TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung 5/6/2024

Thứ năm - 06/06/2024 03:27 | Tác giả bài viết: Vatican News |   285
sáng thứ Tư ngày 5/6/2024, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự tự do như một ân sủng để có thể thực thi ý Chúa, thay vì chỉ chạy theo những ham muốn cá nhân
Tiếp kiến chung 5/6/2024

Tiếp kiến chung 5/6/2024: Chúa Thánh Thần mang lại tự do đích thật cho chúng ta

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 5/6/2024, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự tự do như một ân sủng để có thể thực thi ý Chúa, thay vì chỉ chạy theo những ham muốn cá nhân. Ngài mời gọi các tín hữu cầu xin Chúa Giêsu, qua Thánh Thần của Người, ban cho chúng ta thực sự được tự do. Tự do phục vụ với tình yêu và niềm vui.

 

Vatican News 

Trong bài giáo lý thứ hai trong loạt bài giáo lý về Chúa Thánh Thần, với tựa đề: "'Gió muốn thổi đâu thì thổi'. Ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa ở đó có tự do", dựa vào tên Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh, trong tiếng Do Thái là Ruach, có nghĩa là hơi thở, gió hoặc tinh thần, Đức Thánh Cha giải thích rằng danh xưng này nêu bật quyền năng mạnh mẽ và sự tự do của Thánh Thần. Chúa Giêsu ví Chúa Thánh Thần như ngọn gió muốn thổi đến đâu thì thổi, do đó nhấn mạnh đến sự tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng không chỉ tạo dựng và truyền cảm hứng mà còn luôn luôn tự do, ban phát các hồng ân của Người “theo ý Người” (1 Cr 12,11).

Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời Thánh Phaolô khẳng định: “Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thánh Thần của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Sự tự do này được ban cho chúng ta như một ân sủng để chúng ta có thể làm theo ý Chúa, thay vì chỉ chạy theo những ham muốn cá nhân. Chúng ta có thể kín múc sự tự do này của Thánh Linh, sự tự do trái ngược với tinh thần ích kỷ khi được Chúa Con giải phóng (Ga 8,36).

Tin Mừng Thánh Gioan (3,6-8)

Sau khi Đức Thánh Cha bắt đầu buổi tiếp kiến với Dấu Thánh Giá và lời chào phụng vụ, cộng đoàn cùng nghe đoạn Tin Mừng Thánh Gioan (3,6-8):

[Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô:] "Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy".

Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em suy tư về danh xưng mà Chúa Thánh Thần được gọi trong Kinh Thánh.

Tên Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh: Ruach

Điều đầu tiên chúng ta biết về một người là tên của người này. Chính nhờ tên mà chúng ta gọi người này, phân biệt và ghi nhớ người này. Ngôi thứ ba trong Ba Ngôi cũng có một tên: đó là Thánh Thần. Nhưng từ “Spirito” là phiên bản Latin hóa. Tên của Chúa Thánh Thần, tên mà những người đầu tiên nhận được mặc khải đã biết đến Người, tên mà các ngôn sứ, các thánh vịnh gia, Đức Maria, Chúa Giêsu và các Tông đồ đã cầu khẩn Người, là Ruach, một từ ngữ Do Thái có nghĩa là hơi thở, gió, luồng khí.

Trong Kinh Thánh, tên gọi rất quan trọng đến mức nó gần như được đồng hóa với chính con người đó. Làm cho danh Chúa hiển thánh nghĩa là làm cho chính Chúa cả sáng và tôn vinh chính Người. Tên gọi không bao giờ chỉ là một cái tên quy ước: nó luôn nói lên điều gì đó về người đó, về nguồn gốc hoặc sứ mạng của người đó. Điều tương tự cũng đúng với cái tên Ruach. Nó chứa đựng mặc khải căn bản đầu tiên về ngôi vị và chức năng của Chúa Thánh Thần.

Sức mạnh và quyền năng của Chúa Thánh Thần

Chính khi quan sát gió và những biểu hiện của gió các tác giả Kinh Thánh đã được Thiên Chúa hướng dẫn để khám phá ra một loại “gió” có bản chất khác. Không phải ngẫu nhiên mà vào Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ kèm theo “tiếng gió mạnh” (xem Cv 2,2). Như thể là Chúa Thánh Thần muốn đặt chữ ký của Người trên những gì đang xảy ra.

Vậy thì tên Ruach của Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết điều gì về Người? Hình ảnh gió trước hết diễn tả quyền năng của Chúa Thánh Thần. “Thần khí và quyền năng”, hay “quyền năng của Thánh Thần” là một từ có nghĩa kép được lặp đi lặp lại xuyên suốt Kinh Thánh. Trên thực tế, gió là một sức mạnh áp đảo và không thể khuất phục. Nó thậm chí còn có khả năng lay động các đại dương.

Sự tự do của Chúa Thánh Thần

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, để khám phá ý nghĩa đầy đủ của các thực tại trong Kinh Thánh, chúng ta không được dừng lại ở Cựu Ước nhưng cần đến với Chúa Giêsu. Bên cạnh quyền năng, Chúa Giêsu sẽ nêu bật một đặc tính khác của gió, đó là sự tự do của nó. Chúa long trọng nói với ông Nicôđêmô, người đến thăm Chúa vào ban đêm: "Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng ông không biết gió đến từ đâu và đi đâu: ai được sinh bởi Thánh Thần thì cũng vậy" (Ga 3,8).

Gió là thứ duy nhất mà chúng ta tuyệt đối không thể khai thác, không thể “đóng chai” hay đóng hộp. Muốn bao bọc Chúa Thánh Thần trong các khái niệm, định nghĩa, luận đề hoặc chuyên luận, như chủ nghĩa duy lý hiện đại đôi khi cố gắng thực hiện, có nghĩa là đánh mất Người, làm cho Người trở nên vô nghĩa hoặc giảm thiểu Người trở thành tinh thần thuần khiết và đơn giản của con người. Tuy nhiên, cũng có một cơn cám dỗ tương tự trong lãnh vực giáo hội, đó là muốn gói gọn Chúa Thánh Thần trong các giáo luật, các tổ chức, các định nghĩa. Thánh Thần sáng tạo và linh hoạt các thể chế, nhưng chính Người không thể bị “thể chế hóa”. Gió muốn thổi “đâu thì thổi”, nên Chúa Thánh Thần phân phát các hồng ân của Người “theo ý Người” (1 Cr 12,11).

Tự do đích thực: Phục vụ với tình yêu và niềm vui

Thánh Phaolô sẽ biến tất cả những điều này thành luật căn bản của hành động Kitô giáo: “Ở đâu có Thánh Thần của Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Đây là một sự tự do rất đặc biệt, rất khác với những gì người ta thường hiểu. Đó không phải là tự do làm điều bạn muốn, mà là tự do làm điều Chúa muốn! Không phải là sự tự do làm điều thiện hay điều ác, mà là tự do làm điều tốt và làm điều đó một cách tự do, nghĩa là do sự hấp dẫn chứ không phải vì bị ép buộc. Nói cách khác, tự do của con cái chứ không phải nô lệ.

Thánh Phaolô ý thức rõ sự lạm dụng và hiểu lầm có thể xảy ra đối với sự tự do này; trên thực tế, ngài viết cho các tín hữu Galát: "Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau (Gl 5,13). Đây là một thứ tự do được thể hiện ở điều có vẻ như trái ngược với nó, đó là sự phục vụ, nhưng đó là sự tự do đích thực.

Chúng ta biết rõ khi nào sự tự do này trở thành “cái cớ cho tính xác thịt”. Thánh Phaolô đưa ra một danh sách vẫn luôn đúng cho mọi thời: “Tà dâm, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy (Gl 5, 19-21). Nhưng sự tự do đó cũng cho phép người giàu bóc lột người nghèo, kẻ mạnh bóc lột kẻ yếu và mọi người khai thác môi trường mà không bị trừng phạt.

Thưa anh chị em, từ đâu chúng ta sẽ đạt được sự tự do này của Chúa Thánh Thần, điều vốn trái ngược với sự tự do ích kỷ? Câu trả lời nằm trong những lời Chúa Giêsu nói với các thính giả của Người: “Nếu người Con giải phóng các ông, thì các ông sẽ thực sự là những người tự do” (Ga 8,36). Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu, thông qua Chúa Thánh Thần, giúp cho chúng ta trở thành những người nam nữ thực sự được tự do. Tự do phục vụ, trong tình yêu và niềm vui. Cảm ơn anh chị em

Cuối buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cùng các tín hữu hát Kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh và sau đó ngài ban phép lành cho tất cả mọi người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây