Những người cử hành nghi thức Thánh lễ này chỉ chiếm con số rất nhỏ trong Giáo Hội: tại Mỹ có 657 nơi cử hành Thánh lễ nghi thức cũ, so với 199 nơi tại Pháp, tại phần lớn các nước Phi, Á và Mỹ Latinh, vấn đề Thánh lễ theo nghi thức này hầu như không được đặt ra. Tuy nhiên, trong tuần qua, cũng đã có một số phản ứng tại các nước Âu Mỹ về Tự Sắc này.
Thánh lễ theo nghi thức cũ
Sau Công đồng Vatican II với cuộc cải tổ về phụng vụ, năm 1970, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho công bố Sách Lễ theo nghi thức được canh tân, dùng tiếng địa phương, để thay thế cho sách lễ theo nghi thức có từ thời Công đồng chung Trento năm 1570 và ấn bản cuối vào năm 1962 do Thánh Gioan XXIII công bố bằng tiếng Latinh. Tuy có sự đổi mới này, nhưng nhiều người vẫn còn gắn bó với nghi thức cũ, đặc biệt là Huynh đoàn Thánh Pio X do Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre thành lập. Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI ban hành Tự Sắc “Summorum Pontificum” (Các vị Giáo Hoàng) cho phép cử hành Thánh lễ theo nghi thức tiền Công Đồng, và coi đây là 2 hình thức: thông thường (Nghi thức mới) và ngoại thường (Nghi thức trước Công đồng) của cùng nghi lễ Roma để cử hành Thánh lễ.
Nội dung Tự Sắc
Tự Sắc mang tựa đề “Traditionis custodes” (Những người gìn giữ Truyền Thống), qua đó Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra nhiều giới hạn, nhất là qui định việc ban phép cử hành Thánh lễ tiếng Latinh theo nghi thức cũ là điều tùy thuộc các Giám Mục địa phương. Đối với những nhóm gắn bó với phụng vụ cũ, họ phải xin phép Đức Giám Mục giáo phận và không được cử hành nghi thức Thánh lễ cũ trong các nhà thờ giáo xứ. Đức Giám Mục sẽ xác định nhà thờ và những ngày cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ. Các bài đọc phải dùng tiếng địa phương, thay vì Latinh, và theo các bản dịch đã được các Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn. Người cử hành Thánh lễ cũ phải là một Linh Mục được Đức Giám Mục bản quyền ủy quyền. Ngài có nhiệm vụ kiểm chứng xem có nên duy trì việc cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ hay không, có hữu ích cho sự tăng trưởng tinh thần hay không. Đức Giám Mục đừng cho phép thành lập những nhóm mới cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ.
Những linh mục chịu chức sau khi công bố Tự Sắc này mà muốn cử hành Thánh lễ theo nghi thức tiền Công đồng, thì phải làm đơn xin phép Đức Giám Mục giáo phận. Vị này, trước khi cho phép, cần phải tham khảo ý kiến của Tòa Thánh. Những linh mục cho đến nay vẫn cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ, thì phải làm đơn xin phép Đức Giám Mục giáo phận để có thể tiếp tục cử hành Thánh lễ như vậy.
Kèm theo Tự Sắc trên đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gửi thư cho các Giám Mục trên thế giới để cho biết lý do khiến ngài ban hành Tự Sắc mới đó là vì “ngày càng hiển nhiên, trong lời nói và thái độ của nhiều người theo truyền thống cũ, trong việc cử hành phụng vụ trái ngược với tình hiệp thông Giáo Hội, nuôi dưỡng thúc đẩy chia rẽ... Chính vì để bảo vệ sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô mà tôi buộc lòng phải thu hồi năng quyền cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ mà các Vị Tiền Nhiệm của tôi đã ban”.
Vài phản ứng
Tự sắc mới của Đức Thánh Cha công bố giữa mùa hè, khi mà sinh hoạt của Giáo Hội tại nhiều nước Âu Mỹ chậm lại. Ngoài ra, thông thường, nhiều văn bản luật của Đức Thánh Cha có ấn định một thời gian từ lúc công bố cho đến khi có hiệu lực để các nơi có thể chuẩn bị áp dụng, nhưng Tự Sắc “Traditionis custodes” có hiệu lực ngay sau khi công bố. Vì thế, nhiều Giám Mục chưa có cơ hội cùng với các chuyên gia nghiên cứu, học hỏi sâu rộng, để có thể áp dụng nghiêm túc. Vì vậy, nhiều Giám Mục ra thông cáo cho biết tạm thời các Thánh lễ theo nghi thức cũ tiếp tục được giữ nguyên trong các giáo phận thuộc quyền.
Hội Đồng Giám Mục Mỹ
Đức cha Gomez, Tổng Giám Mục Los Angeles, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mỹ, tuyên bố: “Tôi hài lòng đón nhận ý muốn của Đức Thánh Cha thăng tiến sự hiệp nhất giữa các tín hữu Công Giáo cử hành nghi thức Thánh lễ Roma. Trong khi các qui luật mới này được thi hành, tôi khuyến khích các anh em Giám Mục của tôi hãy kỹ lưỡng, kiên nhẫn làm việc với nhau trong tinh thần công lý và bác ái để cùng nhau thăng tiến một sự canh thân Thánh lễ tại đất nước chúng ta”.
- Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone, của tổng giáo phận San Francisco, Hoa Kỳ, tuyên bố: “Thánh lễ Latinh truyền thống sẽ được tiếp tục trong giáo phận này vì đáp ứng những nhu cầu và ước muốn hợp pháp của các tín hữu”.
- Đức Cha Edward Scharfenberger, Giám Mục giáo phận Albany, bang New York, viết: “Tôn trọng việc cử hành Phụng vụ Roma trước cuộc cải tổ năm 1970, tôi muốn tái khẳng định những thiện hảo lớn về mục vụ và tinh thần mà những người dấn thân trong hình thức phụng vụ này cảm thấy. Và tôi cũng muốn nhìn nhận nhiều đóng góp giá trị cho đời sống Giáo Hội qua những buổi cử hành như vậy”.
- Đức Cha John Quinn, Giám Mục giáo phận Winona-Rochester, cho biết thỉnh thoảng ngài cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ, vì thế ngài sẽ duy trì lễ này trong giáo phận. “Trong Tự Sắc dự trù một sự tập trung hơn việc cử hành nghi thức ngoại thường và có thể làm cho một số tín hữu trong giáo phận chúng ta thất vọng, nhưng tôi cũng hy vọng Tự Sắc sẽ được đón nhận trong tinh thần hiệp nhất mà Đức Thánh Cha mong muốn”. Đức Cha Quinn cho biết ngài tiếp tục quan tâm mục vụ đối với những tín hữu gắn bó với hình thức ngoại thường cử hành Thánh lễ.
Hội Đồng Giám Mục Pháp
Trong thông cáo công bố ngày 17/7/2021, Hội Đồng Giám Mục Pháp bày tỏ lòng quí mến đối các tín hữu quen dự Thánh lễ theo nghi thức cũ tiền công đồng và khẳng định rằng:
“Cùng với toàn thể các tín hữu trong các giáo phận liên hệ, các Giám Mục Pháp đã nhận được Tự sắc “Traditionis Custodes”. Các vị muốn bày tỏ với các tín hữu thường cử hành theo sách lễ của Thánh Gioan XXIII và các vị mục tử của họ, sự quan tâm, lòng quí chuộng của các Giám Mục đối với lòng nhiệt thành của các tín hữu ấy, cũng như quyết tâm của họ cùng nhau theo đuổi sứ mạng, trong tình hiệp thông của Giáo Hội và theo các qui luật hiện hành.
“Mỗi Giám Mục sẽ quan tâm đáp ứng những thách đố được Đức Thánh Cha mô tả để thi hành trách nhiệm được nhắc nhở cho các vị trong công lý, bác ái và săn sóc tất cả và từng người, việc phục vụ Phụng vụ và sự hiệp nhất của Giáo Hội. Điều này được tiến hành qua đối thoại và đòi có thời gian.
Tự Sắc “Những người gìn giữ Truyền Thống” và thư của Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục để giới thiệu Tự Sắc là một lời kêu gọi đòi hỏi đối với toàn thể Giáo Hội hãy thực hiện sự canh tân đích thực về Thánh Thể. Không ai có thể tự miễn chuẩn cho mình khỏi nhiệm vụ này”.
Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp là Đức Cha Olivier Leborgne, Giám Mục giáo phận Arras, tuyên bố ngạc nhiên về giọng nghiêm khắc của Tự Sắc, ít là đối với tai người Pháp, và ngài ca ngợi những người theo nghi lễ cũ về linh đạo rất đẹp của họ. Theo Đức Cha Leborgne, việc sử dụng nghi lễ cũ phải được tiến hành trong sự hiệp thông hoàn toàn với Giám Mục địa phương. Tại Pháp phần lớn vẫn diễn ra như vậy, trừ một vài nơi có căng thẳng.
Huynh đoàn Thánh Phêrô
Tự Sắc mới của Đức Thánh Cha đặc biệt có liên hệ tới Huynh đoàn Thánh Phêrô là một Tu Đoàn được thành lập năm 1988, ban đầu qui tụ 12 Linh Mục rời bỏ Huynh Đoàn thánh Piô 10, sau khi Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebve tự ý truyền chức 4 Giám Mục không có phép của Tòa Thánh hồi cuối tháng 6/1988.
Tính đến tháng 11/2020, Huynh đoàn có 330 Linh Mục, trong đó có 310 được nhập tịch vào Huynh đoàn và 174 chủng sinh. Tại Mỹ Huynh đoàn hoạt động tại 39 giáo phận và có 54 địa điểm tông đồ, với 112 Linh Mục. Huynh đoàn có 7 cộng đoàn tại Canada. Tất cả đều cử hành Thánh lễ tiếng Latinh theo sách lễ của Thánh Gioan 23. Ngoài ra Huynh đoàn có một Hiệp hội giáo dân gồm 7.390 người, trong đó 1.036 nói tiếng Pháp, 974 tiếng Đức và 5.380 nói tiếng Anh.
Trong thông cáo ngày 19/7/2021, Huynh Đoàn Thánh Phêrô nói rằng: “Chúng tôi muốn tái bày tỏ lòng trung thành không lay chuyển với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và đồng thời ước muốn trung thành với hiến pháp và đoàn sủng của chúng tôi, tiếp tục phục vụ các tín hữu như chúng tôi vẫn làm từ khi mới thành lập. Chúng tôi hy vọng có thể trông cậy và sự cảm thông của các Giám Mục, quyền bình của các ngài chúng tôi luôn tôn trọng, và với các ngài chúng tôi luôn cộng tác chân thành”.
“Với việc công bố Tự Sắc mới giới hạn việc cử hành hình thức ngoại thường nghi lễ Roma, nhiều người trong chúng tôi cảm thấy sự thiếu tín nhiệm và lo âu. Trong lúc này quá sớm chưa thể thấy tất cả những hệ luận của Tự Sắc đối với Huynh đoàn thánh Phêrô, nhưng chúng tôi cam đoan với anh chị em rằng chúng tôi tiếp tục dấn thân phục vụ các tín hữu tìm đến các hoạt động tông đồ của chúng tôi theo hiến pháp và đoàn sủng của chúng tôi như chúng tôi vẫn làm từ khi mới thành lập.
“Chúng ta phải cố gắng coi thánh giá này như phương thế thánh hóa và nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội của Ngài. Chúa hứa với chúng ta ơn thánh cần thiết để vác thánh giá với sức mạnh và can đảm. Chúng ta không được lơ là với phần rỗi các tín hữu Công Giáo chúng ta. Chúng ta cầu nguyện và dâng hy sinh trong cuộc sống hằng ngày và tín thác nơi sự chuyển cầu của Đức Mẹ, Thánh Giuse và thánh Phêrô bổn mạng của chúng ta”.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
https://www.vaticannews.va