TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đại dịch dưới nhãn quan Kinh Thánh

Thứ sáu - 03/09/2021 18:57 | Tác giả bài viết: |   858
Có phải Covid-19 là một sự trừng phạt của Thiên Chúa không? Hiệu quả của việc cầu nguyện trong đại dịch ra sao?
Đại dịch dưới nhãn quan Kinh Thánh

SỰ CHẾT, ĐAU KHỔ, SỢ HÃI...:
 ĐẠI DỊCH COVID-19 DƯỚI NHÃN QUAN KINH 
THÁNH

WHĐ (03.9.2021) - Có phải Covid-19 là một sự trừng phạt của Thiên Chúa không? Hiệu quả của việc cầu nguyện trong đại dịch ra sao? Có phải đức tin chỉ dựa vào các phép lạ không? Dựa trên một vài đoạn Kinh Thánh, chúng ta cùng nhau suy tư về những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay.

Trong giai đoạn buộc phải ở nhà này, lời khuyên trở về với các bài đọc, đào sâu và sống nội tâm với các bản văn Kinh Thánh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Vậy thì còn thời điểm nào thuận lợi hơn để cầm trên tay cuốn Kinh Thánh mà chúng ta có trong nhà mình? Quả thực, trong những trang Kinh Thánh, chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự gợi ý cho việc suy tư (nếu không muốn nói chính là câu trả lời) cho những chất vấn hiện sinh mà đại dịch đặt ra cho mỗi chúng ta. Vì vậy, chúng ta thử xem xét một số đoạn Thánh Kinh để giúp chúng ta hiện thực hóa việc đọc trong khoảng thời gian tạm ngưng giữa nỗi sợ hãi về một dịch bệnh nguy hiểm và “sự im lặng của Thiên Chúa”.

Nỗi sợ hãi cái chết

Để mở đầu cho những suy tư ngắn này, chúng ta cùng nhau đọc và suy ngẫm về đoạn Tin Mừng của Thánh Gio-an (Ga 11,1-45) nói về việc Chúa Giê-su hồi sinh sự sống cho anh La-za-rô. Người bạn của Chúa Giêsu bị chết sau một cơn bạo bệnh (một chi tiết khiến chúng ta cảm thấy câu chuyện của anh ta rất thời sự, giống như sự ra đi của những người bị nhiễm Covid ngày hôm nay vậy) trước khi Chúa Giê-su có thể đến kịp thời (ít nhất là như lời “trách móc” mà người chị gái Mat-ta nói với Chúa: “Nếu Thầy ở đây, em con đã không chết”; và cách thể hiện nỗi đau rất người này cũng tạo nên cầu nối giữa bi kịch đang diễn ra hôm nay và đoạn Tin Mừng này).

Nhưng vượt trên tất cả, có một chi tiết trong câu chuyện Tin Mừng này khiến chúng ta sững sờ: sự khóc lóc của Chúa Giê-su. Dù biết rằng, trong vài phút nữa Ngài sẽ làm cho bạn của mình sống lại. Thật vậy, Đức Kitô chia sẻ với chúng ta mọi điều, ngoại trừ tội lỗi: ngay cả nỗi sợ hãi về cái chết và nỗi đau mất mát người thân yêu. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, không lâu trước khi bị bắt, chính Chúa Giê-su đã đổ mồ hôi máu và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con! Nhưng không phải theo ý con, mà để ý Cha được thực hiện” (Lc 22,42). Trong hoàn cảnh đau buồn như hiện nay, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta có một “người đồng hành” đảm bảo hơn mọi thứ. Bởi vì, Chúa Giê-su là người đầu tiên cảm nghiệm được cảm giác sợ hãi của chúng ta và Ngài đã kinh nghiệm được“sự thinh lặng của Thiên Chúa Cha”, điều mà hôm nay dường như chúng ta không thể chịu đựng được.“Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34), những tiếng than van này là lời cuối cùng của Ngài trên thập giá. Nhưng chắc chắn điều đó không phải là điểm kết thúc của biến cố Con người-Thiên Chúa của Ngài. Một điểm trong thời gian đại dịch Covid hoành hành có thể khiến chúng ta suy tư, đó là sự chết, điều mà sau nhiều thập kỷ tuyên truyền đã khiến chúng ta loại bỏ nó khỏi tầm nhận thức “văn hóa” của mình, ngoại trừ làm gia tăng nó trong những việc làm không bình thường (như phá thai, trợ tử, an tử...) hoặc thậm chí gây mê nó bằng một số các hình thức biểu diễn nào đó.

Mầu nhiệm thập giá và đau khổ

Mặt khác, toàn bộ Thánh Kinh, phơi bày ra trước mắt chúng ta mầu nhiệm của thập giá và đau khổ. Mầu nhiệm đó mang tính cứu rỗi. Vào ngày 25 tháng 3 năm 2020, trong một cuộc phỏng vấn với báo Avvenire, Đức Hồng y Giuseppe Betori, Tổng giám mục của Florence và là một học giả Thánh Kinh tài giỏi, đã nhắc lại đoạn Thánh Kinh trong sách Dân số (Ds 21,4-9) liên quan đến “bệnh dịch”. Bệnh dịch đã tấn công dân Ít-ra-en trong sa mạc khi rắn cắn họ và gây ra cảnh chết chóc. “Ở thời điểm đó, sự cứu thoát đến từ con rắn đồng do Mô-sê treo lên, điều mà chúng ta biết sau này Chúa Giêsu xem đó như là dấu chỉ của chính mình và của thập giá Ngài mà phải chịu. Đức Hồng y giải thích rằng: Ngày hôm nay, tôi tin rằng đối với một Kitô hữu, việc nhìn vào “những con rắn” vô hình đang tấn công chúng ta (Covid-19) phải khiến chúng ta hướng nhìn lên Đức Ki-tô, theo cách mà Ngài đã hiến mình vì chúng ta. Bởi vì, chỉ bằng cách tái khám phá lại sự phục vụ và hy sinh, như khuôn mẫu cho đời sống của chúng ta, chúng ta mới có thể thay đổi thế giới”.

Hay đối với Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, một học giả Thánh Kinh quan trọng khác, trong một bình luận về đoạn Thánh Kinh tương tự cũng nhấn mạnh: “‘Việc nâng lên’ trên thập giá là một kiểu tôn vinh, cây gỗ đáng sợ đó trở thành ngai Thiên Chúa, sự đóng đinh là khởi đầu của phục sinhsuối nguồn giải thoát khỏi ác thần cho toàn thể nhân loại. Chính Chúa Giê-su, trước khi bước vào Cuộc Khổ Nạn, Ngài đã nói: “Khi ta được cất lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Gv 12,32). Trong thời gian này, chúng ta có thể đóng lại để chúng ta được thu hút bởi Đấng đã chịu đóng đinh, như ĐTC Phan-xi-cô đã nhiều lần làm chứng, nó không phải như một hành động sùng kính đơn thuần, nhưng để chứng minh tính chắc chắn rằng thập giá dẫn đến Đấng Phục Sinh.

Sức mạnh của lời cầu nguyện

Tất cả những gì chúng ta vừa nói ở trên đều dẫn đến sức mạnh của việc cầu nguyện. Về vấn đề này, chúng ta đọc đoạn Thánh Kinh được nói ở trong Cựu Ước trích từ sách Xuất Hành (Xh 17,8-16). Ông Mô-sê cầu nguyện giơ hai tay hướng lên trời trên một ngọn đồi, trong khi ông Giô-suê chiến đấu ở vùng đồng bằng phía dưới chống lại người A-ma-lếch. Những lời cầu nguyện của ông có ý nghĩa quyết định đến chiến thắng cuối cùng. Thiết nghĩ, cũng cần phải đề cập đến sự đóng góp của ông A-ha-ron và ông Khua – những người luôn sát cánh bên Mô-sê để giữ vững cánh tay của ông. Các nhà chú giải đã thấy trong đoạn Thánh Kinh này một trong những khuôn mẫu hoàn chỉnh nhất của lời cầu nguyện Kitô giáo, nơi chiều dọc (nghĩa là mối tương quan giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hóa) và chiều ngang (kéo dài sự cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày) hợp nhất với nhau một cách lạ lùng. Trên thực tế, lời cầu nguyện của Mô-sê hỗ trợ trận chiến của Giô-suê theo cách mang tính quyết định, nhưng không thay thế nó. Vì thế, lời cầu nguyện không phải là cây đũa thần, tự nó có quyền năng làm nên phép lạ, nhưng ngược lại, nó là sự tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng trong Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta: “Không có Thầy, anh em không làm được gì” (Ga 15,5). Và đồng thời lời cầu nguyện đó đòi hỏi phải được chuyển hóa vào trong các “cuộc chiến đấu” nhỏ hay lớn mỗi ngày. Lời cầu nguyện sử dụng những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: chẳng hạn như sự thông minh của khoa học và ý chí tự do tương ứng với điều thiện. Thánh Gia-cô-bê đã nói từ nhiều thế kỷ trước: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Vào thứ Sáu, ngày 27 tháng 3 năm 2020, với buổi cầu nguyện ở quảng trường của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, ĐTC Phan-xi-cô đã khiến chúng ta hồi tưởng lại trang Thánh Kinh này. Ngay cả Giáo Hoàng, một Mô-sê mới, từ đồi Vatican đã giơ đôi tay trong lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng luôn hiện diện và hằng sống trong Bí tích Thánh Thể. Và ngài đã làm như vậy cũng để nâng đỡ “nhiều Giô-suê” hiện đang tham gia vào “chiến trường” của các khu bệnh viện và các môi trường khác nhau trong cuộc chiến chống lại virus Corona. Lời cầu nguyện của ngài nâng đỡ và khuyến khích họ. Trong khi đó, cánh tay của ngài được giữ vững bởi ông A-ha-ron và ông Khua, tức là từ những lời cầu nguyện của chúng ta hiệp thông với những lời cầu nguyện của ngài. Và vì vậy, tất cả cùng nhau, chúng ta tin tưởng rằng kẻ thù (trong trường hợp này là Covid-19) sẽ bị đánh bại.

Nhưng chẳng lẽ virus Corona lại là hình phạt của Thiên Chúa sao?

Đây cũng là câu hỏi được nghe đi nghe lại nhiều lần trước sự lây lan của dịch bệnh. Đức Hồng y Betori, (trong cuộc phỏng vấn với báo Avvenire đã nhắc đến ở trên) đã bàn về vấn đề này ngang qua đoạn Lời Chúa được trích từ Tin Mừng của Thánh Lu-ca (Lc 13,1-5). Đó là đoạn nói về việc Chúa Giê-su trả lời cho những người xin Ngài lời giải thích về vụ thảm sát người Ga-li-lê. Họ bị Phi-la-tô giết chết và sau đó chính Ngài đề cập đến sự việc 18 người bị chết vì sự sụp đổ của tháp Si-lô-ác. Đức Hồng y Betori giải thích: “Tôi cảm thấy rằng, ngày hôm nay cũng có nhiều người tự hỏi, làm thế nào để đặt vào trong mối tương quan giữa những điều đang xảy ra với lòng nhân lành của Thiên Chúa? Và như thế, đại dịch Covid-19 được hiểu như là sự trừng phạt của Thiên Chúa sao? Chúa Giê-su nói rằng những người bị giết chết không có tội hơn những người khác. ‘Nhưng nếu các ông không chịu sám hối – Ngài cảnh báo – thì các ông cũng sẽ bị chết như vậy’. Vì vậy, đây không phải là một hình phạt nhưng đúng hơn là một lời mời gọi sám hối. Đức Hồng y nhấn mạnh: “điều này liên quan đến cả việc suy nghĩ lại về lối sống của chúng ta và cả những chọn lựa mang tính định hướng cho xã hội thời đại của chúng ta. Tôi lấy một ví dụ: chúng ta hãy xem kinh phí cho việc nghiên cứu khoa học quan trọng biết chừng nào. Tại sao chúng ta không cấm việc sản xuất và buôn bán vũ khí để lấy kinh phí đó dành cho việc nghiên cứu khoa học mang lại lợi ích cho con người? Chúng ta biết rằng, việc chạy đua vũ trang biểu trưng cho một xã hội nhầm lẫn về niềm vui và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng tình cảnh này mời gọi chúng ta làm một cuộc hoán cải thực sự. Nếu không muốn bị thua cuộc, thì đây được xem như là bổn phận của cả nhân loại chứ không riêng gì người Kitô hữu hay những người có tôn giáo”.

Cha Lorizio, một nhà thần học gia cũng đưa ra kết luận tương tự, ngài trích dẫn đoạn Thánh Kinh nói về việc chữa lành cho người mù bẩm sinh trong Tin Mừng của Thánh Gio-an (Ga 9,1-41), trong một bài báo xuất bản trên Famiglia Cristiana. Đối với những người hỏi Ngài: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Chúa Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Do đó, Cha Lorizio chú thích rằng: “Chúa Giê-su làm đảo lộn nền thần học thời của Ngài, một nền thần học giải thích mọi hình thức của đau khổ như là hậu quả của tội lỗi. Ngài loại bỏ khuôn mẫu của sự trừng phạt”. Nhưng đoạn Thánh Kinh này đóng vai trò cầu nối để giới thiệu cho chúng ta một chủ đề khác đáng để suy ngẫm hơn.

Các phép lạ phục vụ cho điều gì?

Trong mọi hoàn cảnh, ngay cả những hoàn cảnh bi đát nhất, Cha Lorizio trả lời trong bài báo nói trên, “chúng được trao cho chúng ta bởi vì trong những hoàn cảnh đó bày tỏ chính ‘mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa’”. Và, nếu trong trường hợp của người mù bẩm sinh, sự chữa lành đến từ sự trộn lẫn nước bọt của Chúa Giê-su và bụi đất, thì ơn cứu độ, sự chữa lành có thể được nảy sinh từ cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, giữa ân sủng và tự nhiên. Nước bọt của Chúa Giê-su là dấu chỉ của Thiên Chúa, của tính siêu nhiên, được bày tỏ trong nhân tính của Ngài. Trong khi đó, đất lại biến thành bùn, điều đó nói với chúng ta rằng sự chữa lành sẽ được sản sinh từ đất, nghĩa là bởi sự dấn thân của chúng ta ngang qua trí thông minh và khoa học (nghiên cứu khoa học) và sự thực hành của ý chí tự do (tôn trọng các nguyên tắc và tình liên đới)”.

 

Tương tự như vậy, đoạn Tin Mừng nói về việc Chúa Giê-su dẹp sóng gió (Mc 4,35-41), được công bố vào thứ Sáu ngày 27 tháng 3 năm 2020 trong buổi cầu nguyện của ĐTC tại quảng trường Thánh Phêrô, cũng đi theo hướng đó. Trong con thuyền bị trận cuồng phong lật tung (giống như nhân loại của chúng ta trong thời đại dịch Covid-19) có Chúa Giêsu luôn ở cùng, chúng ta không được sợ hãi, như ĐTC nhấn mạnh. Chúng ta phải cầu xin Ngài chấm dứt “sự thinh lặng của Thiên Chúa”, tượng trưng bởi giấc ngủ của Ngài. Và Ngài, Đấng có quyền năng ngay cả với các hiện tượng tự nhiên, sẽ luôn luôn sẵn sàng cứu giúp. Tuy nhiên, mục đích của mô phạm này của Thiên Chúa, chắc chắn không phải dừng lại ở những “hiệu ứng đặc biệt” của chính phép lạ, nhưng xa hơn là ở câu hỏi, (không phải ngẫu nhiên mà thánh sử Mác-cô đặt vào môi miệng các tông đồ sau khi trở lại trạng thái yên tĩnh): “Vậy người này là ai, cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” Nói một cách đơn giản, mọi thứ phải kết hợp lại với nhau để tăng thêm đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Bây giờ, chúng ta hãy cầu xin sự trợ giúp của Ngài. Và sau này, khi – như chúng ta tin tưởng – mối nguy hiểm của virus Corona bị đánh bại, chúng ta cần biến đức tin của mình thành hành động.

Tác giả: Mimmo Muolo
Chuyển ngữ: An Bình, C.Ss.R.
Từ: avvenire.it (28.3.2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây