TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đường hướng mục vụ tại Việt Nam

Thứ sáu - 11/06/2021 03:43 | Tác giả bài viết: TGM Phaolô Bùi Văn Đọc |   1071
Đường hướng mục vụ tại Việt Nam

Đường hướng mục vụ của Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam

Bài nói chuyện của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc với Hội nghị các Bề trên Thượng cấp các Hội dòng có mặt tại Việt Nam - K’Long, 05-11-2013

Từ ngày 05 đến 07-11-2013, Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thường niên các bề trên Thượng cấp tại Tu viện Don Bosco K’Long, Đức Trọng - Lâm Đồng. Đến chia sẻ với Hội nghị có Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, giám mục giáo phận Đà Lạt, Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài. Ngoài ra, Ban Điều hành đã mời Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đến trao đổi với Hội nghị và tham dự ngày bế mạc.

Sau đây là bài nói chuyện của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục trong ngày khai mạc.

*
Chủ đề được Hội nghị gợi ý cho tôi là: “Đường hướng mục vụ hiện nay của Giáo hội Việt Nam”. Chủ đề này đã được bàn thảo trong Đại hội Dân Chúa năm 2010, với Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm–Hiệp thông–Sứ vụ, và đã được cụ thể hóa trong Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa đề ra định hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam trong nhiều năm, với chương trình hành động cụ thể từ năm 2010 đến năm 2013. Định hướng đó được tiếp nối với nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa” trong Thư Chung mới đây của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi Cộng đồng Dân Chúa, ngày 10 tháng 10 năm 2013.

“Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi hỏi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ” (HĐGMVN, Thư Chung ngày 10/10/2013, số 4). Thư chung còn đưa ra kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm:

– Năm 2014, Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;
– Năm 2015, Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;
– Năm 2016, Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.

Giáo hội Việt Nam đúng ra là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô tại Việt Nam, Giáo hội hoàn vũ tại Việt Nam, Giáo hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền tại Việt Nam; Giáo hội Công Giáo La tinh, mà người đứng đầu là Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với toàn thể các Giám mục Công giáo trên thế giới, hiện diện và hoạt động cụ thể tại địa phương Việt Nam. Do đó đường lối là đường lối chung, mặc dù tại Việt Nam, thì đương nhiên phải có những “cái riêng”, phù hợp với môi trường văn hóa và xã hội ở Việt Nam.

Trong cái nhìn vừa chung, vừa riêng như thế, chúng ta có thể nói tới “Đường hướng mục vụ hiện nay của Giáo hội Việt Nam”. Tôi chỉ đề ra một vài dấu nhấn khái quát theo tinh thần của Công Đồng Vatican II, tinh thần của Giáo huấn của Giáo hội hậu Công đồng, và đặc biệt là của Đức Thánh Cha Phanxicô yêu dấu của chúng ta:

1. Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo:

– Của người nghèo: Giáo hội do Chúa Giêsu Kitô thiết lập, xuất thân từ những nguời nghèo, bao gồm phần lớn là những người nghèo, thì trong Giáo hội, người nghèo phải có chỗ đứng, có tiếng nói. Người nghèo không thể mãi là những người thấp cổ bé miệng.

– Cho người nghèo: Nghèo vật chất, nghèo văn hóa, nghèo tâm linh, nghèo giá trị, những người bị khinh thường, bị ức hiếp, những người tật bệnh đói khổ, người già yếu cô đơn. Giáo hội phải lưu tâm nhiều hơn đến những hạng người này, chăm sóc đặc biệt hơn, đồng hành với họ, chia sẻ nếp sống của họ, chia sẻ của cải cho họ, trợ giúp thực tế khi họ cần.

Những hệ luận thực tế là: nếp sống khó nghèo của các thành viên có ơn gọi đặc biệt như giáo sĩ và tu sĩ, các giáo phận và giáo xứ, các Dòng tu, “bớt xây dựng các cơ sở có quy mô quá lớn và tốn kém quá nhiều”.

2. Giáo hội của mọi người và cho mọi người (ý nghĩa của từ “Công giáo”).

– Của mọi người: Giáo hội là của Chúa Kitô và của mọi người muốn là môn đệ Chúa Kitô. Giáo hội không là của riêng ai, không phải của hàng giáo phẩm hay hàng giáo sĩ, giới tu sĩ, mà là của mọi thành phần Dân Chúa. Cần có trách nhiệm liên đới của mọi thành phần Dân Chúa.

Hệ luận thực tế là cần có một sự hợp tác chặt chẽ hơn, phong phú và đa dạng hơn giữa các Dòng tu và các giáo sĩ triều. Cần phát huy tối đa vai trò của người giáo dân trong Giáo hội: làm cho mỗi người nhận ra cương vị của mình là “môn đệ của Chúa Kitô”, cùng với những người môn đệ khác, làm thành một Thân Thể Duy Nhất của Chúa Kitô.

– Giáo hội là cho mọi người, không phân biệt một ai. Giáo hội hướng tới mọi người, kể cả những người chưa tin Chúa. Chính vì thế mà sự đối thoại với mọi hạng người, là hết sức cần thiết, và đó là đường lối của Chúa Kitô. Giáo hội phải nói chuyện với mọi người, trao đổi với mọi người, theo như ý muốn của Chúa. Đường lối của Đức Thánh Cha Phanxicô rất rõ ràng: Đối thoại, Phân định và Dấn thân đến những “vùng ven”.

3. Giáo hội dấn thân loan báo Tin mừng:

Trước đây, các nhà truyền giáo nước ngoài và các linh mục, tu sĩ, giáo dân trong nước đã nỗ lực rất nhiều trong việc loan báo Tin mừng. Nhưng nói chung, giống nhiều nơi khác trên thế giới, công việc loan báo Tin mừng đã có phần khựng lại.

Giáo hội tại Việt Nam trong thời hiện đại, chưa chu toàn đầy đủ sứ vụ loan báo Tin mừng. Có những cố gắng còn rời rạc, chưa được nối kết và hướng dẫn. Cần phải có một sự “chuyển mình thật mạnh dạn”, thật can đảm chuyển từ một loại “mục vụ bảo trì” (pastorale de maintien), gìn giữ và bảo vệ cơ chế, cơ sở, sang một “mục vụ truyền giáo” đích thực (pastorale missionnaire).

Giáo hội là Giáo hội cho tất cả những ai cần “ơn cứu rỗi”, mà mọi người đều cần, dù ý thức hay không: những người chưa là Kitô hữu cũng như những người đang là. Chính vì thế mà có việc Phúc-Âm-hóa và việc Tân Phúc-Âm-hóa. Cần có một nhiệt tình mới, một phương pháp hay đường hướng mới, một cách diễn đạt mới trong việc loan báo Tin mừng. Cần phải Phúc-Âm-hóa mọi lãnh vực; những nơi nào chưa có đầy đủ ánh sáng, phải có ánh sáng (Ánh sáng Chúa Kitô), như những “vùng ven”, hiểu theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng; mọi “ngóc ngách của hữu thể”, mọi bình diện của cuộc sống.

4. Hội nhập văn hóa:

Để có thể Phúc-Âm-hóa và Tân Phúc-Âm-hóa cả chiều rộng, lẫn chiều sâu, cần có một “cố gắng vượt bậc” trong tiến trình “hội nhập văn hóa”.

Sở dĩ phải cố gắng tối đa và vượt bậc, vì lâu nay Giáo hội tại Việt Nam hơi quên lãng khía cạnh “hội nhập văn hóa” trong việc sống và loan báo Tin mừng. Một đàng, chúng ta không nên mặc cảm và coi Đạo Chúa trên Đất Việt là Đạo ngoại lai như một số người nghĩ, vì đã có những cố gắng đáng kể của cha ông chúng ta và của các nhà truyền giáo trong những thế kỷ qua. Đàng khác, nếu nhìn hiện trạng như hôm nay, thì phải công nhận “một thiếu sót lớn”. Riêng trong lãnh vực “tư duy”, chúng ta còn tư duy theo kiểu Tây phương nhiều hơn: các tu sĩ, giáo sĩ đều được gởi du học bên Tây. Các nhà thờ, tu viện, đều được xây dựng theo kiểu bên Tây. Lãnh vực Phụng vụ cũng chưa hội nhập gì đáng kể. Ngôn ngữ nhà đạo mà chúng ta sử dụng, còn xa lạ và khó hiểu đối với những người chưa biết Chúa. Hội nhập văn hóa dĩ nhiên phải được hiểu theo đa chiều: đưa Tin mừng vào văn hóa, để thăng tiến văn hóa từ bên trong (thăng hóa) ; đưa văn hóa vào “công việc loan báo Tin mừng”, để có được tiếng nói phù hợp với dân tộc Việt Nam. Dĩ nhiên điều cần lưu ý là những người mà chúng ta nói với là “những người Việt Nam của ngày hôm nay”. Xã hội Việt còn là xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc.

5. Giáo hội góp phần xây dựng xã hội:

Giáo hội góp phần tích cực vào các công việc xã hội, không giống như những hội từ thiện, hoặc những tổ chức phi chính phủ, nhưng vì chiều kích xã hội của Tin mừng.

Tình yêu và Chân lý là hai tiêu chuẩn cốt yếu của mọi đóng góp của Giáo hội, trong các lãnh vực xã hội, đặc biệt là giáo dục, y tế. Giáo hội cố gắng góp phần tích cực để lành mạnh hóa môi trường vật chất và tâm linh. Phần đóng góp lớn nhất và độc đáo nhất vẫn là loan “Tin mừng về Tình yêu của Thiên Chúa”, giới thiệu “Gương mặt dịu dàng” của Chúa Giêsu cho mọi người.

Mục vụ của Giáo hội phải là mục vụ của tình thương dịu dàng (pastorale de la tendresse), làm chứng cho sự dịu dàng của Thiên Chúa, một cách đặc biệt đối với các tội nhân. Cần đề cao và thi thành “mục vụ của lòng thương xót của Thiên Chúa (pastorale de la miséricorde). Mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các mục tử, cần phải là những “Đấng an ủi khác” (alter Paraclitus): Hãy ủi an Dân Chúa và mọi người, hãy mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Một cách thực tế, Giáo hội hôm nay cần phải để ý tới những ảnh hưởng tai hại của sự biến đổi khí hậu đến hành tinh của chúng ta, những thiên tai liên tiếp ập vào các miền thuộc Đất nước chúng ta, các tệ nạn xã hội làm hại tới cuộc sống của nhiều gia đình, nhất là giới trẻ.

6. Canh tân nếp sống và cách làm việc:

Cần mạnh dạn triệt để canh tân nếp sống và cách làm việc của mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt là của các thừa tác viên trong Hội thánh; cần chú trọng tới chất lượng của việc đào tạo nhiều hơn là số lượng. Phải củng cố và tăng cường “đời sống cầu nguyện” nơi mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt là nơi các giáo sĩ và tu sĩ, vì ngày nay ảnh hưởng xấu của khuynh hướng “duy thế tục” quá nặng nề, ngay cả trong tu viện, chủng viện, trong đời sống gia đình cũng như giáo xứ.

Cần nhấn mạnh nhiều hơn nữa đến chiều sâu đức tin, đến sự gặp gỡ Chúa trong cuộc sống, đến chỗ đứng của Lời Chúa và bí tích. Một cách đặc biệt, cần sự canh tân mục vụ bí tích khai tâm và bí tích Hòa giải. Quan trọng hơn cả vẫn là sự cần thiết phải có gương sáng trong lòng Hội thánh, nhất là gương sáng của các mục tử, các nhà đào tạo, các bề trên trong cộng đoàn, các phụ huynh trong gia đình.

Các vị Bề trên Thượng cấp thân mến,

Ngoài đường hướng đã được vạch ra trong Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi đề ra một vài dấu nhấn, để tránh sự hiểu lầm có thể có nơi một số người nghĩ rằng Giáo hội tại Việt Nam không đi vào “thực tế đời sống”, mà chỉ nói chung chung. Chúng tôi rất ý thức “cần phải đưa Ánh sáng Chúa Kitô”, đưa “Ánh sáng Đức tin” (Lumen Fidei) vào trong cuộc sống thực tế của xã hội hôm nay, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể nhấn mạnh một số điều cơ bản. Phần còn lại là công việc của mỗi người Kitô hữu muốn là người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Nói đến những dấu nhấn không có nghĩa là bỏ những điều tốt lành mà xưa nay chúng ta quen thực hiện, hoặc bỏ qua những hạng người không được đề cập đến trong bài nói chuyện này. Ví dụ, nói nhiều đến người nghèo không có nghĩa là bỏ các doanh nhân hay những người có điều kiện sinh sống tốt. Trong Giáo hội Công giáo, chúng ta vẫn có thói quen “bao hàm”, chứ “không loại trừ” (làm điều này, không bỏ điều kia, lo cho những hạng người này, không bỏ rơi những hạng người khác). 

TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây