TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ vụ và hoạt động Hiệp nhất các Kitô hữu

Chủ nhật - 19/09/2021 19:45 | Tác giả bài viết: |   902
Phỏng vấn với Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu.
Sứ vụ và hoạt động Hiệp nhất các Kitô hữu

Sứ vụ và hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu

Tiếp tục loạt bài về sứ vụ và hoạt động của các Bộ, các Hội đồng và các cơ quan của Toà Thánh, trong tuần qua, Vatican News đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, từ năm 2010, nhưng từ năm 2002 đã là thành viên của Hội đồng này. Qua cuộc trò chuyện này, Đức Hồng y đã cho biết về những điều liên quan đến cơ quan này của Toà Thánh như: lịch sử, các mục tiêu, ngân sách sứ vụ và các cơ cấu hỗ trợ sứ vụ của Đức Thánh Cha.

Thưa Đức Hồng y, Hội đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất các Kitô hữu là một trong những thành quả quan trọng nhất của Công đồng Vatican II. Làm thế nào để di sản của một kinh nghiệm đã gần sáu mươi năm có thể tồn tại cho đến ngày nay?

Đúng là theo một cách nào đó, Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu là một trong những thành quả quan trọng nhất của Công đồng Vatican II. Không nghi ngờ gì nữa, một trong những mục đích chính của Công đồng, được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII hiểu, là tái thiết lập sự hiệp nhất của các Kitô hữu, qua đó một Ban Thư ký đặc biệt đã được thành lập. Nhưng cũng đúng là chính Công đồng, về nhiều mặt,  là thành quả công việc của Ban Thư ký Hiệp nhất lúc bấy giờ. Thực tế, vào lúc đó, Ban Thư ký đã có một vai trò quyết định trong việc chuẩn bị các dự thảo của một số văn kiện chính của Công đồng, như Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa - Dei Verbum, Sắc lệnh Đại kết - Unitatis redintegratio và Nostra Aetate, và Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo - Dignitatis humanae.  Sau sáu mươi năm giáo huấn công đồng, đặc biệt Hiến chế tín lý về Giáo hội - Lumen Gentium  và Sắc lệnh Đại kết- Unitatis redintegratio, vẫn là nguồn cảm hứng và là kim chỉ nam cho hoạt động Hội đồng Tòa Thánh.

Cầu nguyện đại kết

Cầu nguyện đại kết

Năm ngoái, kỷ niệm 25 năm Thông điệp Ut unum sint - Xin cho họ nên một, với văn kiện này, thánh Gioan Phaolô II đã xác nhận “một cách không thể đảo ngược” sự dấn thân đại kết của Giáo hội. Chúng ta còn phải làm gì thêm nữa để thực hiện trọn vẹn lời kêu gọi hiệp nhất của Tin Mừng?

Thông điệp Ut unum sint - Xin cho họ nên một, thông điệp duy nhất dành riêng cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, đã xác nhận những trực giác đại kết tuyệt vời của Công đồng trong việc khẳng định con đường hiệp nhất là con đường tất yếu của Giáo hội. Đặc biệt, thông điệp xác thực hai cuộc đối thoại: đối thoại bác ái và đối thoại chân lý được thực hiện ngay sau Công đồng với tất cả các cộng đoàn Kitô hữu khác, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đại kết tinh thần như linh hồn của phong trào hiệp nhất.

Trong chương cuối, Thông điệp đề cập đến con đường còn phải đi. Rõ ràng sự hiệp nhất là một hồng ân của Thánh Thần, một hồng ân được ban cho chúng ta khi chúng ta bước đi cùng nhau, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường lặp lại. Để nhận được ân ban này, điều thiết yếu không chỉ là xin hồng ân nhưng còn phải chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện để Chúa sẽ gia tăng ước muốn hiệp nhất của chúng ta, như Người đã khao khát.

Nhân viên của Hội đồng Toà Thánh đến từ đâu và được tạo thành như thế nào? Cần có những kinh nghiệm và kỹ năng cụ thể nào?

Để đáp ứng sứ mạng toàn cầu, chúng tôi là một nhóm nhỏ gồm hai mươi bốn người đến từ mười ba quốc gia khác nhau, trong đó có bảy vị giàu kinh nghiệm phụ trách các công việc khác nhau. Ít nhất ba quy định cơ bản được yêu cầu cho công việc của chúng tôi: chắc chắn là các khả năng thần học chuyên biệt, kiến thức ngôn ngữ, và khả năng phát triển các mối quan hệ tin cậy, vì tình bạn và tình huynh đệ là một chiều kích quan trọng của tinh thần đại kết.  Nhưng trên hết, công việc phục vụ của chúng tôi đòi hỏi một lòng say mê hiệp nhất và một tình yêu đối với Giáo hội như đã được Chúa Kitô thiết lập và mong muốn. Say mê này thúc đẩy chúng tôi nghiên cứu liên tục, cho phép chúng tôi học hỏi “khi cùng nhau bước đi”, khám phá những con đường khả thể mới, và cũng để thực hiện đức tính kiên nhẫn, bởi vì thời gian không phải của chúng ta mà là thời gian của Chúa Thánh Thần. Công việc của Hội đồng Tòa Thánh cũng có sự tham gia của các thành viên và cố vấn, cũng như các chuyên gia, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, những người tham gia vào nhiều cuộc đối thoại thần học và các sáng kiến khác, được thực hiện với hầu hết các hệ phái Kitô khác.

Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu hàng năm đại diện cho một cuộc gặp gỡ trọng tâm cho đời sống của Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu. Tình hình của phong trào đại kết thế giới ngày nay như thế nào và triển vọng của nó là gì?

Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất chắc chắn là một thời điểm quan trọng, không chỉ đối với Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng tôi hy vọng, cũng quan trọng đối với tất cả các Kitô hữu. Tuy nhiên, đây không phải là dịp duy nhất để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Thực tế, trong Thánh lễ chúng ta luôn cầu xin Chúa ban “sự hiệp nhất và bình an” cho Giáo hội.  Hơn nữa, đại kết tinh thần không chỉ bao gồm việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất, mà còn trong việc “hoán cải tâm hồn và sống thánh thiện”, như Công đồng Vatican II nói. Tôi sẽ thêm ít nhất ba khía cạnh quan trọng khác của đại kết tinh thần: cầu nguyện chung với Sách Thánh, thanh tẩy ký ức lịch sử và đại kết của các thánh, và đặc biệt là các vị tử đạo. Tình trạng của Phong trào Đại kết ở cấp địa phương cũng như ở cấp độ thế giới phụ thuộc vào tất cả những cội nguồn tinh thần này.

Gặp gỡ đại kết

Gặp gỡ đại kết

Cơ quan mà Đức Hồng y đang làm Chủ tịch được chia thành hai khu vực: Đông và Tây. Hành trình đại kết tiến triển như thế nào trên cả hai khu vực của sự dấn thân này?

Sự khác biệt này tương ứng với cơ cấu của sắc lệnh công đồng về đại kết, trong đó có tính đến những đặc điểm cụ thể về nguồn gốc và thực tại của Kitô giáo. Trên thực tế, ngay cả khi phong trào đại kết chỉ là một, các vấn đề phải đối diện trong các cuộc đối thoại khác nhau là khác nhau. Trong khi chúng ta chia sẻ cùng một truyền thống tông đồ với các Giáo hội Chính thống và Đông phương, đồng thời có cùng một cơ cấu Giáo hội và bí tích, thì với các Cộng đoàn Giáo hội phương Tây, hoàn cảnh khá đa dạng và phải đối diện với việc thiếu một khái niệm chung về sự hiệp nhất. Tuy nhiên, cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu trong sáu mươi năm qua đã làm cho nó có thể đạt được nhiều tiến bộ hơn bao giờ hết trong lịch sử.  Ví dụ, chúng ta có thể trích dẫn những tuyên bố về Kitô học với các Giáo hội Chính thống Đông phương đã chấm dứt 1500 năm tranh cãi, hoặc tuyên bố chung về giáo thuyết công chính hóa đã giải quyết những vấn đề cơ bản của cuộc Cải cách ở thế kỷ XVI.  Không kém phần thực tế là các Kitô hữu không còn nhận mình là kẻ thù nữa nhưng là anh chị em trong Đức Kitô.

Gặp gỡ đại kết

Gặp gỡ đại kết

Tài liệu “Cẩm nang đại kết - Vademecum ecumenico”, với tựa đề “Giám mục và sự Hiệp nhất các Kitô hữu”, được công bố vào cuối năm 2020, đại diện cho tài liệu gần đây nhất do Hội đồng Tòa Thánh cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu thực hiện. Nó đã được đón nhận như thế nào trong Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô khác?

Văn kiện này tương ứng với sứ vụ đầu tiên của Hội đồng Tòa Thánh, nghĩa là thúc đẩy tinh thần đại kết trong Giáo hội Công giáo, trong đó Giám mục là người chịu trách nhiệm chính đối với việc thúc đẩy sự hiệp nhất trong giáo phận. Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng bản văn đã được đón nhận nồng nhiệt, cả trong Giáo hội Công giáo, qua việc các Hội đồng Giám mục chuẩn bị các ấn bản địa phương, và ở các Giáo hội và Cộng đoàn Giáo hội khác, đã có phản ứng rất tích cực với sáng kiến này.

Một ủy ban “đặc biệt” giải quyết các mối quan hệ tôn giáo với Do Thái giáo (CRRE). Kết quả chính thu được trong cuộc đối thoại với những “người anh cả” là gì?

Trực giác của thánh Giáo hoàng Phaolô VI về việc thành lập ủy ban này vào năm 1974 trong Hội đồng Tòa Thánh đã tỏ ra là phù hợp, dựa trên mối quan hệ đặc biệt, “nội tại”, giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định. Bốn tài liệu quan trọng đã được ủy ban công bố, mỗi tài liệu đã góp phần nâng cao nhận thức của người Công giáo trong quan hệ với những người “anh cả”. Tài liệu cuối cùng, có tựa đề “Tại sao các hồng ân và lời kêu gọi của Chúa là không thể hủy bỏ”, là một suy tư về các vấn đề thần học liên quan đến mối quan hệ Công giáo-Do Thái, được công bố nhân dịp kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Nostra ætate. Bản văn này có thể làm phong phú và tăng cường chiều kích thần học của cuộc đối thoại Do Thái-Công giáo, điều này đặc biệt cần thiết vì mối quan hệ của chúng ta trên hết có một nền tảng tôn giáo.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây