TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng lễ Giỗ Tổ LBT -2011

Thứ năm - 03/06/2021 06:27 | Tác giả bài viết: Lm Stephano Nguyễn Văn Đậu |   1106
Bài giảng lễ Giỗ Tổ LBT -2011

BÀI GIẢNG LỄ GIỖ THÁNH TỔ PHAO LÔ LÊ BẢO TỊNH
(ngày 06 tháng 04 năm 2011)

Hội thánh Chúa Kitô chính thức có mặt trong lịch sử Việt Nam từ hơn 350 năm nay bằng sự kiện Toà thánh thiết lập ba Giáo phận Tông Toà đầu tiên, với sứ mạng loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần.

1/ Sự hiện diện này của Tin Mừng đã giúp cho văn hoá, xã hội Việt Nam có những đổi mới tích cực nhằm góp phần không nhỏ vào đời sống đồng bào và sự phát triển đất nước, như: chính người Công Giáo đầu tiên này, đã tạo ra nền tảng chữ quốc ngữ mà mọi người hiện đang sử dụng; đã đào tạo không biết bao nhiêu là nhân tài và hiền sĩ cho đất nước, nâng cao giá trị nhân văn như tôn trọng sự sống, phẩm giá con người, đặc biệt phẩm giá người phụ nữ và trẻ em, sự bình đẳng vợ chồng, nam nữ, tình yêu thương và tình yêu phục vụ, kể cả xây dựng đổi mới đất nước về mặt chính trị, quân sự, kinh tế… của Nguyễn Trường Tộ, Lm Đặng Đức Tuấn, v.v… nói chung, đã đem lại sự đổi mới cho con người – xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai ai lúc bấy giờ cũng dễ dàng đón nhận ngay được Tin mừng này trong lúc thiếu bình tĩnh, lại hấp tấp của một số người cầm quyền bấy giờ thấy: “đạo mới làm đảo lộn đời sống luân lý của họ”, thế là phản ứng và hành động hủy diệt những người giảng và theo đạo mới, mà họ gọi là đạo Tây Dương! Và phong trào diệt đạo này diễn ra mạnh mẽ vào thời các vua nhà Nguyễn, giết hại mấy trăm nghìn người công giáo, trong đó có Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh! (1857: Thời các vua Minh Mạng, thiệu Trị, Tự Đức – và Tổng Đốc Nguyễn Đình Hưng).

Sự kiện giết đạo này cho thấy giữa đạo và đời có một mâu thuẫn không phải là điều đáng mong ước. Hình như thường xuyên có một khoảng cách giữa đời sống xã hội và đời sống tôn giáo, tuy nhiên, không thể có một thỏa hiệp của người Công Giáo với bất công, thù hận: “Tôi xin chân thành cảm ơn quan vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán thán gì… còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể lay chuyển lòng tin tưởng của tôi. Đạo Thiên Chúa là Chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và quý đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được” (1857)

2. Năm 2010: Đây là thời điểm của Giáo hội Việt Nam hôm nay “nhìn lại chính mình, tìm lại chính mình” qua tiêu điểm “Giáo Hội mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ” mà từ đó người Công giáo Việt Nam làm nên Giáo hội Việt Nam trong tương lai. Chính vì thế, mà thế hệ chúng ta có trách nhiệm với Giáo Hội hôm nay, như Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh có trách nhiệm với Giáo hội Việt Nam ở thế kỷ XIX!

Giáo hội Việt Nam hôm nay, đừng quá quan tâm về “Giáo hội Tử đạo” (Vì đó là định mệnh rồi!) nhưng hãy quan tâm đến Giáo hội Loan báo Tin Mừng, “bằng đời sống xây nền trên đức tin, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt (Benedicto XVI!)

Vì vậy mà mỗi chúng ta, với danh tánh là học trò của Thánh Lê Bảo Tịnh, khi mang ước vọng Loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam hôm nay, trước hết phải “tìm lại chính mình”. Có “Tịnh tử” đã tâm sự với tôi rằng: “Con lấy làm tiếc vì đã bỏ mất nhiều năm sống lơ là với Giáo hội Công giáo của mình, không quan tâm gì đến một đời sống đức tin gương mẫu gia đình, không tham gia việc tông đồ giáo dân trong giáo xứ mình, đặc biệt... chẳng tích cực dấn thân yêu thương và phục vụ trong đạo ngoài đời. Sống co lại!”. Đức Giám Mục giáo phận chúng ta, trong bài tham luận của mình về Sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Việt Nam đã nhắn nhủ chúng ta rằng: “Loan báo Tin Mừng không phải là “tuyên truyền” mà là viết Tin Mừng trên cuộc sống của mình”.

Do đó, như tinh thần của mùa chay, chúng ta phải “tìm lại chính mình”, ngay trong Phép Rửa mà chúng ta đã nhận, tìm lại để lấy sinh khí mới của Thần Khí. Để bắt đầu sống đời sống Giáo hội Việt Nam thời hậu Đại Hội Dân Chúa. Hãy mở tâm hồn ra với Giáo Hội, với nhân loại, mà Lm Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, trong Bài “Làm mới hình ảnh Giáo Hội tại Việt Nam”, đã kết luận thực hành như sau:

1/ Mỗi người hãy trở thành dấu chỉ và dụng cụ cho sự thánh thiêng của Thiên Chúa luôn gắn bó với lời Chúa Kitô, siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các mầu nhiệm thánh (Hãy đi trên Con đường Tình Yêu của Chúa Giêsu đã đi, đã sống (đặc biệt qua 4 chặng đường đời của Chúa, với Kinh Mân Côi)

2/ Luôn kính yêu và sống hiệp thông huynh đệ với gia đình Giáo hội, để tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của chính Chúa Kitô.

3/ Nhiệt tâm chung sức loan báo Chúa Kitô là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

4/ Sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai thiện chí (không kể chủ nghĩa nào…), để:
- Bảo vệ chủ quyền đất nước.
- Bảo vệ môi trường sinh sống.
- Quan tâm ưu tiên đến người nghèo cụ thể là nông dân và công nhân.

Thiết tưởng đó là thái độ “Tìm lại chính mình” cách thực tế, mà nhân ngày Lễ Giỗ Tổ hôm nay anh em đã xướng lên, thì mọi người hãy “đáp lại đi”!

Lm Stephano Nguyễn Văn Đậu
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây