TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng Thánh lễ bế mạc Năm thánh CTTĐVN

Thứ ba - 01/06/2021 03:49 | Tác giả bài viết: Lm Phêrô Trần Ngọc Anh |   770

Bài giảng:
Thánh lễ bế mạc
Năm thánh tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam
tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột

 

Lễ Mừng Các Thánh TĐVN – Bế Mạc Năm Thánh (23.11.2018)

Bài Tin Mừng (Ga 17,11-19)

 

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.  Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.
Đó là Lời Chúa
 
Bài giảng

Thánh lễ hôm nay được long trọng cử hành, trong không khí hân hoan của ngày Bế Mạc Năm Thánh mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha ông của chúng ta trong đức tin. Các ngài đã can trường chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô, và như thế, lấy máu đào viết lên trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam thời khai nguyên. Những hồi kèm trầm hùng vang lên trước thánh lễ, nhất là bài ca nhập lễ mà ca đoàn hát rất “máu lửa” đã làm cho mọi tín hữu nức lòng. “Tôi thà bị lưu đày, thà chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo!” Những lời lẽ kiêu hùng của các ngài như vẫn còn vang vọng trong không gian. Không ai có mặt ở đây mà lại không ước ao mình có được lòng can đảm như cha ông chúng ta. Kể từ thế kỷ XVII, hạt giống đức tin được gieo vào đất nước chúng ta. Ba trăm năm Tin Mừng được loan báo là 300 năm với máu chảy đầu rơi. Chính vì thế mà Giáo Hội Việt Nam tuy non trẻ nhưng có con số các thánh tử đạo nhiều không thua kém gì các Giáo Hội cố cựu trên thế giới. Ngoài 117 vị thánh tử đạo được tôn vinh, còn có khoảng 130 ngàn Kitô hữu đã can đảm lấy máu mình làm chứng cho đức tin.

Trong bài chia sẻ hôm nay, tôi xin nêu ra 3 vấn đề để chúng ta cùng suy nghĩ:

I. Nét đặc trưng nơi cái chết của các thánh tử đạo

Đâu là nét đặc trưng nơi cái chết của các thánh tử đạo, cách riêng các thánh TĐVN? Kể từ biến cố Tòa Tháp Đôi ở New York, nước Mỹ, bị tấn công ngày 11/09/2001, các phương tiện truyền thông không ngừng nói đến những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở khắp nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đáng nói là những cuộc tấn công cảm tử giết người đó, đã được chính những kẻ thực hiện gọi là hành động “tử vì đạo”. Câu hỏi đặt ra là hành động “tử vì đạo” đó có khác với hành động tử vì đạo của những vị mà Giáo Hội tôn kính hôm nay? –- Thưa khác rất nhiều: các thánh tử đạo không phải là những vị anh hùng theo kiểu các chiến binh Hồi giáo hoặc các vị anh hùng khác của nhân loại. Tử vì đạo của Kitô giáo là cách người tín hữu bày tỏ lòng Tin, Cậy, và Mến tuyệt đối của mình nơi Thiên Chúa toàn năng:

1° Tử đạo là hành động của đức Tin

Các thánh tử đạo không phải là những chiến binh cuồng tín, mù quáng tuân theo những mệnh lệnh gieo rắc cảnh chết chóc, tang thương cho đồng loại, nhưng là những con người, muốn lấy cái chết để bày tỏ niềm tin mãnh liệt của mình vào Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã bày tỏ lòng thương xót của Người cách cụ thể, sống động nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Và vị Thiên Chúa làm người đó đã nêu gương và mời gọi tất cả những kẻ đi theo Người sống hiền lành, khiêm hạ, khó nghèo, nhân hậu, quảng đại, phục vụ, hy sinh.

Các vị tử đạo là những con người không biết thù ghét, mà cũng không được thù ghét bất cứ ai; trái lại luôn luôn tuân giữ mệnh lệnh Chúa Kitô truyền là yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (Mt 5, 44). Thánh Gioan Carôlô Corney Tân, linh mục thừa sai người Pháp, khi bị quan tòa cáo buộc tội âm mưu chống lại triều đình đã trả lời: “Chúng tôi chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở lành, dạy con cái thảo kính cha mẹ, kêu gọi thần dân vâng phục vua quan. Thế thì tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống nhà vua được!”. Thánh Phaolô Khoan cũng có những lời lẽ tương tự: “Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lệnh vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu!”.

Quả vậy, nếu các thánh Tử Đạo Việt Nam có phải chiến đấu, thì đó là chiến đấu chống lại sự hèn nhát, khiếp sợ của chính mình. Vì thế, nếu có một người nào bị giết, tuy trên danh nghĩa “chết vì đạo”, nhưng lại căm thù những kẻ bách hại mình, hay kiêu hãnh tự phụ vì tính anh hùng của mình, thì người đó không thể nào là thánh được. Cũng vì lý do đó mà Giáo Hội Công giáo không bao giờ chấp nhận cho các tín hữu của mình tự sát, ngay cả trong trường hợp gọi là để bảo vệ đức tin hay bảo vệ Giáo Hội.

2° Tử đạo là hành động của Đức Cậy

Đức Cậy tiếng La tinh là spes, tiếng Anh là hope. Như thế, Cậy ở đây là hy vọng: hy vọng vào phần thưởng Chúa hứa ban, là sự sống đời đời, là chính Chúa. Do khát khao được lãnh nhận phần thưởng lớn lao, quý giá đó mà các ngài đã coi nhẹ mọi vinh hoa phú quý ở đời này, ngay cả mạng sống của mình. Thánh Phêrô Cao, trong những ngày chờ lãnh án xử trảm, đã thiết tha cầu nguyện: “Lạy Chúa. Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Kitô, để con được đón nhận ngành lá tử đạo khi về tới bến thiên đàng”. Bến thiên đàng ở đây là sự sống đời đời, là được hưởng Tôn Nhan Chúa. Thánh Théophane Vénard, trước lời dụ dỗ của quan tòa cũng đã khẳng định: “Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý giá đến nỗi tôi phải bỏ đạo mà mua!”

3° Tử đạo là hành động của Đức Mến

Mến ở đây là yêu mến Chúa trên hết mọi sự; và tình yêu này lớn lao đến độ các ngài đã đặt Chúa lên trên cả mạng sống mình. Khi nghe quan án tỉnh Nam Định khuyến dụ bỏ đạo, thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh đã từ tốn đáp: "Tôi xin chân thành cảm ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin quan làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì… Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được…. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thuở bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được.

Cũng vì yêu mến Chúa mà các ngài đã yêu thương hết thảy mọi con người. Dù bị ghét bỏ, bách hại, dù phải gánh chịu những cái chết hãi hùng, trái tim của các thánh tử đạo vẫn không có chút bóng dáng của lòng thù hận; các ngài luôn sẵn sàng chết trong tình yêu và tình yêu.

II. Noi gương các thánh tử đạo

Chúng ta đã thấy rõ đâu là nét đặc trưng nơi cái chết anh hùng của các thánh tử đạo. Khi ôn lại cuộc đời Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, ai trong chúng ta cũng nức lòng muốn noi gương các ngài. Thế nhưng, noi gương như thế nào là hay nhất, là tốt nhất? -- Trong Năm Thánh Mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, theo lời kêu gọi của Đức Cha giáo phận, các gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu trì đã có nhiều sáng kiến tốt đẹp như tổ chức các buổi học hỏi về các thánh tử đạo, thực hiện những việc đạo đức, những chuyến hành hương, v.v. Làm được như thế là rất tốt; tuy nhiên, thực lòng mà nói đó không phải là điều khó nhất. Điều khó nhất là đi lại con đường mà các thánh tử đạo đã đi, bằng chính đời sống của mỗi người. Dĩ nhiên, có rất nhiều cách để đi lại con đường đó; tôi thấy có 2 cách mà ai cũng có thể vươn tới:

1° Sống lương thiện, sống công bình

Ngày nay, chắc hẳn không có ai kề dao vào cổ, dí súng vào đầu bắt chúng ta phải chối đạo, phải bước qua thập giá; tuy nhiên, trong thời kinh tế thị trường, thời mà trong đó người ta thường ví von “lương tâm không bằng lương tháng, chân lý không bằng chân giò”, thì người Kitô hữu chúng ta không bị cám dỗ bước qua thập giá nhưng là bước qua lương tâm mình, bước qua lương tâm để mua lấy chút địa vị, lợi lộc, an toàn, thoải mái... Đúng vậy, người Kitô hữu chúng ta dễ bị cám dỗ nhắm mắt làm ngơ trước những sự ác, những bất công đang diễn ra quanh chúng ta, để được yên thân, thậm chí lỗi đức công bằng để có thêm chút đất đai, tiền của… Như thế, noi gương các thánh tử đạo đồng nghĩa với việc dám đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dám bắt chước các ngài chấp nhận mọi thiệt thòi, phiền hà, mất mát để làm chứng cho đức tin, cho sự thật và cho tình yêu đối với Chúa Kitô.

2° Hết lòng trung tín với bổn phận

Ai trong chúng ta cũng có một bổn phận phải chu toàn; thế nhưng, trung tín với bổn phận Chúa trao từng giây từng phút không phải là điều dễ dàng gì. Hẳn là ai trong chúng ta cũng mong mình có lòng can trường dám chết để làm chứng cho đức tin; tuy nhiên, xét về một phương diện nào đó thì cái chết tử đạo -như đưa đầu ra cho người ta chém- là việc tương đối nhanh chóng và dễ dàng. Còn cái chết dần mòn, thầm lặng, vô danh mới là điều kinh khủng. Thật vậy, sống cho đúng với điều Chúa dạy quả là kinh khủng, khi đó là người vợ, phải liên lỉ âm thầm chịu đựng thói say sưa, vũ phu của chồng; khi đó là con cái, phải phụng dưỡng cha mẹ cứ ngày mỗi bẳn gắt, khó tính hơn; khi đó là người học sinh, sinh viên giữ mình không quay cóp trong thi cử như các bạn cùng lớp khác; khi đó là người sống đời tu, phải từng giờ từng phút thực tâm tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục… Tất cả những cố gắng đó đều là những cái chết đối với bản thân; tuy nhiên, nếu chúng ta có lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự như các thánh tử đạo đã có, thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể làm được. Những hi sinh, những dâng hiến âm thầm, liên lỉ như thế cũng là một cách tử vì đạo, tuyên xưng ĐKT không kém hào hùng.

III. Các thánh tử đạo và thế gian[1]

Các thánh tử đạo đã coi nhẹ mọi sự ở đời này, vậy các ngài có khinh chê, ghét bỏ thế gian không? -- Xin được trả lời câu hỏi này bằng việc nhắc lại câu chuyện cuộc đời của thánh Micae Hồ Đình Hy: "Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước. Nay hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô." Đó là câu trả lời của ông Micae Hồ Đình Hy khi vua Tự Đức đề nghị ông giả vờ bước qua thánh giá. Ông là người thanh liêm, được nhà vua hết sức tín cẩn phong làm quan Thái Bộc, hàm Tam phẩm, đặc trách ngành dệt tơ lụa vải vóc trong cả nước; nhưng ông cũng là một Kitô hữu dấn thân làm việc tông đồ. Ông không thấy có gì xung khắc giữa việc phục vụ đất nước với việc phục vụ Giáo Hội.

Bị các đồng liêu vu khống là bí mật giao tiếp với Tây phương, âm mưu làm loạn, ông bị bắt, bị kết án là khinh luật nước, chống lại triều đình. Ông Hy đã chấp nhận cái chết một cách bình thản. Trước khi chịu chém, ông còn xin hút một điếu thuốc, hương vị cuối cùng của trần gian mà ông muốn nếm trước khi nếm hương vị của thiên đàng vĩnh cửu. Cuộc sống và cái chết của thánh Micae Hồ Đình Hy đã gián tiếp trả lời cho câu hỏi vừa nêu, nhất là đã cung cấp ánh sáng để chúng ta hiểu rõ hơn bài Tin Mừng vừa nghe. Nói cách vắn gọn, bài Tin Mừng hôm nay cho thấy người Kitô hữu chúng ta có hai đầu dây cần phải giữ:

1° "Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai họ đến trong thế gian" (Ga 17,18). Thế gian là nơi thánh Hy đã sống cho đến chết. Thế gian là đất nước, là vua quan, là thứ dân... Thánh Hy đã không khinh chê, trái lại đã yêu mến và sống tận tình cho thế gian đó. Do vậy, thế gian đã trở nên như máu thịt của người Kitô hữu vì đó là nơi họ được Chúa sai đến để phục vụ, và là nơi họ trở thành người Kitô hữu trọn vẹn.

2° "Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian" (Ga 17,16). Qua cách hành xử, thánh Hy tuy yêu mến thế gian, ở trong thế gian nhưng thánh nhân ý thức rằng ngài không thuộc về thế gian, nghĩa là không hoàn toàn nghĩ và sống như thế gian. Người Kitô hữu không coi thường mọi giá trị của xã hội, nhưng họ có một thang giá trị riêng. Họ biết đâu là những giá trị mà họ phải tôn trọng. Nếu hy sinh những giá trị đó, họ sẽ đánh mất chính mình và chẳng đóng góp được gì cho bộ mặt thế giới. Họ là nhúm men vùi trong đống bột. Men không được tách khỏi bột, và men cũng không được biến chất thành bột. Trong cả hai trường hợp, men đều trở nên vô ích.

Kinh nghiệm sống đức tin cho thấy, chúng ta luôn bị cám dỗ buông một trong hai đầu dây. Bỏ một trong hai đều làm mất căn tính của người Kitô hữu. Ơn gọi Kitô hữu đặt ta vào một thế đứng chênh vênh, thế đứng đòi phải trả giá. Chúa vừa chọn chúng ta ra khỏi thế gian, vừa sai chúng ta vào trong thế gian đó. Mà thế gian này thì vàng thau lẫn lộn; có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài. Vì thế, người môn đệ Chúa phải ý tứ giữ cho được bản lĩnh của mình, giữ cho được vị mặn của muối, và sức tác động của men, để đem đến cho thế gian một linh hồn, một sức sống. Và giả như vì sống sứ mạng của men và muối đó mà chúng ta bị thế gian ghét bỏ, thì chúng ta vẫn an vui vì được diễm phúc nên giống Đức Giêsu Kitô, Thầy chí thánh của mình.

Hôm nay là ngày uống nước nhớ nguồn. Đức tin chúng ta đang có là kết quả của những giọt máu mà cha ông đã đổ ra. Vì thế, dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta các thánh tử đạo và xin Người chỉ cho chúng ta cách để đền đáp ân huệ lớn lao này cho cân xứng. Lát nữa đây, trong bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta được mời gọi đến chia sẻ Thịt Máu của Chúa. Trong cuộc đời bé nhỏ của mỗi người, hẳn là Chúa không đòi hỏi chúng ta chia sẻ thịt máu cho nhau, nhưng mời gọi chúng ta góp vào trong chén máu của Chúa những hi sinh, những cố gắng khi chu toàn bổn phận Chúa trao, khi sống lương thiện, công bằng giữa lòng xã hội hôm nay. Chắc chắn đó là cách đền đáp cụ thể nhất và cũng là của lễ đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng lên Chúa. AMEN.

 

Linh mục Phêrô Trần Ngọc Anh

 


[1] Phần III này lấy chất liệu từ bài suy niệm của Lm. Nguyễn Cao Siêu, đăng trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây