Đại hội sẽ do Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, chủ trì. Dự kiến có khoảng 300 người tham gia, đại diện cho các Hiệp hội Thánh Mẫu học của các quốc gia khác nhau trên thế giới, cùng với các học giả ghi danh từ năm châu. Các tham dự viên sẽ được phân chia vào 7 nhóm ngôn ngữ.
Cha Stefano Cecchin, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu Quốc tế, giải thích rằng Đại hội là “một cơ hội quan trọng để suy tư về hành trình thần học về Đức Mẹ, cả dưới ánh sáng của cuộc đối thoại đặt chúng ta giữa đức tin và các nền văn hóa”.
Cha nói thêm, mục tiêu chính của công việc sẽ là “tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: tại sao Đức Maria thành Nazareth, Mẹ của Chúa Giêsu, người đã trở thành một mô hình nhân học về người mẹ xuất sắc, biểu tượng văn hóa phổ biến và mạnh mẽ nhất của hai ngàn năm qua, ‘người phụ nữ quyền lực nhất thế giới’ (National Geographic 2015), người đánh dấu cuộc sống của nhiều dân tộc và người là ‘nền tảng cho tư duy Kitô giáo’ (thánh Gioan Phaolô II), ngày nay được đề xuất như là biểu tượng của Ngôi nhà chung và là hình mẫu cho một nền nhân học liên ngành mới?”.
Chương trình của đại hội gồm các suy tư về Đức Mẹ trong các nền văn hóa Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slavơ và châu Á, cũng như một phân tích về “Thánh Mẫu học giữa thần học và văn hóa” và đánh giá về 25 năm của Đại Hội Thánh Mẫu học quốc tế. Đại hội khai mạc với sứ điệp của Đức Thánh Cha. (CSR_6002_2021).
Hồng Thủy - Vatican News