TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng ĐTC – Lễ Nến (02/02)

Thứ sáu - 02/02/2024 08:29 |   463
Bài giảng ĐTC – Lễ Nến (02/02)
BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (LỄ NẾN) 02/02
 
Trước tiên, điều gì thúc đẩy chúng ta ? Ông Simêon lên Đền Thờ, « được Thánh Thần thúc đẩy » (c.27). Chúa Thánh Thần là nhân vật chính trong cảnh này. Ngài làm cho tâm hồn của ông Simêon bừng cháy lòng khao khát đối với Thiên Chúa. Ngài giữ niềm mong đợi sống động nơi tâm hồn ông : Ngài thúc giục ông lên Đền Thờ và làm cho mắt ông nhận ra Đấng Thiên Sai, ngay cả nơi hình hài một em bé nghèo khó. Đó là những gì Chúa Thánh Thần làm : Ngài làm cho chúng ta có thể phân định sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa không phải nơi những điều vĩ đại, ở những biểu hiện bề ngoài hay những biểu lộ sức mạnh, nhưng trong sự nhỏ bé và dễ bị tổn thương. Hãy nghĩ về thập giá. Ở đó, chúng ta cũng nhận thấy sự bé nhỏ và dễ bị tổn thương, nhưng còn điều gì đó rực rỡ : quyền năng của Thiên Chúa. Những từ « được Thánh Thần thúc đẩy » nhắc nhở chúng ta về những gì mà thần học tu đức gọi là « những chuyển động của Thánh Thần » : những chuyển động đó của linh hồn mà chúng ta nhận ra bên trong mình và được mời gọi để kiểm nghiệm, để phân định chúng có đến từ Chúa Thánh Thần hay không. Hãy chú ý đến những chuyển động nội tâm của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cũng có thể hỏi, ai thúc đẩy chúng ta nhất ? Đó là Chúa Thánh Thần, hay tinh thần của thế gian này ? Đây là một câu hỏi mà mọi người, cách riêng những người thánh hiến, cần phải hỏi. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa nơi sự bé nhỏ và dễ bị tổn thương của một em bé, nhưng đôi khi chúng ta có nguy cơ nhìn thấy sự thánh hiến của chúng ta về mặt kết quả, mục tiêu và thành công : chúng ta tìm kiếm sự ảnh hưởng, sự nổi trội, số lượng. Đây là một cám dỗ. Trái lại, Chúa Thánh Thần không yêu cầu những điều này. Ngài muốn chúng ta vun trồng sự trung tín hằng ngày và chú ý đến những điều bé nhỏ được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Thật cảm động biết bao lòng trung tín được Ông Simêon và bà Anna thể hiện! Mỗi ngày họ lên Đền Thờ, mỗi ngày họ vẫn tỉnh thức và cầu nguyện, cho dù thời gian trôi qua và dường như không có gì xảy ra. Họ sống cuộc đời mình trong sự trông đợi, không nản lòng hay phàn nàn, kiên trì trong sự trung tín và nuôi dưỡng ngọn lửa hy vọng mà Chúa Thánh Thần đã nhen nhóm trong tâm hồn họ.

Thưa anh chị em, chúng ta có thể hỏi, điều gì thúc đẩy ngày sống của chúng ta? Đâu là tình yêu khiến chúng ta tiếp tục bước đi? Có phải đó là Chúa Thánh Thần, hay niềm đam mê trong chốc lát, hay điều gì khác? Chúng ta “chuyển động” như thế nào trong Giáo hội và trong xã hội? Đôi khi, ngay cả đằng sau vẻ bề ngoài của những công việc tốt lành, người ta vẫn có thể che giấu bệnh tự yêu bản thân, hay nhu cầu nổi bật lên. Trong những trường hợp khác, ngay cả khi chúng ta làm nhiều việc, các cộng đoàn tôn giáo của chúng ta có thể bị thúc đẩy bởi sự lặp đi lặp lại máy móc – hành động theo thói quen, chỉ để bận rộn – hơn là sự cởi mở nhiệt thành cho Chúa Thánh Thần. Hôm nay, tất cả chúng ta sẽ làm cho thật tốt để xem xét các động cơ bên trong và phân định những chuyển động thiêng liêng của chúng ta, để từ đó việc canh tân đời sống thánh hiến có thể diễn ra trước hết.

Câu hỏi thứ hai: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Ông Simêon, được Thánh Thần thúc đẩy, đã nhìn thấy và nhận ra Chúa Kitô. Và ông cầu nguyện rằng: “Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa” (c.30). Đây là một phép lạ to lớn của đức tin: nó mở mắt, biến đổi cái nhìn, thay đổi viễn cảnh. Như chúng ta biết từ nhiều cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, đức tin được nảy sinh từ cái nhìn trắc ẩn của Thiên Chúa đối với chúng ta, làm mềm đi sự cứng lòng của chúng ta, chữa lành các vết thương của chúng ta và ban cho chúng ta đôi mắt mới để nhìn bản thân và thế giới của chúng ta. Những cách mới để nhìn bản thân, người khác và tất cả những hoàn cảnh mà chúng ta kinh qua, ngay cả những hoàn cảnh đau thương nhất. Cái nhìn này không ngây thơ nhưng là khôn ngoan. Một cái nhìn ngây thơ sẽ trốn chạy thực tại và khước từ nhìn nhận các vấn đề. Tuy nhiên, một cái nhìn khôn ngoan có thể “nhìn bên trong” và “nhìn xa hơn”. Đó là một cái nhìn không dừng lại ở vẻ bên ngoài, nhưng có thể đi vào chính những vết nứt của sự yếu đuối và thất bại của chúng ta, để phân định sự hiện diện của Thiên Chúa ngay cả ở đó.

Đôi mắt của cụ già Simêon, dù đã mờ đi theo năm tháng, nhưng vẫn nhìn thấy Chúa. Đôi mắt đó nhìn thấy ơn cứu độ. Còn chúng ta thì sao? Mỗi người chúng ta có thể hỏi: mắt chúng ta nhìn thấy gì? Đâu là cái nhìn của chúng ta về đời sống thánh hiến? Thế giới thường nhìn nó như là “một sự lãng phí”: “hãy nhìn con người trẻ trung đẹp đẽ đó trở thành một thầy dòng hay một nữ tu, thật là lãng phí! Nếu ít nữa thì họ cũng xấu…nhưng thật lãng phí”! Đó là cách chúng ta nghĩ. Có lẽ thế giới coi đây là di tích của quá khứ, một thứ vô dụng. Nhưng chúng ta, cộng đoàn Kitô hữu, nam nữ tu sĩ, chúng ta thấy gì? Mắt của chúng ta chỉ hướng vào bên trong, khao khát điều gì đó không còn tồn tại, hay chúng ta có khả năng có một cái nhìn xa trông rộng của đức tin, một cái nhìn cả bên trong và xa hơn? Có khôn ngoan để nhìn mọi thứ – đây là ân huệ của Chúa Thánh Thần – để nhìn mọi thứ thật tốt, để nhìn chúng theo đúng viễn cảnh, để nắm bắt thực tại. Tôi được soi sáng rất nhiều khi thấy những người nam và người nữ thánh hiến cao niên có đôi mắt sáng, tiếp tục mỉm cười và bằng cách này mang lại hy vọng cho người trẻ. Chúng ta hãy nghĩ về tất cả những lần chúng ta gặp những người như thế, và chúc tụng Thiên Chúa về điều này. Vì ánh mắt của họ tràn đầy hy vọng và rộng mở cho tương lai. Và có lẽ chúng ta sẽ làm thật tốt, trong những ngày này, để đi thăm các anh chị em tu sĩ lớn tuổi, để gặp họ, nói chuyến với họ, đặt những câu hỏi, để nghe những gì họ đang suy nghĩ. Tôi coi đây là một phương dược tốt.

Thưa anh chị em, Chúa không bao giờ không ban cho chúng ta những dấu hiệu mời gọi chúng ta trau dồi một cái nhìn mới mẻ về đời sống thánh hiến. Chúng ta cần làm điều này, nhưng dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn trước các chuyển động của Ngài. Chúng ta không thể giả vờ như không thấy những dấu hiệu này và tiếp tục như thường lệ, làm cùng những điều cũ, trôi theo quán tính trở lại với những hình thức của quá khứ, bị tê liệt bởi nỗi sợ thay đổi. Tôi đã nói đi nói lại điều này: ngày nay cám dỗ quay trở lại, vì sự an toàn, vì sợ hãi, để bảo vệ đức tin hay đặc sủng của đấng sáng lập…là một cám dỗ. Cám dỗ quay trở lại và bảo vệ “các truyền thống” cách cứng nhắc. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này: cứng nhắc là một điều xấu xa, và bên dưới mọi hành vi cứng nhắc đều có những vấn đề nghiêm trọng. Cả ông Simêon và bà Anna đều không cứng nhắc; không, họ tự do và có niềm vui ca ngợi: Ông Simêon bằng cách ca ngợi Chúa và can đảm nói tiên tri cho Mẹ của Hài Nhi. Anna, giống như một cụ bà tốt lành, tiếp tục nói: “Hãy nhìn họ!” “Hãy nhìn điều này!” Bà nói với niềm vui, mắt bà đầy hy vọng. Không có quán tính của quá khứ, không có sự cứng nhắc. Chúng ta hãy mở mắt ra: Chúa Thánh Thần đang mời gọi chúng ta giữa những khủng hoảng của chúng ta – và những cuộc khủng hoảng có đó -, số lượng ngày càng giảm của chúng ta – “Thưa Cha, không có ơn gọi nào, bây giờ chúng con sẽ đi đến một hòn đảo nào đó ở Inđônêsia để xem liệu có thể tìm được một ơn gọi không” – và những sức lực đang giảm dần của chúng ta, để canh tân đời sống và cộng đoàn của chúng ta. Và chúng ta làm điều này như thế nào? Ngài sẽ chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, cách can đảm và không sợ hãi. Chúng ta hãy nhìn vào ông Simêon và bà Anna: dù đã tiến tới theo năm tháng, nhưng họ không trải qua những tháng ngày để khóc cho một quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng thay vào đó họ đón nhận tương lai đang mở ra trước mắt mình. Thưa anh chị em, chúng ta đừng lãng phí hôm nay bằng cách nhìn lại ngày hôm qua, hay mơ về một ngày mai sẽ không bao giờ đến; thay vào đó, chúng ta hãy đặt mình thờ lạy trước mặt Chúa và cầu xin đôi mắt để nhìn thấy sự tốt lành và để phân biệt đường lối của Thiên Chúa. Chúa sẽ ban chúng cho chúng ta, nếu chúng ta xin Ngài. Bằng niềm vui, bằng sự can đảm, không sợ hãi.

Cuối cùng, câu hỏi thứ ba: chúng ta ẵm gì trong vòng tay của mình? Ông Simêon đã ẵm Chúa Giêsu trên tay mình (x. c.28). Đó là một cảnh cảm động, đầy ý nghĩa và độc nhất trong các Tin Mừng. Thiên Chúa cũng đã đặt Con của Ngài trong vòng tay của chúng ta, bởi vì ôm lấy Chúa Giêsu là điều cốt yếu, là chính trọng tâm của đức tin. Đôi khi chúng ta có nguy cơ mất phương hướng, bị cuốn vào hàng ngàn thứ khác nhau, ám ảnh về những vấn đề nhỏ nhặt hoặc lao vào các dự án mới, thế nhưng trung tâm của mọi thứ là Chúa Kitô, đón nhận Người là Chúa của cuộc đời chúng ta.

Khi ông Simêon ẵm Chúa trên tay mình, ông nói những lời chúc tụng, ngợi khen và ngạc nhiên. Và chúng ta, sau nhiều năm trong đời sống thánh hiến, có phải chúng ta đã đánh mất khả năng ngạc nhiên? Chúng ta vẫn có khả năng này không? Chúng ta hãy tự xét mình về điều này, và nếu ai đó không tìm thấy nó, thì người đó hãy xin ngạc nhiên, ngạc nhiên trước những kỳ công mà Thiên Chúa đang hành động trong chúng ta, ẩn giấu, giống như những điều trong Đền Thờ, khi ông Simêon và bà Anna gặp Chúa Giêsu. Nếu những người nam và người nữ thánh hiến thiếu những lời chúc tụng Thiên Chúa và những người khác, nếu họ thiếu niềm vui, nếu lòng nhiệt huyết của họ thất bại, nếu đời sống huynh đệ của họ chỉ là việc chán phèo, nếu sự ngạc nhiên thiếu đi, thì đó không phải là lỗi của ai đó hay điều gì khác. Lý do thực sự là vòng tay của chúng ta không còn ôm lấy Chúa Giêsu nữa. Và khi vòng tay của một người nam hay người nữ thánh hiến không ôm lấy Chúa Giêsu, thì họ ôm lấy một khoảng chân không mà họ cố gắng lấp đầy bằng những thứ khác, nhưng nó vẫn là chân không.Ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay chúng ta: đây là dấu hiệu, là hành trình, là công thức đổi mới. Khi chúng ta không còn ẵm Chúa Giêsu trong vòng tay mình, thì tâm hồn chúng ta sẽ là nạn nhân của sự cay đắng. Thật buồn khi thấy các tu sĩ cay đắng: khép kín trong việc phàn nàn về những điều không diễn ra như bộ máy đồng hồ. Họ luôn than phiền về điều gì đó: bề trên, anh chị em của mình, cộng đoàn, thức ăn…Họ sống để than phiền về điều gì đó. Nhưng chúng ta phải ôm lấy Chúa Giêsu trong sự thờ phượng và cầu xin đôi mắt có khả năng nhìn thấy điều tốt lành và phân định đường lối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đón nhận Chúa Kitô với đôi vòng tay rộng mở, thì chúng ta cũng sẽ đón nhận người khác với sự tin tưởng và khiêm tốn. Khi đó xung đột sẽ không leo thang, bất đồng sẽ không chia rẽ, và cám dỗ thống trị và xúc phạm phẩm giá của người khác sẽ được vượt qua. Vì thế, chúng ta hãy mở rộng vòng tay cho Chúa Kitô và cho tất cả anh chị em của chúng ta. Vì đó là nơi Chúa Giêsu ở.

Các bạn thân mến, hôm nay, chúng ta hãy hân hoan làm mới lại sự thánh hiến của mình! Chúng ta hãy tự hỏi điều gì đang “thúc đẩy” tâm hồn và hành động của chúng ta, cái nhìn đổi mới nào chúng ta được mời gọi vun trồng, và trên hết, chúng ta hãy ẵm lấy Chúa Giêsu trong vòng tay của mình. Cho dù đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức – điều này cũng xảy ra -, thì chúng ta hãy làm như ông Simêon và bà Anna đã làm. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi sự trung tín của Chúa và không để mình bị cướp đi niềm vui gặp gỡ Người: điều này thật là đẹp! Chúng ta hãy đặt Chúa trở lại trung tâm, và vui mừng tiến về phía trước. Amen.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây