TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội

Thứ năm - 03/06/2021 20:59 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   1041
Bài giảng lễ Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội

Bài giảng lễ Ngày Quốc tế Truyền thông Xã hội
(Cv 22, 30. 23, 6-11; Ga 17, 20-26)

Anh chị em thân mến,

Trong câu cuối của bài đọc I, Chúa hiện đến bên Phaolô an ủi ông và nhắc cho ông  biết về bổn phận làm chứng: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa” (Cv 23, 11)

“Làm chứng cho Chúa Giêsu” nghĩa là làm cho người khác biết về những điều kỳ diệu Chúa đã làm qua Đức Giêsu Kitô. Người môn đệ có thể làm cho người khác biết về Chúa Giêsu bằng lời nói, bằng chính cuộc sống được biến đổi của mình khi tin vào Chúa Giêsu, và chứng từ mạnh nhất của việc làm chứng này là tử đạo, dám sẵn sàng chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô.

Làm chứng cũng có nghĩa là thông truyền cho người khác biết về điều tôi muốn trình bày. Để giúp cho người khác đón nhận được sứ điệp, người làm chứng cũng cần phải vận dụng nhiều khả năng, kiến thức, văn hóa, kinh nghiệm đức tin cũng như kinh nghiệm trong cuộc sống, để giúp cho người khác lắng nghe và đón nhận.

Trong câu chuyện mà bài đọc I thuật lại, bối cảnh diễn ra thế này : Vào cuối cuộc hành trình truyền giáo lần thứ III, thánh Phaolô trở về Giêrusalem, lúc Ngài lên đền thờ cầu nguyện, những người Do Thái quá khích tố cáo Ngài giảng dạy những điều phản dân, phạm đến Lề luật và Nơi Thánh. Người ta xúm lại bắt lấy Thánh Phaolô, đánh đập và tìm cách giết Ngài.

Viên chỉ huy pháo đài Atonio, ở gần đền thờ, đưa quân lính đến giải vây cho Ngài và còng tay dẫn vào trong đồn. Khi sắp bị đem vào đồn, Phaolô nói chuyện với người chỉ huy bằng tiếng Hy Lạp, xin phép nói đôi lời với dân chúng đang hò hét đòi giết Ngài. Khi Ngài nói với họ bằng tiếng Do Thái, thì họ im lặng lắng nghe. Ngài đã kể lại việc mình đã bách hại Hội Thánh, đã được ơn trở lại và được Chúa Giêsu sai đi rao giảng như thế nào. Người Do Thái phẫn nộ đòi giết Ngài. Viên chỉ huy ra lệnh đưa Phaolô vào đồn và truyền đánh đòn, tra tấn để biết lý do tại sao người ta phản đối ông như vậy.

Khi bị nọc ra để đánh, thánh Phaolô nại đến quyền của người công dân Rôma để tự bảo vệ mình. Khi biết Ngài là công dân Rôma, viên chỉ huy đã triệu tập Thượng Hội Đồng, để Thánh Phaolô có dịp trình bày, đối chất một cách công khai.

Được dịp trình bày trước Thượng Hội Đồng, thánh Phaolô tận dụng sự khác biệt về niềm tin vào sự sống lại giữa nhóm Sađốc và Pharisiêu để bảo vệ mình và làm chứng cho Đức Kitô.

Đọc lại cuộc đời truyền giáo của thánh Phaolô, chúng ta có cảm tưởng là Ngài luôn sống trong nhịp hoạt động và rao giảng. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Ngài chỉ có thể rao giảng và truyền giáo một cách có hiệu quả là nhờ vào những thời gian Ngài phải sống im lặng. Sau khi nhận biết Chúa trên đường đi Damas, Ngài đã sống một thời gian trong sa mạc Ả Rập (Gl 1, 17); sau khi gặp các Tông đồ ở Giêrusalem, Ngài đã trở về Tarse sống thinh lặng một thời gian trước khi Barnabê đưa về làm việc ở Antokia (Cv 11, 25-26).

Và rồi hai năm bị giam cầm ở Cê-sa-rê, ba năm ở Roma nữa.

Thời gian thinh lặng là thời điểm thích hợp để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng nói của tha nhân và tiếng nói của lòng minh.Chính trong sự im lặng nội tâm mà Ngài đã khám phá những điều kỳ diệu về Chúa Giêsu được Kinh Thánh nói trước và kinh nghiệm của các Tông đồ làm chứng.

Để có thể thi hành sứ mệnh làm chứng cho Chúa Giêsu, chúng ta phải hiểu sứ điệp của Ngài và điều Ngài muón chúng ta trình bày về Chúa theo cách Chúa muốn, chứ không phải cách chúng ta muốn. Vì thế, hiểu đúng và nói sự thật là nhiệm vụ quan trọng của truyền thông.

Chúng ta cầu nguyện cho những người làm chứng cho Chúa và những người làm công việc truyền thông biết đi theo con đường thánh Phaolô đã đi, để có thể phục vụ công việc rao giảng Tin Mừng một cách có hiệu quả.

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây