TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ý nghĩa của Bí tích Giao hòa

Thứ hai - 28/11/2022 18:45 | Tác giả bài viết: Phêrô Dương Hải Văn, SDB |   1364
Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì? Và Giáo hội khuyên con cái mình như thế nào trong việc lãnh nhận Bí tích Giao hòa?
Ý nghĩa của Bí tích Giao hòa

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 66: Ý NGHĨA CỦA BÍ TÍCH GIAO HÒA

Hỏi: Thưa cha, con thấy nhiều lúc xưng tội xong được vài hôm thì phạm tội lại, rồi lại tiếp tục đi xưng tội. Nhiều khi con chán nản, chẳng muốn đi xưng tội nữa. Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì? Và Giáo hội khuyên con cái mình như thế nào trong việc lãnh nhận Bí tích Giao hòa?

Trả lời:
 

 

Bạn thân mến,

Câu hỏi của bạn là một kinh nghiệm rất thực tế mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã trải qua. Hẳn rằng ai trong chúng ta sau khi xưng tội xong đều muốn được sống trong sạch, luôn cố gắng để không phạm tội, chứ không ai muốn phạm tội trở lại. Thế nhưng, với bản tính mỏng dòn và yếu đối của con người, nhiều lúc chúng ta đã không thể chiến thắng được sự yếu đuối của bản thân, và rồi chúng ta đã phạm tội. Có lẽ chính sự thất vọng vì cứ xưng tội rồi lại phạm tội khiến chúng ta nhiều lúc chán nản, muốn buông xuôi, hoặc không muốn đi xưng tội, hay cũng có khi nảy sinh ý nghĩ chờ đến lúc cuối đời rồi xưng tội cho chắc ăn. Vì thế, với thao thức này của bạn cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta biết nhìn lại giá trị và ân sủng của Bí tích Hòa giải mà Chúa Giêsu đã ban cho nhân loại, qua đó, giúp chúng ta thấu hiểu hơn về tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cũng như biết nỗ lực vươn lên với ơn thánh Chúa sau mỗi lần xưng tội, hầu sống những giá trị đích thực trong ơn gọi làm người và làm con Chúa nơi hành trình dương thế của chúng ta.

Kinh nghiệm về tội lỗi

Trong hành trình cuộc sống nơi dương thế này, con người luôn trải qua những thử thách và cám dỗ, khiến đời sống nhiều lúc bị đắm chìm trong sự dữ và tội lỗi. Con người dễ bị những cám dỗ lôi cuốn và dẫn đến phạm tội: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Những lúc như thế, con người thấu hiểu chính mình hơn trong sự yếu đuối và giới hạn của bản thân trước những cám dỗ của dòng đời: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Đó không chỉ là nỗi khổ đau, là sự dằn vặt lương tâm về những điều sai trái, và những sự xấu xa, nhưng còn là dấu chỉ để con người nhận ra được bản chất mỏng dòn yếu đuối của mình, cũng như tỏ lộ sự khiêm nhường hầu đón nhận tình thương tha thứ từ Thiên Chúa.

Thực tại tội lỗi là điều con người không thể chối từ và tránh né. Nó luôn ẩn tàng, lôi cuốn và hấp dẫn con người trước những đòi hỏi và quyết định cho cuộc sống, để rồi trong giới hạn và yếu đuối của bản thân, nhiều lúc con người đầu hàng trước sự dữ, chọn lấy những điều xấu xa và tội lỗi.

Vì thế, con người cần chạy đến với tình thương tha thứ và chữa lành các vết thương do tội gây ra nơi Bí tích Giao hòa nhiều hơn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13). Để từ đó tội nhân biết mở lòng mình ra, để thấy được những hậu quả của tội, ý thức về sự yếu đuối của bản thân, và để cảm nếm được tình thương tha thứ từ Thiên Chúa. Người nào càng nhận thức được sự mỏng dòn yếu đuối của bản thân trong việc ăn năn hối cải cách đơn sơ và chân thành, trong ý thức về việc cần thiết của ơn tha tội, thì lại càng thấy được tình thương tha thứ của Thiên Chúa lớn lao và dịu ngọt bấy nhiêu; cũng như giúp bản thân biết nỗ lực để vươn lên và vượt thắng được những đam mê tội lỗi trong cuộc đời mình.

Xưng tội để sống tình thương tha thứ của Thiên Chúa

“Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Ga 1,9). Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương và sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Tình thương tha thứ đó đã được diễn tả qua những trang Kinh Thánh, nơi mà con người thường xuyên phạm tội, còn Thiên Chúa thì giàu lòng thứ tha cho con người (x. Lc 15,11–32; Mt 18,21–22; Mc 2,5). Sự tha thứ của Thiên Chúa quảng đại đến độ, chỉ cần con người biết hối cải ăn năn, biết tìm về với nẻo chính đường ngay, thì Ngài không chấp cứ tội con người. Bởi vì Thiên Chúa còn thiết tha và sẵn sàng tha thứ hơn là chính chúng ta xin Người tha thứ[1].

Vì thế, khi đến với Bí tích Giao hòa, con người không chỉ được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, nhưng còn cảm nhận được tình thương nơi ơn tha thứ đó. Tình thương tha thứ cho tội nhân chính là món quà nhưng không của Thiên Chúa; một món quà để chữa lành những vết thương do hậu quả của tội gây ra, cũng như để trao ban sức mạnh giúp con người có thể vượt thắng những cám dỗ trong đời sống thường ngày[2].

Càng ý thức mình là tội nhân bao nhiêu, con người lại càng cần đến tình thương tha thứ của Thiên Chúa bấy nhiêu. Bởi sự tha thứ trong yêu thương của Thiên Chúa chính là tình thương của một người Cha hằng chờ đợi chúng ta trở về với Ngài. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa nhằm chữa lành những thương tích do tội gây ra cho con người, và cho chính cả Thiên Chúa, Đấng cũng bị thương tích khi con người phạm tội; cũng như ban lại mối tương quan thân tình giữa tội nhân với Thiên Chúa và với tha nhân[3]. Tình thương tha thứ của Thiên Chúa cao cả đến mức chính Ngài cũng biết rằng, con người với bản tính mỏng dòn yếu đuối, với tính xác thịt và sự hướng chiều về tội sẽ không thể tránh khỏi phạm tội trong đời sống của mình sau khi xưng tội, nhưng Ngài vẫn sẵn lòng tha thứ và yêu thương, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tha thứ và yêu thương: “Thiên Chúa là Đấng chờ đợi chúng ta, Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho chúng ta. Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn mệt mỏi cầu xin sự tha thứ”[4].

Ý thức mình là tội nhân, con người chạy đến với Chúa qua Bí tích Giao hòa để được tha thứ, được yêu thương và chữa lành. Thiên Chúa yêu thương và tha thứ cho chúng ta, không những chúng ta chỉ là thụ tạo Thiên Chúa ưu ái dựng nên, mà Ngài còn muốn cứu độ ta từ thuở đời đời. Ngài yêu thương và tha thứ vì chúng ta là những kẻ đáng để lãnh nhận tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.

Khi chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương, là người yêu chứ không phải ông chủ hà khắc, chúng ta sẽ đáp trả bằng tình yêu, chứ không phải sợ hãi: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4,18). Chính khi cảm nhận và sống tình yêu, chúng ta biết chạy đến với Bí tích Giao Hòa như một cuộc gặp gỡ đầy yêu thương, với sức mạnh của tha thứ và chữa lành[5]. Bao lâu ở trong tình yêu, chúng ta không cảm thấy mệt mỏi và chán chường để được gặp gỡ, chia sẻ, tha thứ và nâng đỡ đời sống của mình trong và qua Bí tích Giao hòa. Vì tình yêu chính là sức mạnh giúp chúng ta nhận ra được thực tại yếu đối của bản thân, để rồi cũng nhờ tình yêu, chúng ta được chữa lành, và đón nhận niềm vui của người được yêu thương.

Xưng tội để thăng tiến mỗi ngày nhờ ơn Chúa.

Mỗi lần chúng ta xưng tội, thì tình yêu và ân sủng Chúa giúp ta nhận ra được vẻ đẹp của đời sống thánh thiện, giá trị của sự bình an nội tâm, và sự dạt dào của tình yêu thương được chữa lành. Chính những lúc đó, nỗ lực để quyết tâm sống thánh thiện lại thôi thúc mỗi người tiến bước trong niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa cách dạt dào và đầy sức sống; dẫu rằng những phút giây đó có thể qua đi cách nhanh chóng, khi chúng ta lại tiếp tục đối diện với thực tại cuộc sống của những cám dỗ, thực tại của bản thân với những yếu đuối và đam mê, để rồi chúng ta lại đi vào lối mòn của những tội lỗi trước đó. Những lúc như thế, Giáo Hội giúp chúng ta hiểu rằng, Bí tích Giao hòa là ơn ban giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, và “với sự trợ lực của ân sủng của Đức Kitô, họ vượt qua được những thử thách trong cuộc chiến đấu của đời sống Kitô hữu” (GLHTCG, 1427). Đây là một cuộc chiến đấu liên lỉ để hoàn thiện chính mình, và từng bước sống thánh mỗi ngày trong đời sống Kitô hữu.

Bởi vì, Bí tích Giao hòa không nhằm hủy diệt sự yếu đuối và hướng chiều về tội nơi con người tự nhiên của chúng ta, nhưng là giúp chúng ta hoán cải, và biến đổi mỗi ngày nhằm có khả năng chọn lấy những tốt, điều thiện để đưa chúng ta đạt tới sự thánh thiện trong đời sống Kitô hữu, như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh  em phải nên hoàn thiện, như Cha anh  em ở trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ và trao ban trong Bí tích Giao hòa nhằm: “mang lại sự bình an và thư thái trong lương tâm, kèm theo là niềm an ủi dạt dào trong tâm hồn,… hoàn trả lại phẩm giá và những điều thiện hảo cho đời sống làm con Thiên Chúa, mà cao quý nhất là tình thân nghĩa với Thiên Chúa” (GLHTCG, 1468). Chính khi đón nhận tình thương tha thứ đó, mỗi người được mời gọi để nỗ lực biến đổi đời sống mình ngày một nên tốt hơn, nên thánh thiện hơn, nhằm từng bước thăng tiến trên con đường nhân đức Kitô giáo. Tình yêu tha thứ của Thiên Chúa trong Bí tích Giao hòa giúp ta ý thức rằng, xưng tội không phải là một cuộc phán xét, nhưng là gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta, và vui mừng vì chúng ta biết cậy nhờ vào tình yêu thương của Ngài.

Chỉ khi chúng ta cảm nhận và sống trong tình thương yêu của Thiên Chúa, thì việc xưng tội không còn là nỗi sợ hãi, là gánh nặng cho chúng ta, nhưng là cơ hội để ta được gặp gỡ cách cá vị với Thiên Chúa. Chính nơi cuộc gặp gỡ này, Thiên Chúa kéo con người ra khỏi tình trạng tội lỗi, tỏ cho họ thấy họ được yêu vì chính họ; cũng như cho thấy tình thương Thiên Chúa luôn đi bước trước và luôn tha thứ, không đặt giới hạn cho lòng thương xót, cả về thời gian lẫn trong ý định, để từ đó giúp con người từng bước vươn lên, thay đổi bản thân trước những yếu đuối tội lỗi, và thăng tiến để đạt được những giá trị cao quý của ơn gọi làm con Chúa[6].

Tạm kết

Khi mỗi người chúng ta sống trong ý thức về mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa, thì việc xưng tội không còn là nỗi lo sợ, hoặc là một sự tránh né vì cứ xưng rồi lại tái phạm, nhưng là một cuộc gặp gỡ đầy yêu thương và thân tình giữa tội nhân với Đấng giàu lòng thương xót và thứ tha:

“Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.

Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.

Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.

Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.

Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.

Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”.

(Tv 32, 1–5).

Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người không hề có giới hạn. Ngài sẵn sàng tha thứ và đón nhận những ai lầm đường lạc lối, khi biết ăn năn thống hối và quyết tâm trở về qua việc xưng tội. Mỗi lần chúng ta chạy đến với Bí tích Giao hòa, là mỗi lần ta được gặp gỡ trong yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa, là ý thức hơn về thân phận mỏng dòn của mình và cảm nếm tình yêu dịu ngọt của Chúa; để rồi chính qua cuộc gặp gỡ này, chúng ta được biến đổi, được trao ban sức mạnh nhằm nỗ lực sống đức tin cách trung kiên hơn, tốt lành hơn trong đời sống của mình.

Phêrô Dương Hải Văn, SDB
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)

WHĐ (28.11.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây