TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thực trạng Truyền giáo tại Việt Nam

Thứ sáu - 11/06/2021 22:19 |   1034
Thực trạng Truyền giáo tại Việt Nam

Thực trạng Truyền giáo của các Dòng tu và của Giáo hội tại Việt Nam

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã có bài thuyết trình trong cuộc Hội thảo Truyền giáo Các Hội Dòng diễn ra từ ngày 29.08 đến 31.08.2016 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn. Dưới đây là phần 2 của bài thuyết trình này (một vài tựa đề và số thứ tự được điều chỉnh cho thích hợp với sách TMCN).

I. NHÌN LẠI QUÁ KHỨ (tóm tắt)

Nhìn lại quá khứ với lòng tri ân và cảm phục các tu sĩ đã truyền giáo trực tiếp tại Việt Nam:

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã mừng hai kỷ niệm lớn trong lịch sử phát triển của mình: 350 năm thành lập hai địa phận tông toà và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm.
Trong đó, phải kể đến công lao to lớn của các Dòng tu: Dòng Tên, Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô, Hội thừa sai Paris (MEP) với nhiều tu sĩ thừa sai truyền giáo tiên khởi đáng kính...

II. THỰC TRẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA CÁC DÒNG TU TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY

A. Nghịch lý trong dòng lịch sử

Dưới các thời khó khăn, 1833-1862 (thời các vua bắt đạo: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức) đầy dẫy những cực hình, những đòn tra tấn tàn bạo và những cuộc bố ráp để diệt tận gốc, Giáo Hội tại Việt Nam vẫn tăng trưởng không ngừng.
Thời kỳ cấm cách qua đi, Giáo Hội có nhiều cơ hội để thể hiện chính mình hơn. Nhưng càng được yên ổn bao nhiêu thì công cuộc rao giảng Tin Mừng càng ít phát triển hơn, nếu không nói là dậm chân tại chỗ.

Sau 1975, các Dòng tu và Tu sĩ gặp nhiều khó khăn thử thách về nhiều phương diện kéo dài trên 30 năm, thế nhưng các Dòng tu và Tu sĩ vẫn hạnh phúc và bình an dù đầy dẫy những khó khăn.
Ngược lại trong khoảng 10-15 năm gần đây, khi đời sống kinh tế, vật chất, xã hội ngày càng phát triển giàu lên, đầy đủ các tiện nghi vật chất, cơ sở các Dòng tu được xây dựng nhiều hơn và tốt hơn, các ơn gọi đi tu cũng nhiều hơn, nhưng hình như động cơ và chất lượng tu sĩ chưa cao, nhất là lãnh vực dấn thân truyền giáo trực tiếp tại các mội trường ngoại biên, vùng sâu và xa!

1. Đặt vấn đề

Tại sao Giáo hội Việt Nam với bao nhiêu dòng tu, tu sĩ, bao nhiêu hoạt động tích cực trong xã hội, bao nhiêu lễ nghi hoành tráng với cả trăm ngàn người, mà vẫn không cuốn hút được người ta theo đạo? 
Nếu tình trạng kém hiệu quả chỉ xảy ra trong 1 hay 2 năm thì chúng ta còn cho là ngẫu nhiên, nhưng kéo dài đến 50 năm thì đó là vấn đề đáng ta tìm hiểu và phân tích.
Ðã có rất nhiều những hội nghị, hội thảo thuộc đủ các cấp, các miền, từ Giáo hội trung ương đến Giáo hội địa phương, được tổ chức để tìm hiểu và nghiên cứu sâu xa vấn đề truyền giáo của Giáo hội Công giáo, nhưng kết quả chưa thu được là bao.
Nhiều tài liệu hướng dẫn cho các thành phần dân Chúa học hỏi về công cuộc truyền giáo đã được soạn thảo và phân phối cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển nhưng hình như chúng vẫn chưa tạo nên những kết quả thiết thực.

2.     Nguyên nhân và lý do

Câu trả lời thật đơn giản và dễ hiểu: Số lương dân được nghe nói về Chúa Giêsu còn quá ít:

Ít đến độ nhiều lương dân ca thán cả đời họ chưa bao giờ được nghe ai nói về Chúa Giêsu, chưa bao giờ được biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế!
Làm sao họ được nghe biết về Chúa Giêsu, nếu không có ai nói cho họ?
Làm sao có người dám nói nếu họ không được sai đi?
Người lương dân ở ngay trong xứ đạo, bên hông nhà thờ,  ngay cạnh nhà Dòng, cộng đoàn tu sĩ đông đúc, có bao giờ họ được nghe ai nói về Chúa Giêsu cho họ đâu? Họ có biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, từ trời xuống thế cứu chuộc nhân loại đâu?

Hỏi có bao nhiêu Giám mục, Linh mục giáo xứ, Linh mục dòng, Tu sĩ nam nữ, Bề trên, Giám tỉnh, trưởng công đoàn, và giáo dân đã trực tiếp hay gián tiếp nói về Chúa Giêsu cho lương dân? Hỏi họ đã dành bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của để gọi là quan tâm, ưu tiên, đầu tư cho công việc chính yếu này? Câu trả lời rất thật là không có.

Nếu Giám mục, Linh mục và Tu sĩ là những người tự nguyện xung phong cam kết tận hiến cả đời mình để loan báo Tin Mừng, mà chưa làm gì, thì nói sao về giáo dân? Họ bị ràng buộc bởi biết bao công việc của gia đình, công ăn việc làm, giáo dục con cái ... Bản thân không được chuẩn bị, đào tạo, hiểu biết đầy đủ về Chúa Giêsu, về Giáo lý, thần học như Linh mục và Tu sĩ ... làm sao họ có đủ thời giờ nhất là động cơ động lực và khả năng truyền giáo?

3. Hậu quả tất yếu: Không biết Chúa, làm sao tin có Chúa được

Nếu không kể một số người trở lại đạo vì hôn nhân, cưới vợ lấy chồng và một số người già ốm đau bệnh tật, hấp hối trở lại đạo trước khi chết, thì số người được nghe nói về Chúa Giêsu, và tự nguyện trở thành môn đệ của Chúa Giêsu rất ít, đếm trên đầu ngón tay!

Vài trường hợp đặc biệt như tại Giáo phận như Kontum, Ban Mê Thuật, Hưng Hoá ... thỉnh thoảng cả làng hay cả bộ tộc trở lại đạo, thì đây là trường hợp cá biệt theo thói quen phong tục của làng hay sắc tộc: trưởng làng theo ai, thì cả làng theo nấy!
Những người thuộc thành phần tri thức, hiểu biết, có trình độ, có địa vị xã hội, tự nguyện, tìm hiểu và trở lại đạo, thì càng ít hơn!

B.  NGHỊCH LÝ HIỆN TẠI

1. Thực tế đầy nghịch lý và thách đố

Giám mục, Giám tỉnh hay Bề trên Dòng: dù bản thân có muốn cũng không thể tự mình trực tiếp đi hay đảm nhận việc truyền giáo. Họ chỉ biết kêu gọi, động viên, khích lệ, kế hoạch, hô hào người khác đi truyền giáo ... cùng lắm thành lập Ban Truyền Giáo và khoán trắng cho Ban Truyền Giáo.
Cũng vậy, các Linh mục chánh xứ, phó xứ, hội đồng giáo xứ, các hội đoàn công giáo, giáo dân - dù bản thân có muốn - cũng không thể đi truyền giáo trực tiếp được, vì phải dành toàn tâm, toàn lực, toàn thời gian cho công việc mục vụ các giáo xứ, giáo họ; còn thời gian đâu để trực tiếp đi truyền giáo?

2. Nghịch lý đăc biệt với các Dòng tu, Hội Thừa Sai Truyền Giáo, các Ban Truyền Giáo

Mục đích chính của các Dòng tu, Hội Thừa Sai, Ban Truyền Giáo là để truyền giáo:
Không một Dòng nào được thành lập mà không có mục đích truyền giáo.
Không một Đấng Tổ phụ, Sáng lập Dòng nào mà không quan tâm đến việc truyền giáo.
Không hiến pháp, luật dòng nào mà không nhấn mạnh, đốc thúc việc truyền giáo.
Thế nhưng thực tế lại rất phũ phàng:
Không có tu sĩ nam nữ được dành riêng để trực tiếp truyền giáo, dù nhà Dòng có đến hàng trăm, hàng ngàn tu sĩ.
Không có cộng đoàn tu nào hay tu viện, tu xá nào được dành riêng để truyền giáo trực tiếp, dù nhà Dòng có hàng vài chục cộng đoàn lớn nhỏ!

Tất cả đều biện minh:
Truyền giáo không nhất thiết phải ra đi truyền giáo hay phải truyền giáo trực tiếp.
Chỉ cần truyền giáo gián tiếp là đủ: Truyền giáo bằng cầu nguyện, bằng việc chu toàn các bổn phận được trao phó, bằng việc vâng lời bề trên là đủ; không cần phải đi đâu cả, cứ ở nhà làm vườn, trồng rau, nuôi gia súc, nuôi heo ca, gà vịt là đủ để truyền giáo!

3. Hậu quả: không có mấy ai truyền giáo trực tiếp

Dòng nào cũng quan tâm, đầu tư mở mang các công cuộc xã hội như: nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bệnh viện, trạm xa, phòng khám, tư vấn, lưu xá sinh viên, cứu giúp các người mẹ lỡ lầm, các em cô nhi, quả phụ, người già yếu, linh hướng, giảng cấm phòng, tĩnh tâm, giải tội, sản xuất, làm nến, làm bánh lễ, nước tinh khiết ...

Biện minh: những công việc nói trên đều trực tiếp chăm lo cho người nghèo khổ, tật nguyền, neo đơn, bị bỏ rơi ... há không phải là những việc truyền giáo sao?  Đúng là những việc trên rất bổ ích và cần thiết, nhưng đừng quên đây chỉ là những phương thế để người tu truyền giáo, chứ không phải là cứu cánh mục đích chính của người tu! “Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta mới được giải thoát khỏi mọi vong thân và hư hoại” (x. Redemptoris Missio 11).

Khoán trắng tất cả cho Ban Truyền Giáo của Dòng: Dòng nào cũng lập ra Ban Truyền Giáo, nhưng nhiều Ban Truyền Giáo chẳng làm được gì ngoài việc tuyên truyền, cổ vũ, hô hào, người khác đi truyền giáo, cung cấp một số tài liệu về truyền giáo, hay tổ chức một vài cuộc hội thảo, gặp gỡ, học hỏi, thuyết trình về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc truyền giáo, rồi thôi!
Cuối cùng, tất cả đều bằng lòng dừng lại trên việc truyền giáo gián tiếp: Cứ cầu nguyện, hy sinh theo gương thánh nữ Têrêxa Hài Đồng! Sống như vậy cũng là truyền giáo rồi!

III. NHÌN LẠI KHẢ NĂNG TRUYỀN GIÁO

A.Giáo hội & Dòng tu Việt Nam có sẵn những gì? 

Có sẵn: nhân sự, lửa truyền giáo, đào tạo, tổ chức, mục tiêu, phương tiện và kinh phí truyền giáo.

B.Giáo hội & Dòng tu Việt Nam thiếu những gì?

Thiếu nhiều người truyền giáo trực tiếp.
Thiếu lãnh đạo chỉ huy truyền giáo trực tiếp.
Thiếu mẫu gương tiên phong dấn thân truyền giáo trực tiếp: thiếu những tấm gương Giám mục, Bề trên, Giám tỉnh, Linh mục chánh xứ, phó xứ, Giám đốc, trưởng cộng đoàn, tu viện trưởng, tu xá trưởng, tu sĩ nam nữ, giáo dân ý thức và dấn thân truyền giáo trực tiếp.
Thiếu đầu tư cho việc truyền giáo trực tiếp.
Thiếu cân nhắc lại mục đích chính của cộng đoàn: mục đích này có thôi thúc cộng đoàn quan tâm đến việc truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp gì không? Phải chăng truyền giáo gián tiếp chỉ là cách biện minh để né tránh việc truyền giáo trực tiếp? 
Thiếu hiểu biết về truyền giáo: Nhiều người cho rằng việc truyền giáo là của người khác, của bề trên, của Giám mục và Linh mục, Tu sĩ chứ không phải của giáo dân, không phải của mình.
Tất cả chỉ nói mà không làm!

IV. ĐỀ XUẤT THỰC HÀNH

ĐỀ XUẤT 1: DÒNG TU

Các Bề trên Dòng hãy mạnh dạn và can đảm dành riêng “ít là một cộng đoàn với mục đích duy nhất là trực tiếp truyền giáo, toàn tâm, toàn lực, toàn thời gian”, suốt ngày cầu nguyện và đi truyền giáo trực tiếp, theo đường lối, kế hoạch, chính sách, chiến lược do cộng đoàn soạn thảo và được Bề trên chấp thuận.  Thí dụ: một kế hoạch truyền giáo trực tiếp:

Ban ngày: từng 2 người một hay một mình đi thăm vài gia đình lương dân theo miền, vùng, khu vực, tìm hiểu hoàn cảnh cuộc sống của họ, cảm thông, đối thoại, chia sẻ, cầu nguyện cho họ.
Buổi tối: ghi lại nhật ký truyền giáo về mỗi gia đình.
Ban đêm: cầu nguyện xin ơn truyền giáo cho mình và xin ơn đức tin cho các gia đình lương dân và các gia đình mình đã gặp.

Mỗi tối, cả công đoàn ngồi lại, thông tin và chia sẻ kết quả truyền giáo trong ngày cho nhau nghe và rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, động viên khích lệ nhau trung thành truyền giáo.

Mỗi tuần: thay đổi đường lối, kế hoạch, thời gian, nơi chốn ...
Lên kế hoạch truyền giáo cả tháng, cả năm.
Không sờn lòng nản chí: việc chính của cộng đoàn là gieo, và gieo thật nhiều hạt giống, còn việc mọc lên sinh hoa kết trái là việc của Chúa. Phaolô trồng, Apôlô tưới, còn Chúa mới cho mọc lên!
Các nhu cầu khác như tài chánh, nhà ở, thuốc men, phương tiện đi lại, xăng dầu, mua sắm các dụng cụ, quà cáp phụ trợ cho việc truyền giáo ... của cộng đoàn này thì các cộng thể khác đóng góp!

ĐỀ XUẤT 1B: GIÁO PHẬN

Các giáo phận, cách riêng các giáo phận chưa có nhiều Dòng tu và tu sĩ hiện diện trong giáo phận cũng có thể áp dụng mô hình truyền giáo trực tiếp nói trên bằng cách:

Giám mục giáo phận qui tụ và thành lập trong Giáo phận một hay nhiều “Nhóm Tu sĩ Truyền giáo trực tiếp, chuyên biệt” chỉ để lo việc truyền giáo trực tiếp.
Mỗi cộng đoàn tu sĩ hiện diện trong giáo phận  đóng góp hay dành riêng ít là một tu sĩ tự nguyện tham gia cách tích cực, toàn tâm, toàn lực và toàn thời gian với Nhóm.
Giám mục cùng với Nhóm biên soạn một cuốn Chỉ Nam hay Qui chế hoạt động truyền giáo trực tiếp, chuyên biệt dành riêng cho Nhóm.

Mọi chi phí phát sinh do nhu cầu truyền giáo trực tiếp của Nhóm như: ăn ở, sinh hoạt, nghỉ ngơi, phương tiện đi lại ... đều do Giáo phận cung cấp.
Môi trường truyền giáo trong giáo phận rất phong phú và đa diện, có thể phân chia thành nhiều loại và cấp độ như:
Môi trường truyền giáo tại các thành thị, phố xá, đô hội, tri thức, giàu có, địa vị xã hội, giới lao động, di dân, thợ thuyền. Sinh viên học sinh xa quê, giới trẻ bụi đời, nạn nhân các tệ đoan xã hội, tù tội ...
Môi trường truyền giáo tại nông thôn, giới bình dân nhà quê.
Môi trường dân tộc , thượng du, miền núi.

ĐỀ XUẤT 2: NHÌN LẠI MỤC ĐÍCH DÒNG TU

-    Bề trên Dòng và Giám mục giáo phận phải duyệt xét lại mục đích chính của mỗi cộng đoàn (cộng thể, tu viện, tu xá) ... xác định rõ ràng mục đích chính và phụ của cộng đoàn, cụ thể là gì, có đúng với sứ mạng của Dòng là truyền giáo hay không ?

-    Nếu không, Bề trên Dòng và Giám mục Giáo phận hãy can đảm và mạnh dạn dẹp bỏ những cộng đoàn nào không nhắm mục đích truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp, mà chỉ nhắm mục đích duy nhất và thuần tuý kinh doanh lấy tiền; nhất là đối với các trường lớp, ký túc xá, mẫu giáo, nhà trẻ dành riêng cho con nhà giàu và cán bộ với học phí rất cao, rồi tự biện minh với nhiều lý do truyền giáo gián tiếp, đạo đức, bác ái, xã hội, giúp đỡ người nghèo ...

ĐỀ XUẤT 3: TRUYỀN GIÁO NGOẠI BIÊN, VÙNG SÂU & VÙNG XA

Bề trên Dòng và Ban Truyền giáo Dòng nên quan tâm và khuyến khích mở rộng việc truyền giáo trực tiếp tới tại môi trường ngoại biên, vùng sâu và xa, bằng việc biên soạn một cuốn Chỉ Nam Truyền Giáo để phục vụ và hướng dẫn:

Các cộng đoàn đang phục vụ và truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp tại tại các thành thị, phố xá, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nội trú, bán trú, công ty, xí nghiệp, nhà máy, chung cư, nhà hàng khách sạn ...

Các cộng đoàn đang phục vụ và truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp giới bình dân, tại thôn quê, làng xã, giáo xứ, giáo họ với công việc canh nông, nhà quê.

Các cộng đoàn đang phục vụ và truyền giáo trực tiếp hay gián tiếp các người dân tộc, vùng sâu và xa , các người sống nghề sông nước, thuyền chài ...

Các cộng đoàn đang phục vụ các đối tượng đặc thù như:
Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi.
Giới trẻ, người lớn xì ke, ma tuý, mại dâm.
Bạn trẻ lỡ lầm, mang thai ngoài ý muốn.
Trẻ em thai nhi bị phá thai, giết bỏ.
Trẻ em khuyết tật, người già neo đơn.
Các bệnh nhân phong cùi.
Các tội phạm, trại tù, cải tạo, cải huấn.
Các đoàn viên, đảng viên.

ĐỀ XUẤT 4: BIÊN SOẠN CHỈ NAM TRUYỀN GIÁO TRỰC TIẾP VÀ GIÁN TIẾP CHO TỪNG MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỐI TƯỢNG:

- Nhiều tu sĩ đầy lửa nhiệt huyết truyền giáo trực tiếp nhưng không được đào tạo, chuẩn bị đầy đủ và cần thiết nên dễ nản chí và tháo lui. Vì thế các Ban truyền giáo của các Dòng, ngồi lại với nhau để biên soạn 1 chỉ nam truyền giáo trực tiếp gián tiếp cho từng môi trường và từng đối tượng.

-  Nội dung của Chỉ Nam Truyền giáo trực tiếp và gián tiếp phải rất đầy đủ và chi tiết, được các Bề trên Dòng phê duyệt chấp thuận, làm cơ sở cho các tu sĩ truyền giáo trực tiếp tự tin dấn thân.

-  Khung nội dung của cuốn Chỉ nam Truyền Giáo trực tiếp và chuyên biệt gồm:

Chương 1: Ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng, sự cần thiết của truyền giáo trực tiếp.
Chương 2: Thành lập Nhóm truyền giáo trực tiếp và chuyên biệt các môi trường.
Chương 3: Kế hoạch truyền giáo.
Chương 4: Sư phạm phương pháp kinh nghiệm truyền giáo.
Chương 5: Qui chế - nội qui – kỷ luật Nhóm truyền giáo trực tiếp.

ĐỀ XUẤT 5: HỌC HỎI

Ban Tu Sĩ tiếp tục mở các khoá đào sâu về truyền giáo trực tiếp và gián tiếp cho tất cả mọi tu sĩ và mọi Hội Dòng.

ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Đệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây