TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật II Thường Niên – Năm B

29/04/2021 08:57:41 |   1065

Chúa Nhật II Thường Niên – Năm B



 

 

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Trong thương trường, để bán được hàng hóa, người ta phải tìm mọi cách, bằng quảng cáo, tiếp thị, để giới thiệu cho mọi người biết trên thị trường có loại hàng hóa nào. Thời nay, hàng hóa mà không nhờ quảng cáo và tiếp thị thì dễ có nguy cơ bị ế, như thế người giới thiệu hết sức cần thiết. Để người ta tin vào Chúa Giêsu, cần phải có người giới thiệu Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ của mình là André và Gioan, và hai ông đã trở thành môn đệ Chúa Giêsu, suốt đời đã dấn thân trọn vẹn cho Người. Tất cả chúng ta phải lấy nguồn sinh lực trong Bí tích Thánh Thể để giới thiệu cho người khác, nhưng giờ đây để có thể làm được như vậy, chúng ta cùng xin Chúa thứ tha những lỗi lầm trót phạm.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin.

Bài Ðọc I: 1 Sm 3, 3b-10. 19

“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe'”. Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel, Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.

Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa

Xướng: Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

Xướng: không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.

Xướng: Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

Xướng: Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

Bài Ðọc II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20

“Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.

Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 11, 23

Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. – Alleluia.

Hoặc đọc:

Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã gặp Đấng Meessia, nghĩa là đấng Ki-tô, ân sủng và sự thật thì nhờ Người mà có. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 35-42

“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế:  Anh chị em thân mến! Chúa thường kêu gọi qua trung gian, đọc lại Thánh Thánh Kinh Cựu cũng như Tân Ước chúng ta sẽ thấy rõ điều ấy. Vậy để có thể nhận ra ý định của Thiên Chúa, chúng ta cùng hiệp lời cầu xin:

1. “Lạy Chúa xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang nghe”.- Xin cho các vị Chủ chăn luôn tìm ý Chúa để rồi bằng lời giáo huấn khôn ngoan, cũng như đời sống gương mẫu thánh thiện, các ngài hướng dẫn được nhiều người tìm về với Chúa và Hội Thánh, nhất là những anh em ly khai.

2. “Anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn”,- Xin cho các Kitô hữu ý thức về địa vị và giá trị của mình, mà trung thành với ơn gọi Kitô hữu trong mọi hoàn cảnh, và mọi môi trườn để luôn là hiện thân của Đức Kitô Chiên Thiên Chúa.

3. “Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Chúa Giêsu”,- Xin cho giới trẻ công giáo được tinh thần khắc khoải theo Chúa truyền giáo, để họ biết tận dụng mọi tương quan trong cuộc sống mà giới thiệu Đức Kitô cho mọi người.

4. “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta mỗi ngày thêm hiểu biết Chúa hơn, nhờ kết hợp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

Chủ tế:  Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã thương gọi chúng con cộng tác với Chúa trong việc tông đồ, xin cho chúng con biết đáp trả hồng ân cao vời này, bằng việc tận dụng mọi giây phút hiện tại, mà làm chứng cho Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Kitô, con một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin

Suy niệm

NHẠY BÉN VỚI TIẾNG GỌI CỦA CHÚA

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN – B

(1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 

 

Có một vị bề trên kia khi muốn cho môn sinh của mình tập sống đức nghèo khó, ngài không chỉ giảng dạy, mà hơn thế nữa, một hôm, ngài dẫn các môn sinh đi thăm một cha xứ ở ngay tại trung tâm thành phố. Khi đến nơi, các học trò rất ngỡ ngàng vì một linh mục trẻ trung trạc gần 50 tuổi, sống trong một giáo xứ quá nhỏ hẹp. Cả nhà thờ lẫn nhà xứ gói gọn trong khoảng 100 mét vuông. Phòng của ngài ở gồm sách vở, đồ dùng cá nhân và chỗ nằm vỏn vẹn khoảng 12 mét vuông. Khi tiếp cha bề trên và các môn sinh đi cùng, vị linh mục ấy tỏ ra vui vẻ và thật hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.

Khi trực tiếp mục sở nơi ở của vị linh mục này, các môn sinh rất khâm phục ngài với đời sống đơn sơ giản dị! Hơn nữa, các môn sinh ấy khám phá ra nét đẹp tuyệt vời của một con người có Chúa và niềm vui Tin Mừng.

Khi về nhà, ai nấy xôn xao chia sẻ với nhau và rất cảm kích thái độ từ bỏ trong an vui của vị linh mục này khi theo Chúa trên con đường dâng hiến.

Các ông đã đến xem và ở lại với Đức Giêsu

Cách đây hơn 2000 năm, cũng có một người đã dùng phương pháp này để giáo dục môn sinh của mình, người đó chính là Gioan Tẩy Giả mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến.

Tác giả Tin Mừng kể: vào thời điểm Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, Gioan cũng có một số đông đồ đệ đi theo mình. Uy tín của Gioan ngày càng được nhiều người biết đến. Riêng với các môn sinh thì rất nể phục và thượng tôn ông. Tuy nhiên, Gioan đã ý thức vai trò và sứ mạng của mình là dọn đường, là chuẩn bị lòng dân đón chờ Đấng Cứu Tinh. Vì thế, đã có lần ông nói: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa” (Ga 1,23).

Khi xác định vị trí và ơn gọi của mình là tiền hô, là người dọn đường, là người dẫn chương trình, nên khi thấy các môn sinh của mình có xu hướng tôn vinh, Gioan Tẩy Giả đã nhường lại sân khấu cho nhân vật chính là Đức Giêsu, Đấng là đường, là sự thật, là sự sống.

Chính vì lý do này mà Gioan đã không ngần ngại khi giới thiệu Đức Giêsu là: “Chiên Thiên Chúa” cho các môn đệ.

Khi nghe thấy thế, môn đệ của Gioan đã đi theo và lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Thầy ở đâu?”. 

Cùng lộ trình tư tưởng với Gioan, nên Đức Giêsu cũng không ngần ngại nói với các ông: “Hãy đến mà xem”.

Thế là Đức Giêsu và các môn đệ của Gioan về nơi Ngài ở để các ông tận mắt mục kích nơi sinh sống và được nghe thêm những lời Đức Giêsu nói, thấy tận mắt những việc Đức Giêsu làm và nhất là hiểu sâu xa tâm tư của Vị Tôn Sư đầy lòng nhân hậu.

Quả thật, họ đã nghiệm được Đấng Cứu Thế với một trái tim luôn cảm và thấu từng nỗi đau, luôn rung động và chung nhịp đập với từng người bất hạnh và cùng đinh của xã hội, để nâng đỡ, ủi an.

Khi thấy được vị Thầy tuyệt vời như vậy, các ông đã khám phá ra Đức Giêsu chính là đối tượng đích thực của lòng trí mà bấy lâu nay họ đang tìm.

2. Mẫu mực cho một ơn gọi

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ của Gioan là mẫu mực cho mọi ơn gọi của chúng ta ngày nay.

Khi nói về ơn gọi, chúng ta có hai ơn gọi căn bản, đó là: đi tu hoặc lập gia đình. Hai ơn gọi này, trước mặt Chúa đều có giá trị tuyệt đối. Hai ơn gọi này đều được mời gọi bước theo Đức Giêsu, để trở thành môn đệ và trở nên giống Ngài vì lời mời gọi hướng tới sự thánh thiện được dành cho hết mọi người.

Dựa trên bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hành trình của một ơn gọi được thực hiện dưới 4 bước sau:

  • Chúa gọi

Để xác định một ơn gọi đúng nghĩa, đó là phải khởi đi từ chính Chúa. Có những người được gọi ngay từ khi còn nhỏ; lại có người được gọi lúc đã trưa hay về chiều hoặc đêm tối…. Có những người được gọi cách cụ thể, rõ rệt, mãnh liệt. Lại có người được gọi rất nhẹ nhàng, êm đềm. Có người được gọi qua một trung gian hay một biến cố….

Điều này chúng ta thấy nơi các bài đọc hôm nay: chẳng hạn như trường hợp Chúa gọi Samuen. Ơn gọi của Samuen được khởi đi từ ước muốn tạ ơn nơi bà mẹ. Bà muốn dâng đứa con thân yêu nhất của mình để tạ ơn Chúa. Ước muốn này được chắp cánh khi có thày cả Hêli làm trung gian. Còn nơi Anrê và Gioan, ngoài trung gian là Gioan Tẩy Giả, các ông còn đi tìm Chúa để thỏa mãn lòng khát khao chân lý, lẽ sống, hạnh phúc. Tất cả những điều đó, Chúa đã ghi nhận sự thiện chí và ý ngay lành nơi các ông, nên Ngài đã gọi các ông để các ông trở thành môn đệ.

  • Ta đáp trả

Nếu người gọi mà không có người thưa thì không thể trở thành một ơn gọi được. Như thế, Chúa gọi, ta đáp trả mới hiện sinh một ơn gọi mới.

Khi ta nghe thấy tiếng Chúa gọi, ta đáp trả bằng trọn trái tim, lúc đó, Chúa sẽ dẫn ta đi trên một con đường mới.

Tuy nhiên, con đường mới ấy không hứa hẹn cho ta được an nhàn thư thái như bao người suy nghĩ, mà con đường ấy đòi hỏi ta phải hy sinh hơn và phải vượt qua nhiều khó khăn mới đạt được hạnh phúc viên mãn ở cuối con đường. Muốn được như thế, chúng ta phải nhạy bén như Samuen: “Lạy Chúa xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”, hay như hai môn đệ của Gioan đã quyết định bỏ lại sau lưng tất cả để đến và ở lại cũng như đi theo Đức Giêsu.

  • Ở lại với Chúa

Ở lại với Chúa là một hành động mang tính quyết liệt. Nó xác định rõ nét cuộc đời của ta từ nay thuộc về Chúa để trở nên giống Chúa trong mọi hành vi và lời nói. Ở lại với Chúa cũng là mang trong mình trái tim và tâm tư của Ngài để xót thương anh chị em mình.

Như vậy, ở lại với Chúa không phải là mong được làm công việc của Chúa, cũng chẳng mong được học một số lý thuyết trừu tượng, cũng chẳng hề có ý định thỏa mãn một nhu cầu tự nhiên nào, mà điều cao trọng hơn, đó là sống thân mật với Chúa, để trong ta có Chúa và trong Chúa có ta.

  • Sống đời chứng nhân

Khi đã đi vào mối tương quan riêng tư với Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ có một kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi cuộc đời mình, khiến không ai và không có gì có thể tách ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Khi đã nghiệm thấu tình yêu của Thiên Chúa như vậy, chúng ta cũng không có gì khác hơn, đó là giống như Anrê, ông đã hối hả tìm gặp em mình là Phêrô và dẫn đến giới thiệu cho Đức Giêsu.

3. Nhìn lại ơn gọi của chính chúng ta

Trong cuộc đời của mỗi người, Chúa cũng đã gọi chúng ta nhiều lần.

Ngài gọi chúng ta qua Bí tích Rửa Tội cũng như các Bí tích khác; qua Lời Chúa; qua Giáo Lý; giáo Huấn của Giáo Hội; qua các đấng bậc; những bài giảng; hay qua người này, người kia; hoặc qua các biến cố, sự kiện….

Khi xác định như thế, ta thấy Chúa không ngừng kêu gọi chúng ta đi theo Ngài, cùng mang trong mình tâm tư của Ngài để được hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc ấy cho người khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã biết bao lần Chúa mời gọi ta sống chân chính, ngay thẳng. Đã biết bao lần Chúa mời gọi ta làm chứng cho sự thật, xây dựng sự hiệp nhất, khước từ những điều xấu. Đã biết bao lần Chúa mời gọi ta yêu thương người nghèo, người đau khổ, người thấp cổ bé họng. Biết bao lần Chúa mời gọi ta cảm thông với người tội lỗi và yêu thương họ…. Nhưng cũng biết bao lần chúng ta đã không nhạy bén như Samuen hay như các Tông đồ, vì thế, Chúa vẫn cứ gọi mà chúng ta chẳng khác gì: “Nước đổ lá khoai” khiến cho thánh ý Chúa và ơn gọi không được nên trọn.

Mong sao mỗi người chúng ta hãy sống tâm tình như Samuen, Anrê, Gioan và Phêrô, đó là nhạy bén và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để được ở và sống với Chúa. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ tình yêu và hạnh phúc khi có Chúa ở cùng cho chị em chung quanh. Amen.

Chúa nhật thứ 2 thường niên – Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 1, 35-42).
 
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.
 
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.
 
Suy niệm
 
Mùa thường niên trở lại như là một cơ hội để mỗi tín hữu Kitô thực hiện những gì Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người trao ban và mời gọi. Ngài trao ban cho họ những ơn gọi đặc biệt trong hành trình đức tin, để mỗi người chọn lựa, sống và thánh hóa cuộc đời chính mình. Chúa nhật thứ 2 mùa thường niên giới thiệu cho chúng ta ơn gọi của các môn đệ đầu tiên, đặc biệt là ơn gọi của Đấng Kitô Cứu Thế. Để sống đúng căn tính của mình trong ơn gọi Thiên Chúa trao mời, người tín hữu cần sống ơn gọi làm người thật tử tế, thật chỉn chu với mọi người và vuông tròn với Thiên Chúa.
 
Bài đọc 1 trong ngày Chúa nhật thứ 2 thường niên mời cộng đoàn trở lại với ơn gọi của tiên tri Samuel. Từ một cậu thiếu niên ngoan hiền, chàng trai trẻ đã được dâng hiến cho Thiên Chúa và được ở lại trong thánh điện với thầy tư tế Heli. Trong khung cảnh thánh thiêng và huyền nhiệm đó, chàng thanh niên nghe tiếng gọi tên mình trong đêm. Anh ta chỗi dậy, đi tìm tiếng gọi: “Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu”. Khi nhận ra tiếng gọi đó từ Thiên Chúa, chàng thanh niên cúi xuống đáp trả tiếng gọi và từ đó, cậu bắt đầu bước vào một hành trình mới, hành trình sống ơn gọi của một tiên tri. Ơn gọi của Samuel được khởi đi từ ơn gọi làm người, chàng thanh niên đã sống bổn phận hiếu thảo nơi gia đình thật vẹn toàn, sống tình liên đới với mọi người thật vuông tròn. Từ một tâm hồn biết sống cho Thiên Chúa, biết yêu thương và tôn trọng tha nhân, chàng thanh niên được Thiên Chúa mời bước lên một hành trình mới, hành trình loan tin vui của Thiên Chúa cho thế giới.
 
Ơn gọi làm người thực sự là một ơn gọi cao quý nhất, trong chương trình tạo dựng, Thiên Chúa tạo dựng con người sau khi đã suy nghĩ, cân nhắc và chọn lựa hình mẫu đặc biệt chính là khuôn mặt Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng con người, hơn nữa, sự sống của con người là hơi thở của Thiên Chúa, là Thần Khí, là sự sống của Thiên Chúa. Vì thế, con người khi được hiện hữu, cần phải học làm người để sống ơn gọi đó cho trọn vẹn, đúng là một con người. Thánh Phaolô, trong lá thư gởi cộng đoàn dân Chúa tại thành Corinto, đã nhắc họ về phẩm giá của một con người như thế nào và cần phải tôn trọng nhau ra sao cho xứng đáng: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em”. Để sống ơn gọi Kitô hữu hay bất cứ ơn gọi đặc sủng nào, người tín hữu cần ý thức mình là một con người, một tạo vật mang họa ảnh của Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa làm người, từ đó, tâm hồn người tín hữu là đền thờ Chúa Thánh Thần, là nhà tạm cho Chúa Thánh Thể cư ngụ và ghé thăm dân người trong mọi hoạt động của người tín hữu. Lời nhắc của thánh nhân thật sâu sắc và tinh tế, khi mỗi tín hữu không còn thuộc về chính mình nữa, mà là thuộc trọn về Thiên Chúa khi sống ơn gọi làm người vẹn toàn.
 
Trước khi mời gọi các môn đệ đầu tiên đi theo Ngài trong ơn gọi chứng nhân Tin Mừng, Đức Giêsu mời họ tới mà xem, xem chỗ ở, xem tính cách một con người, xem người bạn ngày mai của họ sẽ ra sao. Lời mời đó đưa các môn đệ tới một tương quan tình người, tình bạn ấm áp. Có chấp nhận sự giản dị và ấm áp tình người đó, các ông mới có thể chấp nhận người bạn mới là một Đấng Mesia làm người thật: “Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười”. Sau những ngày được ở lại bên cạnh một người bạn mới, chứng kiến cung cách sống hàng ngày, hơn nữa, chứng kiến mối tương quan của người bạn đó với Thiên Chúa, với mọi người thật đặc biệt, các môn đệ đó đã chấp nhận lời mời trở thành chứng nhân tin mừng: “Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu”. Không chỉ bản thân mình, các môn đệ còn giới thiệu người bạn mới đó với anh em trong gia đình, đồng thời mời họ tới làm bạn với người bạn đặc biệt có tên là Giêsu đó. Hành trình ơn gọi của các môn đệ đầu tiên khởi đi từ ơn gọi làm người, các ông sống với nhau trong nghề nghiệp, trong công ăn việc làm hàng ngày thật thân thiện và đầy yêu thương, từ đó khi bước vào hành trình ơn gọi chứng nhân Tin Mừng, các ông đã sống với mọi người, sống cùng mọi người thật gần gũi, đầy yêu thương và ấm áp tình người.
 
Con Thiên Chúa khi làm người để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha, Ngài đã mời con người cộng tác để nối dài ơn cứu độ và tình thương Thiên Chúa đến mọi người. Đức Giêsu muốn các ông khởi đi từ ơn gọi làm người, từ những trải nghiệm cuộc sống của bản thân, để nói về tình thương Chúa Cha dành cho con người là như thế. Tình người có ấm áp, có yêu thương, có sẻ chia, có cảm thông và có tôn trọng, thì tình Trời mới có thể hiện diện và nâng con người lên một tầm cao mới, một địa vị mới. Tất cả khởi đi từ ơn gọi làm người giữa đời, tiếc thay, ngày hôm nay, ơn gọi làm người đó như đang bị bóp méo theo nhu cầu hưởng thụ và tiêu thụ. Họ đòi hỏi lẫn nhau, yêu sách lẫn nhau và thiếu luôn bóng dáng của sự tôn trọng, sẻ chia và cảm thông.
 
Tất cả những yếu tố để người chứng nhân Tin Mừng có thể trang bị cho mình, đang dần biến mất trong cuộc sống hiện tại. Dù sống ơn gọi hôn nhân hay dâng hiến, nhu cầu cá nhân, phương tiện phục vụ cho cái tôi luôn được đặt lên bàn như là một yêu sách. Người chồng, người vợ hôm nay trong các gia đình có thực sự sống cho nhau, vì nhau và với nhau để xây tổ ấm, đón nhận con cái, giáo dục chúng và xây dựng gia đình trên nền tảng tình yêu thương và hy sinh vô vị lợi không, hay chỉ dừng lại nơi các nhu cầu. Ơn gọi dâng hiến cũng không ra khỏi quỹ đạo đó, là một Tu sĩ hay một Linh mục, tất cả đều khởi đi từ con người. Tiếp bước là ơn gọi được trao mời cho mỗi cá nhân. Thế nhưng, khi bước vào hành trình ơn gọi đặc sủng, còn được bao nhiêu người nhớ rằng phải sống ơn gọi làm người trước, phải đến bên cạnh chàng thanh niên Giêsu ngày xưa để xem, để ở lại với chàng ta, học cách sống làm người nơi chàng,  rồi sau đó có thể chấp nhận là chứng nhân của Tin Mừng được hay không. Dù có giỏi giang hay có học vị nào, nhưng ơn gọi làm người vẫn là nền tảng căn bản, thiếu tình người, thiếu sự cảm thông, thiếu sự chia sẻ và yêu thương, thì không thể nào sống vẹn toàn ơn gọi đặc sủng của mình được. Ơn Chúa vẫn luôn đủ cho mỗi người, như lời thánh Phaolô đã đề cập, để sống ơn gọi làm người trước, rồi mới tự tin và mạnh dạn lên đường sống ơn gọi đặc sủng Thiên Chúa trao mời cho mỗi người trong mỗi hoàn cảnh và khả năng của bản thân.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống ơn gọi làm người vẹn tròn nơi gia đình Thánh Gia và với mọi người, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng, chúng con là con người, cần học nơi Chúa những bài học làm người, để mỗi ngày lớn lên trong tình người. Chúa đã chọn các môn đệ để nối dài ơn cứu độ khởi đi từ tình người, xin giúp chúng con biết lấy tình người để sống với nhau, để giúp nhau nên thánh và để giúp nhau sống ơn gọi của mình trọn vẹn như lòng Chúa mong ước. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 

VAI TRÒ TRUNG GIAN
(Chúa Nhật II TN B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Nghe hai từ trung gian, không ít người trong chúng ta cảm thấy khó chịu. Quả thật trong các hoạt động kinh doanh buôn bán cũng như trong các dịch vụ, hễ có trung gian là hầu như có “phết phẩy”, có những chi phí không như ý. Dĩ nhiên không ai chấp nhận một sự tồn tại của chuỗi các trung gian nặng nề, vô bổ, gây phiền hà và gây lãng phí. Vì thế người ta tìm cách loại bỏ bớt những trung gian ấy ngay cả trong các sinh hoạt hành chính. Chuyện bỏ bớt “các cửa, các dấu” để tiến đến mô hình một cửa một dấu là một trong những nỗ lực của cải cách hành chính nước nhà chúng ta. Thế nhưng cần phải xác nhận rằng tác nhân trung gian vẫn còn đó vị trí và vai trò cần thiết không thể thiếu trong đời sống kinh tế, xã hội lẫn tâm linh.

Một chân lý trong niềm tin Kitô giáo: Thiên Chúa ban ơn cho con người thường là qua các trung gian. Không kể đến thuở ban đầu của buổi sáng tạo, ngoài việc trực tiếp phú ban linh hồn, thì Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thể lý cùng những ơn lành khác đều thường qua các trung gian là tổ tiên, ông bà, bố mẹ, thầy cô, các vị mục tử trong Hội thánh… Ngược lại, để đến với Thiên Chúa thì các trung gian luôn có đó vị trí, vai trò cần thiết dường như là tất yếu theo chương trình Thiên Chúa đặt định.

Hai lần Thiên Chúa gọi Samuel, thế mà Samuel vẫn không nhận biết. Để có thể nhận ra tiếng Chúa phán, trẻ Samuel đã phải cần đến sự chỉ dạy của tư tế Hêli (x.1Sm 3,3b-10) (Bài đọc 1). Chính nhờ lời giới thiệu của thầy Gioan Tẩy Giả mà hai môn đệ mới tiếp cận được với Chúa Giêsu để rồi theo Người và ở lại với Người ngày hôm ấy. Nhờ một trung gian là Anrê mà Simon Phêrô đã đến gặp Chúa Giêsu và Hội Thánh chúng ta đã có được một vị Tông đồ nhiệt thành, vị Giáo hoàng tiên khởi (x.Ga 1,35-42) (bài Tin Mừng). Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng thân xác chúng ta là một trung gian để chúng ta kết hợp nên một với Chúa Kitô. Và thân xác chúng ta là Đền thờ, một trung gian để Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta (x.1Cor 6,13-20) (Bài đọc 2).

Qua các bài đọc của Thánh lễ Chúa Nhật II TN B, xin được đề ra vài tiêu chí của sự trung gian hầu cho các tác nhân trung gian thực sự là những chiếc cầu nối hữu hiệu, cách đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người.

1. Biết Chúa và biết người: Anrê đã trở thành một người trung gian đích thực giữa Simon, anh mình với Chúa Giêsu là nhờ ngài vốn biết rõ anh mình. Chuyện anh em ruột biết rõ nhau là chuyện bình thường, anh em như thể chân tay. Anrê còn là người biết Chúa Giêsu một cách nào đó, nhờ đã đến và ở với Chúa Giêsu ngày hôm ấy, sau khi được thầy Gioan Tẩy giả giới thiệu.

Hình như ít có ai tranh cãi về tiêu chí này. Để làm trung gian thì cần phải biết cả hai phía. Tuy nhiên cái biết ở đây không dừng lại sự nhận thức bằng lý trí mà còn với cả sự gắn bó bằng ý chí. Không mến phục Giêsu hoặc không yêu thương anh mình thì Anrê chưa chắc đã đóng vai trò một trung gian.

2. Đựơc Chúa chọn gọi và trao phó trách nhiệm: Chúng ta nhận ra tiêu chí này qua vai trò của Gioan Tẩy Giả. Ngài là đấng được Thiên Chúa chọn gọi ngay từ trong dạ mẹ (x.Gr 1,4-5) Ngài được Chúa trao phó cho trách nhiệm làm tiếng hô trong hoang mạc là dọn đường cho đấng Thiên sai ngự đến (x.Is 40,1-5).

Vấn đề đặt ra là làm sao nhận ra được tiếng Chúa chọn gọi. Dễ được mấy ai có diễm phúc được Chúa Giêsu chọn gọi cách trực tiếp như các tông đồ ngày xưa. Nhìn vào cuộc đời vị Tiền Hô, chúng ta có thể xác định rằng tiếng Chúa gọi chúng ta thường qua các biến cố cuộc sống (các hiện tượng xảy ra với nhà Giacaria), qua việc dạy bảo của mẹ cha (việc ông Giacaria và bà Isave đặt tên cho con trẻ khác với truyền thống nói lên điều này), qua việc nghiền ngẫm Thánh Kinh (nếu không có yếu tố này thì Gioan hẳn sẽ khó nhận ra vai trò của mình qua lời tiên báo của Ngôn sứ Isaia ngày nào).

3. Được Hội Thánh chuẩn nhận: Cái tiêu chí này được thể hiện qua vai trò của Tư Tế Hêli. Dù rằng tư tế Hêli còn thiếu sót trong một vài trách nhiệm của mình như lơ là việc dạy bảo con cái khiến cho hai người con trai của ông là Khópni và Pinkhát ra hư hỏng (x.1Sm 2,22-35), nhưng không ai phủ nhận vai trò của ông trong việc hướng dẫn trẻ Samuel lắng nghe tiếng Chúa phán.

Chúng ta cần thú nhận rằng cái tiêu chí thứ ba này thường gây tranh luận cho nhiều người bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh, đặc biệt, với các anh em ly khai. Thế nhưng dòng lịch sử thánh minh định rõ rằng Thiên Chúa đã dùng con đường này, phương thức này. Phương thức này, con đường này đã manh nha hình thành trong thời Cựu Ước qua việc Thiên Chúa truyền lệnh cho Môsê cắt đặt Aaron làm Tư Tế và chọn chi tộc Lêvi lo việc tế tự (x.Xh 4,13-16; 28,1-5). Và đến thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã minh nhiên thiết lập Hội Thánh trên các Tông đồ và trao quyền tài thẩm cho các ngài (x.Mt 16,13-19; Ga 20,19-23). Trong thực tế, dù là cá biệt, nhưng vẫn tồn tại hiện tượng “thầy cả Hêli” Đời sống cá nhân có điều gì lầm lỗi thì chẳng ai khẳng quyết nhưng chắc chắn thầy đã sai lỗi nhiều trong việc giáo dục con cái. Ước gì Kitô hữu chúng ta làm theo lời dạy của Chúa Cứu thế: “Các kinh sư và những người Pharisêu ngồi trên tòa Môsê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, nhưng đừng theo hành động của họ…” (Mt 23,2-3).

Đến với Thiên Chúa, gặp gỡ Thiên Chúa là một diễm phúc của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa đã tạo các trung gian là để cho mọi người có thể đến với Người, gặp gỡ Người cách thuận lợi dễ dàng và hữu hiệu theo hoàn cảnh, khả năng và điều kiện của từng người. Chính vì thế các tác nhân trung gian mãi luôn cần thiết cho nhân loại chúng ta. Tuy nhiên các tác nhân trung gian ấy vẫn ở bên ngoài chúng ta. Có một tác nhân gần gũi, thiết thân nhất với mỗi người chúng ta đó là chính con người, thân xác chúng ta. Chúa Kitô đã tự hiến thân mình trong hình bánh rượu hiến tế trên các bàn thờ. Con người, thân xác chúng ta là nơi Chúa muốn đến để nên một với chúng ta. Dù chẳng đáng Chúa ngự vào, nhưng với tâm hồn khiêm nhu, xin Chúa làm cho tâm hồn, thân xác chúng ta được lành mạnh thì chúng ta sẽ làm một với Chúa cách trọn vẹn. Và Nước Trời đang ở giữa chúng ta (x.Lc 17,21).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây