Đức Thượng phụ Raphaël Bedros XXI Minassian kế nhiệm Đức Thượng phụ Krikor Bedros XXI Ghabroyan, qua đời ngày 25/5 năm nay, thọ 87 tuổi. Cách đây ba tháng (22/6/2021), các Giám mục Armeni đã họp công nghị tại Liban để bầu thượng phụ mới, nhưng trong 15 ngày bầu, không ứng viên nào được hai phần ba số phiếu trong số 12 giám mục tham dự, như luật định. Vấn đề được trình lên Đức Thánh Cha và ngài đã quyết định triệu tập Công nghị bầu cử tại Roma.
Trước đó vào ngày 20/9, Đức Hồng y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, đã chủ sự thánh lễ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, khai mạc Công nghị của các giám mục Công giáo Armeni tại Roma để bầu vị thượng phụ mới.
Đức tân Thượng phụ Raphaël Bedros XXI Minassian cho đến nay là Tổng Giám mục hiệu toà Cesarea của Cappadocia của Công giáo Armeri và Đấng Bản Quyền của các tín hữu Công giáo Armeni ở Đông Âu.
Đức tân Thượng phụ sinh năm 1946 tại Beirut, được đào tạo tại Chủng viện Thượng phụ Bzommar và nghiên cứu triết học và thần học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, và tâm lý tại Đại học Giáo hoàng Salêdiêng. Năm 1973, ngài được thụ phong linh mục với tư cách là thành viên của Viện Giáo sĩ Thượng phụ Bzommar. Từ năm 1973 đến năm 1982, ngài là linh mục coi sóc giáo xứ Armenia ở Beirut, sau đó là thư ký của Thượng phụ Hovannes Bedros XVIII Kasparian, và từ năm 1984 đến năm 1989 phụ trách thành lập giáo xứ Thánh Tâm ở Zalka, Beirut.
Năm 1989, ngài chuyển đến Hoa Kỳ, làm cha xứ cho người Công giáo Armeni ở California, Arizona và Nevada cho đến năm 2003. Năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc hạt thượng phụ của Giêrusalem và Amman cho người Armeni. Kể từ tháng 6/2011, ngài đã giữ chức vụ Đấng Bản Quyền cho Người Armeni Công giáo ở Đông Âu.
Giáo hội Công giáo Armeni được thành lập năm 1742, sau khi một số giám mục và tín hữu tách rời khỏi Giáo hội Armeni tông truyền và trở về hiệp nhất với Tòa Thánh và được Đức Giáo hoàng Biển Đức XIV (1740-58) nhìn nhận. Trụ sở của Đức Thượng phụ ở Bzommar, Liban. Hiện nay, Giáo hội này có khoảng hơn 580.000 tín hữu thuộc 17 giáo phận, phần lớn sống ở Liban và các nước Trung Đông, nhưng cũng có các giáo phận tại 11 nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Canada.
Ngọc Yến - Vatican News