TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Kinh Truyền Tin 14/11: Đâu là lựa chọn của tôi?

Chủ nhật - 14/11/2021 19:06 | Tác giả bài viết: |   1141
Vào lúc 12h trưa Chúa Nhật ngày 14/11/2021, Đức Thánh Cha có buổi Đọc Truyền Tin với các tín hữu.
Kinh Truyền Tin 14/11: Đâu là lựa chọn của tôi?

Kinh Truyền Tin 14/11: Đâu là lựa chọn của tôi?

Vào lúc 12h trưa Chúa Nhật ngày 14/11/2021, Đức Thánh Cha có buổi Đọc Truyền Tin với các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu, Đức Thánh Cha suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật 33 Thường niên năm B, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu suy nghĩ về đâu là điều trọng tâm trong đời sống của chúng ta? Về những gì mà chúng ta đang đầu tư cho sự sống vĩnh cửu mai sau. Đó là những thứ đang qua đi hay là Lời trường tồn của Chúa?

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đoạn Tin Mừng của phụng vụ hôm nay mở đầu bằng một câu nói của Chúa Giêsu gây nên sự kinh ngạc: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống” ( Mc 13, 24-25). Nhưng làm thế nào, ngay cả Chúa cũng bắt đầu bằng việc nói về thảm họa? Không, chắc chắn đây không phải là ý định của Người. Người muốn chúng ta hiểu rằng mọi thứ trên đời này, sớm muộn gì cũng qua đi. Ngay cả mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tạo nên “vòm trời” - một từ biểu thị “sự vững chắc”, “sự ổn định” - cũng có số phận phải qua đi.

Tuy nhiên, cuối cùng, Chúa Giêsu nói đến điều không sụp đổ: “Trời đất sẽ qua đi - và Người nói - nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (câu 31). Lời của Thiên Chúa sẽ không qua đi. Người phân biệt giữa những điều áp chót là những thứ sẽ qua đi và những điều cuối cùng là những thứ còn lại. Đó là một thông điệp cho chúng ta giúp chúng ta định hướng những lựa chọn quan trọng của chúng ta trong cuộc đời, để chúng ta định hướng điều gì đáng để chúng ta đầu tư cuộc sống của mình? Chúng ta đầu tư vào những thứ sẽ qua đi hay vào lời của Chúa Giêsu tồn tại muôn đời? Rõ ràng, về những điều này, thật không dễ chút nào. Trên thực tế, những điều thuộc về cảm giác của chúng ta và ngay lập tức chúng mang lại cho chúng ta sự hài lòng và thu hút chúng ta, trong khi những lời của Chúa, tuy đẹp đẽ, vượt lên trên cái tức thời và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Chúng ta bị cám dỗ để bám vào những gì chúng ta nhìn thấy, và đụng chạm, và đối với chúng ta, nó dường như an toàn hơn. Con người là như thế, và đó là cám dỗ. Nhưng đó là một sự lừa dối, bởi vì “trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy sẽ chẳng qua đâu”. Vì vậy, đây là lời mời: đừng xây dựng cuộc sống trên cát. Khi xây nhà, bạn đào sâu và đặt nền móng thật vững chắc. Chỉ có kẻ khờ dại mới nói đó là tiền vứt đi cho những thứ không nhìn thấy. Đối với Chúa Giêsu, người môn đệ trung tín là người đặt cuộc sống trên đá, đó là Lời của Người (x.Mt 7, 24-27) là điều không qua đi, đặt cuộc sống trên sự vững chắc của Lời Chúa Giêsu: đây là nền tảng của cuộc sống mà Chúa Giêsu muốn trao cho chúng ta, và nó sẽ không qua đi.

Và bây giờ, có một câu hỏi mà luôn luôn: khi chúng ta đọc Lời Chúa, chúng ta phải đặt câu hỏi để tự vấn: Đâu là trọng tâm, đâu là nhịp đập của Lời Chúa? Tóm lại, điều gì mang lại sự vững chắc cho cuộc sống và sẽ không bao giờ kết thúc? Thánh Phaolô nói với chúng ta. Chính trung tâm, trái tim đang đập, vốn là nơi mang đến sự vững chắc, lòng bác ái: “Đức mến không bao giờ mất được” ( 1Cr 13,8). Thánh Phaolô đã nói vậy, đó là tình yêu. Ai làm việc lành thì đầu tư cho sự sống vĩnh cửu. Khi chúng ta thấy một người rộng lượng và tử tế, hiền lành, nhẫn nại, không đố kỵ, không nói xấu, không tự phụ, không kiêu căng, không coi thường (x. 1Cr 13 : 4-7), thì đây là một người xây dựng Thiên đàng trên trái đất. Có thể anh sẽ không được chú ý, sẽ không thu lợi, sẽ không được nổi trên các tờ báo nhưng những gì anh làm sẽ không bị mất. Vì điều tốt đẹp không bao giờ mất đi, điều tốt đẹp còn mãi.

Và chúng ta, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự vấn: mình đang đầu tư gì cho cuộc sống của mình? Về những thứ trôi qua, như tiền bạc, thành công, ngoại hình, thể chất? Những thứ này vốn là điều mà chúng ta sẽ không mang theo được. Chúng ta có bị dính mắc vào những thứ trần gian, như thể chúng ta phải sống ở đây mãi mãi không? Khi chúng ta còn trẻ, còn khỏe, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng khi đến giờ từ giã, chúng ta phải bỏ lại tất cả. Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta rằng: khung cảnh đất trời này sẽ qua đi. Và chỉ đức mến sẽ còn lại. Vì thế, sống theo Lời Chúa không phải là trốn chạy khỏi lịch sử, nhưng là dìm mình vào những thực tại trần thế để làm cho chúng vững chắc, để biến đổi chúng bằng tình yêu, khắc ghi nơi chúng dấu ấn của sự vĩnh cửu, dấu chỉ của Thiên Chúa. Đây chính là lời khuyên để nắm lấy những lựa chọn quan trọng. Khi tôi không biết phải làm gì, làm thế nào để đưa ra một lựa chọn dứt khoát, một lựa chọn quan trọng, một lựa chọn quan trọng đối với tình yêu của Chúa Giêsu, thì tôi phải làm gì? Trước khi quyết định, chúng ta hãy tưởng tượng mình đang đứng trước Chúa Giêsu, như đang trong phút cuối cuộc đời, trước mặt Đấng là tình yêu. Và hãy suy nghĩ về điều đó, trước sự hiện diện của Người, trước ngưỡng cửa vĩnh cửu, chúng ta hãy đưa ra quyết định cho ngày hôm nay. Vì vậy, chúng ta phải quyết định: luôn luôn hướng nhìn về sự sống vĩnh cửu, hướng nhìn về Chúa Giêsu. Nó có thể không phải là điều dễ dàng nhất, nó có thể không phải là tức thời nhất, nhưng nó sẽ là điều tốt (xem sách Linh Thao, Thánh Inhaxiô Loyola, số 187)**, điều chắc chắn.

Xin Đức Mẹ giúp chúng ta có những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời như Mẹ đã làm: theo tình yêu và theo Chúa.

**Số linh thao 187: Hãy ngắm nhìn và suy xét tình trạng của tôi trong ngày phán xét thế nào, hãy nghĩ xem lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình đã tuân theo, tôi nhận lấy ngay bây giờ, để lúc ấy tôi được hạnh phúc và vui mừng trọn vẹn.

Vatican News

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây