Lễ khai mạc Triển lãm “Những Gương mặt hướng tới tương lai”, hai mươi bức chân dung của những người tị nạn được Trung tâm Astalli tiếp đón, diễn ra vào lúc 11.00 tại nhà thờ thánh Anrê ở Quirinale, cạnh dinh Tổng thống, với sự hiện diện của Đức Hồng y Angelo De Donatis, Đức Hồng y Michael Czerny, Chủ tịch Vùng Lazio Nicola Zingaretti và Thị trưởng Roma Roberto Gualtieri.
Các tương quan và hiểu biết hỗ tương
Mở đầu thư Đức Thánh Cha viết: “Câu chuyện của các bạn, những người đã đi chung một đoạn đường với Trung tâm Astalli, Cơ quan Trợ giúp Tị nạn của Dòng Tên ở Ý, đôi khi ngắn và đôi khi rất dài, tìm thấy ý nghĩa và sức mạnh trong mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau để dấn thân đi đến con đường dẫn đến tự do”.
Những sa mạc tình người
40 năm qua, Đức Thánh Cha nhận định rằng nhiều người phải chạy trốn các điều kiện sống như nô lệ, nơi họ bị tước đoạt phẩm giá và bị đối xử như đồ vật. Những người di cư đã biết sự khủng khiếp của chiến tranh, không có quyền lợi và tự do, đất đai khô cằn, nước non ô nhiễm và chỉ còn cách tìm đến một nơi an toàn để thực hiện ước mơ, khát vọng và sử dụng tài năng và năng lực của mình.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng không phải những người di cư đều được tự do thật sự và họ thường gặp những “sa mạc nhân loại, với sự dửng dưng đã lan tràn toàn cầu và làm khô héo các tương quan giữa con người”.
Người di dân là dấu hiệu của hy vọng
Tuy nhiên, 40 năm và trong sa mạc này, trên hết có rất nhiều hy vọng cho phép chúng ta mơ ước cùng nhau bước đi như một dân tộc mới “hướng đến một chúng ta luôn mở rộng hơn”. Và Đức Thánh Cha khẳng định: “Trên hết, các bạn, những người tị nạn, là một dấu hiệu và khuôn mặt của niềm hy vọng này. Trong các bạn luôn có khao khát có được một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc nâng đỡ các bạn khi đối mặt với những hoàn cảnh và khó khăn cụ thể cách dũng cảm mà dường như nhiều người không thể vượt qua được. Khi có cơ hội, các bạn cho chúng tôi những lời không thể thiếu để biết, hiểu, không lặp lại sai lầm của quá khứ, thay đổi hiện tại và xây dựng một tương lai hòa bình”. Theo Đức Thánh Cha, lịch sử của những người thiện chí ở Trung tâm Astalli cũng là một dấu chỉ hy vọng.
Cuối cùng Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi: “Giờ đây, đã đến lúc chúng ta phải sống trong miền đất hứa, một miền đất của tình liên đới, nơi chúng ta phục vụ lẫn nhau, đã đến lúc một ngôi nhà chung được tạo nên từ các dân tộc anh em”. (CSR_7457_2021).
Hồng Thủy - Vatican News