Đi từ tình trạng sử dụng nguồn điện hiện nay trên thế giới, trước hết, Đức Tổng Giám mục Gallagher nói: “Hiện có 759 triệu người không có nguồn điện để sử dụng. Như đã được kêu gọi trong Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, để xóa đói nghèo, chúng ta phải đảm bảo mọi gia đình có thể tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý và đáng tin cậy. Điều này có nghĩa là thúc đẩy các hệ thống năng lượng và lưới điện vi mô ở các địa phương cách lâu bền, tôn trọng các nền văn hóa địa phương và đảm bảo rằng họ có thể quản lý và duy trì các nguồn năng lượng của chính họ, phù hợp với nguyên tắc phụ trợ, nhằm ngăn chặn sự phụ thuộc bóc lột từ các mạng lưới năng lượng lớn”.
Ngoại trưởng Toà Thánh nói thêm rằng, tiếp cận năng lượng còn phụ thuộc vào khả năng chi trả và giá cả. Người nghèo, trong đó có những người ở ngoại vi xã hội tại các nước đang phát triển, thường không thể mua được năng lượng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Vì thế, định giá năng lượng hợp lý, thực hành kinh doanh có đạo đức và trợ cấp cho những người nghèo là điều cần thiết.
Một vấn đề khác cần phải chú ý khi sử dụng năng lượng, theo Đức Tổng Giám mục, đó là, trong lúc cố gắng đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả mọi người, chúng ta phải tính đến tác động của nó đối với môi trường. Bởi vì khi khai thác, chuyển đổi, vận chuyển và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng không sạch có thể gây hại cho môi trường.
Hơn nữa, cần chú ý đôi khi sản xuất năng lượng có tác động tiêu cực đến người nghèo, những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, và trong một số trường hợp làm xã hội bị bất ổn, gây thiệt hại cho sức khỏe, xung đột và nhiều vi phạm nhân quyền. Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm gián đoạn ngành nông nghiệp, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và khan hiếm nước, thời tiết khắc nghiệt, phá hủy sinh kế và buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa và di cư.
Một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cần theo đuổi việc sản xuất, quản lý và tiêu thụ năng lượng thông minh, hiệu quả và hòa bình hơn, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều khả năng bị lãng phí năng lượng. Việc sản xuất hàng hóa dùng một lần, sản phẩm chất lượng thấp, và các chiến lược thương mại khác có mục đích lãng phí năng lượng, tất cả đều là các triệu chứng của “văn hóa vứt bỏ”. Trước thực tế này, những người tiêu dùng nhiều năng lượng có bổn phận xem xét tác động của họ đối với “những người chưa có thể sống xứng với nhân phẩm”.
Quốc vụ khanh Toà Thánh kết luận: “Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và dễ tiếp cận là nghĩa vụ của chúng ta đối với hàng triệu anh chị em trên khắp thế giới, đặc biệt những người nghèo và những thế hệ tương lai. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý ‘Nền văn minh đòi hỏi năng lượng, nhưng việc sử dụng năng lượng không được phá hủy nền văn minh’”. (CSR_6409_2021).
Ngọc Yến - Vatican News