tai Học Viện Giáo Hoàng Đà Lạt, tổ chức Caritas, và các sáng kiến tông đồ khác, nên Đức Giáo Hoàng gửi thư phúc đáp và an ủi. Nhân đó khi họp thường niên tại Saigon, các Giám Mục đã theo tinh thần của Đức Thánh Cha phổ biến thông cáo ngày 7/10/1966 kêu gọi giáo dân sống tinh thần hy sinh không câu nệ hình thức - Dấn thân vào đời góp sức xây dựng xã hội thịnh vượng công bằng và nhân ái - Khuyến khích các cuộc hội thảo để trao đổi ý kiến, mở rộng tầm hiểu biết về chính trị - Cổ võ thanh niên về một nếp sống lý tưởng theo Chúa Giêsu.

Ngày 5/1/1968 các Đức Giám Mục hoạ theo Đức Thánh Cha, ra một thông cáo kêu gọi cầu nguyện cho hoà bình. Những đề tài “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep.2-14) -“Phúc Âm hoà bình” (Ep.6-15) - “làm cho người hoà thuận” (Mat. 5-9). Nhắc lại lời Đức Thánh Cha ngày 2/5/1967: “Phải chấm dứt các cuộc oanh tạc trên Bắc Việt và đồng thời cũng phải chấm dứt những cuộc xâm nhập vũ khí và vật liệu chiến tranh vào miền Nam”.

Phiên họp Hội Đồng Giám Mục 3/5/1968 tại Saigon có Đức Khâm sứ tham dự. Trong phiên họp có thông báo về cải tổ cơ cấu Toà Thánh. Mỗi Bộ đều có đại diện các nước. Đức Cha Giuse Trần văn Thiện (Mỹ Tho) được đề cử làm uỷ viên Thánh Bộ Truyền Giáo. Phiên họp cũng đề cập đến việc lập Đại Chủng Viện Nha Trang-Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới - Đẩy mạnh hợp tác cuả các Dòng Tu vào các hoạt động truyền giáo của Giáo phận - Các dòng tu canh tân theo tinh thần Vatican II - Việc cải tổ Phụng Vụ và dịch kinh sách phục vụ lợi ích giáo dân - Tổ chức Caritas-Huấn luyện Công giáo tiến hành - Toà Thánh phê chuẩn nội quy mới của Hội Đồng Giám Mục.

Để đẩy mạnh xây dựng hoà bình, HĐGM đã gửi thư luân lưu 5/1/1969. Nội dung kêu gọi mọi người tôn trọng phẩm vị con người và hòa hơp quốc gia, tức là: Tôn trọng lương tâm - Tôn trọng gia đình - Tôn trọng lao công - Tôn trong giáo dục - Tôn trọng luật pháp - Tôn trọng sinh mạng, tự do và tài sản - Tôn trọng hoà hơp dân tộc. Thư luân lưu nhắc đến tình yêu chia sẻ trong biến cố đau thương Tết Mậu Thân vừa qua - Kêu gọi mọi người hàn gắn vết thương dân tộc. Những nội dung trong văn kiện này được trình bày trong bối cảnh hoà đàm Paris về hoà bình cho Việt Nam đã khởi sự mấy tháng trước đó.

Thông cáo ngày 30/7/1971 của các Giám Mục Nam Việt Nam vừa nhìn lại hướng đi 6 tháng qua mà phiên họp đầu năm (kết thúc 10/1/1971) đã quyết định. Trong đó chỗ đứng của tu sĩ và giáo dân được đề cao theo tinh thần Vaticanô II. Về mặt truyền giáo, Uỷ Ban Truyền bá Phúc Âm được thiết lập. Cũng có Ủy ban Truyền thông xã hội, Ủy ban Giáo dục. Mỗi Ủy ban có một số hội đoàn Công giáo tiến hành cộng tác. Cũng trong kỳ họp này, Hội THỪA SAI VIỆT NAM được thành lập, và Đức Cha Philiphê Nguyễn Kim Điền phụ trách.

Thông cáo 30/7/1971 cho thấy hành động thực tế của Giáo hội miền Nam: Đối với người nghèo, các giáo phận nhất là miền Cửu Long sẵn sàng và thúc đẩy chính phủ truất hữu ruộng đất Nhà Chung để cấp cho dân nghèo. Đối giới trẻ, Giáo Hội tổ chức mạng lưới giáo dục giúp hơn nửa triệu học sinh (thống kê 1971 là 529.802 học sinh). Trong số này một nửa không Công giáo. Thống kê của Bộ Văn Hoá Giáo dục 1969 cho biết trong số 292 trường Trung học của các tôn giáo, thì có 222 trường Công giáo, tức 76%. Ngoài ra, trường Công giáo còn chiếm 80% tổng số các tiểu học tư thục trong toàn quốc.

Thông cáo này cũng quan tâm nhiều vấn đề mà Công đồng Vaticanô II đưa ra và tham khảo ý kiến quần chúng. Ví dụ sự độc thân của linh mục - công bình trên thế giới - vấn đề bầu cử ...

Ý nghĩa Tin Mừng Chúa Kitô đòi hỏi công bình và bác ái trong thông cáo này thật rõ ràng khi các vị Giám Mục mạnh dạn tuyên cáo: “Cả Bắc lẫn Nam, nhận xét đầu tiên của chúng tôi là Việt Nam đang bị giằng co giữa hai thế lực tranh giành ảnh hưởng ... xã hội Việt Nam là phản ảnh của tình trạng quốc tế: một thiểu số giàu cứ giàu thêm mãi và một số nghèo cứ nghèo thêm mãi. Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân ... Chúng tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa nhất là họ thiếu một đức bác ái chân thành, họ không nhìn nơi đồng bào họ một người anh em ruột thịt ... Họ có bao giờ nghĩ rằng đại đa số nghèo biết đâu sẽ có ngày tức nước vỡ bờ, sẽ gây nên những cuộc cách mạng mà trong đó cả giàu lẫn nghèo không ai được lợi cả.”

Hoà Bình Ơi: Thư mục vụ 3/2/1973

Trước những biến cố chính trị dồn dập xảy ra ảnh hưởng tới quê hương và Giáo Hội, trước Hiệp Định hoà bình Paris vừa ký kết 27/1/1973, Hội Đồng Giám Mục không thể không góp tiếng nói Ngôn Sứ của mình. Vì thế thư mục vụ 3/2/1973 được phổ biến đến mọi thành phần dân tộc kêu gọi các bên ký kết Hiệp Định hãy nỗ lực thực thi nghiêm túc hoà bình, hoà giải dân tộc theo đường lối dân chủ và tự do: “Chúng tôi đã tích cực vận động cho hoà bình. Nhưng ... hoà bình này chỉ thực sự được hình thành, khi ... nó được xây dụng trên nền tảng vững chắc, nghĩa là khi nó được chân lý làm nền tảng, công bình làm qui tắc, tình yêu làm động lực, tự do làm bầu khí”.

Ý nghĩa Rao Giảng Tin Mừng trong thư mục vụ này nổi lên ở lời kêu gọi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha để mọi người đều có thể gọi nhau là anh em. Nhưng tiếng Ngôn Sứ của Hội Đồng Giám Mục có lẽ đã vang trong sa mạc. Cuộc chiến sắp kết thúc, quân ngoại quốc ở Nam VN rút về nước vào tháng 3/1975. Còn lại là những người chung màu da, tiếng nói đang đánh nhau.

Ngày 10/1/1974 Hội Đồng Giám Mục cất tiếng van nài: “... Một lần nữa chúng tôi tha thiết yêu cầu chính phủ hai miền Nam Bắc cùng một lượt và song phương, trong tình thương dân tộc, ngưng hẳn mọi hoạt động chiến tranh, chấm dứt ngay việc tuyên truyền thù nghịch... chung sống hoà bình như hai nước anh em đợi ngày thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử thật tự do và dân chu... Chúng tôi yêu cầu hai miền Nam Bắc trao trả hết tù binh quân sự và dân sự... Cho phép các gia đình ly tán... từ bên này sang bên kia đoàn tu... Chúng tôi cũng xin Chính phủ miền Bắc cứu xét và thả những người bị giam cầm vì hành động chính trị hay tôn giáo. Riêng cho Giáo Hội Công giáo tại Bắc Việt... Chúng tôi xin cho các đấng Giám Mục, anh em đáng kính của chúng tôi, được năng gặp gỡ nhau bàn về giáo sự, được liên lạc với chúng tôi và nhất là được liên lạc với Toà Thánh Rôma”.

Bên cạnh mối âu lo về tình hình đất nước, các Đức Giám Mục quan tâm tổ chức Năm Thánh CANH TÂN VÀ HÒA GIẢI mà Đức Giáo Hoàng PHAOLÔ VI đã khai mạc ngày 10/6/1973. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ấn định Năm Thánh bắt đầu từ Chủ Nhật I Mùa Vọng 1973 đến hết ngày 24/12/1974. Đề tài Năm Thánh ngẫu nhiên đáp ứng rất thích hợp cho tình hình Giáo Hội và quê hương Việt Nam lúc này.

Hai bức tâm thư: tìm ra giá trị của Tin Mừng Đức Kitô trong các biến cố

Dù những hỗn loạn diễn ra trong xã hội vào thời kỳ cuối cuộc chiến khiến mọi người hoang mang, các Vị chủ chăn luôn dùng Lời Chúa để hướng dẫn đoàn chiên biết phải chọn lựa một thái độ sống thế nào cho hợp ý Cha trên trời. Đó cũng là một cách rao giảng Tin Mừng mà Thánh Phaolô đã xác định với Timôthê (2 Tim 4, 1-3).

Quân Giải Phóng tiến vào Thành phố Huế ngày 26/3/1975, thì ngày 1/4/1975 Đức Tổng Giám Mục Huế Phil. Nguyễn Kim Điền gửi tâm thư cho toàn thể giáo phận: “Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế...Thời gian sống trong hãi hùng, lo âu qua rồi. Thời gian đồng bào chúng ta nghi kỵ, chia rẽ, thù hận nhau, có khi đến chém giết nhau đã qua rồi. Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa vì hồng ân quí giá này”. Ngài không quên “ghi ơn tất cả những ai đã hy sinh để có được ngày an bình hiện nay”. Bức tâm thư tiếp: “... chúng ta hoan hỉ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới sự chỉ đạo của Chánh phủ Cách mạng để xây dựng lại quê hương sau bao đổ vỡ tang tóc, hầu đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt”. Bức tâm thư cũng nhắc lại luật Bác ái của Đức Kitô... Sau đó một tuần, ngày 09/4-1975 trong buổi lễ ra mắt Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Thành phố Huế, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền phát biểu về sự tin tưởng ở lời bảo đảm long trọng của Mặt Trận là sẽ tôn trọng tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng. Đồng bào Công giáo nguyện tích cực góp phần xây dựng quê hương trong tình tương thân tương ái, một xã hội dân chủ, tự do, hoà bình, trong đó họ được chu toàn bổn phận đối với Tổ quốc và với Thiên Chúa.

Ngày 30/4/1975, quân Giải Phóng vào Saigon... Ngày 5/5/1975, Đức Tổng Giám mục Saigon Phaolô Nguyễn văn Bình trong tinh thần nhũn nhặn và cởi mở đã gửi tâm thư đến toàn thể tín hữu trong giáo phận. Ngài chân thành kêu gọi:

– Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho đất nước được hòa bình, độc lập.

– Không hoảng hốt, khép kín, hãy sáng suốt và tích cực trước mọi hoàn cảnh.

– “Nỗ lực tối đa góp phần vào công cuộc hoà giải và hoà hợp dân tộc”.

– Tích cực thi hành mọi nghĩa vụ công dân do Chính phủ Cách mạng chỉ đạo.

– Hướng về tương lai xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng, một xã hội mới tiến bộ, công bình, giàu tình thương.

– Riêng vói tín hữu, hãy tin vào Chúa Kitô Phục Sinh và Thánh Linh.

Thư luân lưu của Đức Tổng Giám Mục Saigon: toàn thể giáo dân sống Phúc Âm

Ngày 12/6/1975, Đức Tổng Giám Mục gửi thư luân lưu mang nội dung:

– Kêu gọi phục tùng chính quyền (trưng dẫn Gaudium et Spes, n. 74)

– Đối với các giáo hội từng địa phương: hãy đồng tâm nhất trí, đào sâu Đức Tin để sáng suốt thi hành nhiệm vụ công dân.

– Đối với Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội tại Việt Nam luôn hiệp mhất và phục quyền Đức Giáo Hoàng.

Với hai tâm thư và thư luân lưu nói trên của hai vị Tổng Giám Mục Huế và Saigon, người tín hữu có thể dễ dàng nhận ra một đường hướng truyền giáo tập thể mang tâm niệm của Kinh Hoà Bình “Đem yêu thương vào nơi oán thù... chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ... Đem niềm vui đến chốn u sầu”. Đó là nội dung cơ bản của sứ mạng truyền giáo. Thái độ do hai Đức Tổng Giám Mục xác định có thể coi là định hướng chính cho cách sống đạo và truyền đạo của các tín hữu Công giáo Nam Việt Nam lúc đó.

Những ngày sau đó

Không thể hết những rối ren, lộn xộn xảy ra đó đây trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội. Sau khi Đức Khâm Sứ Toà Thánh phải rời Việt Nam, thì nửa năm sau một biến cố gây nên nỗi buồn lan rộng trong giáo phận Saigon và toàn thể tín hữu Việt Nam khi Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, vị Tổng Giám Mục phó với quyền kế vị TGM Saigon bị Chính quyền Cách mạng đem đi khỏi Saigon (đã đổi tên là Tp. Hồ Chí Minh). Hôm đó là ngày 15/8/1975.

Cuộc sống cứ tiếp diễn, nhiều người bỏ đất nước ra đi, nhiều người lên miền kinh tế mới. Nhiều dòng tu, nhiều giáo xứ không còn đất đai, cơ sở vật chất, sự đi lại và cư trú không dễ dàng như xưa, nhiều tu sĩ, chủng sinh hồi tục. Tình hình cần phải cải tiến. Các Giám Mục sẽ thực thi trách nhiệm hướng dẫn dân Chúa trong cuộc hành trình Đức Tin đầy bất trắc trần gian này (x. HGPCGVN 1960 – 1995, tr. 251).

Thông cáo chung 20/12/1975

Các Đức Giám Mục trong một đất nước thống nhất giờ đây đã có thể hội ngộ. Cuộc họp đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh qui tụ 23 Giám Mục trên toàn quốc. Trong cuộc họp này các Giám Mục đã phân nhóm làm việc:

– Nghiên cứu các tương quan trong xã hội mới.

– Nghiên cứu nội bộ của miền Nam.

– Nghiên cứu việc huấn luyện các thành phần dân Chúa.

Các nhóm làm việc đều có Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia thảo luận. Những chuẩn bị đó sẽ dọn đường cho những kỳ họp tới để có những hướng dẫn cụ thể hơn cho cộng đoàn dân Chúa trên quê hương.

Thư chung Hội nghị Giám Mục miền Nam Việt Nam 16/7/1976

Đây là một thư đề ra đường lối mới để người Công giáo sống đạo trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Những điểm chính:

– Dấn thân: Cộng đồng Kitô hữu Việt Nam không thể đứng ngoài những thay đổi diễn ra trong lòng dân tộc. Giáo Hội ở đây cũng “phải đồng tiến với xã hội loài người và cùng nhau chia sẻ mọi số phận trần thế với đồng bào...” (hiến chế Mục Vụ 40).

– Phục vụ: Hăng hái chu toàn nghĩa vụ của mình với đất nước và xã hội, phải hoạt động cộng tác với mọi người để tổ chức kinh tế xã hội, cổ võ nâng cao những điều chân thiện mỹ.

– Trong cộng đồng dân tộc: Người Công giáo kề vai chung sức với mọi người để xây dựng đất nước, và làm những gì lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc mà không nghịch với đức tin và lương tâm Kitô giáo.

– Với chủ nghĩa xã hội: Đức tin Kitô giáo và chủ nghĩa Mác Lênin vốn có xung khắc nhưng vẫn có thể đối thoại và cộng tác chân thành giữa những ai phục vụ con người để “trợ lực cho việc xây dựng thế giới này được hợp lý” (hiến chế Mục Vụ 21,6).

– Giá trị lao động: Yêu lao động, vì lao động nuôi sống mình và gia đình liên kết với anh em và phục vụ họ để thực thi bác ái và góp công kiện toàn chương trình sáng tạo của Thiên Chúa (hiến chế Mục Vụ 67). Lao động sản xuất còn là chính sách cần thiết xây dựng kinh tế tự túc, để bảo độc lập, tự do của dân tộc.

Thư chung cũng nhắn nhủ giáo dân sống thánh thiện giữa đời, nhắc nhở chị em phụ nữ củng cố đời sống đạo đức gia đình, huấn luyện đức tin cho con em để chúng trở nên người Công giáo trung thành. Thư chung nhắc nhở các bạn trẻ cần can đảm bảo vệ và phát huy những giá trị nhân bản và thiêng liêng. Thư chung cũng kêu gọi tu sĩ ý thức ơn gọi và sứ mạng của mình là tận hiến và phục vụ... trở nên dấu chỉ cho Nước Trời trước mặt dân Thiên Chúa và mọi người. Sau hết, thư chung khuyên các linh mục đem tinh thần hiền hoà khiêm tốn phục vụ dân Chúa và mọi người, chú tâm đặc biệt vào Phụng Vụ... Thánh Lễ hiệp nhất với Giám Mục... giúp tín hữu nhận ra ý Chúa quan phòng trong những biến cố của đời sống.

Trong phần kết luận, Thư Chung nhắc lại: “Đức tin không phải là bức tường ngăn cách người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng, cũng không phải là thuốc mê đưa người Công giáo xa rời thực tại trần gian”. (x. HGPCGVN 1960 – 1995, tr. 255 - 265).

Kết luận chung cho đường hướng loan báo Tin Mừng của những năm vừa qua

Thập niên 1960: củng cố Đức Tin

– Miền Bắc: Sứ mạng truyền giáo tập trung vào việc huấn luyện đạo đức trong gia đình, mục tiêu giữ vững Đức Tin trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi thiếu vắng mục tử.

– Miền Nam: Các giáo phận di cư ổn định cuộc sống, làm việc và học tập trong sự đùm bọc chia sẻ của các giáo phận địa phương.

– Hội Đồng Giám Mục (dù chỉ gồm các Giám Mục miền Nam) theo sát tình hình truyền giáo của đất nước, nên đã có những văn bản hướng dẫn mục vụ kịp thời nhất là trong bối cảnh các giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II đang cần được phổ biến.

– Các dòng tu thực hiện sứ mạng truyền giáo tại miền Nam theo nhiều hướng.

– Ơn gọi truyền giáo tăng cao nhất là nơi những giáo phận mới được thiết lập.

– Đẩy mạnh giáo dục tri thức cấp đại học, và cổ võ thanh niên dấn thân theo lý tưởng Chúa Giêsu.

– Khuyến khích báo chí Công giáo.

– Mở mang việc giáo dục cơ sở tại các họ đạo, khuyến khích nâng cao trí thức nơi giới trẻ.

Thập niên 1970: truyền giáo thiết thực

– Nhiều thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục được phổ biến kịp thời theo từng biến cố của đất nước. Xét từng giáo phận thì có những quan tâm riêng về đời sống linh mục hoặc giáo dân mà ở trên chưa nhắc tới. Ví dụ giáo phận Saigon có “Năng quyền thập niên”, giáo phận Long Xuyên có “Chỉ nam linh mục”, giáo phận Nha Trang có tổ chức Hội Đồng Mục Vụ, Tông Đồ giáo dân theo hướng Công Đồng Vaticanô II.

– Các uỷ ban trong Hội Đồng Giám Mục được tổ chức và cải tổ ngay từ thông cáo 10/1/1971 và làm việc rất hiệu quả.

– Cuộc tổ chức nghiên cứu đường lối truyền giáo của Công Đồng Vaticanô II tại giáo phận Nha Trang 1974, với chủ đề “Trong Cộng Đồng Dân Chúa” do nhiều chuyên gia thực hiện dưới sự điều khiển của Đức Giám Mục FX. Nguyễn Văn Thuận và Cha Bart. Nguyễn Sơn Lâm, Giám Đốc đại chủng viện Xuân Bích – Huế, đã tạo ảnh hưởng lớn trong phong cách sống đạo thời mới của Giáo Hội miền Nam lúc đó.

– Các giáo phận cố gắng thực hiện công tác truyền giáo trong việc thiết lập những giáo điểm, nhưng sứ mạng truyền giáo chỉ mới được trao đổi liên giáo phận trong thời gian vài năm đầu của thập niên 1970. Phong trào “Mỗi gia đình một Tân Ước” được phát động thời điểm này.

– Cuộc chiến và tình hình an ninh chính trị của đất nước là một thử thách cho sứ mạng truyền giáo, nhưng kết quả cũng vẫn thêm cho Giáo Hội Việt Nam một giáo phận mới: Giáo Phận Phan Thiết (31/1/1975).

Những năm cuối thập niên 1970 là thời điểm thử thách rất gay gắt cho nếp sống đạo. Các Giám Mục đã nỗ lực củng cố Đức Tin và hướng dẫn giáo dân vừa sống đạo vừa xây dựng quê hương. Đó là cơ hội thuận lợi để truyền giáo thiết thực. Những yếu tố trên trở thành đà tiến cho những thập niên kế tiếp.

5. NHỮNG NĂM 1980 – 2000

Thư Chung HĐGMVN: một “hiến chương truyền giáo mới” cho hoàn cảnh quê hương

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đầu tiên họp tại thủ đô Hà Nội. Hội Đồng đã ra thư chung 1/5/1980 khẳng định đường hướng mục vụ: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Thư mục vụ đề ra hai nhiệm vụ cụ thể:

Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Thư mục vụ viết: “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc”.

Sở dĩ phải nói về nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng tổ quốc là vì trong thời gian này Chính quyền Cách mạng đặc biệt lo lắng về vấn đề phá rối an ninh trật tự có thể đến từ phía mà họ nghĩ là Mỹ - Ngụy, nhưng nặng nề hơn là từ phía Trung Quốc qua ngả Campuchia. Trong thực tế Việt Nam đã tràn quân sang Campuchia 1978, và Trung Quốc đã tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam đầu năm 1979. Ở miền Nam Việt Nam dù xảy ra những vụ việc như vụ nhà thờ Vinh Sơn (2/1976), vụ tịch thu 5 dòng tu ở Thủ Đức (2/1978) mà dư luận cho rằng đó là những hành động răn đe và đàn áp của Chính quyền, nhưng các Giám Mục vẫn không sờn lòng trong quan điểm “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” - “Bảo vệ và xây dựng tổ quốc” (x. Ba Mươi Năm CG VN dưới chế độ CS 1975 – 2005, tr. 104).

Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc.

Thư chung viết: “Chúng tôi muốn thực hiện điều Công Đồng Vaticanô II đã tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong nghi lễ và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người’ (hiến chế Tín Lý 17, 1). Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh Kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của Đức Tin, đàng khác phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta tận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hoá mà xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả Đức Tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này”.

Như vậy có sức mạnh nào cản trở được sức thâm nhập của chủ trương “hoà nhập văn hoá” này, khi mà sự hoà nhập này chỉ nhằm xây dựng chứ không nhằm phá hoại?

Ngỏ lời với giáo dân: “Chúng tôi xin dựa vào Công Đồng (Vaticanô II) để nói với anh chị em rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (hiến chế Tín Lý 31; Mục Vụ 43). Nhờ anh chị em, Giáo Hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội Thánh Chúa Kitô và là người công dân tốt của tổ quốc”.

Ngỏ lời với tu sĩ: “Dầu sinh hoạt bên ngoài có thay đổi, sứ mạng đặc biệt của anh chị em vẫn luôn luôn là ‘Hiện thân của một Hội Thánh muốn hiến mình cho đường lối triệt để của các Mối Phúc Thật’, và anh chị em ‘dùng chính cuộc sống của mình làm dấu chỉ cho tinh thần sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và anh em đồng loại’ (Loan Báo Tin Mừng 60; Tín lý 44). Chính anh chị em đã tự thấy được rằng đường hướng mà chúng tôi vạch ra cho cả Hội Thánh ở Việt Nam: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với tinh thần sẵn sàng phục vụ, phù hợp cách riêng với ơn gọi của anh chị em... Chúng tôi đặc biệt kêu mời anh em hãy quan tâm... làm sao cho dung hoà giữa lao động và cầu nguyện, giữa việc hoà mình vào các sinh hoạt xã hội... và sự trung thành với đời sống cộng đoàn...”

Ngỏ lời với các linh mục: “Anh em hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (Sắc lệnh đời sống Linh Mục 15). Nhất là, được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị mục tử hiền lành và khiêm nhượng để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người. Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

Dựa trên văn kiện hướng dẫn này, các thành phần dân Chúa yên tâm sống đạo, không khép kín hoặc tự vệ đối với thực tại xã hội, nhưng sẵn sàng dấn thân phục vụ, đem giá trị của Phúc Âm thấm nhập vào các cơ cấu xã hội mới theo mục tiêu của Đấng Cứu Thế: làm cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Ta có thể nói Thư Chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi toàn thể dân Chúa là một bản hiến chương truyền giáo mới trên quê hương trong hoàn cảnh hiện tại: Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Các phong trào truyền giáo đều phải quy chiếu Thư Chung này (x. HĐGMVN 1980 – 2000, tr. 355 – 369).

Thỉnh nguyện thư 1985 đệ trình Toà Thánh

Trong bầu khí truyền giáo và sống đạo của giáo dân đang mỗi ngày thêm sốt sắng, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn – TGM Hà Nội, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đệ trình thỉnh nguyện thư lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có đoạn: “Năm 1985, kỉ niệm 25 năm thành lập (1960-1985) Hàng Giáo Phẩm và thiết lập giáo phận theo đúng thể thức Giáo Luật, con trân trọng xin Đức Thánh Cha cho mở lại hồ sơ các Chân Phước Tử Đạo Việt Nam và cứu xét việc tôn phong các Ngài lên bậc Hiển Thánh”. Trong văn thư đó, Đức Hồng Y cũng nhắc tới “những hi sinh cao cả của những bậc ‘tổ tiên’ đã sinh chúng con trong Đức Tin mà con số giáo dân Việt Nam gia tăng liên tục. Ngày nay sấp xỉ 6 triệu tín hữu trên tổng số 60 triệu đồng bào. Dù hoàn cảnh khó khăn eo hẹp, dù cho khan hiếm Linh Mục, niềm tin của giáo đoàn vẫn sống động linh hoạt. Lời Chúa còn vang dội trong các xứ đạo, các Linh Mục vẫn tiếp tục hăng say gặt hái trong cánh đồng của Chúa. Các Cộng đoàn Tu sĩ vẫn phát triển về phẩm cũng như về lượng. Sau hết, giáo dân ý thức nhiều hơn về nghĩa vụ của mình, họ nhìn thẳng vào những khó khăn để can đảm nhận lấy trách nhiệm đối phó” (x. HGPVN 1980 – 2000, tr. 372).

Cuộc tuyên Thánh cho 117 vị Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam 1988 và vấn đề đối thoại

Với sự cầu nguyện, hi sinh và sự sự vận động từ nhiều phía qua nhiều thời gian, cuối cùng biến cố tuyên Thánh cho 117 vị Chân Phúc Tử Đạo Việt Nam đã được Toà Thánh long trọng tổ chức tại Rôma ngày 19/6/1988. Đó là niềm vui vĩ đại của Giáo Hội Công giáo Việt Nam.

Tuy nhiên từ biến cố đáng ghi nhớ đó, ta có thể tự đặt ra một số vấn nạn:

– Hàng ngũ các vị tử đạo có nhiều quốc tịch khác nhau, vậy chúng ta có quan tâm đủ các người dân tộc khác với ta trên đất nước này chưa, ví dụ người Khmer, Trung Hoa, Chà, các dân bản địa miền rừng núi cao nguyên...

– Câu chuyện Hội nhập văn hoá đã được vận dụng thế nào trong truyền giáo? Những cuộc hội thảo, giao lưu văn hoá nên được tổ chức thường xuyên hơn. Việc Thờ Kính Tổ Tiên gây tranh cãi trong một thời gian lâu dài, nay có nhiều cơ hội cho các tín hữu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về “chữ Hiếu” trong nền văn hoá dân tộc.

– Vấn đề đối thoại tôn giáo cần được mở ra theo những hướng nào? HĐGMVN đã thiết lập “Uỷ Ban Đối Thoại Liên Tôn” nhằm tìm hiểu và đối thoại với những tôn giáo khác như Phật giáo, Tin Lành, Hoà Hảo, Cao Đài, Hồi giáo, đạo Ông Bà. Trong chương trình huấn luyện tại các Chủng viện, Học viện, bộ môn thần học về các tôn giáo đã được quan tâm để nhắm tới mục tiêu này (x. Georg Evers, The Churches in Asia, ISPCK 2005, tr. 361, mục nói về VN).

Thực ra tại Việt Nam, Giáo Hội đang chuẩn bị cho đối thoại, và hiện nay chỉ nhắm tới việc sống chung, cộng tác làm việc từ thiện chung với các tôn giáo khác mà thôi. Còn việc đối thoại với Nhà Nước, cần được thực hiện với nhiều khôn ngoan, đạo đức. Tóm lại. đối thoại với nhau luôn luôn là việc cần thiết để tìm ra những hướng giải quyết tốt nhất và thuận lợi nhất cho sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của Giáo Hội.

Mối tương quan với Nhà Nước

Ngoài những văn thư gởi dân Chúa, các Đức Giám Mục trong HĐGMVN cũng có những văn thư kính gởi Lãnh đạo Nhà Nước, để trình bày về những sinh hoạt tôn giáo, những đóng góp của giáo dân trong công tác xây dựng quê hương, đồng thời thường xuyên xác định mục tiêu của Giáo Hội trong việc sống và truyền đạo là luôn thích hợp với lợi ích của toàn dân. Những phát biểu của quý Đức Cha cũng nói lên những khó khăn cần sự quan tâm giải quyết của Nhà Nước mới có thể tháo gỡ được (x. HĐGMVN 1980 – 2000, tr. 423 – 430).

Thời điểm này (26/10/1993), Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã gởi một bản góp ý của HĐGMVN đến Chính phủ, nội dung gồm những góp ý về việc xây dựng đất nước và những yêu cầu bức thiết của tôn giáo. Một điểm quan trọng có thể được nhắc lại: “Trong các quyền của con người thì quyền tự do tôn giáo là đặc biệt rất quan trọng nên phải được tôn trọng như một quyền lợi chứ không phải như một đặc ân. số II, 3” (x. HĐGMVN 1980 – 2000, tr. 434). Ngoài những góp ý trên đây, còn những kiến nghị khác nêu lên những vấn đề của Giáo Hội mà toàn thể dân Chúa mong được Nhà Nước quan tâm, như về mục vụ – nhân sự – cơ sở – giáo dục – dòng tu – việc xuất bản v..v… (x. HĐGMVN 1980 – 2000, tr. 437 - 447).

Dù không phải là rao giảng Lời Chúa, nhưng việc các Đức Giám Mục ngỏ lời trong các văn thư gởi Nhà Nước được coi như một “thái độ ngôn sứ” theo khuôn mẫu Gioan Tẩy Giả đã thực hiện. Thái độ đó khuyến khích giáo dân tin tưởng mạnh mẽ hơn và hiệp thông gắn bó hơn với các vị chủ chăn trong sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

Góp ý với Hội Đồng Giám Mục thế giới

Hoà nhịp với sứ mạng Loan Báo Tin Mừng trên thế giới, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng tích cực tham gia góp tiếng nói với Giáo Hội toàn cầu, như đệ đạt ý kiến về bản văn Lineamenta nhằm đóng góp cho việc soạn thảo Instrumentum laboris (x. HĐGMVN 1980 – 2000, tr. 448 - 464). Những ý kiến này rất có giá trị về mặt thần học. Sau đó (17/3/1995) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Á Châu từ 19/4 đến 15/5/1998 mà Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập từ năm 1970 (x. Georg Evers, The Churches in Asia, ISPCK 2005, tr. 333, mục nói về VN 1954 - 1975).

Trong những văn bản được công bố tại Thượng Hội Đồng, các Giám Mục Việt Nam đã nêu những vấn đề về Kitô học, Giáo Hội học, Truyền Giáo học ; những thử thách cũng như những mời gọi của hoàn cảnh đất nước cho việc truyền giáo ; đồng thời nói lên quyết tâm thực hiện sứ mạng để đáp lại những thách đố hiện nay khi bước vào ngàn năm thứ III trong bối cảnh Châu Á (x. HĐGMVN 1980 – 2000, tr. 465 - 500).

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cử phái đoàn tham dự Đại hội Truyền Giáo “Kể chuyện Chúa Giêsu tại Á Châu” (Telling the story of Jesus in Asia) tại Thái Lan 18 – 22/10/2006, trong đó đoàn Việt Nam đã trình bày một phương thức truyền giáo qua con đường hội nhập văn hoá, trong khi vẫn quan tâm diễn đạt câu chuyện Chúa Giêsu trong lịch sử của Giáo Hội và trong mối tương quan với các tôn giáo khác. Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn cũng đã thay lời Hội Đồng Giám Mục gởi thư chúc mừng, và không quên phó thác đại hội trong tay Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Sau đó, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, chủ tịch HĐGMVN, trong hội nghị truyền giáo Fidei Donum (Hồng Ân Đức Tin) tại Rôma từ 08 - 11/5/2007, đã phát biểu ngắn gọn về sự lớn mạnh tại Giáo Hội Việt Nam. “Năm 1960 lúc mà Toà Thánh thiếp lập hàng Giáo Phẩm cho Giáo Hội VN thì gia tài Đức Tin các vị thừa sai để lại là một Giáo Hội có 20 giáo phận với hơn 2 triệu tín hữu. Con số này hiện nay đã tăng lên 26 giáo phận với khoảng hơn 6 triệu giáo dân” (x. hội nghị truyền giáo Fidei Donum (Hồng Ân Đức Tin) tại Rôma từ 08 - 11/5/2007, tr. 4). Đồng thời ngài cũng nói tới công cuộc truyền giáo của người Việt Nam ở nước ngoài: “nhiều Linh Mục dòng, triều và Tu sĩ của các giáo phận và Dòng tu được gửi đi từ Việt Nam đã có mặt và phục vụ tại nhiều nơi trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Uc, Ba Lan, Pháp, Hoa Kỳ, Paraquay, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Mongolia… hiện nay có hơn 500.000 người công giáo Việt Nam sống ở nước ngoài. Ở đâu họ cũng làm cho các xứ đạo sống động hơn, họ tham gia tích cực vào các sinh hoạt giáo xứ. Gia đình công giáo Việt Nam cung cấp nhiều Linh Mục và Tu sĩ cho các Giáo Hội địa phương. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cuộc di cư củ ahọ đã trở thành một cuộc truyền giáo” (x. hội nghị truyền giáo Fidei Donum (Hồng Ân Đức Tin) tại Rôma từ 08 - 11/5/2007, tr. 4 - 5).

Trong thời điểm hiện nay, HĐGMVN cũng quan tâm đặc biệt đến việc truyền giáo cho anh chị em sắc tộc trên toàn quốc, và đã cử một phái đoàn tham dự hội nghị chuyên đề về công tác đó, được tổ chức tại Thái Lan ngày 21 – 24/8/2009 “Evangelization among indigenous/tribal communities”. Phái đoàn Việt Nam đã trình bày phương cách truyền giáo cho 24 sắc tộc tại một số giáo phận như Kon Tum – Ban Mê Thuột – Đà Lạt – Phú Cường – Hưng Hoá – Bắc Ninh – Cần Thơ. Bản tham luận của phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh tới những điểm hướng dẫn của HĐGM trong những văn thư đã ban hành trước đây, đặc biệt về sự thờ cúng tổ tiên, hội nhập văn hoá, huấn luyện cán bộ truyền giáo, thiết lập những giáo điểm và giải quyết những vấn đề xã hội theo chân lý Phúc Âm.

6. TRUYỀN GIÁO THIÊN NIÊN KỶ THỨ III

Đây là một thời kỳ đầy hứa hẹn và nhiều thách thức. Trong vòng 7 năm gần đây (2001 – 2007), số người theo đạo trung bình mỗi năm khoảng 35.000 người. Nếu quan sát các lớp giáo lý tân tòng, ta thấy có tới 80% – 90% người muốn theo đạo là để lập gia đình với người có đạo. Vậy động lực theo đạo thực sự của họ là gì? Họ có thể sống đạo và giữ đạo lâu dài không? Nếu nghĩ rằng truyền giáo chỉ để “rửa tội” để nâng con số người “theo đạo”, thì đây đúng là một khía cạnh đáng quan tâm cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Chúng ta cũng vẫn duy trì quan điểm trên theo lệnh Chúa truyền: “Hãy đi giảng dạy và rửa tội cho muôn dân” (Mt 28, 18-20). Nhưng nhiệm vụ Rao Giảng Tin Mừng (= giảng dạy) cần phải được nhấn mạnh trong thời điểm hiện tại, còn cái rửa tội sẽ được Chúa ban thưởng sau.

Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng có đưa ra một đề án cho công cuộc truyền giáo như sau:

Truyền giáo “ad intra”

– Đào tạo nhân sự: tổ chức các khoá học và thực hành truyền giáo tại các giáo phận, dòng tu, nhất là tại các trung tâm mục vụ của các giáo phận và giáo xứ.

– Đào tạo nội dung truyền giáo cho các giảng viên giáo lý với chương trình dài hạn và ngắn hạn.

– Tổ chức các lớp giáo lý tân tòng và hậu hôn nhân với nội dung đầy đủ, nhấn mạnh khía cạnh Loan Báo Tin Mừng.

– Truyền giáo qua truyền thông: sách vở, băng dĩa, tờ “Hiệp Thông” và các báo lưu hành nội bộ, các trang mạng và báo điện tử.

– Phát triển Uỷ Ban LBTM trực thuộc HĐGM và Ban LBTM các giáo phận, giáo xứ.

– Truyền giáo bằng đường lối giáo dục, ít nhất là chương trình khai tâm cho các lớp nhà trẻ.

– Thiết lập thêm các giáo điểm truyền giáo tại những khu dân cư mới, hoặc nương theo phong trào di dân trong toàn quốc.

– Tiếp cận với các tôn giáo bạn trong tinh thần cộng tác, phục vụ và yêu thương.

– Tiếp cận với chính quyền trong sự thật và công lý.

Truyền giáo “ad extra”

– Huấn luyện ơn gọi thừa sai nơi các dòng tu và các giáo phận.

– Hoạt động của các Linh Mục, Tu Sĩ thừa sai VN đang truyền giáo ở nước ngoài cũng cần được chia sẻ để hiệp thông trong sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

– Hội Thừa Sai Việt Nam cũng cần được phát triển để chia sẻ sứ mạng truyền giáo với các nước trong khu vực mà Liên hiệp HĐGM Á Châu đã đề ra từ năm 1970. hội Thừa Sai Việt Nam chính là “con đẻ” của HĐGMVN.

MỞ RA HƯỚNG MỚI

Sứ mạng Loan Báo Tin Mừng không bao giờ có hồi kết, bởi vì chúng ta phải “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Ở đây chúng tôi xin đề xuất hướng tới của nhiệm vụ tối hậu này:

– Lưu tâm Campuchia, Lào, những người láng giềng gần nhà mà xa ngõ với Giáo Hội Việt Nam.

– Cần đào tạo nâng cao các thừa sai giáo dân “vì bổn phận và trách nhiệm của người giáo dân mà không ai có thể làm thay họ cách đầy đủ” (Apostolicam Actuositatem 13)

– Để truyền giáo hữu hiệu, cần nghiên cứu thấu đáo về văn hóa, xã hội của các vùng truyền giáo đặc trưng như vùng Tây Nguyên, vùng Cực Bắc, Đồng Bằng Sông Cửu Long,…

– Vận dụng mọi phương pháp để khơi dậy niềm khao khát nơi các thành phần dân Chúa: hội thảo, sách báo, phim ảnh, du khảo, hành hương…

– Phối hợp chặt chẽ giữa các Uỷ Ban Giám Mục để hoạt động Loan Báo Tin Mừng

– Vận động các cha sở, các vị có trách nhiệm mục vụ, tạo môi trường và hoàn cảnh thuận lợi, đồng thời hướng dẫn giáo dân góp phần vào sứ mạng Loan Báo Tin Mừng theo chỉ dẫn của HĐGM.

– Tổ chức phát động đồng bộ giữa các giáo phận và dòng tu về việc thiết lập và phát triển 4 hội Giáo Hoàng Truyền Giáo theo huấn thị Cooperatio missionalis về cộng tác truyền giáo theo chỉ thị của Hội Thánh và HĐGMVN. (Người thừa sai trên cánh đồng sứ vụ, đúc kết, tr. 11).

AD VENIAT REGNUM TUUM, DOMINE!

UB Loan Báo Tin Mừng/ HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây