TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài chia sẻ Lễ tang ĐC Giuse Trịnh Chính Trực

Thứ năm - 03/06/2021 06:37 | Tác giả bài viết: Gm Phaolô Nguyễn Văn Hòa |   1116
Bài chia sẻ Lễ tang ĐC Giuse Trịnh Chính Trực

Bài chia sẻ Tin mừng của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà trong Thánh lễ AN TÁNG ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC

Chúng ta quy tụ nơi đây trước linh cữu Đức Cha Giuse để dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Ngài. Ngài đã lâm trọng bệnh và nằm liệt từ trước đây hơn 2 năm. Trong thời gian này ngài không tỏ ra dấu không hiểu biết gì nữa, và tình trạng bất động kéo dài cho tới khi qua đời. Đây cũng là tình trạng chung của tất cả mọi người: con người đang có sức khoẻ thì bỗng đau yếu, hoặc đến khi tuổi cao sức khoẻ giảm dần, cho đến lúc cử động chân tay cũng không nổi, có khi ngay cả tâm trí cũng tỏ ra như không biết gì nữa. Dù tin có đời sau hay không,mọi người ai cũng nhận thấy khả năng của mình, trải qua năm tháng, bị giới hạn từ từ, và sẽ dần dần đi đến chỗ không còn làm việc gì được nữa.

Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay nhắc mọi người suy nghĩ về sự chết; là một giai đoạn chuyển tiếp của toàn bộ cuộc sống con người. Sự chuyển tiếp này thật vắn gọn và làm thay đổi dần cách sống. Đây là một khúc ngoặt rất quan trọng trên hành trình mầu nhiệm cuộc sống.

Việc chúng ta sinh ra ở trên đời không do chúng ta muốn và lựa chọn. Chúng ta đón nhận sự sống như một ân ban của Tạo Hoá. Theo thời gian, con người chúng ta thay đổi và già đi, rồi một lúc nào đó sự chết sẽ tới mà không ai thoát khỏi được. Cách tốt nhất là chúng ta đối diện với sự chết và xin Lời Chúa hướng dẫn.

Đời sống của mỗi người nằm trong một chương trình lớn lao bao gồm tất cả cuộc sống của nhân loại. Đến lượt cuộc sống của nhân loại lại chìm ngập trong một quy mô vĩ đại của toàn vũ trụ luôn chuyển động. Một bàn tay vô hình và toàn năng toàn tri vẫn liên tục điều khiển cuộc sống trong một kế hoạch rộng lớn mênh mông vô hạn. Bàn tay này chính là Thiên Chúa.

Mọi sự sống tuỳ thuộc vào Ngài, Ngài đưa mọi người vào cuộc sống trần gian, nơi đó con người được hạnh phúc. Con người dùng các tài nguyên của thiên nhiên do Thiên Chúa dựng nên, cùng với trí khôn trời ban đã phát minh ra nhiều máy móc và phương tiện giúp cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng vì do tội nguyên tổ, con người đã lỗi phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân nên đau khổ và sự chết đã đi vào trần gian.

Hạnh phúc thay, do tình thương vô biên của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chịu chết trong tinh thần vâng phục Chúa Cha để mọi người được nên công chính. Ngài không cứu chúng ta khỏi đau khổ và cái chết ở đời này, nhưng đã cứu chúng ta khỏi đau khổ và cái chết ở đời sau.

Để tự con người suy nghĩ, chẳng ai trả lời được những câu hỏi liên quan đến đau khổ và sự chết. Tại sao phải đau khổ và phải chết? Chết rồi sẽ ra sao?

Đức tin dạy chúng ta rằng: do tội tổ tông mà sự chết đã xâm nhập vào trần gian (Rm 5,12). Nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu “đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị huỷ diệt tiêu tan thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời” (Kinh Tiền tụng I cầu cho những người đã qua đời)

Ngay từ thời Cựu ước, Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa được nghe (3, l-9) đã chỉ cho mọi người biết: “nhưng linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài... Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an”, chết không phải là hết như một số người nghĩ, linh hồn khi đó không hư nát như thể xác, cũng không tan biến như hơi thở (cũng không đầu thai vào 1 kiếp khác). Đứng trước sự tàn lụi của sự sống con người, trước sự bế tắc của một tương lai đen tối, Lời Chúa vừa nói quả là một ánh sáng chỉ đường cứu sinh, đem lại một niềm hy vọng lớn lao cho mọi người.

“Đau khổ sự chết không làm gì được các ngài”. Lời này không có ý bão là các ngài sẽ không bị đau khổ, không bị chết; nhưng có ý nói dù có chịu đau khổ và chịu chết, các ngài vẫn không sợ hãi, nản chí hay bị lung lạc, mất niềm tin; nhưng luôn cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Các ngài đón nhận đau khổ và hy sinh một cách thanh thản và coi đó là những cách Chúa dùng để thử thách và tinh luyện. Chúng sẽ trở thành hào quang sáng chói ở đời sồn vĩnh cửu.

Sang thời Tân ước, trong thư gửi Rôma (6,3-9) Lời Chúa nói rõ hơn: Khi chúng ta nhận phép Rửa trong Đức Giêsu Kitô tức là ta đã nhận phép Rửa trong sự chết của Ngài: người sống công chính chịu đau khổ, chết và sống lại trong mối liên kết với Chúa, có nghĩa là không làm nô lệ tội lỗi nữa, không oán thù, ghen ghét, say sưa, không tham lam, kiêu căng, lười biếng, gian dối, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài: sống yêu thương, đạo đức khi ở trần gian và sống lại vinh quang ngày Phục sinh.

Trong Tìn Mừng theo Thánh Gioan (Ga 12, 23-28) hình ảnh hạt lúa gieo xuống đất mọc lên một cây lúa, trổ bông và sinh nhiều bông hạt là một hình ảnh rất quen thuộc và gần gũi với mọi người. Chính hạt lúa gieo xuống đất chấp nhận một sự mất mát, một sự chết đi, nhưng từ đó một mầm sống nẩy sinh... Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình ở đời này thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời.

Khi còn làm việc trong trách nhiệm mục vụ, Linh mục hay Giám mục, người ta luôn thấy hình ảnh một mục tử sống đơn giản khó nghèo, bình dị, quan tâm đến mọi thành phần dân Chúa, tinh thần đó vẫn tiếp nối trong những ngày lâm trọng bệnh. Đức Cha Giuse đã chịu sự thử thách và thanh luyện này từ bàn tay Thiên Chúa trong một thời gian khá dài.

Dù không làm được gì tích cực theo cái nhìn thông thường trong xã hội, nhưng chấp nhận hy sinh trong thời gian đau bệnh, liên kết với Chúa chịu nạn, vui lòng đón nhận chương trình của Thiên Chúa, thì bệnh tật lại trở thành một công việc rất tích cực trước mặt Chúa. Chúng ta tin rằng trong thời gian này Ngài đã có nhiều thời giờ dâng hy sinh cầu nguyện cho Giáo phận Banmêthuột và cho Giáo hội Việt Nam.

Đức Cha Giuse đã được Chúa gọi về với Ngài, nhưng mỗi liên hệ giữa chúng ta với Ngài, cũng như giữa Ngài với chúng ta vẫn không hề gián đoạn. Trái lại, giữa hai bên luôn có một sự truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng: chúng ta dâng hy sinh, dâng lời cầu nguyện cho Ngài, và Ngài cũng không ngừng cầu bầu cho chúng ta trước Toà Chúa.

Gm Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây