TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

10/11/2024 08:00:42 |   461

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B
Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

cn33 TNb

Mc 13,24-32


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B
Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Vào cuối năm Phụng Vụ, Hội Thánh chọn những bài Thánh Kinh, nói đến những biến cố ngày tận cùng của thế giới hữu hình này, khiến ta liên tưởng đến ngày tận thế. Bài đọc I hôm nay tiên báo về ngày chung thẩm. Tiên tri Đa-ni-en đã viết “Đó sẽ là thời kỳ khốn khó chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ”.

Còn bài Tin Mừng mở ra một viễn tượng phán xét, để chúng ta luôn sẵn lòng chờ đợi, canh thức đón nhận sự sống mới. Sự sống sẽ bùng lên trong ngày Chúa đến. Kế hoạch toàn cầu của Thiên Chúa, sẽ tập hợp những người được tuyển chọn. Những người được Thiên Chúa yêu thương sẽ hưởng hạnh phúc bền vững muôn đời.

Vậy chúng ta hãy xin Chúa thượng xót thứ tha mọi lỗi lầm, để Thánh Lễ chúng ta dâng giờ đây được Chúa chấp nhận.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc IÐn 12, 1-3

“Khi ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Khi ấy, tổng lãnh sứ thần Mi-ca-e sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.

Nhiều kẻ an giấc trong bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi nhục muôn đời.

Những người thông minh sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 5 và 8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Xướng: Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng.

Xướng: Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong âm phủ, cũng không để thánh nhân của Người thấy điều hư nát. 

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh: sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! 

Bài Ðọc II: Dt 10, 11-14. 18

“Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Trong khi mọi tư tế hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền tội nữa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Kh 2, 10c

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ngươi hãy giữ lòng trung thành cho đến chết, thì Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 24-32

“Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.

“Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giê-su sẽ đến lần thứ hai để cứu thoát những ai luôn đặt hy vọng nơi Người. Trong niềm tin tưởng phó thác, chúng ta cùng dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

1. “Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn hăng say rao giảng Lời Chúa cho đoàn chiên, để họ được thấm nhuần Lời Chúa, mà được hưởng ơn cứu độ của Ngài.

2. “Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, luôn ý thức mình được tuyển chọn để: xây dựng công lý, đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người.

3. “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho những ai đang gặp đau khổ luôn tin tưởng vào Lời Chúa hứa, nhờ đó luôn biết can đảm và hi vọng giữa muôn vàn khó khăn trong cuộc đời.

4. “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn biết tỉnh thức đợi chờ ngày Chúa đến, với niềm xác tín và gắn bó mật thiết với Ngài.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin cho chúng con luôn trung thành phụng sự Chúa trong niềm tin-cậy-mến, hầu sẵn sàng ra nghênh đón Đức Giê-su Ki-tô khi Người ngự đến trong vinh quang. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Ki-tô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

niềm vui và hy vọng lớn lao
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)

Suy niệm: Chúa sẽ lại đến. Đó là điều chắc chắn, nhưng khi nào và như thế nào, thì không ai biết. Mỗi khi xảy ra tai ương, như chiến tranh, động đất, bão lũ… hoặc những hiện tượng thiên nhiên khác thường, người ta lại lo lắng bất an, vì nghĩ rằng “ngày ấy” đã đến. Họ mặc định rằng ngày tận thế là ngày u ám đáng kinh sợ, ngày của huỷ diệt. Trái lại, đối với những ai mong đợi ngày Đức Ki-tô lại đến, thì “ngày ấy” lại là niềm vui và niềm hy vọng lớn lao vì đó là lúc “anh em sắp được cứu độ” (Lc 21,28).

Mời Bạn: Vậy chúng ta phải chuẩn bị cho ngày đó như thế nào? Một ngày kia thánh Gio-an Bốt-cô hỏi học trò mình: “Đa-minh Sa-vi-ô, nếu ngày mai con chết, con sẽ làm gì?” Đa-minh Sa-vi-ô trả lời: “Con vẫn chơi đùa, ăn uống bình thường bởi vì ngày nào con cũng chuẩn bị sẵn sàng để được gặp Chúa.” Vâng! “Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn”, chu toàn bổn phận hằng ngày của mình, “đừng để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,36.34). Với tâm thế đó, chúng ta sẽ không còn sợ hãi mà trái lại đón chờ ngày Chúa lại đến trong bình an, vui tươi và hy vọng.

Sống Lời Chúa: Chu toàn công việc bổn phận hằng ngày của mình trong tinh thần phục vụ khiêm tốn với tâm niệm: “Tôi chỉ là người tôi tớ vô dụng, tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (x. Lc 17,10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con mong đợi Chúa lại đến, xin cho chúng con biết dùng những giây phút hiện tại để thờ phượng Chúa và phục vụ tha nhân, ngõ hầu mai ngày chúng con được kết hợp hạnh phúc với Chúa mãi mãi trên Nước Trời. Amen.

Ngày 17 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn biết cảnh giác trước những kẻ thù của việc nên thánh: Tiến Sĩ Bàn Giấy luôn cầm tù người khác trong các tư tưởng của họ; đo lường sự hoàn thiện bằng tri thức, hiểu biết, nhưng bỏ quên đức ái. Họ không quan tâm đến tha nhân, nên họ thiếu khả năng chạm đến những đau khổ của Đức Kitô nơi những người khác. Họ giảm trừ giáo huấn của Đức Giêsu thành một luận lý khắc nghiệt, lạnh lùng. Họ là những tiên tri giả, sử dụng tôn giáo để quảng bá tri thức như: thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng Đơn Nhất Tính. Họ tự cho mình là thánh, là tốt lành hơn những đám đông dốt nát. Xin cho chúng con đừng bao giờ muốn tự mình nên thánh bằng sự thông tuệ của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Ngày phán xét

Vũ trụ này đã có một lúc khởi đầu thì cũng sẽ có một lúc kết thúc. Con người ta có sinh thì cũng phải có tử. Kể từ khi con người xuất hiện trên mặt đất cho đến hôm nay, thời gian kéo dài hằng trăm triệu năm. Thế nhưng, thời gian ấy chẳng là gì cả so với khoảng thời gian vô biên của Thiên Chúa, như lời thánh vịnh đã nói: Ngàn năm đối với Chúa cũng chỉ là như một thoáng mây bay.

Tuy nhiên, có điều chúng ta cần lưu ý, đó là nhân loại này luôn luôn được chia làm hai giới tuyến, tin và không tin. Đón nhận và từ chối lời Ngài. Hai giới tuyến này vẫn tồn tại và tồn tại mãi cho đến ngày tận cùng của trời đất. Đúng thế, trong ngày tận cùng của trời đất Đức Kitô sẽ xuất hiện, không phải với thân phận nô lệ, nhưng với tất cả quyền năng của Ngài để phân xử ngay cả những tư tưởng thầm kín nhất của chúng ta.

Chính lúc ấy, hai giới tuyến này mới thực là rõ rệt. Một bên thì sáng ngời và hạnh phúc vì họ là những người đã trung thành gắn bó với Chúa… Còn một bên thì khổ đau và tuyệt vọng, bởi vì họ đã từng là những kẻ thù, chống đối và phỉ báng Chúa.

Lúc bấy giờ, tất cả sẽ bị phơi bày, tất cả sẽ bị tỏ lộ. Tâm hồn họ tối tăm hơn cả đêm đen, kinh hoàng hơn cả vực thẳm. Họ sẽ nghe thấy phán quyết tối cao của Chúa: Ta hằng yêu thương và chăm sóc cho ngươi như người mẹ chăm sóc và yêu thương đứa con của mình, thế mà ngươi đã chối bỏ Ta và từ khước tình thương của Ta. Thì giờ đây, hình phạt đời đời sẽ chờ đón ngươi.

Trong khi đó những người lành thì hân hoan vui sướng, bởi vì họ đã trung thành gắn bó với Chúa, không bao giờ họ bán rẻ đức tin của mình cho những đam mê và những khát vọng trần tục. Bấy giờ Chúa sẽ phán với họ: Hỡi những người đã được Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh lấy phần gia nghiệp Nước Trời đã được chuẩn bị cho các ngươi từ trước muôn đời. Bấy giờ cánh cửa Nước Trời được mở rộng để họ tiến vào, ở đó họ sẽ được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời với Chúa, như lời thánh Phaolô đã diễn tả: Mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe và trái tim chưa một lần cảm nghiệm được những điều Thiên Chúa dành cho những kẻ yêu mến Ngài.

Từ những điều vừa trình bày, chúng ta hãy xác tín rằng Nước Trời mới là quê hương đích thật, mới là nơi cư ngụ vĩnh viễn của chúng ta. Còn trần gian thì chỉ là quán trọ mà chúng ta là những lữ khách. Bởi đó, không được từ khước một hy sinh, một gian khổ nào. Trái lại, bằng mọi giá phải chiếm cho được quê hương Nước Trời.

Hãy nghĩ đến Nước Trời mỗi khi chúng ta gặp phải những cám dỗ và thử thách. Hãy nghĩ đến Nước Trời giữa những vất vả và mệt mỏi, giữa những buồn phiền và cay đắng của cuộc sống thường ngày. Hãy nghĩ đến Nước Trời trong những lúc nghèo túng, bệnh tật và cô đơn. Bởi vì Nước Trời trổi vượt trên mọi thực tại trần gian.

Đừng bán quyền trưởng nam bằng một bát cháo. Đừng bán cuộc sống vĩnh cửu bằng một vài giây phút vui thú chóng qua. Đời sống thì ngắn ngủi. Danh vọng và vui thú thì chóng tàn. Việc quan trọng chúng ta cần phải làm trước tiên, đó là tìm kiếm Nước Trời như lời Chúa đã nói: Sau cuộc sống trần gian này, thì hạnh phúc Nước Trời đang chờ đón chúng ta, thế nhưng chúng ta đã làm được những gì để chúng ta xứng đáng được Chúa đón nhận vào chốn quê hương vĩnh cửu?

Sống sót

Cuốn phim “Biến cố xảy ra trên nhịp cầu” kể lại câu chuyện sau đây: Có một tên tử tội bị treo cổ trên một nhịp cầu. Người ta thòng sợi dây từ đỉnh cầu xuống và quấn vào cổ anh. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy ra lệnh, người ta sẽ kéo lên và sợi dây xiết vào cổ anh. Thế nhưng, một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và anh rớt xuống dòng sông. Anh bắt đầu lặn, rồi bơi vào một đám lục bình. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những chiếc lá xanh và của những bông hoa tim tím. Một lúc sau, anh nhìn thấy chú nhện giăng tơ. Và một lần nữa, anh lại xúc động trước vẻ đẹp của chiếc màng nhện và những giọt nước bám vào đó, lấp lánh như những hạt kim cương. Bỗng nhiên, đám lính đứng trên cầu bắn xối xả. Anh cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn. Cuối cùng anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Khẽ mở mắt, anh trông thấy một cánh hoa dại. Anh thầm nghĩ: Mọi sự sao mà đẹp thế. Nhưng liền sau đó, anh nghe thấy tiếng đạn rít qua bụi rậm. Thế là anh đứng lên, cắm cổ chạy một mạch về đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ và nàng vội vã mở cởng và dang tay đón anh.

Ngay khi họ vừa ôm nhau, thì nhà đạo diễn mang chúng ta trở lại với nhịp cầu. Và chúng ta không thể nào tin được vào mắt mình khi thấy xác anh ta đang đong đưa với sợi dây xiết chặt vào cổ. Thì ra anh đã chết. Chi tiết này làm cho mọi người sững sờ. Thế là mọi nỗ lực trốn chạy và mọi cơ may được sống sót của anh chỉ là sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng mà thôi. Anh mơ thấy mình được sống lần thứ hai và anh cảm nhận sự sống ấy bằng đôi mắt hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên anh cảm thấy thế gới này quả là tuyệt hảo. Lần đầu tiên anh cảm thấy cuộc sống là một món quà quý giá. Phải chi anh được sống sót thì chắc hẳn anh đã sống cuộc đời mới này một cách khác thường biết bao.

Thế nhưng đâu là chủ đích của nhà đạo diễn. Ông muốn nhắn gởi gì với chúng ta? Theo tôi nghĩ, người tử tội trong câu chuyện chính là mỗi người chúng ta, bởi vì một ngày nào đó chúng ta sẽ chết. Tuy nhiên chúng ta lại không biết mình sẽ chết lúc nào? Cái chết thì chắc chắn nhưng giờ chết thì bấp bênh vô định, nhưng rồi một lúc nào đó nó sẽ đến với chúng ta, như đã đến với người tử tội.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến thời khắc chúng ta sẽ phải gặp Chúa, vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, cũng như của vũ trụ vật chất này. Liệu vào lúc ấy, chúng ta có đến với Chúa bằng đôi tay chất đầy công nghiệp là những hành động bác ái hay không? Nếu như phải tính sổ cuộc đời với Chúa, thì chúng ta đã sử dụng những nén bạc Ngài trao gởi như thế nào? Không giống như người tử tội, chúng ta có được cơ may còn sống để chuẩn bị cho giây phút định mệnh ấy. Bởi đó: Hãy sống giây phút hiện tại cho dù hiện tại có vắn vỏi, nhưng lại thật quan trọng vì nhờ nó mà chúng ta sẽ chiếm lấy được niềm hạnh phúc Nước Trời.

Suy niệm

CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Không thuộc về thế gian

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

“Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô.” Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức mời ông giả vờ bước qua thánh giá.

Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn, cho phụ trách ngành dệt trong cả nước. Nhưng ông cũng là một Kitô hữu xông xáo làm việc tông đồ.

Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình.

Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu.

Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hy soi sáng cho đoạn Lời Chúa hôm nay.

Người Kitô hữu có hai đầu dây cần phải giữ. “Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian” (Ga 17,18).

Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân… Ngài đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó.

Thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn.

“Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,16).

Ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian.

Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng.

Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng. Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới.

Họ là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Chúng ta vẫn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu.

Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng dễ ghét, thế đứng đòi phải trả giá.

Tử đạo là cách làm chứng tuyệt vời trong thời bách hại.

Trong thời kinh tế thị trường, cần có những cách làm chứng khác. Người Kitô hữu vẫn bị cám dỗ bước qua lương tâm mình để mua lấy chút địa vị, lợi nhuận, an toàn, thoải mái…

Thế gian không ở ngoài ta, thế gian ở ngay trong lòng ta.

Ước gì chúng ta dám chấp nhận thiệt thòi, phiền hà, mất mát, khi can đảm làm chứng cho lòng tin và tình yêu.

Gợi Ý Chia Sẻ

Kitô hữu vừa phải đồng hành với thế gian, vừa có lúc phải lội ngược dòng với thế gian. Bạn thấy điều đó có quá khó không? Làm sao thực hiện được lý tưởng đó?

Thời nào, nơi nào, làm chứng cho Chúa cũng có cái khó riêng. Đâu là cái khó khi bạn phải làm chứng cho Chúa trong một xã hội chạy theo tiền bạc và hưởng thụ?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục. Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian, lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn. Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình, giữ được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo, chỉ sợ mình bỏ sống đạo vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo, những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con, thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Sống chứng nhân

Truyền thống Giáo Hội bao giờ cũng quý trọng cái chết tử đạo của con cái mình, coi cái chết đó như vừa nói lên lòng can đảm của người tử đạo, vừa nói lên chiến thắng của Tin Mừng. Vì thế, khi nâng 117 vị tử đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh, Giáo Hội muốn đưa ra những mẫu gương cho chúng ta bắt chước. Qua cái chết khổ nhục, các ngài đã làm chứng cho Đức Kitô trong những hoàn cảnh giới hạn của mình. Noi gương cái ngài, chúng ta cũng hãy sống làm chứng cho Đức Kitô trong hoàn cảnh riêng của chúng ta. Vậy chúng ta phải sống làm chứng đức tin như thế nào? Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ làm cho gương mặt cha ông tử đạo của chúng ta thêm sáng chói, nếu chúng ta biết tích cực sống tử đạo giữa lòng dân tộc. Đây không phải chỉ là một công thức đẹp, một câu nói đưa duyên, nhưng là một lựa chọn của Giáo Hội, như thư chung HĐGMVN năm 1980 đã đề ra. Chính vì thế đối với chúng ta thì đó cũng là một mệnh lệnh. Chúng ta phải biến mệnh lệnh trên thành việc làm.

Hiện thời chúng ta đang sống trên đất nước Việt Nam, cùng với những người Việt Nam khác, xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn. Đó là thánh ý nhiệm mầu, làm sao chúng ta dám cưỡng lại, làm sao chúng ta dám chối từ. Các thánh tử đạo Việt Nam cũng đã không chạy trốn hoàn cảnh các ngài phải sống. Xã hội trong đó chúng ta đang sống. Môi trường trong đó chúng ta đang làm việc, những con người hằng ngày chúng ta gặp gỡ trên mọi nẻo đường, có những điều hay, những cái đẹp, thế nhưng cũng không thể tránh đi cho hết những cái chưa hay, những điều còn xấu. Chính vì thế, vai trò đức tin của chúng ta xuất hiện như một nhu cầu cần thiết và sứ mệnh làm chứng của chúng ta trở thành cấp bách. Chính chúng ta phải tự vạch ra cung cách sống đạo cho chúng ta trong từng thời điểm, trong từng hoàn cảnh.

Chẳng hạn nếu môi trường chúng ta sống chưa hoàn toàn tôn trọng sự thật, thì chúng ta phải sống sao cho đời thấy rằng chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta như Tin Mừng đã dạy. Nếu tại những cơ quan chúng ta phục vụ chưa được chí công vô tư, đầy dãy chuyện móc ngoặc, tham nhũng hối lộ, thì chúng ta phải cố sống sao cho siêu thoát, chấp nhận sự đạm bạc, không màng chi đến việc làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác. Nếu những kẻ có quyền có thế lạm dụng chỗ đứng mà ức hiếp người dân, thì chúng ta phải biết tôn trọng và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bất hạnh và nghèo đói. Nếu chung quanh chúng ta đời sống lứa đôi bị coi thường, tình yêu vợ chồng bị hạ xuống hàng trò chơi tạm bợ, sự sống của con cái, như là kết quả của tình yêu, bị chối bỏ dễ dàng, thì đời sống gia đình của chúng ta phải thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, vợ chồng thương yêu nhường nhịn lẫn nhau, con cái được đón nhận như là hồng ân Chúa ban, sự sống được tôn trọng và yêu thương. Các khó khăn được giải quyết bằng niềm tin, bằng cầu nguyện chứ không phải bằng đấm đá, bằng đổ vỡ dễ dàng.

Hẳn nhiên không có cuộc sống làm chứng nào mà không phải thiệt thòi vào thân. Đó là điều làm cho chúng ta lo ngại nhất, nhưng đó cũng chính là thước đo mức độ lòng tin của chúng ta vào Giáo Hội. Để làm chứng cho chân lý, cho tình yêu, Đức Kitô đã phải trả giá bằng cái chết trên thập tự. Cho nên gặp phải khó khăn trong đời sống chứng nhân là chuyện bình thường, là quy luật của muôn đời. Bởi vì sống làm chứng là sống tận căn cái nghịch lý mất mạng để được mạng, là sống triệt để cái biện chứng hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để làm nẩy sinh nhiều bông hát. Đó là điều các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm và hơn nữa, đó là điều chính chúng ta cũng phải làm, nếu muốn trở nên chứng nhân cho Đức Kitô.

Để làm chứng cho vua quanMt 10, 17-22

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Các vị tử đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết. Tất cả những gì các ngài phải chịu đều vì Đức Giêsu (c.18), vì Danh Đức Giêsu (c.22).

Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Bầu khí của toà án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em” để tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu (c.19-20)

Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối.

Chết vì Đạo là một cách làm chứng.

Làm chứng cho một niềm tin kiên vững: Vì tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ, nên các ngài không bước qua thánh giá.

Làm chứng cho một tình yêu nỏng bỏng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13)

Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt: có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu, cái chết đưa tôi giáp mặt với Đấng tôi yêu. Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết.

Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống.

Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa.

Các vị tử đạo thường bị đặt trước thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi.

Đã có người bước qua, và cũng có người không. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Đích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Đó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt. Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Đình Hy, nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy.

Đứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hoà hay lấp lửng. Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng. Quyết định không bước qua thánh giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất…

Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

Gợi Ý Chia Sẻ

Làm chứng bằng cuộc sống. Theo ý bạn, người Công Giáo Việt Nam phải sống thế nào để làm chứng về Đức Giêsu cho những đồng bào chưa biết Chúa?

Bị cám dỗ bước qua thánh giá, có khi nào bạn có kinh nghiệm đó trong đời thường không?

Cầu Nguyện

Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.

Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn.

Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.

Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam.

Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

Truyền đạo

Người Công giáo Việt Nam thường coi mình là kẻ có đạo và được tiếng là những kẻ giữ đạo rất nhiệt thành và sốt sắng. Nhưng có lẽ phần đông chúng ta chưa xác tín rằng: cách giữ đạo tốt nhất là cho người khác cái đạo của mình, như Chúa Giêsu đã nói: Cố giữ thì mất, liều mất thì còn.

Các thánh Tử đạo Việt Nam là những người đã sống theo chân lý đó. Các ngài không phải chỉ là những người có đức tin, những người giữ vững đức tin đến cùng, mà còn là những người đã cho kẻ khác niềm tin của mình.

Không có việc trao tặng niềm tin ấy qua việc hy sinh mạng sống của các ngài thì có lẽ sẽ chẳng có Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, có nhiều cách cho đi niềm tin và cách thông thường nhất là chia sẻ bằng lời rao giảng hay bằng những phương tiện truyền giáo.

Cũng có một cách khác, tuy âm thầm nhưng hiệu quả cũng không kém, đó là bằng cách sống niềm tin một cách chân thực. Nhưng cách cuối cùng mà các thánh Tử đạo Việt Nam đã thực hiện là cho chính sự sống của mình. Trong sự sống được trao tặng đó có hạt giống của đức tin, tựa hạt của một trái chín, hay như hạt thóc của một bông lúa đã được gặt hái. Đó là một cách cho trọn vẹn nhất, một cách cho tuyệt đối nhất, bởi vì không ai có thể đòi lại mạng sống của mình một khi đã dâng hiến.

Hơn thế nữa, trong những cách thế cho khác, người ta có thể tìm lại được mình trong chính sự dâng hiến. Thật vậy, kẻ rao giảng Tin mừng có thể gặt hái được thành quả công cuộc rao giảng và hưởng niềm vui về thành quả đó. Cũng vậy, một người sống đạo cách chân thực, gương mẫu, có thể được mọi người kính phục và yêu mến. Còn người cho niềm tin trong cái chết thì không còn để được hưởng những lời ca tụng tán dương.

Khi đọc truyện các thánh Tử đạo Việt Nam chúng ta thấy phần đông các ngài không phải lúc nào cũng muốn chết. Trái lại, nhiều vị đã tìm cách trốn tránh, không phải vì sợ chết, nhưng vì muốn tiếp tục sống vì người khác và cho người khác, hoặc cũng có khi vì lòng khiêm tốn, nghĩ mình không xứng đáng được phúc tử đạo. Các ngài đã chấp nhận dâng hiến đời mình, chứ không tự mình tìm đến cái chết.

Đối với chúng ta ngày nay, ngoài một vài trường hợp đặc biệt như ở Algérie hay tại một vài nước Hồi giáo cực đoan, nơi các tôn giáo ngoài Hồi giáo có thể bị bách hại, còn khắp nơi trên thế giới hầu như không còn có chế độ nào được coi như cấm đạo thực sự kiểu Nêrô hay Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Nhưng nếu hiểu đạo theo nghĩa rộng, thì vẫn còn có nhiều người tử đạo. Đó là những người dám chết cho công lý, cho hòa bình. Nói chung là chết vì chính đạo, chết cho con người, nhất là những người nghèo khổ hay bị áp bức. Đức Kitô cũng đã chết cho cái chính đạo ấy chứ không phải chết vì đạo của người Do Thái, lại càng không chết vì đạo của mấy ông tư tế và Biệt phái, bởi vì chính những người này đã chủ mưu giết Ngài vì thấy rằng Ngài là mối đe dọa cho tôn giáo của họ.

Ngày nay, khi Giáo Hội Công giáo chuẩn bị hồ sơ phong chân phước cho Savonarole, một linh mục dòng Đaminh ở Florence, thì điều đó chứng tỏ rằng cả những người trước đây bị giáo quyền kết án, cũng chính là những vị tử đạo, bởi vì họ đã sống theo chân lý và hy sinh tính mạng để bảo vệ cho chân lý, cho chính đạo.

Dân chúng Ấn Độ đã tặng cho ông Gandhi danh hiệu là thánh, không phải ông đã chết vì Ấn độ giáo hay bất kỳ tôn giáo nào, mà chết vì đấu tranh cho hòa bình, hòa hợp và hòa giải giữa hai cộng đồng Ấn độ giáo và Hồi giáo. Và mục sư Martin Luther King cũng thật xứng đáng danh hiệu một vị thánh vì đã chết để bênh vực quyền tự do và bình đẳng của người da đen… trên đất nước được mệnh danh là dân chủ và tự do nhất thế giới, nhưng thực ra chỉ là tự do và dân chủ cho người da trắng mà thôi.

Đức Tổng giám mục Rômêrô bên El Salvador đã bị chính những người lính Công giáo bắn chết đang khi dâng thánh lễ, ngài bị giết không phải vì là người có đạo hay là vì giám mục, mà vì đã can đảm ủng hộ chính nghĩa của dân nghèo. Người ta hy vọng ngày gần đây, ngài sẽ được tôn phong lên hàng thánh tử đạo.

Như vậy, tử đạo là dám sống và dám chết cho một lý tưởng của Tin mừng. Thế nhưng liệu chúng ta có dám sống và dám chết như vậy hay không?

Con đường hạt lúa (Ga 12, 20-32)
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Khi đến Rôma, tôi thích đi viếng những hang toại đạo. Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây số. Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất. Không khí trong hang thật lạnh lẽo. Hơi lạnh từ lòng đất toát ra cộng với hơi lạnh từ những nấm mồ càng làm cho khu hầm mộ trở nên lạnh lẽo đáng sợ. Người sống phải đấu tranh với cái chết. Sự chết luôn đe doạ rình rập cướp lấy mạng sống con người. Tại nơi đây, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ. Có lẽ thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng đã từng đi lại sinh hoạt trong những hang này. Người tín hữu sơ khai đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức tin của mình.

Nhưng thật kỳ diệu. Các vua chúa của đế quốc Rôma hùng mạnh đã tìm cách tiêu diệt một nhóm người nghèo khổ yếu ớt không một tấc sắt tự vệ. Không phải chĩ bắt bớ trong một chiến dịch ngắn hạn mà là một chủ trương kéo dài suốt 300 năm. Vậy mà các vua chúa qua đi rồi, nhóm người nghèo khổ yếu ớt đó không những chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đi dưới lòng hang toại đạo tôi mới thấm thía ý nghĩa của lời Chúa nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Hạt giống Giáo Hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng đất. Hạt giống đức tin đã bị vùi sâu đến 300 năm. Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu sơ khai đã bị mục nát. Và các ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào phong phú. Cả châu Âu đã tin theo Chúa.

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, ta cũng thấy có sự tương tự. Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo. Nào là cấm cách bắt bớ. Nào là đe doạ bạc đãi. Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo. Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má ngưới có đạo. Và nhất là lên án tử hình những người có đạo. Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc. Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù. Nếu không cũng bị xử án tử hình. Có đấng bị chém đầu. Có đấng bị trói chân tay vào chân ngựa. Bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát xác vị tử đạo. Có đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao. Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết.

Dù các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm người bé nhỏ yếu ớt trong 300 năm. Trong 3 thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn người chịu chết vì đạo. Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia tăng. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ, nay số tín hữu tại Việt Nam đã hơn 6 triệu người. Hạt giống đức tin gieo trồng vào quê hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa gặt phong phú. Một lần nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Nhìn lại lịch sử, ta càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa. Nếu đang gặp khó khă trong đời sống đạo, ta hãy an tâm. Như Đức Giêsu đã chịu gian nan khốn khó, phải chịu bắt bớ, nhục mạ, phải chịu chết tủi hổ trên Thánh giá, các môn đệ con cái Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Thánh giá. Như các bậc tiền nhân xưa đã chịu vất vả khổ cực để xây dựng một Giáo Hội vững mạnh như ngày nay, ta tin tưởng những gian nan khốn khó của ta rồi cũng sẽ trôi qua. Nếu ta biết chịu đựng những đau đớn, khó khăn, vất vả vì Chúa. Nếu ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin qua mọi gian nan thử thách, chắc chắn Chúa sẽ ban cho ta một mùa gặt bọi thu, kết quả phong phú ngoài sức tưởng tượng của ta.

Lạy Các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin dạy con noi gương bắt chước các ngài, luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Khi mới khai sinh Giáo Hội đã bị bách hại trong 3 thế kỷ. Nhưng Giáo Hội vẫn phát triển. Điều này dạy ta điều gì?

2- Hãy tóm tắt 3 thế kỷ đầu của Giáo Hội Việt Nam.

3- Muốn đạo Chúa phát triển ta phải làm gì?

CAN ĐẢM LÀM CHỨNG
(LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Macabê quyển II cho thấy: Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.

Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, với niềm hy vọng đạt đến ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia đã cho thấy: Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.

Luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng, với lòng tin tưởng chắc chắn rằng: Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho chúng ta, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta… Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Máu Đức Kitô đã sinh ơn cứu độ cho chúng ta thế nào, thì máu của các thánh tử đạo cũng đã làm trổ sinh nhiều hoa trái đức tin dồi dào cho Hội Thánh như vậy. Chúng ta được mời gọi can đảm làm chứng,trung thành mãi cho đến cùng như các bậc cha anh của chúng ta, và nhất là, như Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống vì chúng ta.

Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta nhận thấy biết bao ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta: Chúa đã sáng tạo nên chúng ta, đã tìm kiếm chúng ta khi chúng ta lầm lạc, tìm thấy rồi, Chúa lại ban ơn tha thứ; Chúa trợ lực cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với Ba Thù; Chúa không bỏ mặc chúng ta, khi chúng ta lâm nguy; Khi chúng ta chiến thắng, Chúa đã đội mũ triều thiên, và tặng ban chính mình làm phần thưởng cho chúng ta. Khi nhận thấy tất cả những điều ấy, chúng ta hãy kêu lên: Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho, tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ. Chén cứu độ Chúa đã uống cạn, các thánh ngôn sứ, các thánh Tông Đồ, các thánh tử đạo cũng đã nâng chén, và đến lượt chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta: Can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian.

Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng ta. Ước gì chúng ta biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

CTTĐVN 1

Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm


 
 

CHỨNG NHÂN KITÔ GIÁO
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Hằng năm cứ vào dịp đại lễ kính nhớ Tổ tiên ông bà Tử Đạo Việt Nam, đoàn tín hữu, con dân đất Việt lại thêm một lần được củng cố niềm tin. Ít ra, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Để sống xứng danh là cháu con các anh hùng tử đạo, Kitô hữu Việt Nam cần hiên ngang, anh dũng một cách nào đó trong niềm tin, trong cách sống đạo của mình. Trong tâm tình ấy, xin phác họa đôi nét về chân dung các Thánh Tử đạo Việt Nam như là những chứng nhân Kitô giáo.
          
1. Chứng từ khả tín của các chứng nhân: Xin được gọi các Ngài bằng nghĩa gốc của từ “tử đạo” là “chứng nhân” (martyr). Thiết tưởng cần trở về với nghĩa gốc là chứng nhân hơn là tử đạo, cho dù hai từ tử đạo đã quá phổ biến trong cách dùng. Bởi vì hai từ tử đạo có vẻ như đang bị méo mó ý nghĩa một cách nào đó khi mà vô tuyến truyền hình tường thuật những người ôm bom tự sát để giết hại nhiều người, trong đó có cả thường dân vô tội, và họ cũng tự cho là tử vì đạo. Hơn nữa một thánh tử đạo trong tôn giáo này chưa chắc được kính trọng bởi người của tôn giáo khác cho bằng các thánh hiển tu hay các thánh xả thân vì tình yêu đồng loại.
          
Nói đến chứng nhân là nói đến những người dùng chính cuộc sống của mình, dùng cả sự sống và sự chết của mình để làm chứng cho một lý tưởng cao đẹp như nền hòa bình của nhân loại hay sự độc lập tự do của dân tộc… hoặc cho một niềm tin tôn giáo. Khi có ai, có một tập thể hiến dâng cả cuộc sống, hiến dâng cả mạng sống để làm chứng về một chân lý nào đó thì chứng từ ấy có tính khả tín nghĩa là chân lý có tính thuyết phục và đáng tin theo. Tuy nhiên, mức độ khả tín của các chứng từ còn tùy thuộc vào cách thế làm chứng của các chứng nhân.
          
Nếu xét về hình thức chịu cực hình cho đến chết như bị “rũ tù” (bị tra tấn và giam tù cho đến chết), “xử giảo” (bị thắt cổ cho chết), “xử trảm” (bị chém đầu), “lăng trì” (bị ném cho voi chà đạp, xé xác), bị thiếu sống hay chịu xử “bá đao” (bị róc từng mảnh thịt cho đến chết), thì các bậc cha ông chúng ta tuy có bị khổ hình ghê rợn, thế nhưng các anh hùng dân tộc nhiều khi cũng đã can đảm đón nhận các cực hình tương tự không kém. Tuy nhiên qua cuộc sống, nhất là sự hiến dâng mạng sống của các chứng nhân Kitô giáo, của cha ông anh hùng hy sinh vì đức tin, chúng ta nhận ra mức độ trổi vượt của tính thuyết phục nơi cách làm chứng của các Ngài.
          
Nét trổi vượt và cũng là nét khác biệt nơi chứng từ của cha ông chúng ta đó là cách thế đón nhận khổ hình. Không một ai tự mình quyên sinh và nhất là khi bị khổ hình, không một ai căm phẫn, hận thù hay hô đả đảo những người bắt bớ, giết hại mình. Các ngài khoan thai, an bình, có khi tỏ vẻ hân hoan và cầu nguyện cho cả người giết hại mình đến độ nhiều “đao phủ” đã phải thành khẩn xin tha thứ trước khi hành hình các Ngài. Một thái độ làm chứng nhân khó thấy, hiếm thấy và có thể nói là không thấy có nơi các anh hùng dân tộc khi chịu cực hình, chịu chết vì lý tưởng. Và đây chính là nét khả tín tuyệt vời của nhứng chứng nhân bỏ mình vì “danh Đức Kitô”.
          
2. Một chân lý đức tin nền tảng mà các chứng nhân Kitô giáo làm chứng: Chân lý đức tin Kitô giáo thì nhiều, nhưng có thể nói một chân lý nền tảng mà tổ tiên ta đã anh dũng làm chứng đó là: Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa duy nhất, ta phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ta, vì ngoài Người ra thì không có đấng nào khác. (x.Dnl 6,4-7; Mc 12,28-34).
          
Tôn thờ một ai đó, một Đấng nào đó là nói lên sự thần phục, sự lệ thuộc của mình với Đấng ấy, với người ấy. Một trong những hình thức biểu lộ sự thần phục hay thờ phượng đó là sự phủ phục. Ta phủ phục trước một Đấng nào đó là ta nhìn nhận những gì ta đang là, ta đang có đều do Đấng ấy ban tặng. Kitô hữu chỉ dâng tâm tình thần phục, phượng thờ này lên một mình Thiên Chúa mà thôi. Và dĩ nhiên tâm tình, thái độ ấy kéo theo hệ quả tất yếu là xem các loài khác như mặt trời, mặt trăng, sông núi… chỉ là loài thọ tạo do Chúa dựng nên. Ngay cả loài thọ tạo cao trọng nhất trong các loài hữu hình là loài người thì dù là kẻ quyền thế, nhiều tiền, cao đức, trọng vị… cũng chỉ là loài phàm hèn không hơn không kém. Có thể có người, có vị đáng trọng, đáng kính vì tài đức cao dầy, nhưng không phải là người để ta phải lệ thuộc hay thần phục, nghĩa là bày tỏ sự tôn thờ.
          
Sự thường một ai đó, khi đã ở ngôi cao, khi đã nắm trong tay quyền lớn thì rất dễ bị cám dỗ muốn tuyệt đối hóa uy quyền của mình. Và một trong những cách thế để tuyệt đối hóa quyền lực và danh phận của mình thì phải tự phong thần, phong thánh cho mình bằng cách này cách khác. Các vua chúa ngày xưa đã từng tự xưng là thiên tử (con trời) và thế là bắt mọi người thần phục mình cách tuyệt đối. Nếu sống và hành xử như “con của trời” thì vẫn tốt, đằng này họ lại hành xử như là những “ông trời con”. Xưa vua Nabunôcônôdo của đế quốc Ba Tư đã cho tạc tượng mình để bắt thần dân thờ lạy. Và nay vẫn có người, có tập thể muốn kẻ khác lệ thuộc mình bằng việc “thần thánh” hóa bản thân hay luật pháp hóa cái thể chế, cái tổ chức, cơ cấu của mình.
          
Ngày nay người ta khi đã có quyền, có thế cũng có thể bắt kẻ khác suy tôn mình, suy tôn tập thể của mình… là muôn năm, là bất diệt… Và thế là hễ có ai không chịu thần phục, không chịu lệ thuộc thì tức khắc sẽ bị bắt bớ, đàn áp, thậm chí là loại trừ. Vác thập giá là thân phận của Kitô hữu mọi thời, mọi nơi. Tuy nhiên đó cũng là niềm vinh dự cho đoàn con cái Chúa. Vì đó là cách thế tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất hùng hồn và rõ nét.
          
3. Chuyện xưa và chuyện nay: Có thể nói là rất hiếm người phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Tối Cao, Đấng Sáng Tạo đất trời. Các vua chúa xưa bách hại Kitô hữu có thể vì do một vài hiểu lầm nào đó về cách sống đạo, cung cách thờ kính ông bà tổ tiên của Kitô hữu, nhưng thường ẩn đằng sau đó là có lý do thực tiễn khác: cái uy quyền cai trị của mình bị ảnh hưởng. Các lãnh đạo địa phương như các quan hàng tỉnh, huyện, xã thì ít vương cái lý do này. Tuy nhiên các vị này lại lợi dụng lệnh trên để “làm tiền”. Đọc hạnh các thánh tử đạo Việt Nam chúng ta thấy chuyện bắt rồi đòi tiền chuộc như là chuyện cơm bữa. Phải chăng chuyện xưa vẫn là chuyện luôn có tính thời sự như hôm nay và trong tương lai? Đã là Kitô hữu thì phải làm chứng nhân và vác thập giá là chuyện như đương nhiên của những ai muốn theo Chúa Kitô đến cùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây