TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

TỰ ÐIỂN PHỤNG VỤ : B

Chủ nhật - 19/11/2023 08:36 |   555
Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Ðức Giê-su Ki-tô, trong đó, công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khắc ghi và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Ki-tô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người (PV 7).
TỰ ÐIỂN PHỤNG VỤ : B
TỰ ÐIỂN PHỤNG VỤ : B
 
Ba Lần Thánh
<(= Trisagion)

Tiếng Hy Lạp trisagion có nghĩa là ba lần thánh. Trong phụng vụ Hy Lạp, từ này chỉ kinh Thánh, Thánh, Thánh. Ðây cũng là điệp khúc ba lần Hagios trong những lời Than vãn ngày thứ sáu Tuần Thánh (xc. Hagios o theos).

 

Ba Ngôi
<(= Trinité)

Chúa nhật sau ngày lễ Ngũ tuần là lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi. Vào cuối chu kỳ phụng vụ kính mầu nhiệm Nhập thể và Cứu độ (Giáng sinh, Phục sinh), kết thúc bằng việc ban Thánh Thần, Hội thánh có ý dừng lại ở mầu nhiệm Ba Ngôi. Dù lễ này nhắm đến ý nghĩa tín lý, có lẽ xa lạ với cung giọng quen thuộc của những ngày lễ trọng cổ truyền (đó cũng là trường hợp của lễ Mình Máu Thánh), việc mừng kính mầu nhiệm Ba Ngôi là một lời nhắc nhở thích hợp về nguồn mạch và đích điểm của toàn bộ đời sống Ki-tô giáo.

Mọi cử hành phụng vụ đều bắt đầu bằng công thức "Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần", hòa nhịp với kinh chúc tụng "Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa", hay những vinh tụng ca khác về Chúa Ba Ngôi (xc. Per Ipsum). Chính vì đã được thánh tẩy "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần", nên người Ki-tô hữu có thể cử hành Giao ước, nhờ chức tư tế cộng đồng: không chỉ sẵn sàng đón nhận tác động cứu độ của Chúa Ba Ngôi. Các tín hữu nên nhớ: phụng vụ Giê-ru-sa-lem trên trời chính là việc cử hành chúng ta được tham dự thực sự thông qua phụng vụ trần thế và là việc tháp ghép hoàn hảo của Hội thánh, Hiền thê và Thân mình Ðức Ki-tô, vào trong đời sống Chúa Con, Ðấng sinh ra bởi Chúa Cha và trong Chúa Thánh Thần và lại trở về với Chúa Cha trong cùng một Thánh Thần (xc. Vinh quang, Chúa Thánh Thần, Giao ước, Cộng đoàn).

 

Bài Công Bố Các Lễ Di Ðộng
<(= Annonce des fêtes mobile)

Theo phong tục cổ xưa của phụng vụ Rô-ma, vào ngày lễ Hiển linh, người ta có thể hát bài công bố các lễ di động sau bài Tin mừng. Âm điệu của bài này rất gần với âm điệu của phần dẫn nhập trong bài ca Exultet, tức là bài công bố Tin mừng Phục sinh. Những bài ca với nhạc điệu rất đơn giản này có nguồn gốc rất xa xưa từ bình ca ghê-gô-ri-a-nô.

 

Bài Công Bố Tin Mừng Phục Sinh
<(= Exultet)

Còn gọi là bài Exultet, do động từ La-tinh exultare, nghĩa là nhảy mừng, hân hoan vui sướng. Exultet là bài công bố long trọng lễ Phục sinh do một phó tế hát lúc khởi đầu đêm canh thức trọng thể, sau nghi thức làm phép lửa mới, chuẩn bị nến Phục sinh và cuộc rước vào thánh đường dưới ánh nến Phục sinh. Bài ca Exultet kết thúc phần đầu của đêm canh thức mừng ánh sáng Ðức Ki-tô phục sinh.

Mừng vui lên hỡi các cơ binh Thiên thần trên trời! Ðó là lời mở đầu bài ca trọng thể này, một tổng hợp đầy thi vị, cô đọng toàn thể mầu nhiệm Phục sinh và tất cả niềm vui xuất phát từ mầu nhiệm đó. Bài ca xuất hiện ít là từ thế kỷ IV. Sau khi hân hoan hát lời mở đầu, thầy phó tế hát tiếp phần xướng đáp của kinh Tiền tụng như trong thánh lễ, rồi đến phần chính của bài Exultet, bằng giọng trang trọng của kinh Tiền tụng Rô-ma,, điểm thêm những biến tấu khác thường.

Trong suốt thời gian hát bài Exultet, các tín hữu cầm nến sáng trong tay và hiệp thông với niềm hân hoan của thầy phó tế bằng lời thưa A-men, kết thúc. Thầy phó tế xin và nhận phép lành của chủ tế trước khi hát, giống như khi hát hoặc đọc Tin mừng trong thánh lễ. Linh mục hoặc giáo dân cũng có thể đảm nhận trách nhiệm này khi không có thầy phó tế, nhưng bỏ phần xin chúc lành.

 

Bài Ðọc (Giờ Kinh)
<(= Lecon)

Là bài đọc khi cử hành phụng vụ, gồm bài dài trong giờ kinh Sách, bài ngắn trong các giờ kinh khác (xc. Bài đọc).

 

Bài Ðọc (Sách)
<(= Lectionnaire)

Ðây là sách phụng vụ gồm các bài đọc đã được soạn sẵn cho các buổi cử hành lễ. Người ta phân biệt Sách bài đọc Chúa nhật và ngày trong tuần, Sách bài đọc cho các nghi lễ Rửa tội, Hôn phối, An táng... Ngoài ra, còn có Sách bài đọc sử dụng trong giờ kinh Sách.

 

Bài Ðọc (Văn Bản)
<(= Lectures)

Trong thánh lễ, cũng như trong các buổi cử hành khác, các bài đọc không chỉ có mục đích loan báo hay giáo huấn cho các tín hữu, nhưng còn thực sự là bản công bố chương trình của Thiên Chúa trong Lịch sử Cứu độ, một sự hiện thực hóa Mặc khải cho cộng đoàn phụng vụ. Chính trong phụng vụ, Thánh kinh cho thấy những chiều kích đích thực của "Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu" (Dt 4,12). (xc. Thánh kinh, Tin mừng).

Trong các Giờ kinh Phụng vụ, giờ kinh Sách được dành để suy niệm Thánh kinh và những trang tuyệt tác của các văn nhân chuyên về đời sống thiêng liêng, đặc biệt là các giáo phụ. Giờ kinh Sách gồm có: lời dẫn, thánh thi, ba thánh vịnh hoặc các phần thánh vịnh, bài đọc Thánh kinh với phần xướng đáp, bài đọc giáo phụ hay hạnh tích các thánh kèm phần xướng đáp, và phần kết thúc. Ðể giờ kinh giữ được tính cách riêng của việc đọc sách thiêng liêng, tức là lời cầu nguyện nội tâm kín múc từ Thánh kinh và Thánh truyền, có thể cử hành giờ kinh này vào thời điểm thuận tiện nhất trong ngày. Nếu giờ kinh sách được cử hành trước tiên trong ngày, nó được khởi sự với lời giáo đầu. Các Giờ kinh Phụng vụ khác có một bài đọc ngắn sau các thánh vịnh (xc. bài đọc).

 

Bài Ðọc Ngắn
<(= Capitule)

Ðây là một trích đoạn từ một chương trong Thánh kinh, dùng làm bài đọc ngắn sau phần thánh vịnh của một Giờ kinh Phụng vụ.

 

Bài Ðọc Tin Mừng (Sách)
<(= Evangéliaire)

Sách có những đoạn Tin mừng được dùng để công bố hay hát Tin mừng trong thánh lễ.

 

Bài Giảng
<(= Homélie)

Ðây là bài huấn từ của chính vị chủ tế (hoặc một linh mục khác hay một phó tế). Bài giảng tiếp ngay sau bài Tin mừng, có mục đích hiện tại hóa các bài đọc mỗi ngày cho cộng đoàn; và như vậy giúp các tín hữu cử hành Thánh Thể một cách đích thực hơn. Bài giảng được coi như thành phần thiết yếu của phụng vụ, nên buộc phải giảng trong các lễ Chúa nhật và lễ buộc, kể cả trong các lễ tu viện có giáo dân tham dự. Trong các thánh lễ khác cũng nên có bài giảng.

 

Bái Gối
<(= Génuflexion)

Bái gối là một hành vi thờ phượng, tỏ bày sự tôn kính bằng cả thân xác. Khác với việc quì gối là một tư thế ổn định, bái gối là một cử chỉ nhất thời. Trong thánh lễ, linh mục bái gối sau mỗi lần thánh hiến và trước khi hiệp lễ. Qua việc bái gối hoặc bằng một cử chỉ thờ phượng khác lúc sắp hiệp lễ. Các tín hữu biểu lộ lòng kính trọng đối với Thánh Thể. Trước Thánh Thể, dù được trưng ra hay cất giữ trong nhà tạm, người ta đều bái một gối.

 

Bàn Chuẩn Bị Lễ Vật
<(= Crédence)

Lúc đầu đó là cái bàn trên đó người ta đặt những đồ ăn đồ uống cần phải thử trước khi dọn cho các bậc vị vọng. Người ta nếm trước để có thể an tâm dọn cho các thực khách.

Trong phụng vụ, đó là cái bàn để đặt chén thánh, dĩa, bình thánh, bánh rượu và nước cần dùng cho bữa tiệc hiến tế Thánh Thể. Các sách, nến và những thứ khác cần dùng trong nghi lễ cũng thường được đặt trên đó. Tất cả những thứ này sẽ được mang lên bàn thờ vào những lúc qui định.

 

Bàn Thờ
<(= Autel)

Trong La ngữ, từ altare, bắt nguồn từ chữ altus nghĩa là cao. Thoạt đầu, bàn thờ là một nơi cao dùng làm điểm giao kết giữa Thiên Chúa và thế giới. Bởi vậy, các ngọn núi hay các quả đồi là những nơi dành riêng để xây dựng các tế đàn nơi Thiên Chúa ngự xuống, và là nơi con người đi lên "Chạm núi cao cho khói tỏa mịt mù" (Tv 143,5). Cũng có khi một tảng đá từ trời rơi xuống - thiên thạch - làm cho nơi ấy thành một nơi phụng tự (chẳng hạn thánh địa La Mecque). Mặc dù bàn thờ cũng có thể ám chỉ toàn bộ một nơi thờ phượng (Ðông phương vẫn giữ thói quen này), nhưng dần dần được dùng để chỉ nơi trung tâm, tức là cái bàn, trên đó người ta dâng lên Thiên Chúa hoa màu lợi tức của mình. Việc đặt các thực phẩm ấy trên bàn thờ bằng đá như vậy là đặt chúng trong tay Thiên Chúa, hỏa thiêu chúng tức là dâng chúng lên trời để Thiên Chúa thưởng thức linh hương ngạt ngào của chúng (xc. St 8,21). Là cái bàn trên đó các lễ vật chuyển sang lãnh vực linh thánh, đương nhiên bàn thờ tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chính vì thế, bàn thờ không phải là nơi ai cũng được đụng chạm đến, thông thường chỉ có các tư tế mới được tới gần (xc. Xh 29), với những cử chỉ cung kính, như việc hôn kính bàn thờ trong thánh lễ.

Là bàn dâng lễ toàn thiêu, trên đó tế vật hoàn toàn trở thành khói hương bay lên Thiên Chúa, nên bàn thờ cũng là nơi Thiên Chúa và cộng đoàn cùng chia sẻ lương thực, dấu chỉ hiệp thông. Lương thực do Chúa ban được dâng lại cho Người, phần còn lại thuộc về con người và được nhìn nhận như là vật thánh thực sự (xc. Bữa tiệc). Thiên Chúa và con người hiệp thông trong cùng một sự sống: cả hai đều là thực khách. Khi kết thúc giao ước Xi-nai, một phần máu của các vật hy lễ được rưới trên bàn thờ, tượng trưng cho Ðức Gia-vê, còn lại phần kia rẩy trên dân. Nhờ hy lễ, Thiên Chúa và con người trở thành đồng huyết thống (xc. Xh 24).

Trong Tân ước, xét như Thiên Chúa, Ðức Ki-tô là Bàn thờ: với tư cách nhân loại, Người là Lễ vật và Tư tế. Lời tiền tụng thứ 5 của mùa Phục sinh tung hô: "Khi Người hiến mình trên thánh giá, Người đã làm cho hết thảy các hy lễ của Giao ước cũ đạt đến thành toàn; và khi hiến thân để cứu độ chúng con, chỉ một mình Người là bàn thờ, tư tế và tế vật".

Khi thánh hiến bàn thờ, việc dùng dầu thánh xức trên năm dấu thánh giá (ở giữa và bốn góc) và trên khắp mặt bàn thờ, biến tảng đá ấy biến thành biểu tượng của Ðức Ki-tô, Ðấng đã được xức dầu Thánh Thần. Việc xông hương bàn thờ biểu trưng cho hy lễ Ðức Ki-tô. Ðấng hiến mình cho Chúa Cha tựa hương thơm ngào ngạt (Ep 5,2), đồng thời biểu tượng cho lời cầu nguyện nhờ Thánh Thần tác động trong tâm hồn. Khăn trải bàn thờ cho thấy đó là bàn tiệc Thánh Thể, nơi đây Thiên Chúa và con người cùng hiệp thông, không phải bằng máu của súc vật hy tế, nhưng trong Bửu huyết của Ngôi Lời nhập thể, Ðấng đã chết và phục sinh. Những ngọn nến bao quanh bàn thờ gợi lên Ðức Ki-tô là "Ánh sáng muôn dân" (Lc 2,32). Bên dưới mặt bàn thờ có đặt hài cốt các thánh: đó là biểu hiện sự hiệp nhất giữa hy lễ của Ðầu và các chi thể trong Nhiệm Thể.

Trong các thánh đường, bàn thờ, nơi tái diễn hy lễ độc nhất của Tân ước, là trọng tâm qui tụ của toàn bộ toàn kiến trúc. Nhằm làm nổi bật hơn nữa giá trị đích thực của bàn thờ, không nên đặt nhà tạm ở đó. Ngoài những cử chỉ tôn kính dành cho bí tích Thánh Thể (xc. Bái gối), bàn thờ cũng xứng đáng được các tín hữu biểu lộ sự cung kính hơn cả thánh giá nữa (xc. Cúi). Việc các linh mục hôn bàn thờ khi cử hành thánh lễ là biểu hiệu của lòng tôn kính và sự hiệp thông. Bàn thờ, Tư tế và Hiến tế Tạ ơn là những biểu tượng của Ðức Ki-tô theo những cấp độ khác biệt, nhưng bổ túc cho nhau.

Chỉ có bàn thờ cố định mới được thánh hiến. Một bàn thờ di động được làm phép do đức giám mục hay vị linh mục phụ trách nhà thờ nơi đặt bàn thờ đó và không đặt hài cốt các thánh bên dưới.

 

Bánh
<(= Pain)

Bánh là thức ăn chính yêu của con người, nhất là ở Tây phương. Bánh còn là biểu tượng của thực phẩm. Với ý nghĩa này, bánh được dâng lên Thiên Chúa như lễ vật. Trong Giao ước cũ, Ðức Gia-vê truyền dâng cho Người bánh tiến - theo nghĩa đen, là bánh của Nhan Người - Bánh này được đặt trước Nhan Thiên Chúa suốt cả tuần, trong nơi thánh Lều Tạm hay Ðền thờ, trước khi được vị tư tế lãnh nhận (Xh 25,30; Lv 24,5-9; 1 Sm 21,5). Thiên Chúa muốn con người luôn nhớ rằng: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Ðnl 8,3; Mt 4,4).

Ngôi Lời Thiên Chúa là Lời đến từ Thiên Chúa và lại về với Thiên Chúa (Is 55,11). Chỉ Lời Chúa mới có khả năng "làm cho tâm hồn con người được vững mạnh" (Tv 103,15). Trong diễn từ về Bánh Hằng sống (Ga 6), Ðức Giê-su tuyên bố Người là "Bánh Thiên Chúa ban, là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian" (6,33). Chính Chúa Cha là Ðấng ban cho chúng ta Bánh Hằng sống, và chính Ngôi Lời Nhập thể đã tự hiến mình khi ban tặng Thân thể Người để thế gian được sống (6,51).

Trong bí tích Thánh Thể, Thân thể Ðức Ki-tô là của ăn và Bửu huyết Người thật là của uống (6,55). Khi lãnh nhận Thân và Huyết Ðức Ki-tô, Ki-tô hữu tham dự vào hy tế của Người, hiệp thông với chính Chúa Con, Ðấng sống nhờ Chúa "lương thực cần dùng" (Mt 6,11, theo ý nghĩa nguyên thủy của từ Hy Lạp épousios). Do đó, chúng ta không ngừng dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha. Bánh Chúa Cha ban cho chúng ta là chính Con của Người đã tự hiến vì chúng ta, và bánh chúng ta dâng lên Chúa Cha cũng chính là Người Con ấy. Trong phụng vụ, đó là hai chiều kích không thể tách rời được (xc. Bánh không men; Tế phẩm).

Trong một vài trường hợp, chẳng hạn lễ Hiển linh, trước khi chuẩn bị lễ vật, người ta có thói quen chúc lành trên bánh và các thứ bánh không thánh hiến. Các nghi thức làm phép bánh rất cổ xưa. Việc lãnh nhận bánh này đôi khi thay thế việc hiệp lễ, khi không thể hiệp lễ theo đúng nghĩa được.

 

Bánh Không Men
<(= Azyme)

Hội thánh Tây phương có thói quen dùng bánh không men trong phụng vụ Thánh Thể, căn cứ vào tính chất lễ Vượt qua của bữa Tiệc ly đầu tiên. Trong bữa tiệc này, Ðức Giêsu chắc hẳn đã dùng bánh không men theo nghi thức mừng lễ Vượt qua của người Do Thái. Ngược lại, Hội thánh Ðông phương quen cử hành Thánh Thể với bánh thông thường. Những cách thực hành khác biệt này giữa Hội thánh Hy Lạp và Hội thánh La-tinh đã là nguyên nhân phát sinh những cuộc tranh luận. Nhưng rất may là những tranh luận ấy ngày nay đã bớt phần gay gắt.

Từ khởi thủy, việc dâng bánh không men là một nghi lễ hiến tế của các nông dân định cư, gắn liền với việc cử hành lễ Vượt qua: việc cử hành này mô phỏng theo một hiến lễ của các người chăn chiên du mục qua việc sát tế chiên vượt qua (xc. Xh 12 và 13). Ðức Ki-tô, lễ Vượt qua của chúng ta, vừa là Con Chiên vô tì tích, vừa là bánh chân thực, không vương một chút men cũ là lòng gian tà và độc ác (1 Cr 5,5-8).

Ðúng ra, Tin mừng nói về men theo một nghĩa tích cực và một nghĩa tiêu cực. Ðức Giêsu nói tới lời giảng dạy của các người Pha-ri-sêu như một thứ men xấu, có thể làm hư cả khối bột (Mt 16,5-12; Xc. 1 Cr 5,6; Gl 9). Nhưng chỗ khác, Người lại nói: "Nước Trời giống như men được một người đàn bà lấy trộn vào ba đấu bột cho đến khi tất cả dậy men" (Mt 13,33). Câu trích dẫn này cùng với những câu khác nữa có thể biện minh cho tập tục của Hội thánh Ðông phương.

 

Bao Ðựng Khăn Thánh
<(= Bourse)

Là một tấm bìa hình vuông, có thể mở và gấp được, dùng để đựng khăn thánh. Bao này thường cùng màu với áo lễ và được đặt trên tấm khăn phủ chén thánh. Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt khăn thánh bên dưới tấm khăn phủ chén thánh, và vì thế, không cần bao này nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn còn dùng bao này khi chầu phép lành Thánh Thể.

 

Bẻ Bánh
<(= Fraction du pain)

Bẻ bánh là một trong những danh xưng cổ nhất để chỉ Thánh Thể (Lc 24,35; Cv 2,42). Theo nghi thức bữa ăn của người Do Thái, sau khi đọc lời chúc tụng, vị chủ tọa bẻ bánh chia cho các thực khách. Ðức Giê-su đã thi hành những cử chỉ này trong hai lần Người làm cho bánh hóa nhiều (Mt 14,19; 15,36; Ga 6,11) và lúc Người thiết lập bí tích Thánh Thể (Lc 22,19). Từ lúc đó, nghi lễ bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Ðức Ki-tô - Người Tôi Trung dâng hiến mạng sống mình để chúng ta được sống dồi dào: Người tự trao nộp để được bẻ ra (qua đau khổ) và phân phát cho mọi người. Như vậy bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Ki-tô giáo (Cv 2,46; 20,7.11; 27,35; 1 Cr 10,16).

Trong lúc cử hành thánh lễ, sau lời chúc bình an, đang khi đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, chủ tế bẻ bánh Thánh Thể. Khi đưa lời cầu khẩn đó vào trong thánh lễ, đức Giáo hoàng Xéc-gi-ô (687-701) qui định phải hát kinh này trong lúc cùng nhau chia sẻ Mình Chúa. Bẻ bánh là một cử chỉ chuẩn bị hiệp lễ, cần thực thi với lòng sùng kính đặc biệt, vì đó là lặp lại cử chỉ của Chúa. Tính cách biểu tượng của cử chỉ này được nhấn mạnh qua ba lần kêu cầu Chiên Thiên Chúa, Ðấng đã nộp mình vì chúng ta, Ðấng chúng ta hưởng dùng như là Chiên Vượt qua mới. Bẻ bánh trong thánh lễ đồng tế càng cần thiết và ý nghĩa hơn: một tấm bánh Thánh Thể duy nhất, phân phát cho các vị đồng tế và ít là vài tín hữu, sẽ diễn tả biểu tượng hiệp nhất rõ ràng hơn (xc. 1 Cr 10,16-17).

 

Bể Nước
<(= Piscine)

Bể nước thanh tẩy là một cái hồ lớn, nơi người ta làm Thanh tẩy bằng cách dìm. Cũng có thể là một cái chậu để rửa tội bằng cách đổ nước (xc. Giếng, Thánh tẩy). Trong ngôn ngữ phụng vụ, bể nước còn chỉ một cái bồn ở gần bàn thờ, hoặc trong giếng rửa tội, hoặc trong phòng thánh, dùng để xả nước đã dùng trong bí tích Thánh tẩy và trong việc tẩy rửa các đồ thánh khác.

 

Bí Tích (Bảy)
<(= Sacrement)

Bí tích là một hành vi hay một thực tại liên hệ tới sự linh thánh. Ý nghĩa đầu tiên của từ sacramentum trong tiếng La-tinh là lời thề: người ta thề dựa trên điều linh thánh. Bí tích bao gồm sự linh thánh giống như thuốc men (medicamentum), sự chữa trị, hoặc giống như đài tưởng niệm (monumentum), gồm chứa điều người ta phải ghi nhớ (monere).

Nhân tính của Ðức Ki-tô, kết hợp với ngôi vị Con Thiên Chúa, có thể gọi được là bí tích của Thiên Chúa: "Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9). Chính từ nhân tính của Ðức Ki-tô đã phát sinh ra đời sống thần linh làm sống động tất cả mọi chi thể của Nhiệm thể Người. Như vậy, bí tích trọn vẹn của Thiên Chúa - hoặc bí-tích-nguồn-mạch - là toàn Thân mình Ðức Ki-tô, gồm Ðầu và các chi thể, chứa đựng sự sống của Thiên Chúa. Trong viễn tượng đó, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã muốn định nghĩa Hội thánh. "Trong Chúa Ki-tô, như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (GH 1). Thực vậy, trong khi chờ đợi Hội thánh được sáp nhập trọn vẹn vào đời sống của Thiên Chúa, Ðức Ki-tô, Ðấng đang ngự trị trong vinh quang Thiên Chúa, đã thánh hóa Thân mình của Người, không phải trực tiếp qua nhân tính thánh thiện, nhưng nhờ Hội thánh là Hiền thê và là Người Cộng tác trong công trình cứu độ của Người. Chính trong bí tích nguồn mạch, tức là Hội thánh, Thánh truyền đã giữ lại bảy bí tích, là những hành vi chính yếu của Chúa Ki-tô và của Hội thánh để thánh hóa con người.

Là những dấu hiệu bên ngoài mang ân sủng bên trong, hoặc là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, nên các bí tích phù hợp với bản tính con người, vừa tinh thần vừa thể chất. Khi người ta nói bí tích tác động do sự (ex opere operato), thì không nên hiểu rằng các bí tích có hiệu quả một cách máy móc, nhưng đúng hơn, đó là những tác động của Thiên Chúa được Ðức Ki-tô trực tiếp thiết lập, mang lại hiệu quả theo sự chuẩn bị của người lãnh nhận. Chính qua các bí tích, phụng vụ biểu lộ rõ ràng nhất cách thức gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, sự gặp gỡ do sáng kiến của Thiên Chúa và sự đồng ý của con người (xc. Phụng vụ).

Vì đời sống ân sủng gắn liền với đời sống tự nhiên của con người, nên các bí tích thánh hóa những giai đoạn chính yếu của đời sống cũng như những tình huống quan trọng của nhân loại. Bí tích Thánh tẩy là sự sinh ra trong đời sống thần linh; bí tích Thêm sức là đánh dấu việc đạt đến tầm mức trưởng thành trong đức tin; bí tích Thánh Thể là nền tảng của toàn bộ các bí tích vì đó là sự hiện tại hóa một cách mỹ mãn Giao ước và sự hiệp thông hoàn toàn với Ðức Ki-tô. Ba bí tích đầu tiên này là các bí tích khai tâm. Bí tích Hôn nhân thánh hóa sự kết hợp vợ chồng nhằm sinh sản và giáo dục con cái; bí tích Truyền chức đem lại cho Hội thánh những thừa tác viên: giám mục, linh mục, phó tế; bí tích Sám hối giúp tìm lại đời sống ân sủng hay thực thi đời sống đó một cách sâu xa hơn. Bí tích Xức dầu bệnh nhân vừa là sự nâng đỡ vừa là sự tẩy luyện trong viễn tượng một cuộc hành trình tiến đến đời sống đích thực cùng với Ðức Ki-tô.

Về hiệu quả của bí-tích, thánh Âu Tinh phân biệt sacramentum tantum là dấu hiệu thuần túy ngoại tại, như việc đổ nước, sử dụng bánh, rượu; res tantum là hiệu quả tối hậu của các bí tích tức là ân sủng của Thánh Thần ban trong mỗi lãnh vực bí tích; và cuối cùng là res et sacramentum là thực tại trung gian, vừa là hiệu quả trước tiên, vừa là dấu chỉ hiệu quả tối hậu: đây là ấn tích trong các bí tích Thánh tẩy. Thêm sức, Truyền chức và là sự hiện diện thực sự của Chúa trong bí tích Thánh Thể. (Xin tham khảo thêm những khảo luận thần học. Xc. Chất liệu, Mô thức, Thánh Thần).

 

Bí Tích (Sách)
<(= Sacramentaire)

Trong phụng vụ Ki-tô giáo thời sơ khai, sách bí tích là sách linh mục dùng khi cử hành thánh lễ, gồm các lời cầu, các kinh tiền tụng, kinh Tạ ơn. Các sách bí tích của đức Lê-ô Cả (thế kỷ IV-V), đức Ghê-la-xi-ô (VI-VII) và đức Ghê-gô-ri-ô (VII) là những nguồn tài liệu chính của sách lễ Rô-ma.

 

Bìa Xếp
<(= Diptyques)

Thời đầu, bìa xếp chỉ đồ vật có thể gấp làm đôi: bìa xếp là những tấm bìa có thể gấp lại với nhau; bìa gấp ba là tấm bìa gấp lại thành 3 phần bằng nhau, hai phần mép bìa đặt lên nhau.

Trong phụng vụ, bìa xếp là những tấm bìa gấp đôi, trên đó ghi tên người sống và người chết được đến trong Lễ qui. Trong số những người còn sống, phải đặc biệt nhắc đến các vị lãnh đạo Hội thánh để bày tỏ mối hiệp thông với các vị ấy. Vì thế, việc rút danh tính một người ra khỏi tấm bìa xếp có nghĩa là khai trừ người đó khỏi cộng đoàn. Trong số những người chết, các thánh thuộc diện ưu tiên: xét về nguồn gốc, phong thánh lại chẳng phải là ghi danh vào kinh Tạ ơn sao?

Trong kinh Tạ ơn Rô-ma, những tấm bìa xếp tồn tại dưới hình thức kinh cùng hiệp thông (Communicantes) và kinh xin cũng cho chúng con (Nobis quoque), gồm một danh sách các thánh khá dài, và hai kinh xin nhớ đến (Memento), một cầu cho người sống và một cầu cho người chết (xc. Kinh Tạ ơn).

 

Biến Hình - Hiển Dung
<(= Transfiguration)

Là lễ kính Chúa mừng vào ngày 6 tháng 8. Lễ Biến hình mừng biến cố các tông đồ Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê được chiêm ngắm vinh quang của Ðức Ki-tô, tám ngày sau khi ông Phê-rô tuyên tín tại Xê-da-rê và Ðức Ki-tô loan báo cuộc tử nạn lần thứ nhất. Ðức Giê-su muốn củng cố tâm hồn các tông đồ trước các đau khổ đang chờ đợi Người. Người đã nói với các ông những lời sau này Người sẽ nói với các môn đệ trên đường Em-mau: "Nào Ðức Ki-tô lại chẳng phải chịu đau khổ như thế, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người hay sao?" (Lc 24,26). Như vậy, lễ Biến hình là một ngày lễ của vinh quang, là sự tiến đến đích điểm Lịch sử Cứu độ, tức là tham dự hoàn toàn vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu như các ông Mô-sê và Ê-li-a rạng ngời vinh hiển, đó chính là vì các ông đã tham dự một phần vào vinh quang tại núi Xi-nai (xc. Xh 33,18-23; 1 V 19,9-14). Khi ông Phêrô nêu lên việc dựng lều - mặc dù chính ông không biết mình nói gì (Lc 9,33) -đó là một ám chỉ lều Hội ngô, tại đó Ðức Chúa đã đàm đạo với ông Mô-sê, diện đối diện (Xh 33,7-11). Ðám mây cũng gợi đến sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người trong cuộc Xuất hành (13,21-22; 19,9; 33,9-10). Tiếng nói của Chúa Cha, cũng là những lời trong đó Chúa Con được sinh ra, cho thấy chúng ta chỉ có thể tham dự vào vinh quang của Chúa Con (xc. Ga 7,22-24) bằng việc lắng nghe Ðức Giê-su và bước theo Người. Lễ Biến hình là một lời mời gọi hướng tới vinh quang, và cũng là một nhắc nhở về hành trình đau khổ dẫn tới vinh quang.

 

Biến Thể
<(= Transsubstantiation)

Vào thế kỷ XVI, từ Biến thể được Công đồng Tren-tô thừa nhận, tuy nhiên nó đã được ông Tê-tu-li-a-nô (thế kỷ II-III) và cả thời Trung cổ sử dụng để nói về sự biến đổi kỳ diệu vào lúc truyền phép trong thánh lễ. Bản thể - cốt lõi của hữu thể - của bánh đã được biến đổi thành bản thể của Mình Ðức Ki-tô, và bản thể của rượu được biến đổi thành bản thể của Máu Ðức Ki-tô. Như vậy, từ biến thể là một cố gắng giải thích các lời Ðức Ki-tô nói trong bữa tiệc ly: "Ðây là Mình Thầy... Ðây là Máu Thầy" (xc. Thánh Thể).

 

Biển Ðức (Ðan sĩ)
<(= Bénédictins)

Là các tu sĩ thuộc dòng thánh Biển Ðức (từ La-tinh là Benedictus). Qua tu luật, các tu sĩ này hiến thân tìm kiếm Thiên Chúa, nên họ "không được ưa thích điều gì hơn là Công trình Thiên Chúa" (Tu luật ch. 43), nghĩa là việc phụng vụ. Truyền thống Biển Ðức luôn đề cao việc cử hành trọng thể kinh Thần vụ. Về điểm này, thánh Biển Ðức Aniane (thế kỷ VIII-IX) và các đan viện phụ Cluny (thế kỷ X-XII) đã củng cố những chỉ thị của Tu luật thánh Biển Ðức. Các đan viện Biển Ðức vẫn luôn là những trung tâm của sinh hoạt phụng vụ.

 

Biểu Tượng - Kinh Tin Kính
<(= Symbole)

Trong Hy ngữ Symbolon chỉ một dấu để nhận ra nhau, hoặc một miếng thẻ làm tin, được sử dụng thời Trung cổ: hai vật lồng khít vào nhau, ăn khớp với nhau, chứng tỏ sự hiệp thông giữa những người sở hữu các vật đó.

Từ Symbolon không những có nghĩa là biểu tượng mà còn là kinh Tin kính. Ðó là toàn bộ những điều khoản diễn tả các chân lý cốt yếu của đức tin. Ðó là một cách để các tín hữu nhận ra nhau, một cách thiêng liêng chứ không phải cách vật chất. Kinh Tin kính là dấu chỉ chính yếu để nhận ra sự thông hiệp giữa các tín hữu. Khi sắp chịu phép Rửa tội, người ta trao kinh Tin kính như là môt điều bí truyền; đối với người lớn, đây mới chỉ là giai đoạn dự tòng. Trong thánh lễ ngày chúa nhật và lễ trọng, tín hữu cùng nhau tuyên xưng niềm tin của mình bằng kinh Tin kính các Tông đồ hoặc kinh Tin kính của các Công đồng Ni-xê và Công-tăng-ti-nô-pô-li.

Theo nghĩa tổng quát hơn, biểu tượng là một thực tại gợi lên, hoặc mang theo một thực tại khác. Biểu tượng tuy phong phú hơn, nhưng lại không chính xác bằng dấu chỉ. Vai trò chủ yếu của biểu tượng là vừa bày tỏ nhiều mức độ khác nhau của thực tại, vừa nối kết chúng lại: nơi con người toàn diện, biểu tượng diễn tả rõ nét sự hòa hợp của các sự vật. Phụng vụ là một tác động toàn diện, qua đó con người sống tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với thế giới, nên không thể vượt ra ngoài sự nối kết có tính cách biểu tượng. Thiên Chúa là Ðấng không ngừng tập họp Dân Người bằng cách sử dụng toàn bộ những biểu tượng của cuộc sáng tạo; trái lại ma quỉ lại phân tán, chia lìa, cắt đứt. Ý nghĩa các dấu chỉ bí tích tác dụng bên trong tính chất biểu tượng của các thành tố được sử dụng trong bí tích Thánh Thể; đối với dầu và nước cũng vậy. Lửa, hương, nến... không phải là một dấu chỉ bí tích, nhưng là một biểu tượng.

 

Bình
<(= Vase)

Trong phụng vụ, tiếng bình thánh để chỉ chung các chứa đựng: chén thánh, dĩa thánh, bình thánh, mặt nhật, hộp đựng Thánh Thể, bình đựng dầu thánh.

 

Bình An
<(= Paix)

Trong thánh lễ, nghi thức chúc bình an được thực hiện ở giữa vinh tụng ca cuối lời nguyện tiếp theo kinh Lạy Cha và lời nguyện thầm của linh mục trước khi hiệp lễ. Nghi thức này gồm có lời nguyện xin ơn bình an, lời nguyện công khai duy nhất dâng lên Ðức Ki-tô trong phần thường lễ, tiếp đó linh mục và các tín hữu chúc bình an cho nhau, cuối cùng là kinh "Lạy Chiên Thiên Chúa", kết thúc bằng lời cầu: "Xin ban bình an cho chúng con".

Một khi đã được hòa giải với Thiên Chúa và với nhau, nhờ tái diễn hy lễ của Ðức Ki-tô, và một khi đã cùng nhau hát kinh Lạy Cha, các tín hữu có thể trao cho nhau bình an trước khi đóng ấn lên mối quan hệ giữa họ với nhau qua việc hiệp lễ. Bình an là hoa trái tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt qua (Ga 14,27; 20,19.20.26; xc Ga 5,22).

Theo truyền thống, cử chỉ hoặc dấu hiệu bình an là cái hôn chúc bình an. Tự nó, cái hôn đã rất có ý nghĩa. Nhưng vì không phải ở đâu cũng quen cử chỉ ấy, nên có thể sử dụng nhiều cách chúc bình an khác. Trong vấn đề này, thái độ tinh tế và kính trọng những tập quán của người khác chính là dấu hiệu chúc bình an tốt nhất.

 

Bình Ca
<(= Plain-chant)

Từ này không hoàn toàn đồng nghĩa với từ "nhạc Ghê-gô-ri-ô" (xc. Ghê-gô-ri-ô).

 

Bình Thánh
(= Ciboire)

Bình thánh là bình dành riêng đựng và lưu trữ Thánh Thể, để phân phát cho tín hữu trong hoặc ngoài thánh lễ. Thông thường, bình thánh có dạng bán cầu; khác với chén thánh, bình thánh thường có nắp đậy với cây thánh giá ở trên (xc. Áo nhà tạm; Hộp đựng Thánh Thể).

 

Bộ Lễ
(= Kyriale)

Trong sách Ca tiến cấp hoặc trong các Sách kinh giáo dân, bộ lễ là một phần của cuốn sách gồm các bài hát phần thường lễ, viết theo những giai điệu khác nhau, và còn tồn tại đến nay là: kinh Thương xót, kinh Vinh danh, kinh Thánh, Thánh, Thánh, và kinh Chiên Thiên Chúa, được đánh số từ I-XVIII; tiếp theo đó là các kinh tự do, nghĩa là tùy ý lựa chọn, gồm: kinh Tin kính, kinh Thương xót, kinh Vinh danh, Thánh Thánh Thánh và các câu Chiên Thiên Chúa để riêng. Toàn thể bộ lễ chỉ xuất hiện sau thế kỷ X và không dùng dấu neuma. Một vài kinh Thương xót có nguồn gốc tương đối muộn hơn, như kinh thứ VIII De Angelis, chịu ảnh hưởng nhạc Bình ca nhiều hơn là nhạc Ghê-gô-ri-ô.

 

Bổn Mạng
(= Patron)

Bổn mạng là vị thánh được chọn hoặc chấp nhận như là vị bảo trợ đặc biệt cho một cộng đoàn Ki-tô giáo nào đó: một quốc gia, tỉnh, giáo phận, giáo xứ, dòng tu. Vị thánh được người ta dâng kính một thánh đường hay một công trình kiến trúc thì gọi là thánh bảo trợ. Còn thánh bổn mạng là vị thánh che chở cho cả một nơi nào đó, một vùng đất hoặc một người: thị trấn hoặc thành phố, tỉnh , quốc gia, đại lục hoặc một dòng tu, một cộng đoàn tu trì.

Ngày lễ kính thánh bảo trợ của một thành, hoặc một cộng đồng, là lễ được mừng trọng thể trong tất cả các nhà thờ thuộc khu vực đó. Lễ thánh bảo trợ chính của một dòng tu cũng được cử hành trọng thể trong tất cả mọi nhà thuộc về dòng tu đó. Lễ thánh bảo trợ chính của một giáo phận, một tỉnh hay một quốc gia là lễ kính. Ngày lễ các thánh bảo trợ thứ hai là lễ nhớ buộc (xc. Lịch phụng vụ; Lễ riêng). Không thể chọn Ba Ngôi Thiên Chúa là Ðấng Bảo trợ, vì chính Thiên Chúa không tự giới hạn quyền bảo trợ của mình vào một nơi nào, và cũng không phải là Ðấng Bảo trợ ngang hàng với bất cứ ai khác.

 

Bữa Tiệc
(= Repas)

Là một hành vi của cộng đoàn để bồi bổ sức khỏe, từ ngữ bữa tiệc, trong tất cả mọi miền, đã được thánh hóa thành như một hành vi thánh thiêng, hoặc hy tế tuyệt hảo. Thật vậy, Bữa tiệc thánh là một hành vi, nhờ đó con người chính thức sống mối dây nối kết mình với vũ trụ, với người khác và với Thiên Chúa. Ðó là khoảng thời gian đặc biệt để khi dùng các của ăn, người ta nhìn nhận mình là người cùng sống và đồng bàn, nghĩa là nhận mình lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa và người khác (xc. Hy tế).

 https://sites.google.com/site/giaolychotoi/tai-lieu-giao-hoi/tu-dien-phung-vu#a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây