THƯ CÁM ƠN CỦA ĐỨC CHA GIUSE VÕ ĐỨC MINH
Kính thưa Cha Tổng đại diện,
Quý Cha,
Quý Hội Dòng,
Quý Cố, Anh chị em Giáo phận Nha Trang,
Trong Thánh lễ Tạ ơn ngày 31/8/2022, tại Nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, tôi đã dâng Thánh lễ kính Thánh Giuse khi kết thúc sứ mạng mục tử của mình tại Giáo phận Nha Trang được Tòa Thánh công bố ngày 23/7/2022.
Hôm nay thứ hai ngày 26 tháng 9 năm 2022, tôi chính thức thực hiện những huấn lệnh và lời khuyên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô theo Tự Sắc “Imperare a congedarsi“ (Học để giã từ) công bố ngày 12/2/2018; đồng thời thực hiện tinh thần Văn thư số 0790/22 ngày 8/4/2022 của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin mừng và Đức Tổng Giám mục Protase Rugambwa. Thư ký của Bộ (xem trong attach); một lần nữa tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và Hội thánh đã dạy dỗ và hướng dẫn tôi trong khoảng thời gian rất lâu dài, từ ngày 15/9/1956 đến hôm nay.
Tôi cám ơn và từ giã quý Cha, quý Hội Dòng và Anh chị em trong Giáo phận Nha Trang; chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Giáo phận sớm có vị Chủ chăn mới, vì kể từ ngày 23/7/2022, Giáo phận Nha Trang sống trong hoàn cảnh “Sede vacante“ (Trống Tòa).
Trân trọng kính chào quý Cha, quý Hội Dòng và Anh chị em.
+ Giuse Võ Đức Minh
Đính kèm 1:
Tông thư của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
dưới hình thức một Tự sắc
về việc từ chức:
“Học để giã từ"
“Học để giã từ" chính là điều mà trong một lời nguyện, Cha đã cầu xin cho các mục tử (xc. Bài giảng 30.05.2017), khi Cha giải thích một Bài Đọc được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ (xc. Cv 20,17-27). Sự chấm dứt một nhiệm kỳ nắm giữ chức vụ trong Giáo hội phải được coi là thành phần nguyên vẹn của chính sứ vụ, cho tới khi nào điều đó còn đòi hỏi một hình thức tái sẵn sàng. Thái độ nội tại vừa nêu là điều cần thiết kể cả khi vì lý do tuổi tác khiến người ta phải chuẩn bị từ chức, lẫn khi người ta được yêu cầu hãy tiếp tục nắm giữ chức vụ trong thời gian tới, dẫu đã đến tuổi 75 (xc. Bài Diễn Văn trước các hiệu trưởng và các sinh viên của các học viện và các Chủng Viện tại Rô-ma, 12.05.2014).
Ai chuẩn bị cho việc từ chức, người ấy phải chuẩn bị một cách xứng hợp trước mặt Thiên Chúa, cũng như phải dứt bỏ việc khát khao quyền lực và việc lầm tưởng rằng mình là người rất cần thiết. Điều đó làm cho việc đi qua một khoảnh khắc mà thông thường có thể là rất đau khổ và đầy căng thẳng, trở nên có thể. Đồng thời, những ai nhận ra được trong chân lý rằng, việc từ chức này là điều cần thiết, thì phải quyết định trong sự cầu nguyện để xem mình nên sống chặng đường sắp tới thế nào, trong khi người đó lập ra một dự án mới cho cuộc sống mà dự án ấy được ghi đậm dấu ấn bởi sự giản dị, khiêm tốn, bởi sự nguyện giúp cầu thay, bởi việc đọc Lời Chúa và bởi việc sẵn sàng cho những sứ mạng tông đồ đơn giản.
Mặt khác, trong trường hợp ngoại lệ, nếu như một người nào đó được đề nghị hãy tiếp tục nắm giữ chức vụ trong một thời gian dài, thì điều này cũng bao hàm cả việc từ bỏ cách quảng đại một dự án cá nhân mới. Tuy nhiên, trường hợp này không được phép bị coi là một đặc ân hay một chiến thắng cá nhân, hoặc là một sự ham thích mà nó bắt nguồn từ những điều được cho là bổn phận vì tình bạn hay vì mối quan hệ cá nhân, và cũng không được phép bị coi là một lời cám ơn dành cho những thành công khi thực hiện sứ vụ. Bất cứ sự kéo dài nào cũng chỉ có thể được hiểu trong mối liên hệ đến những lý do mà chúng được liên kết với lợi ích của Giáo hội. Quyết định gia hạn của Tòa Thánh không phải là một hành vi có tính tự động, nhưng là một hành vi thuộc quyền lãnh đạo; vì thế, quyết định đó đòi hỏi phải có đức khôn ngoan mà nó sẽ trợ giúp nhờ vào một quá trình biện phân tương ứng để đưa ra một quyết định thích hợp.
Cha chỉ xin nêu ra một số lý do khả dĩ như là những thí dụ: cần phải hoàn thành một dự án rất có lợi cho Giáo hội; cần phải bảo đảm tính liên tục của một số công trình quan trọng; vì những khó khăn mà chúng có liên hệ tới sự phối hợp các cá nhân của một cơ quan trong giai đoạn chuyển tiếp; tầm quan trọng của sự đóng góp mà mỗi người có thể thực hiện để áp dụng những nguyên tắc chỉ đạo do Tòa Thánh vừa công bố, hay thực hiện để tiếp nhận những chỉ thị mới của huấn quyền. Với những quy định về việc từ chức của các Giám mục Giáo phận và của những người có chức vụ khác do Đức Thánh Cha bổ nhiệm mà chúng được bao hàm trong Tư Sắc Rescriptum ex audientia được công bố vào ngày mồng 03 tháng 11 năm 2014 và được trao cho Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Cha muốn bổ sung cũng như đưa vào bộ Giáo Luật một số những thay đổi mà Cha hoàn toàn xác nhận, ngoại trừ những điều mà chúng được sửa đổi dứt khoát thông qua những quy định sau đây.
Xét đến sự dấn thấn quảng đại và kinh nghiệm đầy giá trị của những người đã thực hiện những trách nhiệm trong nhiều năm trời với tinh thần trách nhiệm đặc biệt tại các Giáo hội địa phương cũng như tại Giáo Triều Rô-ma, hay trong những trách nhiệm đại diện cho Tòa Thánh, Cha thấy cần phải cập nhật những quy định về thời điểm cũng như về cách thức từ chức liên quan tới vấn đề tuổi tác.
Sau khi đã bàn hỏi thấu đáo, giờ đây Cha thấy rằng, việc thực hiện theo những cách thức sau đây là điều cần kíp:
a. Thực hiện một số những giải thích về điều số 2 của cái được gọi là sự phúc đáp trong mối liên hệ đến các Đức Giám mục Giáo phận, các phó Giám mục và các Giám mục phụ tá (xc. can 401-402 và 411 CIC; can 210-211; 218; 213 CCEO);
b. Sửa đổi những điều khoản Giáo Luật về tuổi tác liên quan đến việc từ bỏ các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan Giáo Triều, mà những vị lãnh đạo này không phải là Hồng Y, cũng như việc từ chức của những người đang nắm giữ các chức vụ cao tại Giáo Triều Rô-ma (xc. Tông Hiến Pastor Bonus, 28.06.1980, Art. 5 § 2: AAS 80 [1988], 860; Regolamento Generale della Curia Romana, 1999, Art. 3; Rescriptum ex audientia, 3.11.2014, Art. 7), của các Giám mục đang phụ trách việc bổ nhiệm của Tòa Thánh đối với các chức vụ khác (xc. Rescriptum ex audientia, 3.11.2014, Art. 7), cũng như của các Sứ Thần Tòa Thánh (xc. can. 367 CIC; Regolamento Generale della Curia Romana, 1999, Art. 8, § 2; Regolamento per le Rappresentanze Pontificie, 2003, Art. 20 § 1).
Với sắc lệnh này, Cha ấn định như sau:
Điều 1: Các Đức Giám mục Giáo Phận và các Giám chức (thuộc các Giáo hội theo nghi thức Đông Phuong), cũng như những vị có chức vụ ngang hàng với các vị nêu trên chiếu theo Giáo Luật khoản 381, 2 CIC và 313 CCEO, các Giám mục phó và các Giám mục phụ tá hay hiệu tòa với những trách vụ mục vụ đặc biệt, khi tròn 75 tuổi, được yêu cầu phải trình bày với Đức Thánh Cha về sự khước từ chức vụ mục vụ của mình.
Điều 2: Khi tròn 75 tuổi, những vị lãnh đạo của các cơ quan thuộc Giáo Triều Rô-ma, mà những vị lãnh đạo đó không phải là Hồng Y, những vị nắm giữ các chức vụ cao tại Giáo Triều và các Giám mục đang nắm giữ những chức vụ khác nhưng trực thuộc Tòa Thánh, đều không đương nhiên (ipso facto) phải từ chức, nhưng các Ngài phải trình bày với Đức Thánh Cha về sự từ chức của mình.
Điều 3: Các vị Sứ Thần Tòa Thánh cũng không đương nhiên phải từ chức khi tới tuổi 75, nhưng khi đạt tới tuổi này, các Ngài phải trình bày với Đức Thánh Cha sự từ chức của mình.
Điều 4: Sự từ chức được quy định ở các điều từ 1 tới 3, để có hiệu lực, phải được Đức Thánh Cha chấp thuận, Ngài sẽ đưa ra quyết định trong sự cân nhắc về những trường hợp cụ thể.
Điều 5: Sau khi sự từ chức đã được trình bày một lần, trái với những quy định chung của Giáo Luật khoản 189 triệt 3 CIC và khoản 970 triệt 1 CCEO, các chức vụ được nêu ra trong các Điều từ 1 tới 3, sẽ coi là được gia hạn cho tới khi người liên hệ được thông báo cho biết sự từ chức của mình đã được chấp thuận, hay được thông báo cho biết nhiệm vụ của họ sẽ được kéo dài trong một thời gian xác định hay bất định.
Cha chỉ thị rằng, tất cả những gì mà Cha đã quyết định với Tông Thư được ban hành dưới dạng một Tư Sắc này, phải được thi hành trong tất cả mọi chi tiết của nó. Những quy định nào ngược lại với những quy định của Tông Thư này đều bị bãi bỏ, ngay cả khi những quy định đó đáng được đề cập tới một cách đặc biệt. Và Cha ấn định rằng, Tông Thư này sẽ được công bố trên nhật báo L’Osservatore Romano, và có hiệu lực vào đúng ngày công bố. Sau đó, Tông Thư này sẽ được công bố chính thức trên Công Báo Acta Apostolicae Sedis.
Ban hành tại Rô-ma, cạnh Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 12 tháng 02 năm 2018, năm thứ Năm Triều Đại Giáo Hoàng của tôi
Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
Đính kèm 2:
BỘ RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO CÁC DÂN TỘC
Prot. số 0790/22
08.04.2022
Thưa quý Đức Hồng Y / quý Đức cha
Với bức thông tư này, tôi muốn lưu ý Hội đồng Giám mục và mỗi Giám mục thành viên hai tình huống có thể gây ra điều bất tiện không mong muốn.
I. Việc bầu chọn Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục.
Có những trường hợp trong đó một số Hội đồng Giám mục đã bầu các Giám mục giáo phận gần 75 tuổi vào chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Vì cuộc bầu cử đó, các Giám mục được bầu chọn, khi trình đơn từ chức lúc tròn 75 tuổi, theo quy định của bộ Giáo luật, điều 401, § 1, đã yêu cầu Đức Thánh Cha kéo dài nhiệm kỳ của các ngài với tư cách là Giám mục giáo phận cho đến hết nhiệm kỳ của chức vụ được bầu trong Hội đồng Giám mục.
Cách nào đó, tình huống này có thể tác động đến sự tự do quyết định của Đức Thánh Cha trong việc chấp nhận đơn từ chức và do đó, có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng thông thường quy tắc của bộ Giáo luật, điều 401, § 1. Vì vậy, sau khi đắn đo cân nhắc, tôi muốn lưu ý anh em những điểm sau đây:
1. Khi Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục rời khỏi chức vụ Giám mục giáo phận, kể từ ngày công bố việc Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức, thì chức vụ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của Hội đồng Giám mục cũng hết hiệu lực.
2. Do đó, để các chức vụ thượng cấp của Hội đồng Giám mục không bị trống trước khi chấm dứt một nhiệm kỳ cách bình thường, cần tránh việc bầu các Giám mục giáo phận đã xấp xỉ 75 tuổi vào các chức vụ nói trên, không có bất kỳ ngoại lệ nào (X. đ. 401, § 1 Bộ Giáo luật; Điều 1 của Tự sắc “Học cách buông bỏ”, 12.02.2018).
3. Để không gây tác động tiêu cực đối với việc Đức Thánh Cha tự do chấp nhận đơn từ chức của các Giám mục, xin các Hội đồng Giám mục thuộc lãnh thổ của Bộ này vui lòng không bầu vào chức vụ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục, các Giám mục giáo phận sẽ tròn 75 tuổi, trong nhiệm kỳ được bầu của các ngài.
II. Sự hiện diện của Giám mục đã nghỉ hưu (emeritus) trong Hội thánh địa phương.
Sự hiện diện của Giám mục đã nghỉ hưu trong Hội thánh địa phương có thể là một nguồn phúc lành và là một chứng từ thiêng liêng tuyệt vời cho cộng đoàn giáo phận. Trong phần giới thiệu Tự sắc “Học cách buông bỏ” nêu trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý:
“Người sắp nộp đơn từ chức cần chuẩn bị cách xứng hợp trước mặt Thiên Chúa, bằng cách rũ bỏ mọi tham vọng quyền bính và ý nghĩ tự cho mình là người không thể thiếu. Nhờ đó ngài có thể bình thản và tin tưởng thực hiện bước đi này, nếu không việc này sẽ làm ngài buồn phiền và xao động. Đồng thời, ai thực sự nhận ra sự cần thiết phải từ bỏ, thì phải phân định trong cầu nguyện cách thức trải qua giai đoạn sắp tới, với việc lập một kế hoạch mới cho cuộc sống, được ghi dấu càng nhiều càng tốt bằng sự khổ hạnh, khiêm nhường, bằng những lời cầu thay nguyện giúp, bằng cách dành thời gian cho việc đọc sách và sẵn sàng thi hành các việc mục vụ bình thường”.
Vì vậy, khi xin rời khỏi trách vụ giáo phận, Giám mục phải được chuẩn bị về tâm linh trong việc cầu nguyện, với thái độ biết ơn Chúa vì muôn vàn hồng ân Chúa đã ban cho bản thân ngài và cho Hội thánh mà ngài đã được kêu gọi để phục vụ. Chỉ bằng cách này, ngài mới có thể “rũ bỏ mọi tham vọng quyền bính và ý nghĩ tự cho mình là người không thể thiếu”. Do đó, xin được đề nghị những điều sau đây với các Giám mục đệ trình Đức Thánh Cha đơn xin từ chức khỏi trách vụ giáo phận:
1. Hoàn toàn và tự ý sẵn sàng tách mình ra khỏi các việc quản trị của Hội thánh địa phương mà ngài còn đang phục vụ cho đến nay, đồng thời tự nguyện di dời đến một nơi ở thích hợp mà Giáo phận sẽ lo liệu.
2. Sẵn sàng thực hiện bất kỳ việc mục vụ nào có thể trong Hội thánh địa phương chỉ khi có sự đồng ý của Giám mục giáo phận, và không thực hiện bất kỳ sáng kiến cá nhân nào có thể làm tổn hại vị thế của người kế nhiệm. Thái độ như thế sẽ là chứng từ tuyệt hảo cho cộng đồng Kitô hữu, đặc biệt là cho các giáo sĩ, tu sĩ và các thừa tác viên khác trong Hội thánh.
3. Tôi hy vọng rằng Hội đồng Giám mục trong nước và mỗi Giám mục thành viên sẽ hợp tác và sẵn lòng thực hiện những chỉ dẫn nêu trên. Tôi cầu chúc anh em và tất cả các Giám mục thi hành sứ vụ cách hiệu quả trong việc phục vụ Hội thánh, điều này sẽ là chứng tá thuyết phục với các tín hữu và tất cả những người khác. Tôi xin gửi đến anh em lời chào và lời cầu nguyện huynh đệ.
Trong Đức Kitô, xin trân trọng kính chào
Đức Hồng Y Luis Antonio TAGLE
Tổng trưởng
(đã ký)
Tổng Giám mục Protase RUGAMBWA
Thư ký
(đã ký)
Gởi đến quý Hồng y/Đức cha, các Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn