TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – A

Chủ nhật - 03/09/2023 14:04 |   804
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15-20)

10/09/2023
CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – A

cn t23 TNa

Mt 18,15-20

 
NHỮNG ĐIỀU KHÓ NÓI
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15-20)

Suy niệm: Không gì khó nói hơn việc đi sửa lỗi người khác. Vì nhiều lý do. Trước hết, lý do bản thân: tôi cũng chẳng hay ho gì mà dám lên mặt dạy đời. Và bao nhiêu lý do khác. Nếu cùng là người trong nhà với tôi: bụt nhà không thiêng. Nếu không phải là người nhà với mình: thôi thì đèn nhà ai nhà nấy rạng. Bao giờ người ta cũng có lý do để né tránh vấn đề gai góc này. Chắc phải ‘uống mật gấu’ mới đủ dũng khí để “sửa lỗi cho người khác” bởi chưng, cục tự ái của mỗi người chẳng khác nào trái bom hẹn giờ không biết lúc nào sẽ nổ tung lên.

Trên đây, Chúa Giê-su đưa ra quy tắc vàng: muốn sửa lỗi cho nhau, phải được thúc đẩy bởi tình bác ái, phải tôn trọng danh dự của nhau và nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Việc đi gặp riêng “một mình anh với nó thôi” tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau nhận ra thánh ý Chúa.

Mời Bạn: Bạn có nghĩ rằng 99% thất bại trong việc sửa lỗi phát sinh do việc nóng nảy, thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng nhau? Về phần mình, khi được người khác sửa lỗi, bạn đã phản ứng thế nào?

Chia sẻ: Học hỏi cách Chúa Giê-su sửa lỗi:

- cho người đàn bà ngoại tình (x. Ga 8,1-11)

- cho Phê-rô (x. Ga 13,6-11.36-38; Lc 22,31-34.54-61; Ga 21,15-23).

Sống Lời Chúa: Suy niệm nhiều lần những đoạn Tin Mừng trên.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng thương người có tội, biết sẵn sàng hy sinh đền thay tội lỗi cho anh em mỗi khi con muốn sửa lỗi cho nhau.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm A

Dẫn vào Thánh lễ

Chúng ta đang hiện diện nơi đây, cùng nhau hiệp lời, hiệp ý dâng Thánh Lễ, nhờ ĐỨC Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, để ngợi ca, tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa với tư thế là nghĩa tử của Ngài. Sự biểu lộ tinh cảm này chỉ đạt được giá trị đích thực, khi chúng ta tự ý thức được những khiếm khuyết của mình trước lòng từ bi của Chúa và trước các mối tương giao với tha nhân.

Giờ đây, chúng ta hãy khiêm tốn, thành khẩn biểu lộ tấm lòng thống hối trước sự công minh, chính trực của Chúa và với anh chị em của chúng ta đang hiện diện nơi đây.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa là Đấng công minh và xét xử chính trực; Xin Chúa đối xử với tôi tớ Chúa theo lượng từ bi của Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình cha mà âu yếm đoái nhìn; này chúng con là những kẻ tin kính Ðức Kitô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 33, 7-9

“Nếu ngươi không chịu nói cho kẻ gian ác, thì Ta đòi máu nó bởi tay ngươi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa phán: “Hỡi con người, Ta đã làm cho ngươi trở nên người lính canh nhà Israel: vậy khi nghe lời miệng Ta nói, ngươi hãy loan báo cho chúng thay Ta. Khi Ta phán cùng kẻ gian ác rằng: “Hỡi kẻ gian ác, mi sẽ phải chết”; nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng” (x. c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!

Xướng: Hãy tiến liên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

Bài Ðọc II: Rm 13, 8-10

“Yêu thương là chu toàn cả lề luật”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật. Ðó là: “Chớ ngoại tình; chớ giết người; chớ trộm cắp; chớ làm chứng gian; chớ mê tham”, và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: “Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình”. Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 18, 15-20

“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Cha nhận lời cầu xin của những ai kêu cầu Người. Giờ đây, với lòng tin tưởng, chúng ta dâng lên Chúa Cha những lời cầu khẩn, xin Người vui lòng đón nhận.

1. Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội sứ mạng gìn giữ và phục vụ nhân loại. Xin cho Giáo Hội chu toàn sứ mạng Chúa đã trao phó với tình yêu và lòng nhiệt huyết, để loan báo ơn cứu độ của Ngài.

2. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Xin cho tình yêu và đức ái trở thành quy tắc căn bản chi phối mối tương quan giữa mọi người trong đời sống hằng ngày. 

3. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện không theo ý riêng nhưng theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Xin cho ý Chúa được thực hiện trong suốt cuộc đời mỗi người.

4. Chúa Giêsu đã hứa sẽ hiện diện khi có hai hay ba người họp nhau cầu nguyện nhân danh Ngài. Xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa mỗi khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, nhất là cử hành bí tích Thánh Thể.

Chủ tế: Lạy Cha, xin nhận lời cầu nguyện của những ai kêu cầu Cha nhân danh Chúa Giêsu, Con Cha, xin ban cho chúng con một quả tim mới, biết rung động trước nỗi đau khổ và bất hạnh của anh em. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa uy linh cao cả, Chúa làm cho chúng con biết nhiệt thành phụng sự Chúa và sống hoà thuận thương yêu nhau. Ước chi của lễ này giúp chúng con tôn thờ Chúa cho phải đạo và ước chi tiệc Thánh chúng con cùng nhau chia sẻ thúc đẩy chúng con nên ý hợp tâm đầu. Chúng con cầu xin…

 Ca hiệp lễ

Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn tôi khát Chúa, Chúa trời ôi, hồn tôi khát Chúa Trời, Chúa trời hằng sống.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã dùng lời Chúa và Bánh Thánh để dưỡng nuôi và thêm sức mạnh cho chúng con; xin cho chúng con biết tận dụng những hồng ân này hầu đáng được thông phần sự sống của Ðức Kitô luôn mãi. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy Niệm

Sửa lỗi

Tại một góc phố nhộn nhịp của thành phố Nữu Ước, một chú cảnh sát gốc Việt Nam đang chỉ huy sự lưu thông. Dòng thác xe cộ và dân chúng xoay quanh chú. Bất thình lình chú phát hiện ra một người đi bộ cứ băng qua đường khi còn đèn đỏ. Chú liền thổi còi, giơ tay ngăn chặn và bước qua chỗ người vi phạm và nhận thấy đó là một người đồng hương. Chú bình tĩnh nhưng kiên quyết giải thích: Bạn hãy đợi một chút, khi đèn xanh bật sáng mới được đi. Với một nụ cười ngượng ngập, người vi phạm trở lại lề đường, nhìn đèn đỏ đổi sang vàng và rồi bước đi khi đèn xanh bật sáng. Tuy nhiên, thay vì đi thẳng qua, thì người đó lại nhún nhảy đi tới gần người cảnh sát gốc Việt Nam và thì thầm khi đi ngang qua viên cảnh sát: Chú hãy ý tứ, đừng cho những người da vàng này đi qua mặt.

Câu chuyện trên có thể giúp chúng ta áp dụng vào điều Chúa Giêsu nói với chúng ta qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Lỗi phạm ở đây không phải chỉ là những xúc phạm đến bản thân chúng ta mà còn là tất cả những hành vi sai trái, khả dĩ gây nên gương mù gương xấu. Sửa lỗi người khác là bổn phận của một số người như chú cảnh sát Việt Nam trong câu chuyện, như cha mẹ, thầy dạy, huấn luyện viên và những người có trách nhiệm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thi hành điều đó. Câu chuyện trên cho chúng ta một số gợi ý.

Trước hết là khía cạnh tích cực. Thực vậy, chú cảnh sát không nhấn mạnh đến điều lầm lỗi là qua đường khi đèn đỏ, nhưng nhấn mạnh đến điều cần thiết là chỉ đi qua đường khi đèn xanh bật sáng. Chú không la hét cho người khác nghe được, nhưng chỉ nói nhỏ nhẹ mà kiên quyết với người vi phạm. Chú bảo người ấy điều phải làm cũng như điều phải tránh.

Tiếp đến là lời nói của chú thật đúng lúc và tế nhị. Tất cả đều giúp ích cho việc sửa lỗi anh em. Vì như chúng ta thường bảo: Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau. Nhiều khi chỉ vì những lời nói thiếu tế nhị, chúng ta chỉ tạo nên những bực bội và tức tối, khiến cho hành động thiện chí của chúng ta trở thành uổng công vô ích mà thôi. Đồng thời khi chỉ ra lầm lỗi của người khác, chúng ta nên lưu ý: Lầm lỗi đó không xúc phạm quá nhiều đến chúng ta; nhưng là lỗi nghịch với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Lầm lỗi của họ có thể làm mất lòng chúng ta, nhưng quan trọng hơn, đó là làm mất lòng Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã nhắc nhỏ: Chúng ta có thể đem theo một hay hai người khác để sửa sai. Và cuối cùng, nếu người ấy vẫn không chịu nghe, thì cực chẳng đã, mới phải trình bày với Giáo Hội hay vị có thẩm quyền. Còn nếu như chúng ta được người khác nhắc bảo thì hãy có can đảm lắng nghe và chấp nhận nếu như những lời nhắc nhở đó là đúng, bằng không chúng ta sẵn sàng bỏ qua, không vì chút tự ái vụn vặt mà làm cho bầu khí trở nên căng thẳng, bởi vì: Ai khen ta mà khen phải, đó là bạn ta, còn ai chê ta mà chê phải, đó là thầy ta.

Liên hệ với người khác.

Tại một học viện quân sự, ngày kia huấn luyện viên ra đề tài cho các sĩ quan hãy vẽ một chiếc cầu. Cả lớp đều hiểu đó là một chiếc cầu được thiết kế cho mục đích quân sự, trừ ra một chàng sĩ quan có ý kiến khác hẳn. Anh đặt chiếc cầu trong bối cảnh thơ mộng của một ngọn núi, dưới ngọn núi là dòng sông mà hai bên bờ là những thảm cỏ xanh. Nổi bật nhất là hai cậu bé đang đứng trên dầu để câu cá. Huấn luyện viên không chấp thuận bài làm của anh và ra lệnh cho anh phải loại bỏ hai cậu bé. Thế là anh liền chuyển hai cậu bé xuống thảm cỏ xanh, nhưng huấn luyện viên càng tỏ ra tức tối, buộc anh không được để lại hình ảnh hai cậu bé trong bản vẽ. Cuối cùng anh vẽ hai cái mộ trên thảm cỏ xanh của bờ sông. Anh muốn nói cho huấn luyện viên biết rằng mình đã chôn hai cậu bé trong hai ngôi mộ đó.

Với tâm hồn nghệ sĩ hoàn toàn khác biệt với mục tiêu quân sự, anh quan niệm chiếc cầu được xây là để nối liền hai bờ sông hầu giúp con người qua lại mà liên hệ được với nhau. Thiếu sự đi lại của con người, chiếc cầu không những trở nên vô nghĩa, mà còn tượng trưng cho sự chết chóc xảy ra giữa con người với nhau.

Từ câu chuyện trên chúng ta nhận thấy: Không ai trong chúng ta có thể sống cô độc lẻ loi một mình như một hải đảo giữa biển khơi hay như một phái đài biệt lập, trái lại chúng ta sống là sống với người khác. Và trong cuộc sống chung này chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, bực bội và buồn phiền, vì bá nhân bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Hơn nữa, nhân vô thập toàn, ai cũng có những sai lỗi khuyết điểm của mình.

Bởi đó trước những sai lỗi của người khác, chúng ta hãy biết nhường nhịn và chịu đựng, quên đi và tha thứ vì một sự nhịn là chín sự lành, nhờ đó, chúng ta sẽ tạo được một bầu khí hoà thuận cảm thông. Hơn nữa, chúng ta còn phải có can đảm nói cho nhau sự thật. Nghĩa là chúng ta còn phải chọn những giây phút thuận tiện, dùng những lời nói ôn tồn để nhắc bảo nhau, hầu nhờ đó giúp nhau thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời.

Còn đối với những sai lỗi của bản thân, khi được người khác nhắc bảo, chúng ta hãy có can đảm nhận lỗi và xin lỗi bởi vì chính những sai lỗi này làm cho người khác phải đau khổ và buồn phiền. Nếu những lời nhắc bảo mà sai, chúng ta sẵn sàng bỏ qua. Còn nếu đúng thì chúng ta hãy cố gắng uốn nắn sửa đổi để nhờ đó đổi mới cuộc đời. Bởi vì ai khen ta mà khen phải là bạn ta, còn ai chê ta mà chê phải, đó là thầy ta.
 

ĐỨC TIN CẦN PHẢI TRẢ GIÁ
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.

Qua lời Tổng Nguyện của Tuần XXIII Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Thiên Chúa đã cứu chuộc và đã nhận chúng ta làm nghĩa tử, nghĩa là, Người đã làm cho chúng ta được tự do và được hưởng gia nghiệp của Người. Điều kiện để được hưởng ơn cứu độ của Người là tin vào Đức Kitô, Con Một của Người.

Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Người, và sai chúng ta đi công bố lời hòa giải đó, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay. Công bố lời hòa giải thật không dễ dàng chút nào, nó đòi buộc chúng ta phải có một đức tin vững mạnh, dám đương đầu với những thử thách cam go. Lời hòa giải thật khó công bố, nhưng, chúng ta cũng phải thực hiện và với ước mong, như vịnh gia, trong Thánh Vịnh 94 của bài Đáp Ca hôm nay: Ước gì hôm nay, các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Giêrêmia đã công bố cho vua Xítkigiahu biết: Phải chịu thảm bại trước, rồi mới được cứu thoát sau. Chính vì không tin lời công bố này, mà Xítkigiahu đã chết trong lúc bị lưu đày. Thật vậy, chính trong những cơn gian nan, khốn quẫn, những lúc lo âu, những lúc chịu đòn vọt, tù tội, chúng ta mới cho thấy niềm tin của chúng ta đặt nơi Chúa, bởi vì, tất cả những ai muốn làm đẹp lòng Chúa, đều phải trải qua nhiều nỗi gian truân, mà vẫn một mực trung thành với Người. Điều này Chúa cũng cảnh báo cho ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc một của Thánh Lễ: nếu ông sợ không dám lên tiếng cảnh báo đứa gian ác, thì nợ máu của nó, Chúa sẽ đòi ông. Lên tiếng nói lời cảnh báo những kẻ bất lương, sẽ có nguy cơ rước họa vào thân, như trong trường hợp của ông Gioan Tẩy Giả, chỉ những ai chấp nhận trả giá cho niềm tin của mình vào Chúa, mới dám thực hiện điều Chúa truyền dạy.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói về đức khôn ngoan Kitô giáo qua việc diễn giải các mối phúc, điều mà thế gian sẽ cho là ngu dại và điên rồ. Tuy nhiên, điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, thì Chúa lại thi thố trước mặt phàm nhân, cho những ai đặt niềm tin tưởng và tìm nương náu nơi Người.

Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cho thấy: cái giá phải trả cho đức tin vào Đức Kitô là thực thi giới luật yêu thương, yêu thương thì không làm hại người đồng loại, thấy điều có hại cho tha nhân thì phải giúp họ tránh, đó là yêu thương, yêu thương là chu toàn Lề Luật.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mời gọi chúng ta phải lên tiếng khi chứng kiến những người xung quanh chúng ta phạm tội, và Người cũng đã dạy cho chúng ta thực hiện công việc này theo từng bước một. Cuối cùng, nếu không được, thì hãy xem đương sự như là người tội lỗi, người thu thuế. Tuy nhiên, đây không phải giới hạn cuối cùng, vô phương cứu chữa, chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu đã đối xử thế nào với những người tội lỗi, và những thu thuế mà rút ra bài học. Nếu chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Chúa, thì không có gì là không thể, bởi vì, ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ, và rồi, xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, cũng sẽ ban cho.

Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với Người, và sai chúng ta đi công bố lời hòa giải đó. Động lực đầu tiên thúc đẩy chúng ta thực hiện lệnh truyền này chính là tình yêu của Ðức Giêsu, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta. Chính tình yêu cứu độ này đã thúc bách chúng ta yêu Người mỗi ngày một hơn. Thử hỏi có tình yêu nào: mà người được yêu, lại không cảm thấy: có nhu cầu, cần phải nói cho người khác biết về người mình yêu. Muốn hưởng ơn cứu độ, chúng ta phải tin vào Đức Kitô. Đức tin thì cần phải được tinh luyện qua những thử thách, khi đối mặt với những khó khăn, có người sẽ bỏ cuộc, ngã lòng, bổn phận của những người vững mạnh là tiếp sức, sửa dạy để những ai đang lầm lạc biết quay về nẻo chính đường ngay, khi làm như thế, chúng ta phải chấp nhận trả giá như các ngôn sứ, như chính Đức Giêsu, Đấng đến để cứu chữa những gì đã hư mất và đã chấp nhận thí mạng để làm trung gian hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây