Các học giả và chuyên gia từ năm châu lục sẽ tụ họp tại Roma để thảo luận không chỉ về Covid-19 mà còn về thách thức toàn cầu do đại dịch gây ra, nhằm có một sự phân phối công bằng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe trên thế giới. Chủ đề chung của Hội nghị sẽ được thảo luận thông qua một hội thảo mở rộng cho mọi người để có thể tham gia trực tuyến.
Liên quan đến buổi gặp gỡ này, Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống giải thích: “Để chăm sóc sức khỏe, trước hết chúng ta cần phải sống. Đối với các nước phương Tây, ưu tiên này được thể hiện bằng vắc-xin và trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến nỗ lực tiêm chủng lớn nhất chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta không được quên nhu cầu xây dựng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bình đẳng trên quy mô toàn cầu”.
Đức Tổng Giám mục cho biết thêm, chủ đề trung tâm suy tư tiếp theo của các tham dự viên sẽ là tương lai của việc chăm sóc sức khỏe. Bởi vì nếu chúng ta thực sự muốn tỏ ra rằng chúng ta đã học được bài học của đại dịch, chúng ta phải quan tâm đến điều này trong tương lai. Đối với hầu hết mọi người thế giới, ngoài vắc-xin, việc tiếp cận điều trị hiệu quả không chỉ là một sự ưu tiên, nhưng còn cho phép mọi người sống một cách “đơn giản”. Do đó, điều quan trọng không chỉ khắc phục về khoảng cách tiêm chủng nhưng còn về khả năng tiếp cận sức khỏe cộng đồng, nghĩa là phải loại bỏ các vấn đề liên quan đến thiếu cơ sở vật chất và khan hiếm nguồn lực được phân bổ cho điều trị. Đại dịch đã cho thấy sự chênh lệch mạnh mẽ về kinh tế và xã hội về y tế.
Chủ tịch Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống kết luận: “Tiêm phòng là điều cơ bản trong cái nhìn toàn cầu về bảo vệ trước Covid-19, nhưng vấn đề trọng tâm liên quan đến khả năng khắc phục sự khác biệt một cách thực sự và nhanh chóng, bằng cách thực hiện chính sách y tế toàn cầu dựa trên quyền được tiếp cận điều trị của tất cả mọi người”. (CSR_6077_2021).
Ngọc Yến - Vatican News