MỘT ĐỜI NGƯỜI, MỘT HÀNH TRÌNH
Mỗi một con người sinh ra bắt đầu bằng những tiếng khóc, nhưng tiếng khóc này là bao sự chờ đợi, chờ đợi của những người thân, cha, mẹ, ông bà… Mọi người trong chúng ta khởi đầu cuộc hành trình dương thế bằng tiếng khóc, bởi lẽ chúng ta ai cũng được lưu truyền lại tội lỗi mà nguyên tổ chúng ta đã phạm.
Từ khi tổ tông chúng ta phạm tội, mọi sự đau khổ đã đến trong thế gian như trong sách sáng thế có ghi: “Bởi ngươi đã phạm tội, đã bất tuân lệnh truyền, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra, đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi từ bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3,17-19).
Thiên Chúa đã không để loài người chúng ta phải chết trong tội lỗi, chính nhờ tình thương mà Đức Kitô đã xuống trần gian, gánh lấy tội lỗi nhân loại, đã chịu khổ hình, chịu chết khổ nhục, chiụ mai táng, và đã sống lại. Và nhờ Ngài toàn thể nhân loại được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như trong thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma: “Vì một người sa ngã mà muôn người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất là Đúc Giêsu Kitô thực hiện lẽ công chính, mọi người được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 6, 18).
Mỗi người chúng ta sinh ra là bắt đầu một cuộc hành trình, cuộc hành trình nơi dương thế này đang ẩn chứa những điều mà chúng ta từng ngày từng ngày phải trải nghiệm, vui, buồn, sướng, khổ, hạnh phúc và đau buồn, thành công, thất bại… Nhưng dù trong hoàn cảnh nào rồi cũng sẽ qua đi và sẽ kết thúc. Cuộc hành trình của mỗi người dài, ngắn không thuộc quyền của chúng ta quyết định, nhưng chúng ta mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc tốt xấu của mỗi người trong cuộc hành trình đó.
Trong thời đại hôm nay, giữa những đủ đầy của vật chất, chúng ta ngày càng được hưởng thụ những điều kiện về thể xác, và những tiện ích mà khoa học mang lại, sự lôi kéo của quyền lực, danh vọng và tièn tài đã và đang làm cho mỗi người trong chúng ta dần dần quên mất ngày chúng ta kết thúc cuộc hành trình của mỗi người. Linh mục Trương Huy Hoàng đã sáng tác bài hát “Sẽ có ngày về”, đã nói rõ:
“Trần gian đâu có chi mà tôi si mê quên cả đường về,
Trần gian chỉ là quán trọ mà ta cứ ngỡ chính là quê hương,
Trần gian như dòng sông, ai ngủ ai thức vẫn trôi không ngừng,
Trăm năm chỉ thoảng một ngày ta quên hay nhớ đã hết ngày rồi”.
Giáo hội dành riêng tháng Mười Một để cầu nguyên cho các linh hồn còn đang thanh luyện, và cũng là tháng giúp mỗi người chúng ta nhìn nhận ra rồi cũng đến ngày mỗi người chúng ta kết thúc cuộc hành trình nơi dương thế, cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Đấng Toàn Năng. Để có được thành quả tốt đẹp trong cuộc hành trình đó, mỗi người chúng ta càng phải ra sức chống đỡ với những đam mê, dục vọng, sự lôi kéo của tiền tài, vật chất, những cạm bẫy của ma quỷ đang rình rập, và cả chính xác thịt của mỗi người chúng ta. Lời Chúa dạy mỗi người: “Các con hãy chiến đấu mà vào qua của hẹp” (Lc 13,24).
Và lời Chúa cũng cảnh báo chúng ta rằng: “Thầy thấy Satan từ trời sa xuống như tia chớp” (Lc 10, 18). “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy đến như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em… Vậy, anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 34-36).
NVB BÌNH YÊN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn