Tổng thống Biden và ĐTC Phanxciô thảo luận về chính sách ngoại giao và biến đổi khí hậu
Ngày 14/6/2024, khi Đức Thánh Cha đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Borgo Egnazia thuộc miền Puglia của Ý, tổng thống Joe Biden của Mỹ đã có cuộc gặp riêng với ngài và hai vị đã thảo luận về chính sách ngoại giao và biến đổi khí hậu.
Ca ngợi sự dấn thân của Đức Thánh Cha vì hòa bình ở Ucraina
Theo thông cáo của Nhà Trắng, cả Đức Thánh Cha và ông Biden "đã nhấn mạnh đến sự khẩn thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và có một thỏa thuận con tin" ở Gaza và cần "giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo".
Thông cáo cũng cho biết thêm, "ông Biden đã cảm ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô vì công việc của Vatican nhằm giải quyết các tác động nhân đạo của cuộc chiến tranh xâm lược Ucraina của Nga, bao gồm cả nỗ lực của ngài nhằm giúp đưa những trẻ em Ucraina bị bắt cóc trở về với gia đình của các em”.
“Tổng thống Biden cũng tái khẳng định sự đánh giá cao của ông đối với sự ủng hộ không mệt mỏi của Đức Thánh Cha đối với người nghèo và những người bị đàn áp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xung đột trên khắp thế giới”.
Gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh G7
Đức Thánh Cha Phanxicô là Giáo hoàng đầu tiên phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7, cuộc họp thường niên của các vị lãnh đạo chính quyền của Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật.
Trước khi phát biểu tại phiên họp chung của hội nghị vào ngày 14/6, Đức Thánh Cha cũng đã gặp riêng bà Kristalina Georgieva, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng thống Ukraina Zelensky và tổng thống Pháp Macron và thủ tướng Canada Trudeau. Khi ngài di chuyển đến Hội trường của cuộc họp, ngài lần lượt bắt tay tất cả mọi người có mặt tại bàn tròn, trong đó có Quốc vương Jordan Abdallah II, Tổng thống Argentina Milei và Thủ tướng Ấn Độ Modi, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan. Sau cuộc họp Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ ông William Samoei Ruto, tổng thống Kenya, ông Luiz Inácio Lula da Silva, tổng thống Brazil, và ông Joseph Biden, tổng thống Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp về chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI), Đức Thánh Cha đã kêu gọi các quy định toàn cầu về AI, bày tỏ lo ngại về việc AI sẽ trở thành một công cụ chiến tranh và cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào AI mà không có sự can thiệp của con người. Ngài kêu gọi đưa ra các quy định toàn cầu để đảm bảo AI được sử dụng nhằm thúc đẩy lợi ích chung. (CNA 14/06/2024).
Hồng Thủy - Vatican News
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn