Chúa Nhật Lễ Thánh Gia
Hãy là gia đình có Chúa
Gia đình là gì? Thưa, theo quan điểm chung của xã hội, “Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ giáo dục. Gia đình có lịch sử từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Thực tế, gia đình có những ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến xã hội. Chức năng quan trọng nhất của gia đình là sinh sản (cha kết hôn với mẹ để cùng sinh ra con cái), bởi nó tạo ra nòi giống tương lai cho dân tộc, bảo đảm cho đất nước không bị suy vong do nạn lão hóa dân số.” (nguồn: internet).
Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo qua “Sắc lệnh Tông Đồ Giáo dân số 11”, thì “Gia đình là tế bào đầu tiên, là vườn ươm hạt giống Đức Tin, là viên đá thứ nhất xây dựng nên tòa nhà Giáo Hội. Công đồng Vatican II tuyên bố: Ở mọi nơi và mọi lúc và nhất là ở những miền mà hạt giống Phúc Âm vừa được gieo vãi, hoặc ở những nơi Giáo Hội mới được thành lập, hay trong những nơi Giáo Hội đang gặp những trở ngại lớn lao, những gia đình Kitô giáo vẫn là chứng nhân quý giá nhất của Chúa Kitô đối với thế gian” (nguồn: ditimchanly.org).
Với quan điểm như thế, chúng ta có thể nói, cả đạo lẫn đời đều xem trọng gia đình. Mà, sao không xem trọng cho được! Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Sau khi tạo dựng vũ trụ, trái đất với hết mọi thứ cỏ cây, thú vật, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người ‘theo hình ảnh của Ngài’. Người đã không tạo dựng nên con người cô độc. Trái lại, Người đã tạo dựng con người có nam có nữ và ban cho họ khả năng qui hướng và kết hợp lại với nhau để tạo nên cộng đoàn nguyên thủy là gia đình. (St 1, 26-27).
Vì thế, nam hướng về nữ và người nữ hướng về nam, hai người yêu thương gắn bó lại với nhau nên “một xương một thịt” (St 2, 23-24). Hai người chia sẻ bổ túc cho nhau, trợ giúp nhau cả về thể chất lẫn tinh thần và cùng hợp tác với Thiên Chúa để ‘sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất’ và làm chủ vũ trụ. Như vậy, chính Thiên Chúa là tác giả sáng tác nên tổ chức gia đình, và Người đã ban cho họ những quyền lợi để hưởng dùng, cũng như những sứ mệnh phải chu toàn.” (nguồn: ditimchanly.org).
Thế nhưng, đáng buồn thay! Ngày nay, không ít người đã không còn quan tâm đến hai chữ “gia đình”. Người ta đã không còn coi gia đình như là một tổ ấm.
Rất nhiều lý do đã được nêu ra để biện minh. Nào là do chiến tranh, nào là do ảnh hưởng từ những chủ thuyết lệch lạc, đại loại như: chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần và gần đây là sự cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, văn hóa tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính.
Vâng, những lý do nêu trên, xem ra có vẻ như rất chính đáng. Nhưng, nếu chỉ dựa vào những lý do đó và cho rằng nó là tác nhân chính gây ra những cuộc khủng hoảng, những sự đổ vỡ trong gia đình thì e rằng chưa đúng lắm!
Sự đổ vỡ hay khủng hoảng trong gia đình, còn một nguyên nhân khác, đó là: sự thiếu vắng Thiên Chúa, không tuân giữ lề luật Chúa, (nặng hơn) đó là sự chối bỏ Thiên Chúa.
Kinh Thánh đã ghi lại nhiều bài học cay đắng khi một gia đình nào đó từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng đã ghi lại nhiều trường hợp gia đình đổ vỡ chỉ vì gia đình đó không tuân giữ lề luật Thiên Chúa. Gia đình nguyên tổ Adam và Eva như một điển hình.
Thiên Chúa, trong chương trình sáng tạo, Người đã tạo dựng một gia đình hoàn thiện. Gia đình đó gồm có Adam và Eva. Người đã đặt gia đình Adam-Eva vào một nơi gọi là vườn Eden.
Tại Eden, Thiên Chúa đã ban cho họ quyền làm bá chủ “cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”. Chỉ một điều duy nhất, đó là: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì… không được ăn” (Stk 2, 16). Đáng tiếc! Gia đình nguyên tổ bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, hai ông bà nghe lời dụ dỗ của satan và đã ăn. Để rồi, từ khi phạm tội, sự khủng hoảng bắt đầu xảy ra trong gia đình nguyên tổ.
Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, hai ông bà “trốn… để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”. Không giáp mặt Thiên Chúa, kể như gia đình họ không còn sự hiện diện của Thiên Chúa.
Không có Thiên Chúa, gia đình mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Mất đi sự gắn bó, gia đình Adam-Eva mất đi “hai tiếng yêu thương”. Để rồi, gia đình ông bà thành “bãi chiến trường”. Tại bãi-chiến-trường đó, hai người con là Cain và Abel trở thành thù nghịch. Kết quả người anh Cain giết em mình là Abel.
Một “tổ ấm” không còn ấm áp, hỏi sao Honoré de Balzac lại không tự hỏi: “gia đình là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục”?
Vâng, Balzac đã tự hỏi và chúng ta cứ tự hỏi. Thế nhưng, với Thiên Chúa, Kinh Thánh cho biết, Người “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3, 14). Thế nên, “Người” không thể để cho gia thất là đường đưa tới địa ngục. Vì thế, gia thất vẫn là nơi được Thiên Chúa chúc phúc, gia thất vẫn là nơi được Thiên Chúa nhớ đến một cách đặc biệt. Điều đặc biệt đó đã được thể hiện trong một gia thất “gia thất Na-da-rét”. Qua gia thất Na-da-rét, Thiên Chúa đã thực hiện tình yêu thương của Người.
Để thực hiện tình yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một Tôn Ngộ Không huyền thoại, với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng bằng hình hài một hài nhi, được sinh ra tại Belem, trong một gia đình, người Mẹ là một Trinh Nữ tên Maria, người cha tên là Giuse và người con là Đức Giê-su.
Vâng, đó là một gia đình, một gia đình để như là mẫu mực cho tất cả mọi gia đình noi theo. Hôm nay, chúng ta gọi gia đình này là “Gia Thất Thánh”. Được gọi là “gia thất thánh” bởi, đây là một gia thất mà mọi người trong gia đình đều “có Chúa và tuân giữ lề luật Người”.
Thật vậy, dù đã được thiên sứ Chúa cho biết con mình “… nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”, nhưng không vì thế mà ông bà Giuse-Maria lại có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Trái lại, các ngài vẫn trung thành với lề luật “Đấng Tối Cao” ban hành, do Mô-sê, công bố.
Luật Đấng-Tối-Cao dạy rằng “mọi đàn ông con trai… sẽ phải chịu cắt bì”, thế là Hài Nhi Giêsu khi đủ tám ngày, đã “làm lễ cắt bì” (Lc 2, 21). Luật Đấng-Tối-Cao dạy rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, thế là ông bà Giuse-Maria đã giữ đúng luật “đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa.” Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 2, 22-40).
**
Sự kiện này được thánh sử Luca ghi lại, như sau: “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa.”
Hôm ấy, “Có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ở trên ông”. Chính Thánh Thần đã “linh báo cho ông biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đức Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.”
Thế rồi: “Vừa lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông liền ẫm lấy Hài Nhi trên tay…”
Kinh Thánh có chép “Giấc mộng chưa thành, trái tim khắc khoải”. Hôm ấy, ông Si-mê-ôn không còn khắc khoải. Không còn khắc khoải, vì giấc mộng của ông, nay đã thành sự thật, và đã đem lại cho ông nỗi vui mừng khôn tả, sự thật đó được ông lớn tiếng nói rằng: “Muôn Lạy Chúa… Chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài” (x.Lc 2, 30-32).
Ánh sáng đó, vinh quang đó ông thấy, ông thấy từ nơi Hài Nhi mà ông đang ẵm trên tay. Ông chúc phúc, những lời chúc phúc đậm dấu ấn của nhà tiên tri, rằng: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng…”. Chưa hết, ông còn nói tiên tri về bà Maria, rằng: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (x.Lc 2, …35).
Hôm ấy, còn có một người đàn bà tên là Anna. Chuyện kể rằng: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.
Và rồi, “Sau khi hai ông bà làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”.
***
Chúa Nhật hôm nay (31/12/2023), chúng ta mừng lễ “Thánh Gia”. Mừng lễ Thánh Gia, thế nên chúng ta sẽ nói những chuyện có liên quan đến gia đình, chăng?
Nên, nên là vậy. Bởi vì có rất nhiều chuyện liên quan đến gia đình, nhất là những gia đình Công Giáo, mà chúng ta là một trong số những gia đình đó.
Vâng, chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi việc “có Chúa và tuân giữ lề luật Chúa” có liên quan gì đến gia đình chúng ta?
Thưa, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa được trình bày qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, thì “có Chúa và tuân giữ lề luật Chúa” là điều cần thiết. Sự cần thiết này chúng ta thấy rõ qua ông Si-mê-ôn, rằng: “Thánh Thần hằng ngự trên ông.” Nhờ “được Thần Khí thúc đẩy ông lên Đền Thờ” vâng, nhờ đó, ông mới có thể “ẵm lấy Hài Nhi trên tay”.
Thánh Thần hằng ngự trên ông chẳng phải là ông “có Chúa”, sao! Và, khi có Thần Khí thúc đẩy, chẳng phải là chúng ta sẽ có sức mạnh để “tuân giữ lề luật Chúa”, sao!
Còn bà An-na nữa chứ! Tuy Tin Mừng không nói, nhưng chúng ta có thể tin, tin rằng, bà ta cũng được Thần-Khí-thúc-đẩy, thúc đẩy bà “không rời bỏ Đền Thờ, nhưng ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.” (x.Lc 2, …37).
Thế nên, hãy tự hỏi, Thánh Thần có hằng ngự trên gia đình chúng ta? Thần Khí Chúa có thúc đẩy gia đình chúng ta đi Nhà Thờ? Thần Khí Chúa có thúc đẩy chúng là làm việc “bác ái”! Có thúc đẩy chúng ta sống “nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”!
Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, khi chúng ta thực hiện những nhân đức nêu trên, có phần chắc, gia đình chúng ta sẽ là một gia đình: “anh em (luôn) hòa thuận, láng giềng (luôn) thân thiết, vợ chồng (luôn) ý hợp tâm đầu”.
Thực hiện cả ba điều này, Kinh Thánh nói: “cả ba đều đẹp lòng Đức Chúa và người ta” (Hc 25, 1). Mà, khi gia đình chúng ta làm đẹp lòng Đức Chúa thì sao, nhỉ! Thưa, gia đình chúng ta sẽ là một gia đình có Chúa.
Vâng, khi đã là một gia đình có đạo (Công Giáo); “hãy là gia đình có Chúa.”
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn