Điều này có nghĩa là Tòa Thánh sẽ là Quan sát viên với tư cách là “Quốc gia không phải là thành viên của tổ chức Y tế Thế giới”, và sẽ được phép quan sát các phiên họp và tham gia các cuộc tranh luận. Không giống như các quốc gia thành viên, Tòa thánh sẽ không được phép bỏ phiếu về các vấn đề hoặc đưa ra các ứng cử viên.
Trong thông cáo ngày 1/6 Phòng Báo chí Tòa Thánh viết: “Quyết định này phản ánh mối quan hệ mà Tòa Thánh đã liên tục duy trì với Tổ chức này kể từ năm 1953 và nó chứng tỏ cam kết của gia đình các quốc gia trong việc giải quyết, thông qua đối thoại và liên đới quốc tế, những thách thức sức khỏe toàn cầu gây ảnh hưởng đến nhân loại. ”
71 quốc gia ủng hộ
Nghị quyết đề nghị Tòa Thánh là quan sát viên thường trực tại Tổ chức Y tế Thế giới được đồng bảo trợ bởi 71 quốc gia từ tất cả các khu vực địa lý, được đệ trình lên Đại Hội đồng hôm 26/5. Nghị quyết lưu ý rằng Tòa thánh đã thường xuyên tham dự các phiên họp của Đại hội đồng Y tế với tư cách là Quan sát viên kể từ năm 1953, và cũng có quy chế quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp quốc từ năm 1964.
Bên cạnh đó, Tòa Thánh cũng có các cơ quan đại diện tại các phái bộ Quan sát viên tại Văn phòng Liên Hiệp quốc ở Genève, Thụy Sĩ, và tại Vienna, Áo.
Một giá trị quý giá
Chính phủ Ý xem vị thế Quan sát viên Thường trực tại Tổ chức Y tế Thế giới “là sự nhìn nhận vai trò quan trọng của Tòa thánh trong lĩnh vực nhân đạo và y tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và gần đây nhất là trong cuộc chiến chống đại dịch.”
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế của Ý, ông Luigi Di Maio, đã bày tỏ sự hài lòng về kết quả đạt được tại Genève. Ông nói: “Tôi tin chắc rằng Tòa thánh, tổ chức đã hỗ trợ trong nhiều năm cho hàng triệu người có nhu cầu trên khắp thế giới qua các tổ chức của Giáo hội Công giáo, sẽ mang lại giá trị quý giá cho Tổ chức Y tế Thế giới và sẽ tăng cường hơn nữa tinh thần liên đới trên bình diện toàn cầu. Nó sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho tất cả các Quốc gia thành viên.” (CNA 01/06/2021).
Hồng Thuỷ - Vatican News