TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chước cám dỗ

Thứ hai - 19/02/2024 22:19 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   395
“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13).
Chước cám dỗ
 
tbd 200224a

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Đây là một trong những lời cầu của Kinh Lạy Cha mà chúng ta vốn thuộc nằm lòng và cũng thường xuyên đọc hằng ngày. Thiên Chúa không muốn và cũng không nỡ để bất cứ ai phải sa chước cám dỗ. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên, kết hiệp với Thiên Chúa để yêu mến Người, nhận biết thánh ý Người mà thực thi. Có đó không ít người hễ cầu nguyện là chỉ biết cầu xin và thậm chí còn như muốn bắt Chúa làm theo ý của mình. Thiên Chúa đã biết rõ những gì chúng ta cần ngay trước khi chúng ta cầu xin. Đấng Cứu Thế dạy chúng ta cầu nguyện: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là để chúng ta biết rằng Thánh ý Cha trên trời muốn chúng ta phải cẩn trọng với các chước mưu cám dỗ của ma quỷ cũng như của những người xấu và những thế lực đen tối.

Biết cẩn trọng để rồi biết đề phòng các chước cám dỗ bằng cách xa lánh và tìm cách chiến đấu, chống trả cách hữu hiệu khi phải đương đầu với chúng. Để thực hiện mục đích này thì tiên vàn cần nắm rõ chiến thuật, chiến lược của ma quỷ và các thế lực xấu. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải biết một cách nào đó các lãnh vực xung yếu mà ma quỷ thích tấn công, cám dỗ chúng ta. Sự thường, môn đệ thì không hơn thầy. Cách thế và những lãnh vực ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu thì nó cũng dùng để tấn công chúng ta. Vậy không gì hơn, chúng ta hãy xem xét những chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu trong thời gian chay tịnh ở hoang mạc cũng như trước giờ tử nạn để nhận rõ chước mưu cám dỗ của ma quỷ.

Chiến lược: Nói đến chiến lược thì hầu như chúng ta nghĩ ngay đến sự trường kỳ, lâu dài. Thánh sử Luca cho ta thấy sự thật này: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Đức Giêsu, ma quỷ bỏ đi và chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Trong ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã không ít lần bị ma quỷ cám dỗ. Nó không chỉ cám dỗ Người khi Người chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc mà còn cám dỗ Người nhiều lần và nhiều cách thế khác nhau. Sau khi Người hóa bánh ra nhiều thì ma quỷ dùng quần chúng để cám dỗ Người làm vua (x.Ga 6,1-15). Nó cũng dùng cả người môn đệ thân tín của Người là Phêrô để cám dỗ Người đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn (x.Mt 16,21-23). Ngay phút giây Người hấp hối trên thập giá thì ma quỷ vẫn không buông tha (x.Mc 15,29-39).

Chiến thuật: Qua câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang mạc, chúng ta nhận ra một trong những chiến thuật tinh ranh của ma quỷ là đánh ngay vào chính khả năng của người mà nó cám dỗ. Một kiểu đánh quả là độc chiêu. Không ai lại không ít nhiều tự hào về khả năng của mình. Khi hướng được khả năng của ai đó đi theo chiều của mình, theo cung cách của mình thì chúng ta hầu chắc nắm phần thắng trong tay. Ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu sử dụng khả năng, uy quyền của Người theo cách thế nó bày vẽ ra và dĩ nhiên là trái với thánh ý Chúa Cha. Cái tinh xảo của ma quỷ ở chỗ nó không minh nhiên làm đổi hẳn mục tiêu mà Chúa Giêsu nhắm đến. Nó chỉ làm lệch đi một chút hoặc xúi giục Chúa Giêsu đạt đến mục tiêu theo cách thức không đẹp lòng Chúa Cha mà thôi. Chiến thuật xảo quyệt của ma quỷ lộ diện cách rõ nét qua các chước cám dỗ trong hoang mạc và những giờ trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Chiến thuật này có thể xem là chiến thuật mang tính tổng lực và toàn diện.

Ngạn ngữ “biết người - biết ta, trăm trận trăm thắng” có thể nói là một quy luật mang tính phổ biến trong các cuộc chiến. Chúng ta biết về ma quỷ thì chẳng bao nhiêu, nhưng chắc chắn ma quỷ biết chúng ta nhiều và rõ hơn chúng ta biết về nó. Ma quỷ thừa biết khả năng cũng như quyền hạn của các mục tử trong giáo hội. Một điều chắc chắn đó là nó sẽ không hề bỏ lỡ một cơ hội dù nhỏ để cám dỗ chúng ta hành quyền cách lệch lạc. Dĩ nhiên nó sẽ không dại gì cám dỗ chúng ta hành quyền kiểu đi ngược đường lối của Thiên Chúa cách tức khắc, một lần, nhưng chỉ lệch một tí thôi. Từng lần, mỗi lần lệch một chút, lệch vài độ nhỏ, thì rồi sẽ đến lúc lệch 180 độ.

Trong vai vị lãnh đạo mà hành xử quyền bính cách độc đoán, độc tài, thì sẽ làm cho đoàn chiên phân đàn, chia cánh, cắn xé lẫn nhau. Sự nguy hại này thường tồn tại lâu dài và cũng rất khó khắc phục ngày một ngày hai. Lịch sử Giáo hội cho chúng ta bài học đau thương này: để gây chia rẽ, để làm đổ vỡ thì rất dễ. Trái lại để hàn gắn các đổ vỡ, xây dựng lại sự hiệp nhất thì quả là vô vàn khó khăn và đòi hỏi thời gian rất lâu dài. Lẽ thường từ chỗ độc đoán, độc tài ắt sẽ dẫn đến sự độc ác, dù nhiều khi không có chủ ý xấu nhưng hậu quả thì khó lường. Người ta thường dễ lượng thứ cho sự yếu đuối và cả sự mê muội, nhưng sự độc ác thì rất khó mà tha thứ hay bỏ qua. Tin Mừng cho thấy, ba năm theo Thầy, các tông đồ thường xuyên bị cám dỗ về quyền bính.

Căn cứ vào những lời Chúa Giêsu dùng để chống trả chước cám dỗ, đặc biệt các chước cám dỗ thưở đầu đời công khai rao giảng của Người và phút giây hấp hối trong vườn dầu cũng như trên núi sọ, chúng ta có thể thấy được các lãnh vực mà ma quỷ tấn công Người.

Chước cám dỗ về lòng mến: Một trong những sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô khi đến thế gian đó là mạc khải cách hoàn hảo chân dung Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng thương xót cho nhân loại. Chân dung của Đấng Toàn Năng chí ái được biểu lộ qua chính con người, cuộc đời, những lời giảng dạy, việc làm của Người, Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành luôn hết tình vì đàn chiên và từng con chiên đến độ sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Ma quỷ đâu có cám dỗ Chúa Giêsu không yêu thương con người, nhưng nó cám dỗ Người yêu thương cách “phiếm diện”. Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hóa thành bánh đi. Chúa Giêsu đã đáp lại: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,3-4).

Không riêng gì Kitô hữu, bà con lương dân, anh chị em khác đạo, kể cả người vô thần đều công nhận rằng người ta không chỉ sống bằng cơm bánh. Ngoài chuyện cơm áo gạo tiền thì con người cũng cần đến nhiều điều khác như học hành, giải trí, nghệ thuật, tâm linh… Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nói ngược lại câu trích dẫn của Chúa Giêsu mà không sợ sai lầm. Người ta sống không nguyên chỉ nhờ lương thực tinh thần mà còn phải cần đến bánh, cơm, gạo, tiền... Con người là hữu thể xác hồn duy nhất hay nói như các triết gia là tinh thần nhập thể. “Không ai là một hòn đảo”. Con người không hiện hữu đơn độc mà còn có tính xã hội. Để sống, tồn tại và phát triển thì con người luôn cần đến nhau, cần đến các cơ chế, luật lệ… Như thế để yêu thương con người cách toàn diện thì chúng ta không chỉ nghĩ đến luơng thực vật chất hay tinh thần mà còn phải biết nghĩ đến môi trường sống, một lãnh vực nền tảng để con người tồn tại, phát triển và đạt được hạnh phúc vốn được gọi là công ích.

Ma quỷ thừa biết điều này và nó đã, đang cũng như sẽ mãi cám dỗ con người, đặc biệt cám dỗ Hiền Thê Đức Kitô sống đức ái cách phiếm diện. Chước cám dỗ xui khiến chúng ta yêu thương nhau là chỉ giúp nhau về vật chất của cải thì dễ nhận ra. Bởi chưng cái hậu quả của việc sa chước cám dỗ này thường nhãn tiền và dễ thấy. Dòng lịch sử Giáo hội ghi lại không ít hiện tượng này đó đây. Tuy nhiên, chước cám dỗ xui khiến chúng ta yêu thương nhau là chỉ lo phần hồn, lo chuyện thiêng liêng thì quả thật khó nhận diện. Ngay cả với Mẹ Giáo hội, từ thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tự do chính trị bành trướng, đã dần mất hết các quyền lực trần thế thì đã tự co cụm lại trong pháo đài của mình. Chính trong hoàn cảnh này thì chước cám dỗ ma quỷ giăng ra lại hướng mục tiêu vào ngay bản thân Giáo hội. Bị hạn chế về các hoạt động trần thế thì chúng ta quay về với chuyện thiêng liêng. Vì thế Giáo hội đã quá nghiêng chiều về việc chỉ lo cứu rỗi các linh hồn. Chỉ lo cứu các linh hồn hay chỉ lo chuyện thiêng liêng thì cũng là một cách sa chước cám dỗ. Nếu chỉ thương xót linh hồn thì chưa phải là yêu thương con người đúng nghĩa.

Con người không phải là linh hồn. Hơn nữa khi chủ trương rằng chỉ lo chuyện linh hồn thì vô tình chúng ta rơi vào quan niệm nhị nguyên, chưa kể đến chuyện đánh lận con đen, tranh tối tranh sáng, khó bề kiểm chứng. Cũng có khi vì cái cớ lo chuyện linh hồn mà chúng ta đã thoái thác nhiều nghĩa vụ yêu thương phải thực thi theo giới luật mới mà Thầy Chí Thánh truyền dạy. Xin đừng quên Chúa Giêsu đã từng cụ thể hóa luật yêu thương bằng câu chuyện người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,29-37). Đọc Tin Mừng chúng ta thấy rõ điều này: Chúa Giêsu trong ba năm rao giảng, công việc chính của Người là giảng dạy, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ. Và khi sai các môn sinh đi thực tập truyền giáo, Người cũng truyền cho các vị thực thi những điều ấy: rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ.

Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, con người cũng không chỉ sống bằng nguồn dinh dưỡng tinh thần, nhưng con người còn sống nhờ tha nhân, xã hội, các thể chế chính trị, các đường lối phát triển kinh tế, xã hội… Đã yêu con người thì cần phải quan tâm đến con người cách toàn diện. Thời gian gần đây, Giáo hội đã có nhiều nỗ lực thể hiện sự quan tâm của mình trong các lãnh vực được gọi là trần thế như: lao động, công bình, công ích…, đặc biệt từ sau Công Đồng Vatican II, với các hoạt động của thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Tuy nhiên chước cám dỗ vẫn còn đó với nhiều Giáo hội địa phương khi mà dường như chuyện trần thế còn được xem như là không phải công việc của mình. Quả thật, không thể nói mình yêu thương nhau khi chúng ta còn hững hờ hay bỏ qua một khía cạnh căn bản nào đó trong đời sống của nhau. Những vấn đề về xã hội đã được Giáo hội lên tiếng hướng dẫn. Nhưng thử hỏi có được bao nhiêu vị trong hàng linh mục, tu sĩ đã đọc Thông điệp Rerum Novarum của Đức Lêô XIII. Gần đây Bộ Công Lý và Hòa Bình đã tổng hợp giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội trong quyển “Compendium of the social doctrine of the Church” xuất bản năm 2004 thì đã được bao nhiêu người nắm được nội dung. Giới linh mục và tu sĩ còn vậy, thế thì anh chị em tín hữu giáo dân sẽ ra sao đây?

Chước cám dỗ về Đức Cậy: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7; Lc 4,12). Khi nghe Chúa Giêsu dùng câu trích Lời Chúa trên đây để chống lại ma quỷ thì chúng ta dễ nhận ra trọng tâm của chước cám dỗ là hướng vào Đức trông cậy. Giáo lý Công giáo dạy rằng có hai tội phạm đến Đức trông cậy: một là tuyệt vọng, thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa và hai là chỉ dựa vào sức mình hoặc quá ỷ lại vào tình thương của Chúa. (x.GLCG chung số 2090-2091).

Bị cám dỗ tuyệt vọng hay thiếu tin tưởng vào tình thương của Chúa thì vẫn có đó, nhưng xét cho cùng chước cám dỗ này tương đối dễ nhận ra. Chẳng biết ma quỷ có thành công nhiều trong chước mưu cám dỗ này đến đâu, tuy nhiên chúng ta thấy trong đoàn con cái Chúa, số người tuyệt vọng không mấy nhiều, nếu xét hình thức bên ngoài. Giả như có ai đó có biểu hiện tuyệt vọng thì bà con đồng đạo sớm nhận ra ngay và dĩ nhiên sẽ động viên giúp đỡ nhau cách này cách khác. Người rơi vào tình trạng này rất dễ nhận được sự cảm thông và lòng thương xót của tha nhân. Chẳng hạn với các trường hợp tự vẫn thì ngày nay người ta đã có thái độ khoan dung hơn nhiều, vì nhờ biết cảm thông hơn.

Sa vào chước cám dỗ chỉ dựa vào sức riêng mình thì tai hại khôn lường. Không riêng người Kitô hữu mà bà con lương dân, anh chị em khác đạo cũng dễ dàng thấy được cái nguy cơ của những người chỉ dựa vào sức mình. Không chỉ bất cần đến sự che chở, phù trì của trời cao, những người chỉ dựa vào sức riêng mình cũng bất cần cả sự giúp đỡ của tha nhân. Những người này thường hứng nhận hậu quả hay quả báo nhãn tiền ngay ở đời này. Chính vì thế chúng ta không quá khó nhận ra chước mưu cám dỗ của quỷ ma.
Trái lại, chước cám dỗ xui khiến chúng ta quả ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa thì thật tinh tế và xảo quyệt. Chước cám dỗ này thường xuất hiện dưới nhiều hình thức bên ngoài với dáng vẻ đạo đức, thành kính, kể cả “cậy trông”! Khi rơi vào chước cám dỗ này, đương sự khó nhận biết và tha nhân cũng khó phát hiện. Ai lại không cảm phục người tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa? Thế nhưng chính khi rơi vào chước cám dỗ này, một cách nào đó chúng ta đã thử thách Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Bắt Thiên Chúa phải làm thay, giao khoán tất cả cho Thiên Chúa bằng việc phủi tay, thoái thác trách nhiệm hoặc bằng cách chỉ biết cầu nguyện, cầu xin mà thôi thì vô tình hay hữu ý chúng ta đã để mình chiều theo chước cám dỗ lỗi đức trông cậy. Có thể xác quyết rằng những người đạo đức theo “truyền thống”, những người vị trọng, chức cao trong Giáo hội rất dễ rơi vào tình trạng này. Và cái nguy hiểm lớn nhất đó là những người đang ở trong chước cám dỗ này lại chẳng biết, chẳng hay. Và rồi người ta có cớ để ẩn mình trong thái độ thụ động, thiếu dấn thân, không dám quên mình, đặc biệt khi công lý đòi hỏi phải được bảo vệ.

Người biết sống Đức Cậy không phải là chỉ biết chuyên chăm cầu nguyện, cầu xin, nhưng còn phải biết tận dụng những hồng ân Chúa ban là các khả năng trí khôn, sức khỏe, thời giờ, tiền bạc… để làm cho Danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa trị đến, Ý Chúa được thể hiện… Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ đó là Chúa Giêsu chuyên chăm cầu nguyện, tìm kiếm Thánh Ý Chúa Cha để rồi tích cực thực thi. Điểm đến của việc cầu nguyện là để kết hiệp với Chúa, yêu mến Chúa, nhận biết Thánh ý mà thực thi, dĩ nhiên là trong niềm tin vào tình yêu và ân sủng của Người.

Xin được nhắc lại rằng thái độ chỉ biết cầu nguyện trong sự thụ động khoanh tay cứ để cho mình hoặc mặc cho tha nhân ở lâu trong “tình trạng cheo leo” (khốn khổ, bất công, bị tước đoạt nhân vị cùng với những quyền lợi chính đáng…) rồi ngồi chờ hoặc cách nào đó “bắt” Thiên Chúa phải ra tay can thiệp, chính là một sự nghiêng chiều theo chước cám dỗ lỗi đức Trông Cậy.

Chước cám dỗ về Đức Thờ Phượng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người thôi” (Mt 4,10; Lc 4,8). Mẹ Giáo hội dạy chúng ta: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Người là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc, là Chúa và là Thầy của mọi loài, là Tình Yêu vô biên và giàu lòng thương xót… Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối thần phục Người vì nhận biết “tính hư không của thụ tạo”, biết sự hiện hữu của chúng ta, hạnh phúc vĩnh hằng của chúng ta hoàn toàn nằm trong tay Người… Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, giải thoát con người khỏi thái độ khép kín, khỏi nô lệ tội lỗi và sự sùng bái thế giới ngẫu tượng.” (x.GLCG chung số 2096-2097).

Sùng bái các loài thụ tạo, suy tôn các thế lực thụ tạo chính là hành vi lỗi phạm đến đức thờ phượng. Một trong những chước cám dỗ ma quỷ xúi giục Chúa Giêsu năm xưa cũng như xúi giục Hiền Thê của Người qua mọi thời là tin vào quyền năng của các thế lực thụ tạo. Lịch sử Giáo hội một cách nào đó cho chúng ta thấy ảnh hưởng của chước cám dỗ. Từ năm 313 với sắc chỉ Milan, Giáo hội dường như thấy được sự hữu hiệu của thế lực trần thế nên đã có phần cậy dựa vào nó. Không chỉ cậy dựa mà có khi Giáo hội còn lợi dụng thế quyền cho việc đạo và có khi chính mình hành xử như một thế lực trần tục. Với sự trở lại của Vua Clovis năm 498 khiến cho toàn dân nước Pháp bấy giờ cùng theo đạo thì chước cám dỗ như tăng phần mãnh lực.

Để có hiệu năng, có thành quả lớn trong việc thiêng thánh thì người ta cũng dễ bị cám dỗ thỏa hiệp cách nào đó với các thế lực thụ tạo, và chúng ta đã “sùng bái” thụ tạo cách vô tình mà chẳng hay. Những cuộc thánh chiến, những lần theo đoàn viễn chinh để đi truyền giáo phải chăng không cho thấy sự cậy dựa của chúng ta vào các mãnh lực trần thế này khiến cho Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần thành khẩn xin lỗi công khai? Nói rằng chúng ta đã suy tôn chúng thì quả là hàm hồ nhưng xem chúng là một trong những động lực chính của sự thành công thì dường như không sai. Chuyện “xì căng đan” của hàng giáo sĩ Hội Thánh Ba Lan trong thời cộng sản đã từng là chuyện thời sự và cũng là bằng chứng về sự hiện hữu của chước cám dỗ tinh vi và độc hại này. Hy vọng rằng bài học đau thương này không tái diễn nơi các giáo hội địa phương khác.

Đến khi không nắm được các thế lực trần gian thì chúng ta lại rơi vào việc tự thần thánh hóa chính mình. Giáo hội là một xã hội hoàn hảo (Societas Perfecta). Cái khái niệm được xem là “tự huyễn hoặc” này đã từng kéo dài cho đến Công Đồng Vatican II. Mình không thể sai lầm, chỉ có mình mới nắm giữ trọn vẹn chân lý cũng là một trong những cách thế đặt mình thành ngẫu tượng. Chước cám dỗ ấy còn len lỏi vào trong cung cách sống đạo. Nhiều anh em luơng dân hay bà con khác đạo nghĩ rằng “cứ nói nhiều là sẽ được nhận lời” (Mt 6,7). Nghĩa là khi đã thực hiện đủ một số công thức, kinh kệ nào đó thì thần minh phải thực hiện điều mình muốn. Bắt Thiên Chúa tự động (automatic) thực hiện điều mình quy định hay kiểu thức mình đặt ra đúng là một cám dỗ lỗi đức thờ phượng tinh tế. Chước cám dỗ kiểu dạng ma thuật vẫn phảng phất đâu đó trong các cử hành bí tích, á bí tích. Nếu không tỉnh táo, cẩn mật đề phòng thì cả đến đấng bậc được xem là có thánh chức cũng sa vào, nhất là với cái nhìn “bí tích học” về tính tại sự (ex opere operato) một cách quá máy móc.

Điều quan trọng là xem xét thánh ý Thiên Chúa. Nếu ỷ lại vào các quy chế do chính chúng ta đặt định để cho rằng mình có quyền ban ân lộc thánh thiêng thì cũng là một cách ngẫu tượng hóa bản thân. Chuyện còn tính thời sự đó là nhiều cuộc tấn phong giám mục tại Trung Quốc dù cho là có “thành sự” (valide) nhưng không “hợp pháp” (licite), dĩ nhiên bị tuyệt thông tiền kết (GL Đ.1382). Đây là tình trạng xấu, thế nhưng chỉ sau một “hiệp ước” giữa Tòa Thánh với Chính quyền dân sự thì tình trạng ấy từ xấu trở thành “tốt ngay”! Thiết nghĩ rằng nếu “dùng đức tin mà bù lại” thì cũng có phần khiên cưỡng cách nào đó. Ngẫu tượng hóa bản thân thì vẫn còn dễ nhận biết, nhưng ngẫu tượng hóa tập thể hay cơ chế thì khó phát hiện. Tôn vinh một cơ chế nào đó, một tập thể nào đó lên hàng muôn năm, lên hàng bất diệt là sa vào chước cám dỗ thờ ngẫu tượng. Chước cám dỗ xưa đã khuất phục tổ tiên chúng ta nay như mãi đeo đẳng con cái loài người, kể cả Hiền Thê Đức Kitô.

Có thể nói Đức thờ phượng là hiện thực hóa Đức Tin. Chân lý nền tảng chúng ta tin nhận đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Tạo Thành và là Cha của hết mọi người, vì thế chúng ta phải tôn thờ, thần phục và yêu mến chỉ mình Người trên hết mọi sự, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Ngoài Người ra thì không có thần minh nào hết. Thế nhưng trong thực tế nhiều khi chúng ta lại suy tôn nhiều thực thể nhân loại lên hàng thần thánh! Kinh tin kính thời các thánh Tông đồ chỉ rõ ngay đến Giáo hội cũng chỉ là đối tượng của sự tin có chứ không phải là tin kính.

Thế nhưng hình như vẫn có đó việc vô tình hay vô tri, chúng ta vĩnh cửu hóa một phương thế Chúa Giêsu thiết lập vốn mang tình thời gian. Có nhiều đấng bậc cảm thấy bị xúc phạm khi nghe nói đến chước cám dỗ của Hiền thê Chúa Kitô, trong khi đó vẫn thấy bình thường khi nghe đề cập đến các chước cám dỗ của chính Đấng Sáng lập nên Giáo hội. Phải chăng đã có lúc, có khi chúng ta nói về Giáo hội nhiều hơn là nói về Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta đón nhận một vị trí, vai trò chủ chăn nào đó? Việc đánh lận con đen cũng là một lỗi nghịch với đức thờ phượng, với đức tin. Chống cha là chống Chúa, nói đụng đến giám mục là chống phá Giáo hội, là xúc phạm đến Thiên Chúa. Những lập luận trên đây không luôn hữu lý mà nhiều khi lỗi đức thờ phượng vì chúng ta vô tình thờ ngẫu tượng mà chẳng hay.

Cơn cám dỗ cuối cùng: Ở đây, không chủ ý nói đến cuốn tiểu thuyết “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Kitô” (The last temptation of Christ) của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantkasis. Tuy nhiên, đọc Tin Mừng chúng ta phải chân nhận rằng quãng thời gian Chúa Kitô bị cám dỗ quyết liệt nhất đó là những giờ trong vườn dầu và trên cây thập giá. Có lẽ viễn ảnh khổ giá là một thử thách to lớn đối với Chúa Giêsu. Thế nhưng trong thời gian rao giảng, Người đã thoáng hình dung khổ hình thập giá sẽ chịu. Theo thiển ý, có lẽ điều cám dỗ Chúa Giêsu nặng nề nhất đó là sự thất bại, mất cả chì lẫn cả chài, “xôi hỏng, bỏng tay”. “Êlôi, Êlôi, lamasabacthani! Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34).

Nói đến chước cám dỗ về hiệu năng. Mong nhìn thấy kết quả là chước cám dỗ phổ biến nơi nhiều người, cách riêng với những ai có chút tài và chút tâm. Dẫu biết rằng “thất bại là mẹ thành công” nhưng cũng thật khó lòng đón nhận thất bại cách thanh thản, nhất là khi vì sự thất bại ấy mà ta dường như mất tất cả, nhất là cái thanh danh của mình. Đã làm điều gì đó thì ai cũng mong sẽ thành công, sẽ đạt kết quả. Chính vì thế, ma quỷ khôn ranh cho chúng ta thoáng thấy sự uổng công, sự thua cuộc và cả sự thất bại để rồi chúng ta e ngại, dừng bước, khoanh tay.

Đứng trước tình trạng nhiễu nhương của xã hội hôm nay, tình cảnh chiến tranh loạn lạc của thế giới, nhiều hiện tượng bất ổn trong Giáo hội, đặc biệt liên quan đến hàng giáo sĩ từ cấp nhỏ đến cấp lớn, có đó không ít người có chút tâm và chút tài đã ngần ngại, e dè vì thoáng thấy sự thất bại trước mắt nếu can đảm lội dòng nước ngược. Một con chim én khó có thể và như không thể làm nên mùa xuân. Và số phận của nó chắc gì còn cánh, còn lông! Không chừng còn bị chê bai là thiếu khôn ngoan, là nóng vội, là bốc đồng, là hiếu thắng. Có khi lại bị quy chụp là phản động, là rối đạo. Và khi đã bị thua cuộc thì rất có thể bị dè bỉu rằng nếu nó làm đẹp lòng Chúa thì Chúa phải bênh đỡ nó chứ! (x.Mt 27,39-44).

Đã không thành công lại còn có thể mất thanh danh, mất chức vị, quyền hạn… thì thật là điều khó vượt qua. Dù rằng đã phải khuất phục trước Chúa Kitô, trước các thánh tử đạo… nhưng ma quỷ cũng đã nhiều lần thành công trong chước cám dỗ này với Hiền Thê của Người theo dòng lịch sử. Cơn cám dỗ cuối cùng luôn có đó với từng người chúng ta. Mùa chay thánh lại về, theo lời mời gọi của các vị cha chung của Giáo hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI, và Đức đương nhiệm, Phanxicô, chớ gì ta chuyên chăm ngắm nhìn thập giá mà học biết yêu thương trong sự can đảm chết đi để được phục sinh, can đảm đón nhận sự thất bại để cùng chiến thắng với Người.

Vai trò của người lãnh đạo trong các cuộc chiến:

Trong các cuộc chiến người ta dễ nhận ra quy luật này: “mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Đêm Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã từng nói rằng khi chủ chăn bị đánh tơi tả thì đàn chiên sẽ bị tan tác (x.Mt 26,31). Xin mạo muội đề nghị một giải pháp dành riêng cho các mục tử để chiến đấu với thần dữ trước các chước mưu cám dỗ của nó, đó là quy chiếu Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu: Mầu nhiệm Thánh Thể Chúa Kitô.

Nói đến Giao ước chúng ta có thể hiểu cách phổ thông như là một bản ký kết, một bản hợp đồng giữa hai bên tự nguyện chịu trách nhiệm một hay nhiều phận vụ nào đó và dĩ nhiên sẽ được hưởng một hay nhiều quyền lợi kèm theo. Qua bản hợp đồng thì quyết định tự do đầy tinh thần trách nhiệm được cụ thể hóa cách dứt khoát. Và rồi chính bản hợp đồng là căn cứ, là cơ sở để giải quyết những thiếu sót hay những sự tắc trách vì vô tình hay chủ tâm của bên này hay của phía kia. Các hợp đồng dân sự  giữa các pháp nhân tư hay pháp nhân công thì đều có tính giới hạn. Chúng có thể bổ sung, thay đổi hay hết hiệu lực vì nhiều lý do như hết thời hạn hoặc một phía hoàn toàn không có khả năng thực hiện hoặc mất tư cách pháp nhân…

Chúa Kitô đã mình nhiên thiết lập Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu bằng chính thịt máu của Người. Đây là một “hợp đồng” có giá trị cho đến khi trời mới đất mới xuất hiện. Giao ước này chính là cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa Kitô trên thần dữ. Một hành vi được viên đầy giá trị ngay chính khi được quyết định cách dứt khoát. Giáo hội tin rằng khi lập Bí tích Thánh Thể trong đêm Tiệc Ly là lúc Chúa Kitô quyết định cách dứt khoát vâng phục thánh Ý Chúa Cha, thể hiện một tình yêu đến cùng là hiến dâng mạng sống vì nhân loại mà hy tế thập giá là điểm đến hay là sự biểu hiện. Chính vì thế mà mỗi lần Bí tích Thánh Thể được cử hành thì Giáo hội nhìn nhận là Hy tế thập giá Chúa Kitô được hiện tại hóa. Chính yếu tố “hiện tại hóa” Hy tế cứu độ của Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta đủ sức trường kỳ chiến đấu với thần dữ mưu ma.

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Giáo hội căn cứ những lời trên đây để xác quyết việc Chúa Kitô lập bí tích truyền chức thánh. Không dám mạn bàn về thần học bí tích, tuy nhiên khi nhìn vào nội hàm của lời truyền Đấng Cứu Độ đêm Tiệc Ly thì chỉ có hàng giám mục và linh mục là những người có năng cách thực thi những điều được truyền là cử hành nhiệm tích Thánh Thể mà không có hàng phó tế, dù cũng là thuộc bí tích truyền chức thánh. Xin được bỏ qua vấn đề này để tập chú vào mối liên hệ hữu cơ giữa hàng tư tế thừa tác với Giao ước mới, Giao ước vĩnh cữu. Sự hiện hữu của hàng tư tế thừa tác theo ý Đấng Cứu thế, là để cho Giao ước mới hiện diện và phát huy hiệu quả theo dòng thời gian. Chính các thừa tác viên Thánh Thể là những người thể hiện Giao ước này. Hội Thánh khẳng định chân lý này khi tuyên bố rằng lúc giám mục hay linh mục đọc lời truyền phép là đọc trong tư cách Chúa Kitô (in personna Christi) (Không đọc: “Này là Mình Chúa Kitô” mà đọc “Này là Mình Thầy”… Trước đây dịch: “Này là Mình Ta”).

Nếu lỡ vì lý do nào đó mà các tư tế thừa tác sa chước cám dỗ thì thiển nghĩ rằng không gì hơn hãy trở về với “bản hợp đồng vĩnh cửu” để quy chiếu hầu chỉnh sửa những sai lầm. Chính khi biết hiến dâng trọn xác thân của mình trong tình liên đới với nhân loại tội lỗi (Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em), thì chúng ta đang thể hiện tình yêu mến Thiên Chúa qua sự vâng phục Thánh ý Người là chọn lấy phương thế tuyệt hảo để bày tỏ tình yêu của Người cho nhân loại. Ai yêu mến Chúa thì thực thi lời người chỉ dạy. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Nội hàm của “việc này” là noi gương Thầy Chí Thánh nhiệt thành giảng dạy chân lý, gắng công vuông tròn phận vụ người mục tử, và hơn nữa, người tư tế thừa tác cần biết can đảm dùng chính máu thịt của mình để cho tha nhân đón nhận sự sống và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Sống bí tích Thánh Thể là một cách thế biểu lộ lòng mến và sự cậy trông tuyệt hảo.

Mọi sự lành đều bởi Chúa mà ra. Ơn cứu độ là quà tặng hoàn toàn nhưng không. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). “Con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Giao ước mới minh định rằng những gì chúng ta đang có, đang là, đều do bởi lãnh nhận. Việc Chúa Kitô hiến dâng toàn thân cho Chúa Cha nhắc nhớ cho chúng ta chân lý nền tảng của đức tin để rồi biết cách thế thờ phượng Thiên Chúa cho xứng, cho phải đạo. Mọi sự đều là của Thiên Chúa và phải dâng về cho Thiên Chúa. Giáo hội khẳng định chân lý này khi dạy chúng ta rằng Thánh Lễ là trung tâm của đời sống Kitô hữu và là đỉnh cao của hành vi thờ phuợng.

Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ: một lời cầu xin mãi luôn mang tính hiện sinh và cảnh tỉnh chúng ta, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Cầu xin là để nhận biết chước cám dỗ để mà xa lánh hay đề phòng, nhất là để biết cách thế chống trả hữu hiệu. Thánh Tông đồ cả Phêrô cảnh giác chúng ta rằng ma quỷ như sử tử gầm gừ rảo quanh chúng ta rình chờ cắn xé (x.1P 5,8). Vấn đề đặt ra đó là rất nhiều khi chính chúng ta không nhận ra tình trạng sa chước cám dỗ của mình. Là Kitô hữu, đặc biệt là những tư tế thừa tác, không gì hơn hãy luôn bám sát “bản hợp đồng” là Giao Ước mới, Giao Ước vĩnh cửu để chấn chỉnh, sửa sai và để biết cách thế chống trả chước mưu cám dỗ của thần dữ. Tin rằng một tư tế thừa tác thường xuyên ý thức và sống nội hàm những gì mình cử hành trong hy tế Thánh Thể hằng ngày thì chắc chắn sẽ khó lạc đường, sa chước cám dỗ mà nếu có thì cũng nhanh chóng chỗi dậy và trở về.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây