Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc đến Đại hội Thánh Thể Quốc tế vừa kết thúc trong tuần vừa qua, và nhận định rằng đây là một dịp thuận tiện để thẩm định sự dấn thân lớn lao của việc dạy giáo lý trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta không thể quên rằng trọng tâm của giáo lý là cử hành Thánh Thể, nơi anh chị em cùng nhau khám phá mỗi ngày một hơn những cách khác nhau sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời”.
Đức Thánh Cha nói ngài thích nghĩ đến đoạn Tin Mừng thánh Matthêu, trong đó các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mt 26, 17). Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Người đã chuẩn bị mọi thứ: Chúa biết trên con đường đó có một người sẽ mang vò nước, Người biết đã có một căn phòng rộng rãi trên lầu (Lc 22, 10-12). Và không cần phải nói ra, Chúa hoàn toàn cảm nhận được tâm hồn của các môn đệ và những gì sẽ xảy đến trong những ngày tiếp theo.
Đức Thánh Cha giải thích tiếp đoạn 26 Tin Mừng thánh Matthêu: “Chúa nói với các môn đệ: ‘Các anh hãy đi vào thành’ (Mt 26,18). Chi tiết này liên tưởng đến sứ vụ của anh chị em, các giáo lý viên, giúp chúng ta tái suy tư về hành trình dạy giáo lý như khoảnh khắc mà qua đó các Kitô hữu, những người đang chuẩn bị cử hành đỉnh cao của mầu nhiệm đức tin, được mời đi trước ‘vào thành phố’, để gặp gỡ những người bận rộn với bổn phận hàng ngày của họ. Dạy giáo lý không phải việc truyền đạt kiến thức lý thuyết trừu tượng để ghi nhớ như công thức toán học hay hóa học. Đúng hơn đó là kinh nghiệm sư phạm của những người học cách gặp gỡ anh chị em, tại những nơi họ đang sống và làm việc. Bởi vì chính họ, các giáo lý viên đã gặp Chúa Kitô, và Người đã mời gọi họ trở thành môn đệ truyền giáo. Chúng ta phải nhấn mạnh trọng tâm của giáo lý: Chúa Giêsu Phục sinh yêu thương bạn và không bao giờ bỏ rơi bạn! Chúng ta không bao giờ mệt mỏi lặp đi lặp lại lời loan báo đầu tiên này trong quá trình dạy giáo lý”.
Trong phần cuối bài nói chuyện, Đức Thánh Cha lặp lại những lời ngài đã nói trong buổi gặp gỡ các giáo lý viên ở Bratislava, Slovakia: Loan báo Tin Mừng không bao giờ chỉ là việc lặp lại quá khứ. Cần phải có sự sáng tạo trong Thánh Thần. Cần phải mở ra những con đường, những ngôn ngữ mới để truyền tải Tin Mừng, để hội nhập văn hóa đức tin. Điều này đòi hỏi phải biết lắng nghe mọi người, những dân tộc được đón nhận Tin Mừng.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là điều cấp bách mà Giáo hội cần phải thực hiện đối với châu Âu. Bởi vì, truyền thống Kitô giáo vĩ đại của châu lục này không được trở thành di tích lịch sử, nếu không nó không còn là “truyền thống”! Truyền thống hoặc tồn tại hoặc không. Và việc dạy giáo lý là truyền thống, nhưng sống động, từ trái tim đến trái tim, từ tâm trí đến tâm trí, từ cuộc sống đến việc sống. Vì vậy: cần phải say mê và sáng tạo, với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. (CSR_6289_2021).
Ngọc Yến - Vatican News