TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cùng thuộc về một gia đình Dân Chúa

Thứ sáu - 19/04/2024 21:23 | Tác giả bài viết: Lm. PX. Nguyễn Hai Tính, S.J. |   305
Trong khi Giáo hội đang trong tiến trình hiệp hành, tìm hiểu, xem xét và suy gẫm về mối tương quan dòng-triều là cơ hội tốt cho chúng ta, giáo sĩ cũng như tu sĩ, hoà mình vào trong tiến trình hiệp hành chung của toàn Giáo hội.
Cùng thuộc về một gia đình Dân Chúa

CÙNG THUỘC VỀ MỘT GIA ĐÌNH DÂN CHÚA – ƠN GỌI THÁNH HIẾN HIỆP HÀNH VỚI PHẨM TRẬT GIÁO HỘI
 

 

WHĐ (19.04.2024) – Tuy đời sống thánh hiến, theo nghĩa là lối sống tuân theo các lời khuyên Phúc Âm, đã có ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo, nhiều giáo dân Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ thế nào là “dòng” hay “triều”, tại sao trong “đời tu trì” của Giáo hội lại có sự khác biệt dòng-triều,[1] v.v… Điều này đôi khi dẫn đến hệ luận xem đời sống thánh hiến là ngoại lai, không chính thức thuộc về cơ cấu tổ chức của Giáo hội địa phương, hoặc như là hình thức tu trì “bậc hai”, thứ cấp so với “tu triều”.

Bài viết ngắn gọn này mong muốn giải đáp vấn nạn trên, bằng cách trình bày và diễn giải một số điểm của huấn quyền Giáo hội về mối tương quan giữa các dòng tu và giáo phận, được cụ thể hoá qua mối tương quan giữa các tu sĩ và bề trên dòng tu với Đức giám mục, các linh mục triều và toàn giáo phận. Bài viết sẽ bắt đầu với nền tảng thần học, nhấn mạnh tính duy nhất của Giáo hội, rằng các ơn gọi thánh hiến tuy đa dạng và có nét đặc thù riêng, vẫn là một phần thiết yếu, thuộc về Giáo hội địa phương và hoàn vũ. Tuy có nhiều hình thức tông đồ khác nhau, họ cũng có chung một sứ mạng với toàn Giáo hội là rao giảng Tin Mừng. Từ đó, bài viết sẽ rút ra các hệ luận cụ thể về cách hành xử hiệp hành giữa dòng và triều, đặc biệt trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam. Hai tài liệu huấn quyền được sử dụng là sắc lệnh Christus Dominus (CD) do Đức giáo hoàng (ĐGH) Phaolô VI ban hành ngày 28.10.1965 và hướng dẫn Mutuae Relationes (MR) do Bộ giám mục kết hợp với Bộ dòng tu & tu hội đời ban hành ngày 14.05.1978.

1. Giáo hội là một Nhiệm Thể, duy nhất và đa dạng

Sự hiện hữu và tính đa dạng của đời sống thánh hiến có nền tảng nơi chính bản chất của Giáo hội như là Nhiệm Thể Đức Kitô (x. Rm 12,5; 1Cr 12,13) và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,19-22). Là Nhiệm Thể Đức Kitô, Giáo hội là một thực thể duy nhất, nhưng đương nhiên bao gồm nhiều chi thể đa dạng. Như vậy, giống như nơi một thân thể bình thường, không chỉ tính duy nhất, mà tính đa dạng cũng thuộc về bản chất của Giáo hội. Tương tự, được làm cho sống động bởi Chúa Thánh Thần, Giáo hội cũng được Ngài gợi hứng và thúc đẩy để sản sinh nhiều ơn gọi đa dạng khác nhau, trong đó có ơn gọi đời sống thánh hiến (x. MR 2).

Vì thế, đời sống thánh hiến và các hình thức đa dạng của nó trong lịch sử, không phải là các sáng kiến của con người, hay chỉ đơn thuần là các thích ứng của Giáo hội cho phù hợp với hoàn cảnh và đòi hỏi của các thời đại, nhưng thuộc về bản chất của Giáo hội, do chính Thiên Chúa mời gọi nơi Đức Kitô và qua sự gợi hứng của Chúa Thánh Thần. Với bản chất là sống theo các lời khuyên Phúc Âm (nghèo khó, vâng phục, khiết tịnh), đề cao cầu nguyện và làm việc tông đồ, đặt mọi sự làm của chung và sống tình bác ái, v.v… đời sống thánh hiến nằm ở trung tâm của Giáo hội, như là biểu hiện và dấu chỉ của sự thánh thiện của toàn Giáo hội, được thể hiện trong đời sống thường ngày, giữa lòng thế giới. Tài liệu MR cho rằng các tu sĩ là giới trung gian giữa giáo sĩ và giáo dân, ơn gọi của họ phát xuất từ cả hai giới đó và họ đóng vai trò như một ân huệ đặc biệt mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội; việc tận hiến mình cho Thiên Chúa qua các lời khấn hứa, trong tình yêu và sự phục vụ làm cho họ thuộc về mầu nhiệm Giáo hội một cách đặc biệt (x. MR 10). Vì là một nét thuộc bản chất Giáo hội và là sáng kiến đến từ Thiên Chúa, nên đời sống thánh hiến cần được “ôm ấp”, cổ võ và chăm sóc trong lòng Giáo hội, chứ không chỉ được “tạm chấp nhận” hay “cho phép” tồn tại trong Giáo hội và càng không thể bị “xua trừ” hay “cấm cản”.

Mối tương quan giữa đời sống thánh hiến và phẩm trật của Giáo hội được tài liệu Mutuae Relationes (số 3) ví như là mối tương quan giữa hai chiều kích vô hình và hữu hình của bí tích.[2] Quả thế, nếu Giáo hội là Bí tích (của Đức Kitô), thì chiều kích hữu hình tương ứng với phẩm trật của Giáo hội, chiều kích vô hình được thể hiện nơi đời sống thánh hiến, với những đặc sủng đại diện cho đời sống thiêng liêng của toàn Giáo hội. Nếu chỉ có chiều kích hữu hình hoặc vô hình, thì một thực tại không còn là bí tích nữa; tương tự, có thể nói Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội nữa nếu chỉ có phẩm trật mà không có đời sống thánh hiến, và ngược lại. Như hai chiều kích hữu hình và vô hình đều thiết yếu và thuộc về cùng một thực thể bí tích, phẩm trật và đời sống thánh hiến đều thiết yếu, không thể bị triệt tiêu và cùng nhau làm nên một thực tại duy nhất là Giáo hội.

Tài liệu MR (số 5-6) còn có một cách nữa để nói lên tính hiệp nhất và sự phân biệt giữa đời sống thánh hiến và phẩm trật, đó là mối tương quan giữa Đức Kitô và Chúa Thánh Thần. Đức Kitô là Đầu của Nhiệm Thể Ngài là Giáo hội, còn Chúa Thánh Thần đóng vai trò như là Linh Hồn của Nhiệm Thể ấy (x. LG 7). Để thân thể có thể tồn tại, cả đầu (yếu tố hữu hình) lẫn linh hồn (yếu tố vô hình) đều thiết yếu; tuy đó là hai thực tại khác nhau, nhưng cùng làm nên một thực tại sống động là thân thể. Cũng thế, Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, tuy là hai Vị khác nhau, nhưng cùng đóng vai trò thiết yếu, làm cho Giáo hội tồn tại cách sống động như là Nhiệm Thể Đức Kitô, chứ không chỉ là tập hợp những con người mà thôi. Mà, Đức Kitô được thể hiện rõ nét nơi phẩm trật Giáo hội, nơi những người đại diện và hoạt động nhân danh Ngài; còn Chúa Thánh Thần trao ban những ân sủng phong phú vô biên của Ngài nơi các đặc sủng đa dạng của đời sống thánh hiến. Như thế, như Đức Kitô và Chúa Thánh Thần làm nên Nhiệm Thể thế nào, phẩm trật và đời sống thánh hiến, tuy khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau và cùng nhau làm cho Giáo hội tồn tại và sống động thế ấy.

Vì thế, tài liệu (số 34) cho rằng thật sai lầm khi coi phẩm trật và đời sống thánh hiến (gọi nôm na là triều và dòng) như hai cấu trúc hay hai thực thể độc lập hay đối kháng nhau, mà nên coi cả hai như hai chiều kích của cùng một thực tại phong phú của Giáo hội (x. LG 8). Quả thế, như thể chế và đặc sủng là hai chiều kích của Giáo hội, phẩm trật và đời sống thánh hiến không thể tồn tại mà không có nhau, và Giáo hội không thể thiếu bất cứ điều nào trong hai điều đó.

Áp dụng những điều nói trên cho Giáo hội địa phương (giáo phận), chúng ta thấy rằng các dòng tu (và hội dòng, tu hội đời, hiệp hội/tu đoàn tông đồ, v.v… từ đây trở đi, xin nói ngắn gọn là “dòng tu”) hiện diện trong giáo phận đều thuộc về và là một phần thiết yếu của giáo phận. Các linh mục triều và các tu sĩ, dưới sự dẫn dắt của giám mục giáo phận như người cha chung, cùng nhau làm nên hai chiều kích hữu hình và vô hình, thể chế và thiêng liêng của gia đình giáo phận, cùng tham gia vào đời sống giáo phận và cùng đóng góp vào sứ mạng rao giảng Tin Mừng của toàn giáo phận. Đời sống của giáo phận sẽ khập khiễng phần nào nếu chỉ có các linh mục triều mà không có tu sĩ (x. Vita Consecrata 48); ngược lại, các tu sĩ không thể tồn tại và hoạt động bên ngoài hoặc không liên quan gì đến phẩm trật của Giáo hội địa phương. Các tu sĩ, dù là dòng giáo hoàng hay dòng miễn trừ, cũng là con cái của giáo phận, vì họ thuộc về Giáo hội hoàn vũ nơi giáo phận này. Đức giám mục giáo phận không chỉ là cha, chăm sóc cho các linh mục triều, mà còn là cha của các tu sĩ (và giáo dân) nữa.

2. Chung một sứ mạng rao giảng Tin Mừng

Nền tảng thần học nói trên về sự khác biệt, tính thiết yếu và tương quan hỗ tương giữa phẩm trật và đời sống thánh hiến cũng dẫn đến tính đa dạng và hiệp nhất trong sứ mạng của cả hai trong Giáo hội. Cả hai không chỉ cùng thuộc về bản chất Giáo hội mà còn có chung một sứ mạng duy nhất là loan báo Tin Mừng.

Tài liệu MR (số 7) cho rằng ĐGM có sứ vụ gồm ba chiều kích không thể phân chia (tư tế, ngôn sứ, vương đế), tức là ngài có toàn quyền, cả toà ngoài lẫn toà trong, trong giáo phận. Sứ vụ của ngài không chỉ giới hạn vào việc quản trị bên ngoài, với những cơ cấu, luật lệ; ngài còn là thầy dạy và người hướng dẫn đời sống thiêng liêng của toàn giáo phận. Vì thế, ngài không chỉ là người cai quản đời tu theo luật (chức năng vương đế), mà còn đại diện Đức Kitô thực hành việc thánh hiến các tu sĩ (tư tế) và chăm lo dạy dỗ và huấn luyện đời sống thiêng liêng của họ nữa (ngôn sứ). Do đó, ngài phải là người quan tâm cổ võ đời sống thánh hiến, đề cao chiều kích thiêng liêng của Dân Chúa trong giáo phận, bằng cách chú trọng việc cầu nguyện, v.v... Cổ võ và đề cao việc cầu nguyện, ngài phải chăm lo đặc biệt cho đời tu chiêm niệm trong giáo phận (x. MR 23). Vì thế mà trong thực tế, nhiều giám mục đã mời các dòng chiêm niệm đến lập cộng đoàn trong giáo phận mình, không phải vì họ có thể giúp gì cho việc mục vụ trong giáo phận, nhưng vì lợi ích thiêng liêng của việc cầu nguyện, vốn là việc tông đồ cao cả nhất.

Vì có toàn quyền như thế, ĐGM phải cẩn trọng tránh rơi vào cách hành xử độc tài, nhưng luôn hành xử cách thiêng liêng, sao cho vừa là nhà lãnh đạo vừa là thành viên của Dân Chúa, vừa là cha vừa là anh em của các linh mục tu sĩ, vừa là thầy vừa là người môn đệ Đức Kitô (x. MR 9). Ngài không chỉ bận tâm với việc đào tạo ơn gọi linh mục (triều) cho giáo phận, mà còn quan tâm việc huấn luyện các tu sĩ hiện diện trong giáo phận, vừa giúp họ trung thành với đặc sủng riêng của ơn gọi họ vừa tạo điều kiện để họ hoà nhập vào đời sống và sứ mạng của toàn giáo phận. Ngài có thể gặp gỡ các bề trên dòng tu, không chỉ để huấn giáo hay nói chuyện xã giao, mà còn để bàn thảo những chủ đề về huấn luyện và sứ vụ, hỗ trợ các dòng tu trong việc tông đồ của họ (x. MR 33).

Những điều vừa nói trên cũng có thể được áp dụng ở cấp độ giáo xứ, về vai trò của cha chánh xứ với các tu sĩ và cộng đoàn của họ hiện diện trong giáo xứ, cũng vẫn với tiêu chuẩn là vừa giữ đặc sủng riêng của mỗi dòng, vừa liệu sao cho có sự điều hoà trong đời sống và sứ mạng của toàn giáo xứ và giáo phận. Tuy dòng-triều có những nét khác nhau trong đời sống và sứ vụ, các dòng cũng có những nét riêng tuỳ theo đặc sủng mình, nhưng xét cho cùng, tất cả chúng ta đều thuộc về Giáo hội, cụ thể là Giáo hội địa phương này, và cùng chia sẻ một sứ mạng duy nhất là rao giảng Tin Mừng.

Về phần các tu sĩ, tài liệu MR cho rằng các bề trên dòng tu cũng có quyền bính (để phục vụ) và tham dự vào ba chiều kích ngôn sứ, tư tế, vương đế theo một cách riêng, khác với các giáo sĩ và giáo dân. Nhưng họ phải luôn thực hiện quyền đó trong sự hài hoà với quyền bính có tính ngôn sứ, tư tế và vương đế của phẩm trật Giáo hội (x. MR 13). Vì thực ra, quyền bính của họ phát xuất từ Chúa Thánh Thần – Thần Khí của Đức Kitô – và được trao truyền qua phẩm trật thánh của Giáo hội. Trong chiều kích ngôn sứ, các bề trên thực thi quyền giáo huấn bằng cách hướng dẫn đời sống thiêng liêng của những tu sĩ dưới quyền. Họ làm điều này trong sự trung thành với đặc sủng của Đấng sáng lập dòng và trong sự hài hoà với huấn quyền của phẩm trật. Trong chiều kích tư tế, các bề trên chăm lo việc nên thánh của các tu sĩ, bằng cách quán xuyến việc huấn luyện, sao cho họ thăng tiến trong đức ái hoàn hảo. Khi làm điều đó, họ trợ giúp các giám mục trong việc thánh hoá Dân Chúa. Trong chiều kích vương đế, họ phục vụ bằng cách thiết lập trật tự cho đời sống các tu sĩ và các cộng đoàn, quan tâm điều hành các sứ vụ sao cho chúng hội nhập vào trong đời sống chung của Giáo hội, dưới sự lãnh đạo của các giám mục. Các hình thức tổ chức đời sống dòng tu có tính tự trị, nhưng không bao giờ độc lập khỏi đời sống Giáo hội. Như thế, quyền bính của bề trên dòng tu phát xuất từ quyền bính của phẩm trật Giáo hội, và luôn được thực thi như một sự trợ giúp cho quyền bính ấy.

Các dòng tu, tuy có nhiều việc tông đồ khác nhau, nhưng sự khác biệt và đa dạng này phát xuất từ bối cảnh và nhu cầu của con người thời đại, chứ không từ bản chất sứ mạng Giáo hội, vốn chỉ là một. Những khác biệt đó không nên được dùng để gây chia rẽ hay tạo lập bè phái. Các tu sĩ đóng góp cho sứ mạng chung của Giáo hội không chỉ bằng những việc bên ngoài, mà còn bằng thái độ nội tâm, cụ thể qua việc cầu nguyện, vốn cũng là một sứ vụ cao cả, mà họ là “chuyên viên”. Họ có trách nhiệm cổ võ cho cả ơn gọi giáo sĩ lẫn tu sĩ (x. MR 18). Họ cần ý thức và bận tâm về các nhu cầu của Giáo hội địa phương trong khi phải sống trung thành với đặc sủng ơn gọi mình (x. MR 30).

Tương tự, theo tài liệu Christus Dominus, vì thuộc về gia đình giáo phận, tu sĩ có bổn phận cộng tác với ĐGM để chăm lo các linh hồn (x. CD 34);). Các tu sĩ là linh mục cũng thuộc linh mục đoàn giáo phận, khi chăm sóc các linh hồn trong việc tông đồ (x. CD 34). Mọi tu sĩ luôn nhìn lên ĐGM như đấng kế vị tông đồ với lòng kính trọng, mau mắn đáp ứng những yêu cầu của ngài, sao cho phù hợp với đặc sủng và hiến pháp của hội dòng. Các hội dòng giáo hoàng cũng phục quyền ĐGM liên quan đến các quy định về phụng vụ, bí tích, giảng thuyết, giáo dục, giáo lý, v.v... Cuối cùng, tài liệu khuyến cáo nên có sự cộng tác chặt chẽ, hài hoà giữa các tu sĩ và các linh mục triều trong việc tông đồ, với thái độ siêu nhiên, hiệp nhất trong đức ái. Khi phẩm trật cần có những can thiệp liên quan đến việc tông đồ của các hội dòng, các ngài cần bàn thảo với các tu sĩ trước khi hành động (x. CD 35).

3. Một số nhận xét cụ thể, trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam

Chúng ta có thể chân thành thừa nhận rằng, ở một số địa phương ở Việt Nam vốn không có truyền thống hiện diện lâu đời của các tu sĩ, hiểu biết về ý nghĩa và vai trò của ơn gọi thánh hiến còn hạn chế, không chỉ nơi giáo dân mà cả nơi các giáo sĩ và tu sĩ. Về phía giáo dân, tình trạng này có thể gây cản trở cho việc cổ võ ơn gọi thánh hiến, khi con cái trong nhà không được khuyến khích hay gợi ý đi tu dòng. Về phía giáo sĩ, cũng có thể xảy ra trường hợp tương tự, cộng thêm những ngờ vực, do dự trong việc tạo điều kiện cho các tu sĩ hội nhập vào đời sống và sứ vụ của giáo xứ hay giáo phận, theo tinh thần hiệp thông và đồng trách nhiệm (x. Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục [THĐ] lần thứ XVI – IL 46-60). Về phía tu sĩ, cũng có thể xảy ra tình trạng không chủ động tham gia xây dựng giáo hội địa phương, mà còn “nhút nhát” hoặc “thờ ơ” trước những nhu cầu chung, tạm bằng lòng với việc chăm lo cho sự tồn tại của cộng đoàn hay hội dòng mình mà thôi.

Trong các trường hợp trên, nhiều khi cả phía giáo sĩ và tu sĩ đều có những khó khăn, bận tâm và lý lẽ riêng cho cách hành xử của mình. Nhưng để Giáo hội thực sự phát triển trong sự hiệp thông và hiệp nhất, chúng ta cần hiểu biết, thông cảm lẫn nhau và cùng nhau hành động, mới mong cải biến những hoàn cảnh tiêu cực nêu trên. Đây là công việc to lớn và lâu dài, nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ. Thiết nghĩ, chúng ta có thể kể ra một số điều cụ thể, dựa theo tinh thần hiệp thông-sứ mạng-tham gia mà Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI về Hiệp hành (THĐ) đang đề ra, vì thực chất, mối tương quan dòng-triều là một khía cạnh trong Giáo hội cũng cần mang tính hiệp hành.

Trước hết, sự hiệp hành của Giáo hội phải bắt nguồn từ mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau; sự hiệp hành giữa phẩm trật và ơn gọi thánh hiến cũng thế. Chúng ta cần ý thức nền tảng chung của mình là mối hiệp thông trong Giáo hội: trước khi là tu sĩ hay giáo sĩ, chúng ta là những Kitô hữu, được đưa vào mối Hiệp Thông là Giáo hội, nhờ bí tích Thánh Tẩy. Tất cả chúng ta là một, đều là con cái Thiên Chúa, đều là anh chị em với nhau trong Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, đều bình đẳng nhờ phẩm giá của bí tích Thánh Tẩy. Ý thức mối dây hiệp thông này sẽ giúp giải hoà nhiều mối căng thẳng, mà nếu chỉ xét từ khía cạnh trần thế, chỉ với ý thức về quyền lợi, quyền bính và trách nhiệm, có thể gây ra những xung khắc rất khó giải quyết.[3]

Tài liệu IL còn đưa ra một điển hình rất cụ thể về biểu hiện của sự hiệp thông, đó là phụng vụ. Giáo hội sống mầu nhiệm hiệp thông cách tuyệt đỉnh nơi phụng vụ, khi mà chúng ta quy tụ lại, cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, nhất là khi cử hành Thánh Lễ (x. IL 47). Điều này gợi ý rằng, trước khi có thể hiệp hành với nhau trong đời sống và sứ vụ, việc cùng nhau cử hành Thánh Lễ là tối quan trọng, vì Thánh Lễ là cội nguồn, biểu hiện và đích đến của hiệp hành. Do đó, để nuôi dưỡng sự hiệp thông giữa dòng và triều, những Thánh Lễ chung với nhau, dưới sự chủ tế của giám mục giáo phận hoặc vị đại diện ngài, thật đáng trân trọng và quý báu. Những Thánh Lễ khấn, với sự tham dự của cả dòng lẫn triều, thật là những khoảnh khắc đẹp của mối hiệp thông. Tu sĩ nam nữ cũng cần xem xét tích cực tham dự các Thánh Lễ Truyền Dầu để sống tình hiệp thông với giáo phận. Ở cấp độ giáo xứ, thật đẹp biết bao khi cha xứ giúp dâng lễ cho các cộng đoàn nữ tu, và ngược lại, khi các tu sĩ tham dự Thánh Lễ ở nhà thờ giáo xứ cùng với giáo dân. Những Thánh Lễ cầu cho ơn gọi ở giáo xứ với sự tham dự của nhiều dòng tu khác nhau, cũng có thể được tham dự bởi các cha triều. Các Thánh Lễ vào dịp Tết quy tụ các linh mục, tu sĩ, chủng sinh xuất thân từ giáo xứ, từ khắp nơi trở về, cũng là một truyền thống đẹp, nói lên sự hiệp thông dòng-triều.

Thứ đến, hiệp hành đích thực không hề chỉ là việc quy tụ co cụm lại với nhau, thưởng thức sự hiện diện của nhau, nhưng sẽ thúc đẩy chúng ta lên đường thực thi sứ mạng. Từ bản chất và gốc rễ, ơn gọi tu triều và tu dòng đều mang chiều kích sứ mạng, vì đều phát xuất từ lời mời gọi và khao khát phục vụ Chúa và anh chị em. Như vậy, mối tương quan dòng-triều sẽ được củng cố và nâng cao khi chúng ta chú ý đến chiều kích chung này của mọi ơn gọi. Nếu ai cũng tự hỏi “tôi có thể đóng góp điều gì?” (x. IL 53), và sự đóng góp của ai cũng được trân quý, thì mối tương quan hiệp hành giữa dòng và triều sẽ tốt đẹp biết bao. Có lý tưởng quá chăng, khi một cộng đoàn tu sĩ mới được thành lập trong giáo xứ, đến hỏi cha xứ “chúng con có thể đóng góp gì cho cộng đoàn giáo xứ?” thay vì chỉ quá bận rộn với những công việc riêng của cộng đoàn? Có lý tưởng quá chăng khi cha xứ niềm nở tiếp đón họ với thái độ “thật quý báu, khi có những người hiến thân vì Giáo hội và sẵn sàng phục vụ như quý vị đây”, thay vì đặt vấn đề về “phép tắc” và “quyền bính”? Các tu sĩ đã thực sự bận tâm đến những vấn đề chung của giáo phận, giáo xứ, coi đó như là những vấn đề của hội dòng mình, và ngược lại, các vị trong phẩm trật có xem những khó khăn của các dòng tu cũng là khó khăn của Giáo hội và cần sự hỗ trợ của các ngài chăng?

Cuối cùng, hiệp hành được thực hiện bằng văn hoá cổ võ sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa. Từ “văn hoá” ở đây chỉ về một sự thường hằng, ăn sâu vào não trạng mỗi người và cách tổ chức của cộng đồng. Như thế, “văn hoá tham gia” có nghĩa là tham gia không chỉ là một hoạt động hay phong trào nhất thời, nhưng ăn sâu vào tâm trí, cách hành xử của Kitô hữu và hình thái tổ chức của Giáo hội. Tài liệu IL gợi ý rằng, trong văn hoá tham gia, chúng ta không xem và dùng người khác chỉ như là công cụ cho tổ chức, nhưng sự độc đáo của từng khuôn mặt, tức là bản vị của mỗi người được tôn trọng (x. IL 56). Ngoài ra, văn hoá tham gia không chỉ dừng lại nơi tâm thức mỗi người, mà còn cần được thể hiện cách khách quan trong các cơ chế và cấu trúc tổ chức của Giáo hội (x. IL 58). Trong mô hình tổ chức mang tính tham gia, quyền bính được thực hiện như một sự phục vụ chứ không phải như quyền lực chi phối người khác (x. IL 57). Văn hoá tham gia và mô hình tổ chức mang tính tham gia cũng có thể được áp dụng cho mối tương quan dòng-triều. Chúng ta đã có những cơ chế nào tạo điều kiện cho nhau cùng tham gia vào tiến trình lên kế hoạch, quyết định và thực hiện chăng, hay vẫn còn theo cơ chế “xin-cho”? Những điều nói trên có lẽ trước hết đòi hỏi nơi chúng ta sự hoán cải, trong suy nghĩ, ước muốn cũng như hành động.

Trong khi Giáo hội đang trong tiến trình hiệp hành, tìm hiểu, xem xét và suy gẫm về mối tương quan dòng-triều là cơ hội tốt cho chúng ta, giáo sĩ cũng như tu sĩ, hoà mình vào trong tiến trình hiệp hành chung của toàn Giáo hội. Những suy gẫm đó cũng cần được thể hiện bằng hành động, dù nhỏ bé ở tầm mức cá nhân hay có tính cơ chế ở tầm mức tập thể. Như thế, hiệp hành vẫn còn là con đường ở phía trước, nơi chúng ta cùng nhau vừa đi vừa học hỏi và hoán cải luôn mãi. Nhưng có Chúa Giêsu luôn cùng đồng hành với chúng ta (x. Lc 24,13tt) và hẹn gặp chúng ta ở phía trước (x. Mt 28); Ngài chính là Đấng đã kêu gọi tất cả chúng ta, cả dòng lẫn triều, cùng nhau bước theo Ngài trong ơn gọi hy sinh dâng hiến và lên đường phục vụ con người ngày nay.

Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Hai Tính, S.J.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, 
Số 138 (Tháng 11 & 12 năm 2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây