TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm C

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 31-33a.34-35)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ Điệp nhân dịp Đại lễ VESAK 2025

Thứ ba - 13/05/2025 17:24 | Tác giả bài viết: HY George Jacob Koovakad |   32
Nhân dịp Đại lễ Vesak 2025 – Phật lịch 2569, Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến quý Phật tử sứ điệp với chủ đề: “Phật tử và Kitô hữu trong cuộc đối thoại giải thoát cho thời đại chúng ta”.
Sứ Điệp nhân dịp Đại lễ VESAK 2025

SỨ ĐIỆP GỬI QUÝ PHẬT TỬ NHÂN DỊP ĐẠI LỄ VESAK 2025: PHẬT TỬ VÀ KITÔ HỮU TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI GIẢI THOÁT CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA


WHĐ (13/5/2025) – Nhân dịp Đại lễ Vesak 2025 – Phật lịch 2569, Bộ Đối thoại Liên tôn gửi đến quý Phật tử sứ điệp với chủ đề: “Phật tử và Kitô hữu trong cuộc đối thoại giải thoát cho thời đại chúng ta”. Sau đây là toàn văn bản dịch Việt ngữ của Sứ điệp do Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện.

 

BỘ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
 

SỨ ĐIỆP GỞI QUÝ PHẬT TỬ NHÂN ĐẠI LỄ VESAK 2025
 

Phật tử và Kitô hữu
trong cuộc đối thoại giải thoát cho thời đại chúng ta

 

Các bạn Phật tử thân mến,

Như hằng năm, chúng tôi xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và lời chúc nồng nhiệt nhất nhân dịp mừng đại lễ Vesak. Đại Lễ thiêng liêng này, tưởng niệm việc đản sinh, sự giác ngộ và nhập diệt của Đức Phật, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với quý vị. Năm nay, lời chúc của chúng tôi được phong phú thêm bởi tinh thần Năm Thánh, đối với các tín hữu Công giáo chúng tôi, là một thời gian ân sủng, hòa giải và canh tân tâm linh.

Là những người bạn đồng hành trên con đường đối thoại, chúng tôi cũng chào mừng quý vị trong tinh thần của Nostra Aetate, bản tuyên ngôn đổi mới của Công đồng Vatican II về mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, năm nay tròn sáu mươi năm được công bố. Từ năm 1965 đến nay, Nostra Aetate đã làm sâu sắc thêm sự gắn kết của chúng tôi đối với những tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Được truyền cảm hứng từ tầm nhìn đó, một lần nữa chúng tôi khẳng định rằng:

“Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người.” (Nostra Aetate, 2).

Dấn thân của chúng tôi nhằm đối thoại còn được củng cố qua sự nhìn nhận tích cực đối với truyền thống của quý vị, vì “Phật giáo, với nhiều tông phái khác nhau, đã nhận ra sự bất túc tận căn của thế giới vô thường này và chỉ dạy cho những kẻ thành tâm và tin tưởng con đường tìm thấy sự giải thoát trọn vẹn hay đạt đến sự giác ngộ tối thượng, nhờ những cố gắng của bản thân hoặc sự trợ lực từ trên cao" (Nostra Aetate, 2). Đối với quý vị, con đường Phật giáo đến giải thoát đòi hỏi phải vượt thắng vô minh, ái dục và khổ đau, thông qua trí tuệ, hành xử đạo đức và kỷ luật tinh thần. Cuộc hành trình đến Niết Bàn - sự tự do tối hậu khỏi vòng luân hồi sinh tử - làm nổi bật sức mạnh chuyển hóa của trí tuệ và từ bi.

Khát vọng về sự giải thoát đích thực đó vang vọng sâu sắc trong cuộc tìm kiếm chung của chúng ta về chân lý và cuộc sống viên mãn, tương ứng với giáo huấn của mỗi truyền thống. Đức Phật đã dạy:

“Ái lìa, không chấp thủ. Cú pháp khéo biện tài. Thấu suốt từ vô ngại, Hiểu thứ lớp trước sau. Thân này thân cuối cùng Vị như vậy được gọi, Bậc Ðại trí, đại nhân.” (Kinh Pháp Cú, chương 24, kệ 352). Đối với Đức Giêsu, Chân lý có sức giải thoát: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” (Gioan 8, 32).

Trong thời đại của chúng ta, vốn bị chia rẽ, xung đột và đau khổ, chúng ta nhận ra nhu cầu cấp thiết của một cuộc đối thoại giải thoát - không chỉ bằng ngôn từ, mà còn diễn dịch lời nói thành hành động cụ thể nhằm phục vụ hòa bình, công lý và phẩm giá cho mọi người.

Cũng như khi Nostra Aetate được công bố, thế giới hôm nay vẫn đang oằn mình dưới bất công, xung đột và sự bất định về tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào khả năng sâu xa của các tôn giáo trong việc cung ứng các giải đáp ý nghĩa về “những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người” (Nostra Aetate, 1). Cuộc đối thoại giữa chúng ta giúp chia sẻ kho tàng của các truyền thống tôn giáo, và tận dụng nguồn khôn ngoan của các truyền thống ấy để ứng phó với các thách đố cấp bách hiện nay.

Khát vọng về tình huynh đệ và đối thoại chân thành, được diễn tả cách hùng hồn trong Nostra Aetate, thúc giục chúng ta phấn đấu cho sự hiệp nhất và tình yêu giữa mọi dân tộc và quốc gia. Khát vọng đó mời gọi chúng ta nhấn mạnh đến những điểm chung, trân trọng sự khác biệt và làm phong phú lẫn nhau từ các truyền thống khác nhau.

Tinh thần này càng được đào sâu khi chúng ta cố gắng vun đắp một nền văn hóa đối thoại như con đường phía trước, với “sự cộng tác chung làm lối sống, sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn hành động” (Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và cuộc sống chung, Abu Dhabi, 4/2/2019).

Với những suy tư chiêm nguyện này, chúng tôi thành tâm tin tưởng rằng: Qua đối thoại, các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể cống hiến những giải đáp cao đẹp cho các thách đố của thời đại.

Chúng tôi xin kính chúc quý vị một đại lễ Vesak thánh thiện và tràn đầy hoa trái!

Từ Vatican, ngày 12 tháng 5 năm 2025

Hồng y George Jacob Koovakad
Bộ trưởng

Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage
Thư ký

Chuyển ngữ: Văn phòng Đối thoại Đại kết và Liên tôn
trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

Chuyển ngữ từ: press.vatican.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây