TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐTC: Bài giảng Thánh Lễ Tiệc Ly -2019

Thứ ba - 01/06/2021 03:55 | Tác giả bài viết: |   990

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà tù Velletri của Rôma


 

Các vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô thường cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly - Missa in coena Domini - vào chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chánh tòa của Đức Thánh Cha trong cương vị Giám Mục Rôma.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô giữ thực hành vốn có của ngài khi còn là Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giám Mục thủ đô Buenos Aires của Á Căn Đình, là cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh tại các nhà tù, các trung tâm cải huấn, trung tâm phục hồi nhân phẩm, bệnh viện…

Năm 2013, trong ngày thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên triều Giáo Hoàng của ngài, ngài đã đến trại giam trẻ vị thành niên Casal del Marmo của Rôma, nơi ngài rửa chân cho các phạm nhân nam và nữ trẻ.

Năm sau, 2014, ngài chủ sự Thánh lễ và nghi thức rửa chân tại cơ sở phục hồi chức năng Don Gnocchi ở S.Maria della Provvidenza cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rome.

Vào năm 2015, ngài đến nhà tù Rebibbia là nhà tù chính của Rôma, nơi ngài đã cử hành Thánh lễ với các tù nhân nam ở đó. Các phụ nữ từ một nhà tù nữ gần đó cũng được mời đến tham dự buổi lễ.

Năm 2016, ngài mừng lễ với những người tị nạn tại trung tâm tiếp nhận người di dân CARA ở Castelnuovo di Porto, cách Rôma 29km phía bắc.

Năm 2017, ngài đã đến một nhà tù ở Paliano cách Rôma khoảng 72 km.

Năm ngoái 2018, Đức Thánh Cha đã đến thăm và cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà tù Regina Coeli, nghĩa là Nữ Vương Thiên Đàng, của thành phố Rôma cách Vatican khoảng 1600m.

Vào lúc 4.30 chiều Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm nhà tù Velletri của Rôma để cử hành Thánh lễ Tiệc Ly. Địa điểm này cách Vatican 64km về phía Nam.

Nhà tù Velletri bắt đầu hoạt động từ năm 1991 và gồm hai dãy nhà 4 tầng.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các tù nhân, nhân viên dân sự và các nhân viên cảnh sát; trước khi cử hành Thánh Lễ với nghi thức rửa chân cho mười hai tù nhân.

Ra đón Đức Thánh Cha, có bà Maria Donata Iannantuono, giám đốc cơ sở này, ông Pia Palmeri; Phó giám đốc, bà Maria Luisa Abossida, chỉ huy cảnh sát cải huấn và Cha Franco Diamante, tuyên úy nhà giam.

Trung tâm giam giữ này nằm cách thủ đô Rôma một giờ xe hơi. Theo Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ Santa Marta vào lúc 3g30 chiều và đến nơi lúc 4g30.

Nhà tù này gồm hai gian nhà bốn tầng, với 275 phòng giam chứa khoảng 550 tù nhân, theo số liệu chính thức hồi Giêng năm 2018. Bên cạnh đó, còn có một đồn cảnh sát.

Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha nói:

Tôi chào tất cả các bạn và tôi cảm ơn sự hiếu khách của các bạn.

Tôi đã nhận được một lá thư đáng yêu vài ngày trước, từ một số bạn mà ngày hôm nay không có mặt ở đây. Họ nói những điều đáng yêu với tôi và tôi cảm ơn họ vì những gì họ đã viết.

Trong lời cầu nguyện này, tôi hiệp nhất với tất cả mọi người: những người có mặt ở đây và những người không hiện diện nơi đây.

Chúng ta đã nghe những gì Chúa Giêsu làm; thật thú vị. Tin Mừng nói: Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha đã trao mọi thứ trong tay Ngài, cụ thể là Chúa Giêsu có tất cả quyền năng - tất cả. Và sau đó, Ngài bắt đầu thực hiện cử chỉ rửa chân này. Đó là một cử chỉ mà những nô lệ đã làm vào thời điểm đó, bởi vì đường xá không được trải nhựa cho nên khi người ta đến nhà ai, chân họ đầy những bụi đất. Khi họ đến một ngôi nhà để thăm viếng hoặc dùng bữa, có những những nô lệ rửa chân cho họ. Và Chúa Giêsu thực hiện cử chỉ này: Ngài rửa chân; Ngài làm cử chỉ của một người nô lệ. Ngài, là Đấng có tất cả quyền năng, Ngài là Chúa, nhưng Ngài đã làm cử chỉ của một người nô lệ.

Và rồi Chúa Giêsu đưa ra lời khuyên cho tất cả: “Chính anh em hãy làm cử chỉ này với nhau”, nghĩa là, phục vụ lẫn nhau. Hãy là anh em với nhau trong sự phục vụ, không tham vọng, không như một người thống trị người khác hoặc một kẻ tấn công người khác. Không. Hãy là anh em trong tinh thần phục vụ. Anh đang cần một cái gì đó, cần giúp gì ư? Tôi sẽ làm điều đó cho anh. Đây là tình huynh đệ. Tình huynh đệ là khiêm tốn - luôn luôn: đó là tinh thần phục vụ. Và tôi sẽ làm cử chỉ mà Giáo Hội muốn các Giám mục làm điều đó mỗi năm, mỗi năm một lần, ít nhất là vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh - để bắt chước cử chỉ của Chúa Giêsu và cũng làm một tấm gương tốt cho chính mình, bởi vì Giám mục không phải là người quan trọng nhất, nhưng ngài phải là một người tôi tớ tận tụy hơn. Và mỗi người trong chúng ta phải là đầy tớ của những người khác.

Luật của Chúa Giêsu và là luật của Tin Mừng chính là luật phục vụ, không thống trị, không làm hại, không làm nhục người khác. Hãy phục vụ nhau!

Một lần kia, khi các Tông đồ tranh cãi với nhau, thảo luận xem ai là người quan trọng nhất trong họ, thì Chúa Giêsu đã đón lấy một đứa trẻ và nói: “Hãy nên như trẻ thơ, nếu tâm hồn anh em không giống như trẻ thơ, anh em không phải là môn đệ của Thầy.” Một trái tim trẻ thơ, giản dị, khiêm nhường nhưng phục vụ. Và Ngài thêm một điều thú vị mà chúng ta có thể liên kết với cử chỉ ngày hôm nay. Ngài nói: “Hãy cẩn thận, anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Tất cả chúng ta cũng phải là đầy tớ mọi người. Đúng là trong cuộc sống có những vấn đề: chúng ta cãi cọ với nhau... tuy nhiên, đây phải là một điều gì đó đã qua rồi, một điều gì đó đang qua đi, bởi vì trong trái tim chúng ta phải luôn có tình yêu phục vụ của người khác; tình yêu muốn được phục vụ lẫn nhau.

Và cầu xin cho cử chỉ tôi sẽ làm hôm nay trở nên cho tất cả chúng ta một cử chỉ giúp chúng ta trở thành đầy tớ của nhau, thêm bạn bè, thêm nhiều anh em có tinh thần phục vụ. Với những tình cảm này, chúng ta tiếp tục buổi lễ với việc rửa chân.

J.B. Đặng Minh An dịch
vietcatholic-news

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây