TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Họp mặt các Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế

Thứ tư - 05/05/2021 03:23 |   954
Họp mặt các Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế

Họp mặt các Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế - Nhật ký ngày 04 tháng 12 năm 2013

Nhằm trao đổi những thao thức trong hoạt động giáo lý và đề nghị những giải pháp cho việc dạy và học giáo lý đạt hiệu quả, Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế tổ chức ngày họp mặt các Ban Giáo lý các giáo phận trong Giáo tỉnh từ chiều 04 đến chiều 05 tháng 12 năm 2013 tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Ban Mê Thuột.

Hiện diện trong cuộc họp mặt này, quý Cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo lý viên hân hạnh được đón tiếp Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột đến tham dự và ban huấn từ.

Cùng đồng hành với các tham dự viên còn có Đức Ông Đa Minh Hà Duy Khâm, tổng đại diện; Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Giáo Lý toàn quốc; Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Kim Long, chưởng ấn Toà Giám mục và quý Cha chuyên viên thần học Giáo phận Ban Mê Thuột Augutinô Hoàn Đức Toàn, Giuse Nguyễn Văn Uý, Giuse Bùi Công Chính và G.B. Nguyễn Quốc Hưng.

Sau nghi thức khai mạc do Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Trưởng Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế chủ sự,  Đức Cha Vinh Sơn chào mừng Cha Trưởng Ban Giáo lý toàn quốc, Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế và quý Cha, quý tu sĩ thuộc Ban Giáo lý các Giáo phận Huế, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum và Ban Mê Thuột, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em GLV hiện diện trong cuộc họp mặt này trước khi ban huấn từ.

Trong phần huấn từ, Đức Cha Vinh Sơn gợi ý suy tư về công cuộc Tân Phúc Âm Hóa trong thờ đại ngày nay. Đây là một đòi hỏi thiết thực đối với những người tham gia công việc giáo lý.
Với đức tin của Giáo Hội, nội dung giáo lý, đức tin công giáo hay chính Chúa Kitô không thay đổi. Thế nhưng, phương pháp tiếp cận và truyền đạt phải canh tân, phải thay đổi để phù hợp với thực trạng xã hội, với cách suy nghĩ của con người ngày nay.
Ngài nói: “Tân Phúc Âm hoá không phải là thay đổi nội dung mà trình bày về Đức Kitô với một nhiệt tình mới, với một phương pháp mới, để có thể giới thiệu một Đức Kitô mà con người có thể đón nhận”. “Tân Phúc Âm Hoá, không thuộc về bản chất của Tin Mừng mà ám chỉ về cách thế diễn tả Tin Mừng cũng như cách sống đạo của chúng ta”, Đức Cha trích dẫn lời Đức Cha Nguyễn Thái Hợp. Chúng ta cần phải trả về cho Tin Mừng nội dung đích thực là Chúa Giêsu. Chúng ta không phải là người giải thích về Lời Chúa, không áp đặt những điều chúng ta nghĩ suy về Chúa. Nhưng chúng ta thay đổi phương pháp để con người ngày nay có thể chấp nhận để rao giảng một Đức Kitô đích thực, một Đức Kitô muôn thuở rõ nét và chân thật. “Sống và rao giảng Tin Mừng với sự nhiệt tình mới là trình bày Tin Mừng và đón nhận cách thế tiếp nhận của người khác, tôn trọng phẩm giá con người và sự khác biệt của con người trong cách suy nghĩ, trong cách tiếp cận của họ”. Trong việc soạn thảo giáo trình, Đức Cha nhấn mạnh rằng vấn đề không phải là phương pháp nào hay hơn phương pháp nào mà là phương pháp nào thích hợp hơn với cộng đoàn mình có trách nhiệm.

Đức Cha kết luận: “Sự hiểu biết về điều cốt lõi về Chúa Giêsu và lòng yêu mến Giáo Hội, yêu mến con người giúp chúng ta có một sự lựa chon hợp lý”.
Theo chương trình, thời gian làm việc chiều nay dành cho các bài chia sẻ của 2 Giáo phận Huế và Nha Trang sau đó cử toạ cùng góp ý thảo luận.

Bài chia sẻ thứ nhất

BGL Giáo phận Huế, do Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Hoàng Hải, Phó Ban Giáo lý Giáo tỉnh Huế, Trưởng BGL Giáo phận, trình bày:

Mở đầu, Cha  nêu lên những khó khăn trong việc dạy và học Giáo lý của Giáo phận mình:
Trước hết là tình trạng giáo lý sinh. Các em đang trong lứa tuổi học phổ thông, nên việc học văn hoá nơi nhà trường đã là một áp lực lớn, nên các em dễ bỏ lớp hoặc khó đến lớp.
Kế đến là việc đào tạo giáo lý viên, một công việc dài hơi và nhiều công sức, do đó có phần nặng nề mà hiệu quả không được như mong muốn. Ngài cho biết: “Mặc dù hầu hết anh chị em đều có lòng đạo đức, nhiệt thành, nhưng trình độ so với mặt bằng chung của xã hội còn thấp và một số anh chị em có cuộc sống không ổn định, nên việc đào tạo nhiều khi hoài công, vì họ phải lo kiếm sống, không thể tham gia sứ vụ lâu dài”
Sau nữa là vấn đề qui tụ học viên, cũng là một vấn đề lớn của Giáo phận, vì địa bàn các giáo xứ nhỏ lẻ và xa xôi. Lắm lúc GLV phải đi đến từng nhà nhưng chỉ được vài em đi học. BGL đang nỗ lực để khắc phục tình trạng trên.
Cuối cùng các linh mục quản xứ đều muốn đồng hành cùng GLV, thậm chí rất nhiều mục tử cùng tham gia giảng dạy, nhưng do công việc mục vụ chiếm nhiều thời gian nên không thể trực tiếp chăm sóc các lớp học.

Vấn đề dạy giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, Cha Phanxicô Xaviê trình bày: “Cần đẩy mạnh việc dạy giáo lý trong đời sống gia đình. Cần hài hoà giữa việc học thuộc lòng những quy tắc đức tin là nền tảng không thể thiếu và việc giúp học viên hiểu đức tin để sống. Việc huấn giáo cấp phổ thông cần giúp học viên có một niềm tin căn bản để đưa các em vào đời với một đức tin trưởng thành”.

Cha đặt vấn đề: “Nên chăng không dừng lại trong phòng lớp, hay chỉ đóng khung trong khuôn viên nhà thờ vì giờ giáo lý không phải là giờ học mà là giờ cầu nguyện? Nên chăng cần thay đổi cách dạy, trao trách nhiệm nhiều hơn cho cha mẹ, dành thời gian nhiều hơn cho việc thực hành và tập làm quen với một lối sống nhân bản?”.
Ngài nói thêm rằng các giáo trình giáo lý hiện nay có đưa ra phần thực hành cho mỗi bài học nhưng chỉ với một tỷ lệ nhỏ so với thời lượng học tập và rèn luyện đức tin. Giáo phận Huế đang cố gắng xây dựng một phương pháp hiệu quả hơn cho địa phương mình từ bây giờ, bắt đầu bằng các lớp giáo lý mẫu giáo.

Bài chia sẻ thứ hai

BGL Giáo phận Nha Trang, do Cha Phêrô Lê Văn Ninh, Trưởng Ban Giáo Lý Giáo phận, trình bày. Cha Phêrô mở đầu bài chia sẻ bằng cách giới thiệu tổng quát tình hình dân số, số giáo dân và giáo lý sinh, các giáo hạt của Giáo phận. Sau đó, ngài tổng lược các kế hoạch 5 năm hoạt động dạy và học giáo lý như sau:
Từ 1995-1999:
- Huấn luyện, đào tạo và hoàn thành bộ sách Giáo Lý Phổ Thông.
- Ổn định cơ cấu tổ chức.
Từ 2000-2004:
- Chỉnh sửa toàn bộ sách Giáo lý.
- Tổng hợp kinh nghiệm chỉ đạo chuyên đề.
- Huần luyện trưởng và phó Ban Điều Hành các giáo hạt.
- Huấn luyện tổ trưởng chuyên môn các giáo hạt.
Từ 2005-2009:
- Biên soạn mới sách giáo khoa dành cho giáo lý sinh.
- Biên soạn sách các môn thần học giáo dân.
- Cập nhật chương trình Giáo lý “hỏi thưa”.
- Soạn thảo tập trắc nghiệm Giáo lý cho GLV.
- Biên soạn “Lịch sử Công giáo toàn cầu và Việt Nam”.
- Ổn định tổ chức nhân sự để đạt hiệu quả trong hoạt động.
Cha kết luận: Những việc làm trên đã tạo được nếp dạy và học Giáo lý trong Giáo phận và được sự cộng tác của cộng đoàn. Hiện nay Ban Giáo Lý đang tiến hành lập Hội Phụ Huynh Giáo Lý Sinh để giúp các bậc cha mẹ quan tâm hơn đến việc học giáo lý của con em mình.
“Tuy nhiên, cha nói thêm, vai trò quan trọng hàng đầu vẫn là các linh mục quản xứ, nhất là trong việc đào tạo, nên BGL thường gửi tài liệu về các giáo xứ để các ngài tự phân phối chương trình học tuỳ tình hình thực tế của địa phương mình. Vẫn còn đó những yếu tố xã hội như: Việc học văn hoá căng thẳng, tình trạng tục hoá của xã hội tác động … đang ảnh hưởng không ít đến hoạt động Giáo lý”.
Buổi tối, quý cha cùng anh chị em tham dự viên viếng thăm Nhà Lưu Trú Sắc Tộc Têrêxa, nơi lưu trú của hơn 100 học sinh và sinh viên con em đồng bào các dân tộc thiểu số, do các nữ tu Dòng Nữ Vương Hoà Bình Ban Mê Thuột phụ trách. Thời gian không nhiều, nhưng những hoạt động của các em tạo một ấn tượng đẹp đối với quý Cha và anh chị em giáo lý viên, và “chúng tôi học được nơi các em rất nhiều điều về sứ vụ loan báo Tin Mừng” (lời Cha Trưởng Ban Giáo lý toàn quốc).

(còn tiếp)
Ban Giáo lý và Ban VH-TT/ GP. BMT

(XIN XEM HÌNH)

 

ĐÊM TUYỆT VỜI - ĐÊM HỘI NGỘ THẮP SÁNG NIỀM TIN

Một ngày làm việc khẩn trương đầy ý thức trách nhiệm, sau bữa cơm tối, đoàn xe đưa quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và Anh Chị Giáo lý viên của 6 Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế, đến thăm nhà lưu trú Têrêxa, số 29 đường Trần Nhật Duật, Tp Buôn Ma Thuột, nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ và đào tạo các em sắc tộc nghèo, không có điều kiện đến trường, trở thành những người có ích cho Giáo Hội và xã hội, giúp các em có đời sống đức tin trưởng thành, để có thể loan báo Tin Mừng cho buôn làng của mình. Nhà lưu trú Têrêxa hiện có 12 sắc tộc: Kinh, Tày, Mèo, Nùng, Thái, Dao, Sê Đăng, Êđê, M’nông, M’nông Bré, R’Ngao, H’Mông, được các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình huấn luyện để bảo tồn văn hóa sắc tộc của mình, nhất là âm nhạc Tây nguyên

Đến nơi, quý khách được các em trong những trang phục riêng của từng sắc tộc và quý Nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình đón tiếp trong tiếng cồng chiêng vang vọng trong đêm tối. Lối đi vào nhà lưu trú, hình ảnh đầu tiên mọi người nhìn thấy là tượng đài Đức Mẹ Maria. Bên cạnh tượng đài là nhà nguyện nhỏ, kiểu nhà Rông. Cung thánh, tượng Đài Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse được thiết kế theo kiểu dân tộc Tây nguyên.

Đêm Hội ngộ gồm ba phần:
- Phần thứ nhất: ĐÊM HỘI NGỘ THẮP SÁNG NIỀM TIN
Đêm nhạc Tây nguyên được bắt đầu với lời chào mừng của Nữ tu phụ trách và bản hợp ca “Tạ ơn Tây Nguyên” của hơn 100 em sắc tộc; bản hòa tấu “Đêm Hội Tây Nguyên” mang nhạc điệu Tây nguyên hùng tráng. Tiếp đến, nhạc vũ “Mưa trên Buôn”, giới thiệu y phục của từng sắc tộc; “Đôi Chân Trần” ...; đặc biệt, chỉ với một chiếc lá làm kèn, các em đã lôi cuốn khán thính giả vào một đêm hội rộn ràng, ấm cúng, mang đậm dấu ấn tình người với bản nhạc “ Ngự vào lòng con Chúa ơi ngay giờ này”.

- Phần thứ hai: ẨM THỰC TÂY NGUYÊN
Bên ánh lửa bập bùng giữa màn đêm, quý khách được thưởng thức ẩm thực Tây nguyên: những ché rượu cần, những ống Cơm Lam (cơm ống tre), đậu phụng rang, lạc luộc, những củ khoai lang, khoai mì nướng hoặc luộc.... vừa ăn vừa xem các em trình bày những hát bản làngTây nguyên quyện với tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng hòa trong gió lạnh của mùa đông cao nguyên, quí khách cảm thấy thật vui vẻ, ấm áp và ngon miệng!

- Phần kết thúc: TẠ ƠN MẸ MARIA
Quý khách được trao những ngọn nến và những đóa hoa hồng để dâng lên Đức Mẹ tạo nên một trái tim yêu thương và ánh sáng lung linh trên mặt nước hồ.
Buổi tham quan được kết thúc bằng vũ điệu “Dưới Mái Trường Đức Maria” đưa mọi người về với Mẹ và đến với nhau trong yêu thương tha thiết, dù sương đã rơi, gió ùa về càng lúc càng mạnh hơn.

Cuộc thăm viếng nhà lưu trú Têrêxa đã để lại trong lòng mọi người bao ngỡ ngàng nhưng tràn ngập niềm thương mến, bởi sự đón tiếp của quý Nữ tu và các em sắc tộc với phần trình diễn âm nhạc Tây nguyên đặc sắc, khiến Cha Thư ký Trưởng Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN xúc động nói :“Các em sắc tộc đã dạy cho các cha và mọi người một bài học về sống yêu thương và hiệp nhất.”

Thời gian ngắn ngủi yêu thương,
Trở về nuối tiếc vấn vương ngập lòng.

Xin cảm ơn Nhà lưu trú Têrêxa đã trao tặng cho mọi người một Đêm Tuyêt Vời, đêm đầy ắp tình người.

(XIN XEM HÌNH TẠI ĐÂY)
Ban Giáo lý và Ban VH-TT/ GP. BMT

 

Sau thánh lễ lúc 5g00 sáng ngày 5. 12. 2013, cha Phanxicô Xaviê Phạm Ngọc Quang, Trưởng Ban Giáo lý Giáo phận Kontum chia sẻ:

Bài chia sẻ thứ 3

Giáo phận Kontum - Cha Phanxicô Xaviê Phạm Ngọc Quang, Trưởng Ban Giáo lý, trình bày về thực trạng loan báo Tin Mừng trong xã hội ngày nay. Theo Cha, “càng lớn càng ít quan tâm tới việc học giáo lý, không tha thiết với nếp sống đạo nơi anh em sắc tộc cũng như người Kinh. Giáo lý không còn sức thu hút, hướng dẫn giới trẻ”.


Sau khi trình bày và phân tích những nguyên nhân xã hội và tâm linh khiến lớp trẻ ngày nay ít quan tâm tới việc học giáo lý. Cha  Phanxicô Xaviê, từ kinh nghiệm về việc truyền giáo nơi vùng anh em sắc tộc Giáo phận Kontum, cho biết: “Chúng ta không là Kitô hữu mà trở thành Kitô hữu suốt đời. Để trở thành môn đệ Chúa và sống chứng nhân cho Chúa, tức là đáp ứng sứ vụ truyền giáo dựa trên 5 cột trụ: Cầu nguyện, phục vụ, đời sống huynh đệ, hướng dẫn thiêng liêng và truyền giáo. Kinh nghiệm các cộng đoàn nhỏ, đến và lắng nghe những người nghèo, khó khăn trong giáo xứ, trong xã hội”.

Trong phần trình bày của mình, Cha giới thiệu các nhân chứng đã hoạt động truyền giáo bằng cách riêng của họ và đã đem lại kết quả, để nói về những việc làm thực tế để cùng chia sẻ.
Theo Cha, thao thức “làm sao để Tin Mừng hấp dẫn và thuyết phục con người hôm nay” và nhận thấy rằng “loan báo tin mừng được thể hiện bằng sự hiện diện của người mục tử cùng cộng đoàn trong lúc khó khăn và đồng hành với họ trong những lúc khó khăn”.
Nếu có được tinh thần như vậy, Cha kết luận: “Những thay đổi trái chiều, những khủng hoảng xã hội tuy là một thử thách, nhưng cũng là một cơ may để loan báo Tin Mừng, để cảm nhận bối cảnh chung quanh theo cách nhìn của Chúa”.

Bài chia sẻ thứ 4

Tình hình Giáo Lý Giáo phận Đà Nẵng - Cha Trưởng ban Giáo lý giáo phận Giuse Nguyễn Văn Phú.
Từ sau 1975 việc dạy giáo lý gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các linh mục quản xứ vẫn tìm đủ mọi cách có thể để giúp thiếu nhi và người lớn học hỏi giáo lý tùy theo hoàn cảnh. Lúc này, đa số các giáo xứ dạy theo sách Giáo Lý Tân Định hoặc phổ biến giáo lý bằng thơ dễ nhớ.
Năm 1994, Giáo phận soạn giáo trình giáo lý theo các cấp: Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và Dự  Tòng và các khoá đào tạo GLV được mở hàng năm. Đến cuối năm 2010, các lớp giáo lý được phân cấp từ Khai tâm, Rước Lễ lần đầu, Thêm sức, Phụng vụ, Thánh Kinh đến Vào Đời, dành cho thiếu nhi từ 5 đến 18 tuổi. Tuy nhiên chưa có một giáo trình Giáo Lý thống nhất trong giáo phận.
Ban Giáo Lý chú trọng đến việc đào tạo GLV nhằm mục đích trang bị cho họ những kiến thức cần thiết về Tín lý, Luân lý, Tân Ước, Phụng vụ bí tích, nhân bản và linh đạo GLV và phương pháp sư phạm.
Cha Trưởng Ban GL giáo phận kết thúc bài chia sẻ bằng một vài nhận xét và đề nghị: “Chương trình giáo lý còn giới hạn trong việc trang bị hành trang cho học sinh, chứ chưa có tác dụng giúp học sinh ý thức và sử dụng hành trang ấy phục vụ sứ mạng truyền giáo, trong ki sứ mạng này là bản tính của Giáo Hội. Vì vậy, sau một thời gian dài học xong chương trình giáo lý phổ thông, các em không biết truyền giáo là  gì, làm thế nào để truyền giáo và sứ mạng truyền giáo đòi buộc sống như thế nào”. Và ngài đề nghị dạy môn Truyền Giáo trong các lớp vào đời và đào tạo GLV dạy môn này.

 

Bài chia sẻ thứ 5

Cha Trưởng Ban giáo lý Giáo phận Quy Nhơn, Giuse Đặng Công Anh giới thiệu chương trình giáo lý đặc biệt chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm Giáo phận.
Đây là một chương trình học song song với chương trình Giáo Lý Phổ Thông trong giai đoạn này, theo từng chủ đề hàng năm và kéo dài trong 7 năm (2012 đến 2018). Nội dung chương trình triển khai trong 2 chiều kích: thiêng liêng và truyền giáo.
Chủ đề hàng năm như sau:
- 2012: Sám hối và Thanh tẩy.
- 2013: Củng cố niềm tin.
- 2014: Gia tăng đức ái.
- 2015: Chiếu tỏa niềm tin.
- 2016: Cậy trông phó thác.
- 2017: Yêu thương phục vụ.
- 2018: Tri ân cảm tạ.


Cha cho biết: “Để thể hiện chiều kích thiêng liêng, chương trình nay sẽ được tổ chức theo lươc đồ 7 ngày trong công trình tạo dựng vũ trụ theo sách Sáng Thế, chương I”. Và “để thể hiện định hướng truyền giáo, trong 6 năm chuẩn bị gần (2012-2018), toàn thể giáo phận sẽ cùng nhau học hỏi và thực hiện giáo huấn truyền giáo của Giáo Hội qua sắc lệnh truyền giáo Ad gentes của Công đồng Vaticanô II”. Song song với việc học hỏi và thực hành Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, toàn thể cộng đoàn dân Chúa còn ôn lại những chặng đường lịch sử 400 năm của giáo phận, để từ đó rút ra những bài học quý giá cho cuộc sống đức tin và công cuộc truyền giáo hiện nay.

Bài chia sẻ thứ 6 

Ban giáo lý giáo phận BMT chia sẻ với nạn nhân bão lụt Qui Nhơn

Ban giáo lý giáo phận Banmêthuột :Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu trình bày thao thức riêng của giáo lý BMT trong giai đoạn hiện nay: Giáo lý viên dự tòng và hôn nhân.

Sau khi sơ lược về việc rửa tội cho người Dự Tòng trong lịch sử Giáo Hội từ buổi sơ khai đến nay, Cha Trưởng Ban nhấn mạnh đến thực tế tình hình xin học đạo và gia nhập đạo ngày càng nhiều của Giáo Hội tại Việt Nam. Người ngoài Công giáo biết đến Chúa và xin gia nhập đạo bằng nhiều con đường nhưng con đường hôn nhân là rất thường tình và phổ biến. Do đó, việc dạy Dự Tòng và Hôn Nhân trong thực tế Giáo phận Ban Mê Thuột luôn là quá tải, và họa hiếm lắm mới có một dự tòng “đúng nghĩa”.


Đứng trước thực tại ngày càng cần có người dạy Giáo Lý Dự Tòng và Hôn Nhân, ngay từ đầu năm 2005, BGL bắt đầu đào tạo 4 khóa GLV dạy Dự Tòng và Hôn Nhân mang tên Anrê Phú Yên.
Giáo lý Dự Tòng và  Hôn Nhân không chỉ học về luân lý, tín lý, phụng vụ bí tích, cầu nguyện .v.v… mà còn một vấn đề lớn nữa: Bảo Vệ Sự Sống. Do đó BGL đã cử người đi học và lập Nhóm Bảo vệ sự sống theo phương pháp rụng trứng Billings. Cha trăn trở: “Mình Phải đồng hành với Giáo Hội, cho hạnh phúc gia đình như thế nào? Chúng con đã vạch ra, và cùng nhau bắt đầu vào công việc âm thầm nhưng quan trọng và cần thiết này, chả lẽ chúng ta cứ loay hoay với việc làm xem ra là bác ái, an tâm nhất, là chôn cất thai nhi?”.

Nhân dịp này, một chuyên viên của BGL về Phương pháp Rụng trứng Billings giới thiệu sơ lược về tổ chức WOOMB quốc tế và WOOMB Ban Mê Thuột.

Bế mạc.

Cha thư ký BGL Giáo tỉnh Giuse Lưu Thanh Kỳ đúc kết các chia sẻ và ý kiến thảo luận.


Cha Trưởng Ban Phêrô Nguyễn Văn Hiền nhận xét về tinh thần ngày làm việc là thân tình, vui tươi đầy tình huynh đệ. Ngài nêu bật tinh thần thẳng thắn, phản ánh đúng thực tại giáo lý hiện nay trong các chia sẻ và thảo luận. Cho dù về phương pháp còn có những quan điểm tưởng như trái ngược nhau, nhưng để loan báo Tin Mừng, chúng ta đang cùng nhau áp dụng những phương thức thích hợp cho từng hoàn cảnh trong môi trường xã hội hiện nay nhằm giới thiệu trung thực hình ảnh Chúa Giêsu đến với muôn dân.

 

Sau nghi thức bế mạc, Đức Cha Vinh Sơn ban phép lành lên đường.
Hội nghị kết thúc lúc 15g00.

 

Ban Giáo lý và Ban VH-TT / GP. BMT

(XIN XEM HÌNH) (1)

HÌNH (2)

HÌNH(3)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây