TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cử hành Thánh Thể: Bài 14 - Tung hô Tin Mừng

Thứ hai - 08/01/2024 08:16 |   786
Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
Cử hành Thánh Thể: Bài 14 - Tung hô Tin Mừng

Cử hành Thánh Thể: Bài 14 - Tung hô Tin Mừng - Alleluia

 
  •  
    •  


WHĐ (08.01.2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 14: TUNG HÔ TIN MỪNG - ALLELUIA

I/ LỊCH SỬ

Hallelu-Yah là sự kết hợp của hai từ gốc Do-thái cổ là: “Hallelu” (hãy ngợi khen) và “Yah/Ia” (Giavê, Thiên Chúa). Vì thế tiếng Alleluia - được dùng trong phụng vụ Do Thái - có nghĩa là “Hãy ngợi khen Đức Chúa.” Trong Cựu Ước, Alleluia được dân Do Thái sử dụng khi bắt đầu hay khi kết thúc các Thánh vịnh trong phụng vụ đền thánh (x. Tv 104-106, 113-113, 115-117, và 146-150). Còn trong Tân Ước, Alleluia xuất hiện duy nhất trong sách Khải huyền (19,1-9): là tiếng tung hô vui mừng hoan hỉ, là bài ca chiến thắng của đoàn người đã được cứu chuộc hát vang trên trời.[1]

Alleluia được sử dụng trong hầu hết các gia đình phụng vụ Đông phương. Theo thánh Augustinô (354-430), Alleluia được hát vào mỗi Chúa nhật. Ngay từ đầu, người lĩnh xướng có thói quen thêm thắt nhạc vào âm cuối của tiếng Alleluia và kéo dài kiểu ngân một nguyên âm trên nhiều nốt nhạc khác nhau cũng như hát với nhiều bè khác nhau đến độ chỉ ca đoàn mới có thể hát nổi, còn dân chúng chỉ lắng nghe và “thưởng thức.” Trong nghi lễ Rôma, do ảnh hưởng bởi Đông phương, Alleluia được đưa vào hồi hậu bán thế kỷ VII dưới triều của một số giáo hoàng xuất thân từ Đông phương.[2] Tuy nhiên, ban đầu Alleluia chỉ được hát vào lễ Phục sinh; sau đó, được hát suốt mùa Phục sinh; và rồi suốt năm phụng vụ trừ mùa Chay như chúng ta thực hành ngày nay.

Sách Ordo Romanus I nói rằng Alleluia được tiếp nối theo sau đáp ca. Vào mùa Chay, Alleluia không được sử dụng, nên người ta thay thế bởi một đoạn Thánh vịnh dài hơn được gọi là Tractus (Bài ca liên xướng), có lẽ đây là dấu vết còn sót lại của việc hát Thánh vịnh mà không có câu đáp ca.[3] Ngày nay cũng vậy, chúng ta không hát Alleluia trong mùa Chay, nhưng vẫn đọc một câu điệp khúc (x. QCSL 62).  

Sách lễ Rôma 1574 và Sách lễ Rôma 1962 vẫn tiếp tục truyền thống Trung cổ bằng việc để cho ca đoàn hát Alleluia vào Thánh lễ trọng, trong khi luôn luôn để linh mục xướng đọc Alleluia.[4]

Hướng dẫn của Hội Thánh hiện nay liên quan đến Alleluia như sau:

Sau bài đọc liền trước bài Tin Mừng, hát Alleluia hay bài nào khác do chữ đỏ quy định tùy mùa phụng vụ. Lời tung hô như vậy tự nó là một nghi thức hoặc một hành vi độc lập, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng và dùng lời hát tuyên xưng niềm tin của mình. Ca đoàn hoặc ca viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca viên hát. a) Alleluia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài đọc, hoặc sách Các bài ca tiến cấp. b) Mùa Chay, thay vì Alleluia thì hát câu tung hô trước bài Tin Mừng có trong Sách Bài đọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác hay ca tiếp liên mùa Chay, như thấy trong sách Các bài ca tiến cấp (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 62).

Khi hát Alleluia, hoặc ca khúc nào khác, linh mục bỏ hương và chúc lành cho hương, nếu có xông hương. Rồi linh mục chắp tay, cúi mình trước bàn thờ, đọc thầm: Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn … (QCSL 132)

- Lúc ấy, linh mục lấy sách Tin Mừng, nếu sách đó đặt trên bàn thờ, cầm nâng cao sách lên một chút, tiến đến giảng đài, có các thừa tác viên giáo dân đi trước. Họ có thể cầm bình hương và nến. Những người hiện diện quay về giảng đài, tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với Tin Mừng Đức Kitô (QCSL 133).

II/ Ý NGHĨA

Trong phụng vụ Rôma, lời tung hô Alleluia liên kết chặt chẽ với bài Tin Mừng, với mục đích diễn tả niềm vui mà Tin Mừng mang đếnlà tiếng kêu hân hoan vui mừng của Hội Thánh đến độ thánh Augustinô gọi Alleluia là “bài hoan ca” (jubilus).[5] Alleluia được coi như là tiếng tung hô Chúa Kitô, Đấng đang đến với chúng ta trong khi công bố Lời của Người. Tin Mừng chính là lời của Người, và Người thực sự hiện diện trong lời đó, hoàn toàn giống như Người sẽ hiện diện sau đó trong bí tích Thánh Thể. Đây là ca khúc hát kèm với cuộc kiệu Sách Tin Mừng từ bàn thờ tới giảng đài. Cuộc rước này như là một sự biểu lộ ra bên ngoài Đức Kitô đang đến (adventus Christi), là một biểu tượng loan báo Ngài sẽ lại đến lần cuối cùng trong vinh quang cũng như sắp đến ngay bây giờ trong lời của Ngài (QCSL 62).[6] Vì thế, có những sự việc đáng lưu ý: [i] Mọi người đứng lên như để chào đón Ngài;[7] [ii] Cuộc rước Sách Tin Mừng  với hương và nến đi trước như dấu chỉ của niềm vui (Nghi Thức Thánh Lễ [NTTL], số 14-15; Mục Lục Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ [BĐ], số 17; QCSL 133, 175;);[8] [iii] Đi kèm với tung hô Alleluia luôn luôn là một câu Kinh Thánh mà phần lớn được trích từ chính bài Tin Mừng sắp được công bố hoặc có thể được lấy từ Thánh vịnh hay những bản văn Thánh Kinh khác theo mùa hoặc chung các thánh; [iv] Xông hương Sách Tin Mừng (QCSL 134, 175).[9]

Sau khi cúi chào bàn thờ, phó tế/linh mục cung kính lấy Sách Tin Mừng từ bàn thờ để rước sang giảng đài như muốn nói lên rằng chúng ta nhận Tin Mừng từ Chúa Kitô và việc công bố Tin Mừng hiển nhiên là phát xuất từ Chúa Kitô.[10] Phó tế/linh mục giơ Sách Tin Mừng lên cao một chút [y như trong cuộc rước đầu lễ] đang khi tiến tới giảng đài, có người cầm bình hương đang tỏa khói cùng với 2 thừa tác viên cầm đèn nến đi trước biểu tượng cho Luật và Các Ngôn Sứ loan báo về Đức Kitô (x. NTTL 14-15; QCSL 133, 175; BĐ 17)[11] và nhằm: [i] tôn vinh phẩm giá của Sách Tin Mừng mà cũng là tôn vinh Chúa Kitô; [ii] biểu trưng Chúa Kitô mà Tin Mừng công bố là ánh sáng thế gian; [iii] diễn tả niềm hy vọng về ngày vĩnh cửu khi toàn thể Hội Thánh được biến hình nhờ ánh sáng của Con Chiên (Kh 22,23); [iv] cộng đoàn chuẩn bị con đường hương thơm cho Ngôi Lời Thiên Chúa;[12]  [v] nhấn mạnh rằng việc công bố Tin Mừng là đỉnh cao của toàn bộ phần Phụng vụ Lời Chúa (x. NTTL 14-15; QCSL 133, 175; Lễ Nghi Giám Mục [LNGM] 140).[13]

III/ ĐỀ NGHỊ MỤC VỤ

1) Giám mục chủ tế bỏ hương trong tư thế ngồi dù tất cả mọi người đứng lên và hát Alleluia (x. Lễ Nghi Giám Mục [LNGM], số 140). Nếu linh mục chủ tế bỏ hương, ngài có thể ngồi (NTTL [1965], 42) nhưng nên đứng để bỏ hương (x. QCSL 131). Khi [ĐGM] chủ tế ngồi bỏ hương, người cầm bình hương và tàu hương có thể đứng hoặc quỳ trước mặt ngài, miễn là cách nào thuận tiện hơn cho việc bỏ hương (cf. Caeremoniale Episcoporum (ấn bản 1745-1948), I-XI, n. 3Pontificales ritus (21 juin 1968, n. 25).[14]

2) Đức Giám mục chủ tế chúc lành cho phó tế ở tư thế ngồi hơn là đứng, nhưng linh mục chủ tế chúc lành cho thầy chỉ ở tư thế đứng (x. NTTL [1965], 42; QCSL 131, 212; cf. Caeremoniale Episcoporum (ấn bản 1745-1948), II-V, n. 7et II-VI, n. 12).[15]

3) Đừng bao giờ để phó tế/linh mục ra giảng đài công bố Tin Mừng một mình trong khi các người giúp lễ đứng không.[16]

4) Đôi khi, có thể rước Sách Tin Mừng qua một phần dân chúng trong nhà thờ với đoạn rước dài hơn bình thường (= từ bàn thờ đến giảng đài) nhằm diễn tả về mặt biểu tượng và nghi thức tầm quan trọng chúng ta đặt nơi Lời Chúa, nhất là nơi Tin Mừng.[17]

5) Nên hát Alleluia trong mọi Thánh lễ bởi vì Alleluia là một dạng tung hô, mà thường phải hát mới phù hợp với thái độ hoan hô.[18] Cũng phải hát Alleluia sao cho phần này thực sự báo trước Tin Mừng và dùng lời hát mà tuyên xưng niềm tin của các tín hữu hân hoan chào đón Chúa Kitô, Đấng sắp nói với chúng ta qua Tin Mừng (x. QCSL 62-63; BĐ 23; MVTN 150).[19] Gelineau cho rằng nếu không thể hiện Alleluia và Amen thành lời tung hô thì chúng chỉ biến thành những lời lẩm bẩm tập thể.[20] Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (số 63c) nhấn mạnh: “Alleluia hoặc lời tung hô trước Bài Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ”: điều này ngụ ý rằng luôn luôn và hết sức bao nhiêu có thể nên hát tung hô Tin Mừng hơn là đọc, việc hát tung hô Tin Mừng phải được ưa thích hơn (x. BĐ 23).[21]

6) Nến cập nhật việc hát tung hô tin Mừng theo hướng dẫn mới của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002]: [i] Xướng trước Alleluia hay bắt đầu hát Alleluia không còn do “hết mọi người” nữa (QCSL [1975], số 37), nhưng chỉ do “ca đoàn hoặc ca xướng viên” đảm nhận; [ii] Câu tung hô cũng vậy, không phải do “hết mọi người” hát chung với nhau mà chỉ do “ca đoàn hoặc ca xướng viên hát” (x. QCSL [2002] 62; BĐ 56; Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc [MVTN], số 150).[22] Như vậy, chúng ta hát tung hô Tin Mừng như sau: [1] Đơn vị I “Alleluia”:[23] do ca đoàn hoặc một ca viên xướng lên; [2] Đơn vị II “Alleluia”: toàn thể cộng đoàn hát lặp lại Alleluia như đơn vị [1] (đơn vị I và II thay vì hát 2 lần thì có thể do toàn thể cộng đoàn cùng nhau hát lên 1 lần nếu như Alleluia là dài hoặc quá thông dụng);[24] [3] Đơn vị III “Câu xướng trước Tin Mừng”: do ca đoàn hoặc một ca xướng viên hát; [4] Đơn vị IV “Alleluia”: toàn thể cộng đoàn hát lặp lại Alleluia như đơn vị II.[25] Thực hành này không những đúng ý định của Hội Thánh mà còn thực sự dễ dàng và đơn giản hơn cho dân Chúa vì một là, không cần phải tập hát Alleluia trước cho cộng đoàn: mọi người chỉ lần lặp lại Alleluia do ca đoàn/một ca viên xướng trước, “Câu xướng trước Tin Mừng” thuộc về nhiệm vụ [hát] của ca đoàn/một ca viên; hai là, mọi người không phải nhìn vào sách/màn hình hầu có thể nhìn về phía đoàn rước Sách Tin Mừng [nếu có] (QCSL [2002], 62; PV 33).

7) Có thể đọc/hát câu tung hô Tin Mừng từ giảng đài (x. QCSL 309; BĐ 33).[26] Nhưng vì linh mục hay phó tế công bố Phúc Âm sắp di chuyển đến đó, nên xướng viên thường dẫn câu tung hô Tin Mừng từ giá riêng của mình hay từ khu vực ca đoàn.[27] Còn nếu hát tại giảng đài thì xướng viên phải di chuyển không trì hoãn đang khi cộng đoàn hát lặp lại Alleluia (đơn vị IV) kết thúc phần tung hô Tin Mừng.[28]

8) Trong Mùa Chay, không bao giờ hát/đọc Alleluia, có thể thay thế bằng những câu tung hô như sau (hát trước và sau câu Tung hô trước Tin Mừng): 1. Lạy Chúa Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng con xin ngợi khen Ngài. Hoặc: 2. Lạy Chúa Kitô ngàn đời vinh hiển, xin chúc tụng và tôn vinh Ngài.[29]

9) Phải tránh tình trạng đoàn rước tung hô Tin Mừng “gãy gánh giữa đường” (bước đi trong thinh lặng), nghĩa là chưa tới giảng đài, hay có những trường hợp, thày phó tế/linh mục đồng tế chưa kịp lấy Sách Phúc Âm trên bàn thờ, thì hát tung hô Tin Mừng đã kết thúc. Gặp trường hợp này, đàn sĩ nên tiếp tục dạo nhạc hoặc cộng đoàn nên hát tiếp tiếng Alleluia cho tới khi đoàn rước tới giảng đài mới thôi.

10) Thỉnh thoảng, vào những dịp trọng thể, nên hát lại tung hô Tin Mừng Alleluia lần nữa sau khi cộng đoàn thưa “Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa”, bởi vì hành động này làm cho hai tiếng reo vui – hoan hô như hai phần bao lấy bài Phúc Âm,[30] đồng thời thể hiện tâm tình mạnh mẽ và sốt mến của cộng đoàn muốn “chúc tụng Thiên Chúa” vì nghĩa của tiếng Alleluia chính là “hãy ngợi khen Thiên Chúa”.[31]

IV/ SUY NIỆM

Alleluia là bài ca vừa làm chúng con say mê vừa gợi lên trong chúng con nhiều điều: như một lời tung hô đầy hoan hỷ để chào đón Tin Mừng của Chúa, để diễn tả sự kinh ngạc đầy thú vị của chúng con, để ca khen Thiên Chúa vì hồng phúc Ngài tuôn đổ trên chúng con; nhưng trên tất cả, lạy Chúa Giêsu, chúng con kết nối Alleluia với cuộc phục sinh của Chúa. Chúng con hát Alleluia để loan báo một tin vui vĩ đại: bây giờ Chúa vẫn đang sống, Chúa đang cùng đi với chúng con.

Người ta vẫn hỏi tại sao không hát Alleluia trong mùa Chay. Chúng con hiểu rằng vì Alleluia luôn gắn liền với biến cố phục sinh, Hội Thánh tạm thời ngưng hát Alleluia trong 40 ngày thống hối của mùa Chay nhằm chuẩn bị tâm hồn chúng con đón nhận niềm vui trọn vẹn và vĩ đại của biến cố phục sinh.

Trong đêm vọng phục sinh, Hội Thánh phục hồi bài ca Alleluia cho nên tiếng Alleluia đã được cất lên một cách long trọng và hùng tráng sau một thời gian tạm thời lịm tắt. Trước Bài Phúc Âm, vị tư tế xướng hát Alleluia và toàn thể cộng đoàn phụng vụ cùng lặp lại theo ngài. Hát đến 3 lần, mỗi lần lên giọng cao hơn. Lạy Chúa, chúng con hát Alleluia như bài ca khải hoàn để công bố với thế giới rằng Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, Chúa đã chiến thắng tử thần. Chúng con ước muốn giai điệu của bài ca này phải lan tràn đến mọi ngõ ngách của vũ trụ. Từ đêm phục sinh cho đến mùa Chay lần tới, chúng con lại say mê hát Alleluia – Chúa vẫn đang sống với chúng con. Xin hãy để cho thế giới lắng nghe lời ca tiếng hát Alleluia của chúng con và làm cho thế giới này được biến hình đổi dạng nhờ quyền năng phục sinh của Chúa.

Vào một số dịp hoặc Chúa nhật, chúng con hát Alleluia đi kèm với cuộc rước sách Tin Mừng đến giảng đài. Thực hành này giúp chúng con hồi tưởng lại đêm Vọng Phục sinh, cũng như làm mới lại kinh nghiệm của chúng con về ngày lễ mẹ của các lễ vọng. Chúa nhật tạo âm hưởng cho cả tuần cũng như lễ đêm Vọng Phục sinh tạo âm hưởng cho toàn bộ những ngày khác trong năm. Mỗi tuần sẽ khởi đi từ nốt nhạc cao độ của bài ca phục sinh Alleluia. Alleluia thấm nhập toàn bộ tuần lễ của chúng con vì mỗi ngày chúng con đều được tắm gội trong ánh sáng phục sinh của Chúa.

Lạy Chúa, Alleluia là bài ca phục sinh hàng ngày cho chúng con. Alleluia dạy chúng con biết thưa “xin vâng” với Chúa trong cuộc đời cũng như thừa nhận rằng chúng con sẽ gặt hái được nhiều điều hơn cả những tính toán hay kinh nghiệm của chúng con. Xin để cho đức tin của chúng con vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa phá tan bóng tối che khuất tầm nhìn hy vọng của chúng con về một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng con biết rằng u sầu ảm đạm vẫn còn đó nhưng như “người dại khờ” của Thiên Chúa, chúng con vẫn sẽ tiếp tục cử hành niềm vui cuộc sống giữa bao cảnh đau khổ buồn phiền như thế. Chúng con vẫn sẽ tiếp tục hét lên tiếng “xin vâng” của đức tin vào sự phục sinh của Chúa.

Trước một thế giới chìm ngập trong sản xuất, cạnh tranh và hiệu năng kỹ thuật, Alleluia vẫn là lời hiệu triệu của Chúa để làm cho con người hiện tại phải trỗi dậy và để mừng vui vì sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. Alleluia là một lời mời gọi để kính mừng “ngày lễ của những kẻ khờ dại”, để chúng con không còn như một cỗ máy nữa, và để chúng con sống cuộc đời của những kẻ đã được Chúa thương cứu độ.

Alleluia, Alleluia! Lạy Chúa, ước gì bài ca hân hoan và tràn đầy hy vọng này cất chúng con lên khỏi những lối mòn của cuộc sống hàng ngày hầu chúng con có thể đến với ngày lễ đầy vui tươi mà kính mừng mầu nhiệm phục sinh của Chúa. Ước gì lời ca Alleluia đem đến cho chúng con niềm an ủi chắc chắn rằng giờ đây ngôi mộ chôn cất Chúa đã thực sự là ngôi mộ trống, Chúa không còn ở đó nữa, nhưng Chúa đang rảo khắp đó đây trên quả đất này hầu mời gọi tất cả chúng con hãy bước ra khỏi nấm mồ của chính mình. Amen.


 
 
1] Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith: A Study of the Structural Elements of the Order of the Mass (Washington DC:  FDLC, NE, 2003), 38.
[2] Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, ed. A. G. Martimort (Collegeville: The Liturgical Press, 1992), tập 2: 64-65.
[3] OR I, 57-58, trích lại từ Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 165. 
[4] Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, 165.  
[5] X. Georges Beyron, “Những Bài ca của Thánh lễ,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II (Đồng Nai: Nxb Đồng Nai, 1992), 257; Phan Tấn Thành, Hiểu và Sống Đức tintập 2 (Sài Gòn: Học viện Đa Minh, 2009), 117–123.
[6] Reinhard Messner, “La Liturgie de la Parole,” 57, trích lại trong John D. Laurance (ed.), The Sacrment of the Eucharist (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), 136.   
[7] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 164.
[8] X. Lucien Deiss, Celebration of the Word, trans. Lucien Deiss & Jane M. A. Burton (Collegeville: Liturgical Press, 1993), 123.
[9] X. Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 164.
[10] X. Serra, “Theology of the Latin Text and Rite” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley Edward, 128.
[11] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 102.
[12] X. Lucien Deiss, Celebration of the Word, trans. Lucien Deiss & Jane M. A. Burton (Collegeville: The Liurgical Press, 1993), 120.
[13] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 132.
[14] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 100.
[15] X. Ibid, 101.
[16] Nguyễn Thế Thủ, Hướng dẫn Cử hành Phụng vụ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 2000), 96.
[17] X. Mick, Worshiping Well (Collegeville:  The Liturgical Press, 1997), 49; DeGrocco, no. 62.
[18] Leben, Để sống Phụng vụ, 95; Phan Tấn Thành, Hiểu và Sống Đức tin, 117–123.
[19] X. Lawrence E. Mick, Worshiping Well, 48; Erasto Fernandez, SSS, The Eucharist: Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 43.
[20] Gelineau, The Liturgy Today and Tomorrow 1st ed., trans. Dinah Livingstone (New York: Paulist Press, 1978), 80.
[21] X. McNamara, “Gospel Acclamation, Before and After” (12 April 2007), https://www.ewtn.com/catholicism/library/gospel-acclamation-before-and-after-4396; “Việc hát Alleluia trước Tin Mừng vẫn là lý tưởng” (06/06/2017), dg. Nguyễn Trọng Đa, http://conggiao.info/viec-hat-alleluia-truoc-tin-mung-van-la-ly-tuong-d-41645; “Singing or Reciting the Alleluia” (18 Dec. 2018), https://www.ewtn.com/catholicism/library/singing-or-reciting-the-alleluia-4920; DeGrocco, no. 63; Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 330; X. Beyron, “Những Bài ca của Thánh lễ,” trong Họp nhau Cử hành Phụng vụ, tập II, 242.
[22] X. Turner, no. 328; Georges Beyron, “Les chants de la messe” trong Dans Vos Asssemblées, ed. J. Gélineau (Desclée, 1989), 434; McNamara, “Singing or Reciting the Alleluia” (18 Dec. 2018), https://www.ewtn.com/catholicism/library/singing-or-reciting-the-alleluia-4920Its Singing is for Cantors or Choirs” (11 Feb. 2020), https://www.ewtn.com/catholicism/library/verse-before-the-gospel-14238.
[23] Một đơn vị Alleluia, một là được hát ngân nga thật dài với nhiều nốt nhạc khác nhau như trong lễ Vọng Phục sinh; hai là, gồm 2 hay 3 từ Alleluia tuỳ theo sáng tác của nhạc sĩ, tức gấp đôi hay gấp ba chữ Alleluia lên hầu tạo cho nhịp điệu âm nhạc được hay hơn và cho phép nâng cao tầm mức quan trọng của tiếng Alleluia. Một Alleluia ngắn ngủn chỉ kéo dài vài giây, rồi được theo sau bởi một câu được đọc lên sẽ làm gián đoạn dòng chảy của bài ca, không đủ tôn cao sự chuẩn bị của chúng ta dành cho Tin Mừng mà chúng ta sẽ công bố và lắng nghe đang khi đứng (x. Lucien Deiss, Visions of Liturgy and Music for a New Century, 141; Joseph Génineau, Liturgical Assembly, Liturgy Song, trans. Bernadette Gasslein (Portland: Pastoral Press, 2002), 109.
[24] Paul Turner, Let Us Pray, no. 324.
[25] Xem thêm phần giải thích của: [1] cha Edward McNamara, LC trong bài “Ai hát câu tung hô trước bài Tin Mừng?” (11/02/2020), dg. Nguyễn Trọng Đa, https://Zenit.org/articles/the-verse-before-the-gospel/“Hát hoặc đọc Alleluia như thế nào? Lại nói về “Thánh lễ chữa lành” (18/12/2018), https://giaophanvinhlong.net/hat-hoac-doc-alleluia-nhu-the-nao-lai-noi-ve-thanh-le-chua-lanh.html[2] Georges Beyron, “Những bài ca của Thánh lễ,” trong Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II, 257-258; [3] Paul Turner, Let Us Pray, no. 324.
[26] X. Edward McNamara, “Singing the Alleluia at the Ambo” (08 Jan. 2013).
[27] Paul Turner, Let Us Pray, no. 329.
[28] X. André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe, 98.
[29] Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc [MVTN], số 153b; Ordo Lectionum Missae [1981], “ACCLAMATIONES pro tempore Quadragesimae”, 129.
[30] X. Leben, Để sống Phụng vụ, 95.
[31] X. David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 48. 
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cu-hanh-thanh-the-bai-14- 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây