TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 1/2024

Thứ tư - 03/01/2024 09:42 | Tác giả bài viết: Vatican News |   670
Chiều ngày 2/1, video ý cầu nguyện cho tháng 1/2024 của Đức Thánh Cha đã được công bố với tựa đề: “Cầu nguyện cho sự đa dạng trong Giáo hội”, trong đó Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu đừng sợ sự đa dạng của các đặc sủng trong Giáo hội, đúng hơn chúng ta cần cảm thấy vui mừng khi sống sự đa dạng này.
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 1/2024

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha cho tháng 1/2024

 

 

Trong video cầu nguyện đầu tiên của năm mới, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hiểu và sống “hồng ân đa dạng trong Giáo hội”, đồng thời “khám phá ra sự phong phú của các truyền thống nghi lễ khác nhau trong Giáo hội Công giáo”.

Đức Thánh Cha giải thích trong sứ điệp rằng sự đa dạng của các đoàn sủng, các truyền thống thần học và phụng vụ là điều gì đó tích cực. Nó không bao giờ nên gây ra sự chia rẽ. Đúng hơn, “việc sống sự đa dạng này sẽ khiến chúng ta vui mừng”.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến các Giáo hội Đông phương: “Họ có truyền thống riêng, nghi thức phụng vụ đặc trưng riêng, tuy nhiên họ vẫn duy trì sự hiệp nhất của đức tin. Họ củng cố sự hiệp nhất này chứ không chia rẽ nó”.

Có rất nhiều Giáo hội Đông phương hiệp thông với Roma, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo Byzantine, Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ucraina, hay Giáo hội Hy Lạp Melchite. Các ví dụ khác về sự đa dạng về nghi lễ trong Công giáo là Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malabar và Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malankar, cả hai đều có nguồn gốc ở Ấn Độ; Giáo hội Maronite, có nguồn gốc từ Lebanon; Giáo hội Công giáo Coptic có nguồn gốc từ Ai Cập; Giáo hội Công giáo Armenia; Giáo hội Can-đê, chủ yếu ở Iraq; cũng như Giáo hội Công giáo Ethiopia-Eritrea, cùng những Giáo hội khác.

Về điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Nếu chúng ta được Chúa Thánh Thần hướng dẫn thì sự phong phú, đa dạng sẽ không bao giờ gây nên xung đột”. “Chúa Thánh Thần nhắc nhở chúng ta trước hết rằng chúng ta là những người con được Thiên Chúa yêu thương – mọi người đều bình đẳng trong tình yêu của Thiên Chúa, và mỗi người đều khác biệt”.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại: “Sự đa dạng và hiệp nhất đã hiện diện rất nhiều trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Nhưng còn hơn thế nữa. Để tiến bước trên hành trình đức tin, chúng ta cũng cần đối thoại đại kết với anh chị em của chúng ta thuộc các hệ phái và cộng đoàn Kitô hữu khác”.

Đức Thánh Cha nói rõ: “Đây không phải là điều gì đó khó hiểu hay đáng lo ngại, nhưng là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho cộng đoàn Kitô hữu để nó có thể phát triển như một Thân thể Duy nhất, Thân Thể Chúa Kitô”.

Chủ đề chung trong video của Đức Thánh Cha trong tháng này là cây thánh giá, biểu tượng của sự hiệp nhất và đa dạng: một thánh giá xuất hiện trên các cửa, trên núi, trong các nhà thờ, để thể hiện sự phong phú của các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, đây chính là sự đa dạng. Nữ thi sĩ Alda Merini đã viết: “Thập giá không phải là gậy quyền lực của người La Mã, mà là cây gỗ mà Chúa đã viết Tin Mừng trên đó”. Nó không chỉ là đối tượng của lòng sùng mộ, nhưng đó là mầu nhiệm tình yêu mà mọi Kitô hữu đều tựa mình vào, bất chấp những khác biệt hệ phái, truyền thống và nghi lễ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời mời gọi rằng, trong sự đa dạng, “cộng đoàn Kitô hữu có thể phát triển như một thân thể duy nhất, Thân Mình của Chúa Kitô”. Đây là lý do đoạn video kết thúc với hình ảnh một cây Thánh giá khổng lồ được tạo thành bởi hàng ngàn Kitô hữu thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau, đáp lại một cách biểu tượng lời mời gọi của Đức Thánh Cha.

Trong tháng 1, Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu sẽ diễn ra với chủ đề của năm nay là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi…và yêu người lân cận như chính mình” (Lc 10:27).

Cha Frédéric Fornos S.J., Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, nhấn mạnh: “Sự đa dạng của các đoàn sủng, các truyền thống thần học và phụng vụ trong Giáo hội Công giáo, là một điều gì đó tích cực. Thiên Chúa yêu thích sự đa dạng, đó là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đây là cách Người dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn, đến chiều rộng, chiều cao, chiều sâu của tình yêu của Người”.
 

Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây