TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Anh vẫn tiến về phía trước

Chủ nhật - 05/12/2021 20:54 | Tác giả bài viết: Đa Minh Trần Văn Tân, SJ |   918
Lời Chúa thật diệu kỳ, cuộc sống của anh không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng bất chấp tất cả những sai sót và những yếu đuối của mình, anh vẫn tiến về phía trước
Anh vẫn tiến về phía trước

Bất chấp những sai sót và yếu đuối, anh vẫn tiến về phía trước

Năm 1955, khi các cha thừa sai đặt chân tới vùng Đak Nông, nơi đây sẵn các dân người M’nông và Mạ. Để mở mang cánh đồng truyền giáo cho người M’nông, các cha đã chọn Y Mớt, một thiếu niên 15 tuổi, dáng lanh lẹ, thông minh, đưa về Buôn Ma Thuột cho học nội trú ở trường dòng, sau đó gửi đi học trường đào tạo giáo phu ở Kon-tum.

Năm 22 tuổi, vì muốn  đưa chàng trai về lại với dân tộc M’nông cũng là để loan báo Tin Mừng cho dân tộc của mình, các cha đã dẫn đến cho chàng một cô nàng M’nông hiền lành, điềm đạm, nhẹ nhàng và kiên nhẫn, trước giờ vẫn ở với các nữ tu dòng Biển Đức. Thôi thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.

Cặp vợ chồng trẻ đưa nhau về làng giữa thời chinh chiến, và cùng nhau lao mình vào cuộc chiến với những thế lực đen tối ngay giữa dân tộc mình: những thứ độc địa như bùa ngải đem từ Campuchia về, những câu chuyện về ma lai gây hoang mang sợ hãi... nhiều thứ lắm, cũng phải kể đến cuộc chiến ngay nơi bản thân mình, một chàng trai trẻ, tránh sao khỏi thói trăng hoa.

Về lại quê hương, cũng phát rừng làm rẫy, sinh con. Trong khi đó qui tụ anh em họ hàng bạn bè để trình bày đạo thánh Chúa. Năm 1965 và 1967, hai cô con gái chào đời và tiếp theo là 3 cậu con trai, và người con út sinh năm 1977 sau chiến tranh. Người M’nông khi sinh con đầu lòng thì cha được gọi bằng tên con, và Y Mớt nay được gọi là Băp Xuân, vợ anh được gọi là Mẹ Xuân. Những năm gần 1975, anh  cũng tham gia làm việc tại xã, do đó khi giải phóng tới, anh phải đi cải tạo 6 tháng là chuyện đương nhiên.

Vào những năm chiến tranh trước 1975, bà con người M’nông đổ dồn về sống quanh vùng Kiến Đức, anh cùng với các anh em được các cha thừa sai qui tụ và đào tạo và sai vào cánh đồng truyền giáo. Rất nhiều người đã xin trở lại, cho tới những ngày đầu năm 1975, đã có hơn năm ngàn người tin theo, và số người  M’nông nhận lãnh phép rửa đầu tiên là 200 trong đó có anh và gia đình.

Sau biến cố 1975, nhà cửa bị đốt phá, bà con kéo nhau trở về làng cũ, định cư trên những phân đất trải dài từ Thọ Sơn tới Quảng Tín; Từ Kiến Đức tới Quảng Tân, Dak Tik, Quảng Trực vòng về Dak Nhau; Những cộng đoàn non trẻ, tản mác giữa một vùng trời mênh mông, hơn 15 năm trời, không có bóng dáng linh mục, cũng chẳng có nhà thờ.

Số người mới tin theo, đã học giáo lý được bao nhiêu đâu, mới chỉ bập bẹ thuộc vài câu kinh, lại phải lao đầu vào xây dựng cuộc sống mới, phá rừng, dựng nhà, dựng lại làng xưa. Và rồi không người dẵn dắt, bà con về lại với thói quen sống dưới bàn tay che chở của các thần linh. Do đó, dù xã hội mới muốn đưa mọi người tới vô thần, nhưng bà con vẫn sống theo truyền thống của cha ông, trong nhà vẫn sắm sửa những đồ thờ cúng cho các thần nương rẫy và sông suối, vẫn nói với cái sà gạc, cái rìu, cái cuốc như những người bạn thân thương khi mừng lúa mới, trước cửa nhà thường cắm một khúc tre nhọn, dấu chứng của thần nhà bao bọc che chở gia đình.  

Cho tới năm 1986,  Băp Xuân bấy giờ ở Dak Tik và Băp Nga ở Quảng Tín đã dắt nhau tới cha Cường đang ở Đak Mil xin phép cho anh em lên đường gặp gỡ và qui tụ đoàn dân tản mác, đồng thời loan báo Tin Mừng cho những ai chưa nhận biết Thiên Chúa.

Vào cánh đồng như người rong chơi, ai biết thì mời tới, bất cứ chiều tối hay đêm khuya, ban đầu thì hai anh em kết hợp cùng đi tiếp nhận, đặt từng mái nhà trước tôn nhan Thiên Chúa, khúc tre của thần giữ cửa được thay bằng cây thánh giá, bầy tỏ quyến năng của tình yêu cứu độ, và đồ cúng được đốt bỏ để từ nay tin nhận Thiên Chúa là cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất muôn vật, hoàn toàn buông minh trong Thiên Chúa thành tín và giầu lòng thương xót, không còn cảnh phải lo cúng heo gà để cầu cạnh thần nước hay thần lúa.

Qua tới năm 1990, số đông bà con khắp nơi đã được qui tụ vào dân thánh, cũng là lúc bà con được chỉ cho thấy thấp thoáng bóng các nữ tu Phao-lô đã từng ở giữa bà con trước kia đang ở Lái Thiêu. Quả thật, còn mẹ là còn lối về, bà con có chỗ tựa nương từ đây. Thêm hai ông bố, một ông rong ruổi khắp các buôn làng, ông trụ tại nhà mẹ để giảng dạy giáo lý, và các khóa đào tạo giáo lý viên cứ thế diễn ra đều đặn. Vào những năm 90, tình thế khó khăn lắm, để gây dựng đời sống đạo ở trên các buôn làng cũng như để đón tiếp anh chị em về Lái Thiêu, chuyện cứ như không thể, nhưng rõ ràng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể, và vì thế các nữ tu không ngần ngại mở rộng vòng tay đón tiếp con cái bao năm bơ vơ đói khát lời Thiên Chúa.

Qua tới lễ Phục Sinh năm 1994, hơn 300 anh chị em M’nông cùng với hơn 200 anh chị Châu Mạ đổ về sân vận động thị xã Gia Nghĩa xin lãnh nhận bí tích tửa tội. Vì toàn bộ vùng Dak Nông và Kiến Đức khi đó vẫn chưa có linh mục, nơi cử hành 3 ngày tuần thánh chỉ là căn chòi cạnh sân vận động, và linh mục chỉ được phép về đây vào 2 dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh. Trong khi đó, tại Quảng Tín, Băp Nga đã dẫn đưa 250 anh chị em qua Phước Long, những người đầu tiên của vùng này xin lãnh nhận bí tích rửa tội, ngoài một số anh em về học giáo lý và được lãnh nhận phép rửa tại nhà thờ Lái Thiêu.

Một cánh đồng mênh mông với những con người quanh năm chỉ biết có núi rừng và nương rẫy. Riêng Băp Xuân, người đã được đào tạo tại trường giáo phu Kon Tum, ngoài tiếng mẹ đẻ thì còn rành rẽ cả tiếng Ê-đê và Ba-Nar, do đó suốt những năm tháng loan báo Tin Mừng, vẫn cặm cụi ngồi dịch và đánh máy từng câu kinh ra tiếng M’nông cho bà con đọc. Tuy nhiên tuổi trẻ có hơi nóng nảy, và khi được các cha giới thiệu người bạn đời thì cũng không ưng ý lắm, vì thế trong những năm tháng làm việc ở xã, anh cũng có chút trăng hoa. Bù lại, Mẹ Xuân một con người điềm đạm, chỉ âm thầm cầu nguyện nài xin Chúa uốn nắn cho ngươi chồng mỗi ngày bớt bất xứng với Tin Mừng anh loan truyền. Vì thế, chị luôn giang tay đón nhận, kiên nhẫn, mềm mại chứ chẳng bao giờ hờn trách.

Và quả thật, lời Thiên Chúa có sức biến đổi mạnh mẽ, Băp Xuân càng tiến bước trên đường loan báo Tin Mừng, càng trở nên mềm mại và biết lắng nghe. Lời Chúa thật diệu kỳ, cuộc sống của anh không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng bất chấp tất cả những sai sót và những yếu đuối của mình, anh vẫn tiến về phía trước và vẫn làm hài lòng Thiên Chúa, và Chúa đã cất anh về đang khi những trang Tin Mừng anh dịch sang tiếng M’nông còn dang dở.

Thừa hưởng gia tài của cha: một đời hiến thân cho Tin Mừng, cậu trai út năm nay 44 tuổi, đã dựng một ngôi nhà nguyện dành riêng cho khu xóm đến sinh hoạt ngay trên phần đất trước đây là nhà ở, cũng là nơi nguyện cầu của gia đình và bà con xung quanh. Thì ra đời loan báo Tin Mừng gắn liên với kinh nguyện tạ ơn và hiến tế, gắn liền với Con Thiên Chúa làm người sáng sáng đi vào nơi thanh vắng, chốn thanh vắng của một gia đình sẵn không gian dành riêng cho Thiên Chúa, cùng cất cao lời kinh chúc tụng ngay trong nhà mình. Một mái nhà đã trở thành nhà nguyện, với những con tim đã trở thành đền thờ. (x. 1Cr 3,16).

Đa Minh Trần Văn Tân, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây