TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

30 năm nỗ lực của Giáo hội Rwanda

Thứ năm - 11/04/2024 04:50 | Tác giả bài viết: Vatican News |   338
Cuộc diệt chủng năm 1994 ở Rwanda là một thảm kịch chứng tỏ sự hận thù có thể gây ra bao nhiêu tổn hại. Ba mươi năm sau, nhờ nỗ lực hòa giải và thống nhất, đất nước vốn bị chia cắt nay đang nỗ lực phát triển và tái thiết. Trong bối cảnh này, Giáo hội địa phương đóng góp, đặc biệt, thông qua việc chăm sóc mục vụ cho sự hòa giải, lắng nghe và quan tâm đến những người sống sót, cũng như giáo dục.
cq5dam thumbnail cropped 750 422
cq5dam thumbnail cropped 750 422

30 năm nỗ lực của Giáo hội Rwanda trong việc hòa giải đất nước sau nạn diệt chủng năm 1994


 

Cuộc diệt chủng năm 1994 ở Rwanda, vụ thảm sát có hệ thống hơn một triệu người, bắt đầu vào ngày 7 tháng 4 năm 1994, một ngày sau cái chết của tổng thống Rwanda Habyarimana, là một thảm kịch chứng tỏ sự hận thù có thể gây ra bao nhiêu tổn hại. Ba mươi năm sau, nhờ nỗ lực hòa giải và thống nhất, đất nước vốn bị chia cắt nay đang nỗ lực phát triển và tái thiết. Trong bối cảnh này, Giáo hội địa phương đóng góp, đặc biệt, thông qua việc chăm sóc mục vụ cho sự hòa giải, lắng nghe và quan tâm đến những người sống sót, cũng như giáo dục. Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, Đức Hồng Y Antoine Kambanda, Tổng Giám mục của Kigali, đã chia sẻ về công việc được Giáo hội thực hiện trong ba thập kỷ nhằm tái thiết đạo đức và dân sự của một đất nước đã bị tàn phá bởi nạn diệt chủng.

** Thưa Đức Hồng Y, ngày 7 tháng 4 đánh dấu kỷ niệm 30 năm nạn diệt chủng ở Rwanda, đất nước của ngài. Ba mươi năm sau, Giáo hội hiểu thế nào về những sự kiện bi thảm này?

- Đó là một sự kiện không thể tin được, một bi kịch không thể hiểu được, chưa từng có. Nó cho thấy sự nghiêm trọng của tội lỗi, lòng hận thù và mức độ thiệt hại mà tất cả những điều này đã gây ra. Một sự tiêu diệt có hệ thống đối với một dân tộc trong thế kỷ 20, trước các màn hình của thế giới, không có sự giúp đỡ, bằng những hình thức hãm hiếp, tra tấn, sỉ nhục một cách đê tiện. Đó thực sự là một tình huống khủng khiếp và rất khó giải thích. Nhưng chúng tôi tạ ơn Chúa. Nhờ Chúa mà sau 30 năm chúng tôi đã vượt qua được tất cả những điều này, trên con đường hòa giải và hiệp nhất. Như Thánh Phaolô nói, ở đây rõ ràng là ở đâu tội lỗi tràn đầy, ở đó ân sủng càng chan chứa. Bởi vì một đất nước đã bị tàn phá, một cộng đồng bị chia cắt nay đã đoàn kết, cùng nhau phát triển, đây thực sự là hồng ân của Chúa.

** Riêng cá nhân Đức Hồng Y, ngài đã trải qua thời kỳ đen tối này 30 năm trước như thế nào?

- Vào thời điểm xảy ra nạn diệt chủng mà chúng tôi kỷ niệm, diễn ra từ ngày 7 tháng 4 đến ngày 4 tháng 7 năm 1994, gần 100 ngày, khi 1,1 triệu người bị giết, tôi không có mặt ở Rwanda. Sáu tháng trước đó tôi đã được gửi đến Roma để học. Nhưng trước khi đến Roma, vào năm 1993, tôi đã chứng kiến​​sự khởi đầu của nạn diệt chủng này: những người được xác định là người Tutsi đã bị giết. Trong gia đình tôi, chín người ở nhà chỉ có một người thoát được. Những gia đình gần đó đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng tôi đã trải qua điều này với rất nhiều đau đớn và khổ sở. Nhưng dần dần, với con đường hòa giải, chúng tôi đã vượt qua được. Nguyên tắc giúp tôi rất nhiều là không ôm ấp nỗi đau khổ của mình, vì có người còn đau khổ hơn tôi, họ đã sống qua giai đoạn này, họ đã chứng kiến ​​người thân của mình bị giết, bị tra tấn, những trẻ nhỏ chưa bao giờ được gặp gia đình. Vì vậy, tôi gạt nỗi đau của mình sang một bên để giúp đỡ, hỗ trợ những người còn đau khổ hơn tôi. Đó là nguyên tắc giúp con người vượt qua đau khổ và dẫn tới sự chữa lành.

** Hai năm sau nạn diệt chủng, vào năm 1996, khi tiếp tân đại sứ Rwanda tại Tòa Thánh, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích “mọi người tìm kiếm những con đường hòa giải thực sự thông qua đối thoại và tôn trọng công lý”. Trong cùng bài phát biểu, Đức Thánh Cha nói thêm rằng không thể đạt được sự hòa giải đích thực giữa tất cả người dân Rwanda nếu không có sự thật và việc tái khám phá sự tin tưởng lẫn nhau. Sau bài phát biểu này của Đức Thánh Cha, Giáo hội Rwanda đã hoạt động như thế nào cho sự hòa giải?

- Giáo hội ở Rwanda, trong 30 năm nay, sau nạn diệt chủng, đã hướng việc chăm sóc mục vụ của mình theo hướng hòa giải. Đó là hướng dẫn. Thứ nhất, ngay sau nạn diệt chủng, Giáo hội ở Rwanda đã nỗ lực tổ chức chôn cất các nạn nhân một cách trang nghiêm và xoa dịu nỗi đau buồn của các gia đình. Đó cũng là một nỗ lực hòa giải với những người đã khuất của chúng tôi, cầu xin lòng thương xót của Chúa về những gì đã xảy ra. Đã có sự hòa giải trên ba cấp độ. Có sự hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì tất cả những điều ác con người gây ra cho người khác đều là tội mà tiếng kêu than vọng lên đến Thiên Chúa. Người tỏ cho chúng ta lòng thương xót của Người. Sau đó là sự hòa giải với chính mình, với lịch sử của mình, vì có những xung đột nội tâm, sự phản bội, cảm giác tội lỗi vì đã không thể tự cứu mình nếu có cách thế. Và hòa giải với người khác, để chúng ta có thể chia sẻ hòa bình. Và cuối cùng là sự hòa giải thực tế, sự giúp đỡ những người sống sót thông qua tổ chức Caritas, việc xây dựng những ngôi nhà mà chúng tôi đã cùng nhau làm, các nạn nhân và gia đình của những người bị buộc tội diệt chủng, của những người đã phạm tội giết người hoặc của những người vẫn thờ ơ. Nhưng có một phương pháp mà chúng tôi đã phát triển trong Giáo hội. Đó là ngồi lại với nhau trong các nhóm nhỏ, trong các cộng đồng giáo hội cơ bản, nơi mọi người kể câu chuyện đau khổ của riêng mình và những người khác lắng nghe mà không phán xét. Và khi chúng tôi hiểu được nỗi đau khổ của người khác, nỗi đau khổ này khiến tất cả chúng ta đều đau khổ. Điều này dẫn chúng tôi đến chỗ cảm thông. Và đây là cánh cửa mở ra cho sự tha thứ thông qua mục vụ hòa giải.

** Đức Hồng Y có đối diện với các thử thách trong mục vụ này không?

- Có, nạn diệt chủng là kết quả của một lịch sử lâu dài của hệ tư tưởng chia rẽ, của chính sách chia rẽ con người, của thẻ căn cước thể hiện các nhóm sắc tộc, một sự chia rẽ ảnh hưởng đến chính các gia đình. Bởi vì nếu có các gia đình hỗn hợp thì danh tính của đứa trẻ được xác định bởi sắc tộc của người cha. Điều này dẫn đến những bi kịch không thể tin được, trong đó một người mẹ có thể tố cáo con mình hoặc những người cậu thậm chí có thể giết những đứa cháu bởi vì theo chính sách này, họ không thuộc cùng một nhóm sắc tộc. Vì vậy, nạn diệt chủng đã ảnh hưởng đến những mối quan hệ thân thiết nhất của con người, ngay cả trong gia đình. Nó rất khó khăn. Một khó khăn khác được xác định bởi chủ nghĩa phủ nhận, vốn bao gồm việc nói rằng đó là chiến tranh, rằng những gì đã xảy ra không phải là một cuộc diệt chủng, một sự tiêu diệt một dân tộc theo cách có hệ thống. Một hệ tư tưởng, cả trong nội tâm lẫn bên ngoài. Và kế đến là sự hợp tác vì công lý. Rất khó để có được công lý. Công lý cổ điển không thể hoạt động được. Chúng tôi có hơn 830.000 tù nhân và dự đoán rằng sẽ phải mất hơn 100 năm mới đạt được công lý. Theo công lý truyền thống, chính các tòa án Gacaca đã có thể giải quyết vấn đề và đạt được công lý cho tất cả mọi người. Một số tín hữu của Giáo Hội cũng có liên quan. Điều này khiến Giáo hội phải chịu đau khổ rất nhiều.

** Trong suốt ba mươi năm này, sự dấn thân của Giáo hội đối với các nạn nhân đã được thể hiện như thế nào trong công cuộc hòa giải này? Ngài có ví dụ cụ thể về sự dấn thân này không?

- Vâng, có sự dấn thân này vì sự phát triển. Ví dụ, chúng tôi có tài chính vi mô dành cho người nghèo, nơi không cần thế chấp để vay vốn. Có sự đảm bảo cho nhau, họ tập hợp thành nhóm nhỏ từ 5 đến 10 người và cam kết nếu một thành viên không có khả năng chi trả thì những thành viên còn lại sẽ đóng góp và chi trả cho người đó. Điều này đòi hỏi sự tin cậy lẫn nhau, sự đoàn kết. Đây là điều mà tôi gọi là sự hòa giải thực tế, điều này đã giúp vượt qua được sự chia rẽ sắc tộc. Chúng tôi có một ngôi làng ở Karama, nơi mà lúc đầu, các góa phụ quy tụ để thương tiếc người đã khuất. Một nhóm phụ nữ, có chồng của họ đi tù vì nạn diệt chủng, hàng ngày qua đó mang thức ăn cho chồng con trong tù và họ lăng mạ lẫn nhau. Nhưng, trước nỗi đau khổ chung của họ, mỗi người đều cảm thấy thương xót người kia. Và thay vì gặp nhau để lăng mạ nhau, họ lại đến với nhau và hình thành một mô hình hòa giải. Họ được một linh mục và một nữ tu đồng hành.

** Giáo hội đóng góp điều gì trong việc tái tạo ký ức?

- Nhiều địa điểm và đài tưởng niệm nằm gần nhà thờ. Cũng có những nhà thờ đã trở thành nơi tưởng nhớ. Và vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 5, một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn diệt chủng được tổ chức ở tất cả các nhà thờ. Chúng tôi đã đồng hành cùng cộng đồng bằng những lá thư mục vụ và Ủy ban Công lý và Hòa bình đã dấn thân thực hiện điều đó trong suốt những năm qua. Giáo hội đã tham gia vào các tòa án Gacaca. Chúng tôi có các trung tâm lắng nghe và hòa giải trong các giáo phận. Và bây giờ chúng tôi đang nỗ lực thanh lọc ký ức và hòa giải với lịch sử.

** Theo ý kiến ​​của ngài, giáo dục, đặc biệt là giáo dục Công giáo, có vai trò gì trong nỗ lực hòa giải này?

- Hầu hết các trường học ở Rwanda đều là trường Công giáo. Trong trường học của chúng tôi, chúng tôi rất nhạy cảm và dạy về sự đoàn kết và hòa giải. Chúng tôi nhấn mạnh để chúng tôi không tập trung vào sự khác biệt sắc tộc, mà để chúng tôi xác định mình là những người Rwanda và, theo cách này, là anh chị em. Nhà nước cũng xóa bỏ sự cân bằng sắc tộc tồn tại trước đây trong trường học. Nghĩa là, trẻ em được nhận theo số lượng do Nhà nước quy định và theo sắc tộc. Điều này rất nguy hiểm vì nó hạn chế khả năng hoạt động và tự do của người trẻ. Công lý này, cũng đạt được trong lĩnh vực giáo dục, giúp chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất và hòa giải. Ngoài giáo dục chính quy, còn có các khóa đào tạo, chữa lành cộng đồng và chữa lành chấn thương. Các hoạt động mục vụ của chúng tôi bao gồm tư vấn và các hoạt động thiết thực về bác ái, đoàn kết và phát triển thông qua Caritas.

** Năm 1994 là năm diễn ra Thượng hội đồng về Châu Phi. Từ chiều kích toàn Châu Phi, các Giáo hội trong khu vực đã cộng tác như thế nào trong công cuộc hòa giải này?

- Ở cấp độ Châu Phi, Hội nghị của Các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SCEAM) đã thiết lập chương trình hòa giải và buổi cầu nguyện hòa giải vào tháng 7. Đặc biệt, Thượng Hội đồng tập trung nhiều vào công lý và hòa giải trên lục địa Châu Phi. Trong khu vực Liên hiệp các HĐGM Trung Phi (ACEAC) của chúng tôi, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng được dành để cầu nguyện cho hòa bình và hòa giải. Chúng tôi có Học viện Hòa bình và Hòa giải ở Bukavu (DR Congo) mà chúng tôi đang cố gắng mở rộng sang các quốc gia khác. Và sau đó chúng tôi có một chương trình khởi xướng hòa bình ở vùng Great Lakes. Chúng tôi có cuộc gặp cuối cùng ở Goma. Cuộc gặp gỡ tại thành phố Congo này là một cử chỉ gần gũi, trên hết bởi vì cách tiếp cận của chúng tôi là hòa giải mọi người để chúng tôi không cho phép mình bị thao túng bởi những hệ tư tưởng chia rẽ sắc tộc có thể gây ra nhiều tổn hại, bởi vì chúng tôi không bao giờ được biện minh cho sự thù hận. Và sự khác biệt không phải là vấn đề, nhưng quan trọng là sự phong phú và vẻ đẹp. Đức Trinh Nữ Maria ở Kibeho có một thông điệp rất hay khi nói: “Hỡi các con, các con là hoa của mẹ và các con phải tưới hoa cho mẹ và vẻ đẹp của hoa là chúng có nhiều màu sắc khác nhau”.

** Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vào ngày 15 tháng 5 năm 1994, đã nói về “nạn diệt chủng mà không may là người Công giáo cũng phải chịu trách nhiệm”. Giáo hội Rwanda đã thực hiện công việc thanh tẩy của mình như thế nào?

- Chúng tôi đã tổ chức một Thượng Hội đồng đặc biệt, đặc biệt vào những năm 1998-1999, cũng là thời điểm chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Và trong Thượng Hội đồng này, chúng tôi đã thực hiện một cuộc tự vấn lương tâm. Và, như tôi đã giải thích, chúng tôi ngồi thành từng nhóm nhỏ và lắng nghe nhau cũng như nỗi đau khổ của họ. Do đó, điều này cũng đã giúp ích cho chúng tôi với tư cách là một Giáo hội. Ngay cả năm Lòng Thương Xót cũng đã giúp đỡ chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đã phát triển một chương trình kéo dài ba năm: Năm Lòng Thương Xót, năm hòa giải với Thiên Chúa, và năm 2017, năm hòa giải với chính chúng tôi, ngay cả trong Giáo hội. Trong việc đồng hành mục vụ, mọi người được khuyến khích xưng tội vì việc tham gia vào các tòa án Gacaca rất khó khăn, người ta buộc phải khai báo ngay cả những thành viên trong gia đình của họ.

** Tóm lại, xin Đức Hồng Y có thể cho biết điều gì đang diễn ra?

- Chúng tôi đang ở trong thời điểm tưởng niệm nạn diệt chủng chống lại người Tutsi ở Rwanda, thường trùng với mùa Phục sinh. Tôi nhìn thấy một thông điệp trong điều này, bởi vì cái chết làm chúng ta bị tổn thương rất nhiều. Nhưng chúng ta có niềm hy vọng vào sự Phục Sinh. Và tôi thấy rằng đất nước Rwanda của chúng tôi, đất nước đã chìm sâu trong đau khổ và cái chết, trong nấm mồ, giờ đây đang được hồi sinh. Chúng tôi tạ ơn Chúa và muốn gửi một thông điệp đến anh em chúng tôi ở Châu Phi và thế giới, bởi vì sự chia rẽ, hận thù, bạo lực, chiến tranh hiện diện khắp nơi. Đó là một điểm yếu của con người mà chúng ta có thể chứng minh. Chúng ta không được nhượng bộ trước cám dỗ và tội lỗi chia rẽ, nhưng phải xây dựng tình huynh đệ. Tất cả chúng ta đều là anh em, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong thông điệp Fratelli tutti.
 

Stanislas Kambashi, SJ - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây