TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh lễ Mồng Một Tết Ất Tỵ

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,25-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật Phục Sinh - Năm A

02/06/2021 03:49:10 |   828

 

Dẫn vào Thánh Lễ


Anh chị em thân mến,

Ngày trọng đại, vui mừng và mang nhiều ý nghĩa nhất của Kitô giáo đó là ngày đại lễ Phục Sinh hôm nay. Chính ngày hôm nay, làm cho tất cả các ngày lễ khác có ý nghĩa, kể cả lễ Giáng Sinh. Nếu Chúa không sống lại từ cõi chết thì như Thánh Phaolô Tông Đồ nói : tất cả nền tảng đức tin của chúng ta hoàn toàn sụp đổ, vô ý nghĩa và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trở thành một tin buồn chứ không phải Tin Vui. Sự Phục Sinh của Chúa cho chúng ta thấy rõ tình yêu mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Chúa Kitô sống lại, Ngài cũng mời gọi chúng ta cùng sống lại với Ngài để đem niềm tin yêu Phục Sinh này đến cho mọi người, đó chính là nguồn mạch của yêu thương. Vì thế, tiếng nói cuối cùng không phải là của sự dữ và tội ác, mà là lòng xót thương và tha thứ của Thiên Chúa. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã đổi mới tâm hồn tội lỗi của chúng ta trở nên đền thờ của Ngài, làm cho cuộc sống của chúng ta tràn đầy niềm tin và hy vọng. Vậy giờ đây, chúng ta cùng nhau hiệp dâng Thánh Lễ này trong tâm tình tạ ơn và ngợi khen quyền năng vô biên của Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại khải hoàn.

Ca nhập lễ

Tôi đã sống lại và tôi vẫn còn ở bên Chúa, Chúa đã đặt tay trên mình tôi, sự thông minh của Chúa quá ư huyền diệu - Alleluia.

Hoặc đọc:

Chúa sống lại thật, alleluia, nguyện chúc Người được vinh quang và quyền lực muôn đời.

Ðọc hoặc hát kinh Tin Kính

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giêsu đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: "Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng:  Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

"Người phải sống lại từ cõi chết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu từ cõi chết sống lại. Trong Ngày cực thánh này, chúng ta hãy nâng tâm hồn lên với Chúa dâng lời cầu nguyện, để niềm vui Phục Sinh của Con Chúa lan tỏa khắp trần gian.

1. Xin cho niềm vui Phục Sinh làm cho Hội Thánh được đổi mới và hăng hái dấn thân như bà Maria Ma-đa-lê-na, Thánh Phêrô và Thánh Gioan trong việc làm chứng và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh.

2. Xin cho cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết của Chúa Kitô trở nên nguồn an ủi và hy vọng cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, bị bỏ rơi hay chịu bất công xã hội.

3. Xin cho sự Phục Sinh của Chúa Kitô trở nên nguồn hòa giải và phúc bình an cho những ai đang sống trong hận thù, bạo lực và chiến tranh.

4. Xin cho Tin Mừng Phục Sinh biến đổi tâm hồn chúng ta, đặc biệt là các anh chị em tân tòng vừa được tháp nhập vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng Phục Sinh và từ khước bóng tối tội lỗi.

Chủ tế: Lạy Cha chí thánh, trong sự Phục Sinh của Con Cha, Cha đã xóa tan mọi sợ hãi và làm hiện thực hóa những gì chúng con không dám hy vọng. Xin nghe lời chúng con cầu nguyện để chúng con luôn sống trong niềm vui của đoàn dân đã được Con Cha cứu chuộc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, hôm nay mừng đại lễ Vượt Qua, chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa lễ tế này, là lễ tế làm cho Giáo Hội được tái sinh vào đời sống mới, và được nuôi dưỡng cách lạ lùng. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng Phục Sinh I: "nhất là trong ngày cực thánh này"

Khi dùng kinh Tạ Ơn I thì đọc kinh "Cùng hiệp thông..." và kinh "Vậy, lạy Cha..."

Ca hiệp lễ

Chiên Vượt qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế, vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính - Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã thương đổi mới Hội Thánh; xin Chúa cũng luôn che chở giữ gìn, để Hội Thánh được thấy ngày sống lại vinh quang. Chúng con cầu xin...

Ðể giải tán, phó tế hoặc chính linh mục nói:

X. Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia

Ð. Tạ ơn Chúa. Ha-lê-lu-ia. Ha-lê-lu-ia.

Câu giải tán này dùng cho đến hết Chúa Nhật II Phục Sinh.

 

Suy niệm

Chứng nhân Phục sinh
Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Trong thời sơ khai của Giáo Hội, những lời giảng dạy của các tông đồ mang nội dung chính yếu là sự phục sinh của Đức Giêsu. Nội dung giảng dạy này được gọi là Kerygma, Đó cũng là chủ đề trọng tâm các cuộc tranh luận giữa thánh Phaolô với người Do Thái cũng như với dân ngoại. Tại Xêdarê, ông Phéttô báo cáo vua Ác-ríp-pa nhân dịp vua đến thăm: "Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống" (Cv 25, 19). Giảng về Đức Giêsu phục sinh cũng là một điều gây vấp phạm đối với cử tọa, như trường hợp ở Athena, vừa khi thánh Phaolô nói đến Chúa Giêsu sống lại, thì nhiều người nhạo cười và bỏ về (x. Cv17, 22-32).

Thực ra, khi Chúa bước ra khỏi mồ, không có môn đệ nào chứng kiến. Ngôi mộ trống là khởi điểm cho những câu hỏi được đặt ra, khiến họ hồi tưởng quá khứ để suy tư những lời Chúa đã nói trước. Thế rồi, họ được gặp Chúa phục sinh. Lúc đầu họ còn ngờ vực, nhưng rất nhanh sau đó, họ đã nhận ra Người. Họ còn được đàm đạo và ăn uống với Người. Nhờ đó mà họ có cảm nhận rất sâu sắc về Đấng Phục sinh.

Sự phục sinh của Chúa giúp các tông đồ kiên vững lòng tin vào Thày mình. Trường hợp hai môn đệ trên đường Emmaus là một chứng minh. Trước khi gặp Chúa, các ông mệt mỏi, thất vọng và đang tính bỏ cuộc, nhưng sau khi nhận ra Thày mình, họ tìm lại nghị lực, vui tươi, phấn khởi và lên đường về Giêrusalem ngay trong đêm ấy. Biến cố phục sinh cũng giúp cho họ hiểu hơn về giáo huấn của Chúa Giêsu. Quan niệm của họ về Chúa Giêsu được nhìn với nhãn giới "hậu-phục-sinh" và nhờ đó, họ có một chân dung xác thực về Đấng Thiên Sai.

Chính chứng từ của các tông đồ đã làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi và đem lại hiệu quả nhanh chóng của công cuộc truyền giáo. Những người đương thời với tông đồ không nhìn thấy Đấng Phục Sinh, nhưng qua cử chỉ, lời nói và nhất là qua niềm xác tín của những người dân chài chất phác này, họ thấy được Chúa Giêsu đang hiện diện. Họ thấy rằng sự kiện một người đã chết rồi sống lại không thể lý giải được bằng lý trí, nhưng cũng không phải là chuyện tầm phào, vì chứng nhân sẵn sàng lấy mạng sống của mình để làm chứng. Đối diện với các nhà chức trách đạo cũng như đời, những người dân chài hiền lành này lại rất can đảm, không phải bằng một thứ lý luận uyên thâm, nhưng rất đơn giản và chắc chắn: "Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra" (Cv 4,20).

Những chứng nhân phục sinh là ai? Đầu tiên, phải kể đến Maria Mađalêna, một người đã nghe lời Chúa giáo huấn mà rũ bỏ quá khứ tội lỗi. Kế đến là những tông đồ, những người đã cùng sống với Chúa, đã chứng kiến những phép lạ Người làm. Các tông đồ là những người dân chài ít học. Họ không lý luận uyên thâm thông thái. Họ chỉ nói điều họ đã nghe, đã thấy và đã cảm nhận.

Khi mừng lễ Phục sinh, tôi được mời gọi trở thành chứng nhân của sự kiện Chúa sống lại. Tuy vậy, để có thể làm chứng về Đấng Phục Sinh, tôi phải biết Người, phải gặp Người và cảm nhận được sự hiện diện của Người trong đời tôi. Tôi không thể làm chứng về một người hay một sự việc mà tôi không biết chắc. Làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh hôm nay đôi khi phải chấp nhận là kẻ "ngược dòng" trong một xã hội xô bồ, phức tạp. Các tông đồ và các thánh tử đạo sau này đã những người dám đem mạng sống mình để "đặt cược" cho lời chứng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Một chứng từ được cam kết bằng mạng sống sẽ có tính thuyết phục mạnh mẽ và làm cho người khác tin. Xác tín nơi Đấng Phục Sinh, các tông đồ khi bị đánh đòn và bạc đãi, lại "hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu" (Cv 5,41).

"Bà Maria ơi, trên đường bà thấy những gì? Xin kể cho chúng tôi nghe" (Ca Tiếp liên lễ Phục Sinh). Ngày hôm nay, xung quanh tôi, có biết bao người đang đặt câu hỏi này cho tôi. Tôi đã thấy những gì? Tôi có gặp Đấng Phục Sinh giữa đời tôi hay không? Sự hiểu biết Chúa của tôi có thâm sâu đến mức tôi có thể kể cho mọi người nghe về Người? Hay tôi chỉ biết Chúa như một nhân vật của huyền thoại hoặc một nhân vật của lịch sử. Sự hiểu biết Chúa phải dẫn tôi đến việc biến đổi canh tân cuộc đời, để tôi được sống lại với Chúa. Nói cách khác, chính Chúa Phục Sinh sống trong tôi và làm đổi mới tận căn cuộc đời tôi, đến mức "tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20). Đối với những người đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bất công, tôi làm thế nào để kể cho họ nghe về Đấng Sống Lại đã đến nâng đỡ hai môn đệ trên đường Emmaus, giúp họ tìm lại nghị lực và niềm tin? Với những người đang sống trong chia rẽ bất hòa, tôi làm thế nào để kể cho họ nghe về Đấng Sống Lại đang yêu thương tha thứ? Chứng từ phục sinh phải đến từ cuộc sống an bình, vui tươi và thấm đượm ân sủng.

Hiểu được như trên, mỗi tín hữu sẽ trở thành một chứng nhân của Đấng Phục Sinh giữa đời thường. Họ sẽ làm lan tỏa đến mọi môi trường cuộc sống niềm vui của Tin Mừng và tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 

CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 1-9).
 
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
 
Suy niệm
 
Hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo đón mừng đại lễ Phục sinh, Đức Giêsu đã bị giết chết, đã được an táng trong mồ ba ngày, và hôm nay đã sống lại trong quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.
 
Biến cố Đức Giêsu phục sinh đã làm cho các môn đệ, những người lãnh đạo tôn giáo và cộng đoàn dân chúng thay đổi hoàn toàn về sự hiện diện của chàng thanh niên vô danh nơi gia đình Ông Bà Giuse. Sự phục sinh của Đức Giêsu được hiểu như là một cuộc trở về với địa vị ban đầu của Ngài là ngai toà của Con Thiên Chúa trên trời. Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã vâng lời Chúa Cha, đi vào lịch sử nhân loại, nơi đó Ngài đã bị chối từ ngay từ lúc chào đời, đặc biệt trong thời gian Ngài xuất hiện công khai. Thế nhưng, những ai được Ngài tuyển chọn và cho đồng hành với Ngài trong suốt thời gian công khai đó, họ sẽ là những chứng nhân cho mầu nhiệm phục sinh của Ngài. Họ được mời gọi lên đường, đem tin vui phục sinh đó đến tận cùng trái đất. Bài đọc 1 trong sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật cho chúng ta đôi nét về ơn gọi của các môn đồ Đức Giêsu: “Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết”. Các môn đệ là những người làm chứng cho mầu nhiệm phục sinh, họ được mời gọi đi theo Ngài, được sống bên cạnh Ngài, được chứng kiến mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Thầy mình, và sau khi được chứng kiến tất cả, họ được Chúa Thánh Thần sai đi. Tiếp bước các môn đệ, Giáo hội nay lên đường để loan báo Tin Mừng phục sinh cho thế giới. Lời loan báo luôn đi kèm là lời chứng, các môn đệ đã dùng chính mạng sống mình làm lời chứng sống động và hùng hồn nhất, để nói về một tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tình yêu đó được cụ thể hoá qua mầu nhiệm nhập thể của Người Con là Đức Giêsu. Người Con đó đã chấp nhận bản án bất công, chấp nhận bị treo trần trụi trên thập giá để cứu độ con người.
 
Các môn đệ đã lên đường, rảo khắp mọi lối nẻo của thế trần, rồi bước chân được tiếp nối là các nhà truyền giáo, các Kitô hữu mọi thời, tất cả đều được mời gọi tiếp nối sứ mạng đó. Lời nhắc của vị tông đồ dân ngoại trong lá thư gởi giáo đoàn Coloxe cũng là lời nhắc gởi đến mỗi người tín hữu hôm nay: “nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”. Để tìm được những sự trên trời, người chứng nhân phải sống theo tinh thần của Tin Mừng, phải cố gắng để lau sạch khuôn mặt của Thầy Chí Thánh mình đang bị nhơ nhớp, đang bị xoá nhoà bởi những xu hướng của thế tục hoá, của những trào lưu thực dụng, của những suy nghĩ lệch lạc về niềm tin, về các bí tích, về đời sống phụng vụ của giáo hội, đặc biệt là quyền làm người, là sự sống của các thai nhi, là vị thế của những người già cả, tàn tật, cô đơn và bất hạnh. Nơi những con người đó, khuôn mặt của Đức Giêsu bị dơ bẩn, bị ô uế, và đang cần những chiếc khăn sạch đến từ những Veronica để được rửa, được lau và được xứng đáng gọi là con người. Có phải lúc đó, người môn đệ của Đức Giêsu đang sống mầu nhiệm phục sinh với Thầy của mình, đang mừng mừng tủi tủi được gặp lại Thầy sau những ngày bị chôn vùi, sau những thất bại và sau những nấm mồ lạnh.
 
Câu chuyện bà Maria Madala ra viếng mồ Thầy mình khi vừa tảng sáng, được thánh Gioan kể lại rất thật. Tâm trạng sợ hãi, nghi ngờ, hoang mang trong tinh thần của người phụ nữ đã dẫn đến sự hoài nghi, hoài nghi có phải đó là Thầy mình không? Hoài nghi Thầy mình có sống lại như lời đã loan báo trước khi bước vào cuộc khổ nạn không? Sự hoài nghi đó làm tăng thêm nỗi hoảng loạn, dẫn đến chỗ đã không nhận ra được Thầy mình đã sống lại. Câu chuyện được kể tiếp về chuyến thăm mộ của hai môn đồ là Phêrô và Gioan, hai ông chạy ra mồ, kẻ vào trước, người vào sau, thấy tất cả những thứ liên quan đến việc tống táng cho Thầy, nhưng đặc biệt là không thấy thân xác Thầy. Trở ra, các ông bắt đầu hoài nghi, băn khoăn về sự lạ này. Có hay không Thầy mình đã sống lại: “Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ”. Có thể nói những chứng nhân đầu tiên khi ra mộ và thấy trống trải đó đã trải qua những phút giây hoài nghi về sự biến mất kỳ lạ của Thầy. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã báo trước cho họ không chỉ một lần mà tới ba lần. Con số ba là con số được coi là đầy đủ và mạnh mẽ nhất trong lời chứng. Họ đã nghe tới ba lần, thế mà, lúc này lại hoài nghi và hoài nghi cách hoang mang. Thầy đã sống lại như lời tiên báo, vậy mà các môn đệ đã hoài nghi là chưa sống lại. Một sự thử thách lớn trong niềm tin vào Chúa phục sinh.
 
Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã loan báo cho các đồ đệ của mình về kế hoạch của Chúa Cha muốn nơi Ngài, là Ngài sẽ đi vào cuộc khổ nạn với những lời kết tội vô lý đến từ sự cố chấp và kiêu căng, vậy mà ít có ai trong đám môn đệ kia đã hiểu và đã chấp nhận đó là sự thật. Tất cả được hiển lộ khi Đức Giêsu sống lại. Sống bên cạnh Chúa, nghe Chúa nói, theo chân Chúa mỗi ngày, thế mà niềm tin của các môn đệ trong cộng đoàn sơ khai vẫn nông cạn và hơn nữa là hoài nghi. Thử hỏi ngày hôm nay, các tín hữu Kitô là môn đệ của Đức Giêsu, niềm tin của họ có nông cạn, có hoài nghi như các môn đệ ngày xưa không? Trong mọi biến cố cuộc đời, trong những nghịch cảnh của thế giới, chúng ta có tin nhận là vẫn có sự hiện diện của Chúa phục sinh nơi đó không? Giữa cơn đại dịch, khuôn mặt và phẩm giá của người nghèo, người già có được nhìn nhận và chăm sóc như đang chăm sóc khuôn mặt và phẩm giá của Chúa phục sinh không? Giá trị của con người luôn được đặt đúng chỗ và là ưu tiên nhất, hay giá trị của tiền bạc, quyền lực và thế lực được ưu tiên hơn, và như thế có phải là lúc con người đang hoài nghi không Thầy mình là Đức Giêsu chưa phục sinh, chưa sống lại và không hiện diện giữa lòng nhân loại, trong lòng Giáo hội đó. Sống trong một thế giới được mệnh danh là hiện đại nhưng rất thực dụng, thì niềm tin tôn giáo có phải là một điều gì đó mơ hồ và viễn vông không? Niềm tin tôn giáo đó lại tin vào một Đấng gọi là Giêsu đã chết và nay đã sống lại, liệu có quá mơ hồ, thiếu thực dụng và thiếu bằng chứng không? Để chấp nhận một vị Thiên Chúa làm người đã chết và đã sống lại, đang hiện diện trong thế giới này, đòi hỏi người tin phải vượt lên trên mọi rào cản của thế giới như mọi người đang chứng kiến hôm nay. Chính những rào cản đó đang làm cho người tin trở nên những người nhẹ dạ, những người mê tín, thậm chí là hoang tưởng. Trong bối cảnh đó, người tín hữu Kitô phải mạnh dạn làm chứng rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã chết và đã sống lại, đang hiện diện giữa thế giới hôm nay qua những con người dám hy sinh, dám chấp nhận khổ đau, dám quên mình để phục vụ tha nhân, dám chia sẻ cả sự sống của mình cho tha nhân, dám vượt qua mọi thách đố để lau khuôn mặt của Thầy Chí Thánh đang vấy bùn đất trong một xã hội nhiễu nhương và đầy bất công. Người tín hữu Kitô có sẵn sàng nắm tay nhau để bảo vệ công lý, bảo vệ đức tin khi kẻ thù của Thiên Chúa đang tìm đủ mọi cách để tấn công, để xoá sổ Giáo hội và đang tìm mọi thủ đoạn để bóp nghẹt sự sống thiêng liêng của các linh hồn.
 
Lắm lúc chúng ta chấp nhận sự an phận và an toàn để sống dù rằng mang trên mình chiếc áo là Kitô hữu, nhưng thực sự có Chúa trong tâm hồn không thì không biết, họ tìm sự an toàn cho bản thân, lảng tránh những đói khát của các linh hồn, lảng tránh những đau khổ của tha nhân. Họ thu mình lại trong vỏ ốc với nhiều lý do để được an phận. Thế thì Tin Mừng phục sinh làm sao được loan đi khi bao người đang đói, đang khát và đang lạnh đây? Các tông đồ ngày xưa đã làm chứng cho Tin Mừng phục sinh không chỉ bằng lời nói, bằng kiến thức uyên thâm, bằng tài năng xuất chúng, nhưng hơn đó nhiều là bằng sự sống và những giọt máu đào của mình. Chứng nhân Tin Mừng phục sinh sẽ là thế, và sẽ đòi hỏi rất nhiều trong hoàn cảnh cuộc sống hôm nay, đặc biệt trong đại dịch đang hoành hành khắp thế giới.
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phục sinh, đã đem đến cho nhân loại một tin vui là con người nếu tin vào Thiên Chúa, đi theo con đường Ngài giới thiệu, sẽ được sống lại và sống bên cạnh Thiên Chúa, xin cho mỗi người luôn xác tín lại niềm tin của mình, đặc biệt là cho niềm tin đó luôn sống động trong mọi hoàn cảnh, để loan tin vui phục sinh cho tha nhân, cho thế giới. Chúa đã hiện ra với các môn đệ, với những người thân để củng cố niềm tin mong manh của họ, xin Chúa hãy đánh thức lương tâm chúng con, đánh thức tình người nơi chúng con, để chúng con dám quay trở lại với thế giới đang khổ đau, để loan tin vui, Chúa phục sinh đang ở bên cạnh mỗi người, đặc biệt là những người khổ đau, bệnh tật và tuổi già. Amen.
 

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây