SUY NGHĨ VỀ LỜI KHUYÊN CHO CÁC TÂN LINH MỤC THỜI COVID
WHĐ (24.8.2021) - Ngày 15-8-2021 vừa qua, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn Giu-se Nguyễn Năng, kiêm Giám quản Tông tòa Giáo phận Phát Diệm đã viết một lá thư gửi các Phó tế chuẩn bị thụ phong linh mục dự kiến vào ngày 25-8 sắp tới. [1]
Mở đầu lá thư, ngài viết như sau:
“Các con thân mến,
“Chỉ còn vài ngày nữa, các con sẽ tĩnh tâm chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận thánh chức linh mục vào ngày 25-8-2021. Vì nguy cơ lây nhiễm do đại dịch Covid, cha không thể ra Phát Diệm cử hành thánh lễ phong chức linh mục được. Cha đã ủy quyền cho Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Giám mục giáo phận Thanh Hóa, phong chức cho các con.
“Thánh lễ phong chức sẽ được cử hành với sự giới hạn người tham dự. Trong thời gian vừa qua, tại Saigon, cha đã cử hành nhiều thánh lễ phong chức hoặc khấn dòng trong sự âm thầm, chỉ có ban nghi lễ phụng vụ, ngay cả cha mẹ cũng không thể tham dự. Sau thánh lễ, các tân linh mục hoặc tân khấn sinh đều nói lên cảm nghiệm sốt sắng đặc biệt. Có thể ban đầu là một thoáng buồn buồn tiếc nuối vì không có sự trang trọng hay niềm vui bên ngoài, nhưng cuối cùng lại rất thích thú vì trong chính hoàn cảnh thâm trầm lặng lẽ, họ lại có cơ hội tập trung vào điều chính yếu, vì không còn bị phân tâm vì khách mời, tiệc tùng, chụp ảnh, trang trí…, mà hoàn toàn hướng lòng về Chúa và cảm nghiệm sâu xa ân sủng biến đổi mình.”
Đọc qua phần mở đầu lá thư này, chúng ta có thể nhận ra điều Đức Tổng muốn nhấn mạnh như là chủ điểm của lá thư tâm tình, đó là trong đời sống mục tử cũng như trong các việc mục vụ hãy loại bỏ những điều phụ thuộc và tập trung vào điều chính yếu.
Đào sâu ý hướng đó, phần tiếp theo Đức Tổng Giu-se đã nói rõ thêm về điều căn cốt mà ngài muốn lưu ý các tân chức, như sau:
“Gạt bỏ điều phụ thuộc để tập trung vào điều chính yếu! Chúng ta nói nhiều, chúng ta ao ước, nhưng không làm được. Covid lại giúp ta làm được! Có thể chúng ta bất đắc dĩ phải chấp nhận hoàn cảnh này, nhưng thực sự đây là cơ hội ân phúc cho chúng ta để trở về với điều chính yếu. Tinh thần thế tục đã lôi chúng ta đi xa tinh thần của Chúa nhiều quá. Phải quay về thôi.
“Cách đây vài chục năm, thế hệ các linh mục sống trong thời kỳ khó khăn đã không hề có sự trang trọng bên ngoài, chỉ có điều chính yếu. Chỉ có một giám mục với người thụ phong. Không ai biết, không ai dự, không áo lễ mới, không lễ tạ ơn tưng bừng, không lời chúc mừng, không quà cáp, không tiệc tùng, không chụp ảnh, không có gì… Tuyệt nhiên không có gì, ngoài thánh chức linh mục.”
Quả thực, dịch Covid đã như một tiếng chuông giúp cảnh tỉnh các tân chức của chúng ta, đó là dứt bỏ những điều phụ thuộc và trở về với điều chính yếu. Đọc tiếp lá thư, ta thấy Đức Tổng Giu-se đã nêu rõ như sau:
“Nhưng nhờ được thanh luyện để tập trung vào điều chính yếu, các linh mục của thời khó khăn ấy đã sống chức linh mục của mình cách phong phú, đầy sức sống nội tâm, đầy nhiệt thành dấn thân phục vụ, đầy can đảm và sức mạnh để hy sinh chịu đựng gian khổ, đầy niềm vui và trung tín tuân giữ lời cam kết khi thụ phong. Ngược lại, khi người ta có nhiều niềm vui bên ngoài thì con người nội tâm lại dễ có nguy cơ yếu đi và phẩm chất đời linh mục cũng bị ảnh hưởng. Cám ơn Chúa đã để cho Covid huấn luyện ta.”
Nhân lá thư này, xin mạn phép chia sẻ vài suy nghĩ của một tín hữu về lời khuyên của ĐTGM Saigon Giu-se Nguyễn Năng đối với các tân chức linh mục thuộc giáo phận Phát Diệm. Lời khuyên đó là “Hãy gạt bỏ điều phụ thuộc, và tập trung vào điều chính yếu”.
Bài viết này gồm 3 phần sau:
1- Tập trung vào Đức Ki-tô Mục Tử - Canh tân đời sống nội tâm
2- Tập trung vào ơn gọi phục vụ
3- Tập trung vào việc nâng cao phẩm chất linh mục
* * *
1- TẬP TRUNG VÀO ĐỨC KI-TÔ MỤC TỬ VÀ CANH TÂN ĐỜI SỐNG NỘI TÂM
Đức thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô từng nhắc nhở các linh mục là phải lấy Chúa Giê-su làm trung tâm đời sống và luôn kết hợp mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện, suy niệm cá nhân hằng ngày, cũng như sốt sắng cử hành Phụng vụ các Giờ Kinh và Thánh Thể. Ngài nhấn mạnh: “Nếu các con đầy Chúa, các con sẽ là những tông đồ đích thực của công cuộc truyền giáo mới, vì không ai có thể cho cái mà họ không có trong tâm hồn”. [2]
Như vậy tập trung vào Chúa Ki-tô có nghĩa là luôn quy về Chúa như là trung tâm của đời mình, lấy Chúa làm mục đích và cứu cánh tối thượng cho đời sống mục vụ của mình. Linh mục vốn là hiện thân của Đức Ki-tô nên các ngài chẳng những biểu lộ hình ảnh Đức Ki-tô mục tử, mà còn lan tỏa sự sống của Chúa nữa. Như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Không còn coi mình là trung tâm. Trung tâm giờ đây là Chúa. Ta đặt Ngài làm trung tâm đời mình.
Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ bí quyết nên thánh của ngài như sau: “Hãy chọn Chúa hơn là những việc của Chúa”. Nói cách khác, chọn Chúa vì Chúa quan trọng hơn là việc của Chúa. Đây có thể coi là “bí quyết vàng” sau 13 năm sống trong lao tù và sau nhiều năm sống đời linh mục và giám mục của Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê. [3]
Như vậy, ta thấy chọn Chúa là điều ưu tiên số một, nó quan trọng hơn gấp nhiều lần khi ta chọn làm những công việc của Chúa. Tất nhiên, chọn Chúa không hề là một việc dễ dàng chút nào. Bởi vì, khi chọn Chúa, chúng ta phải hy sinh cái “Tôi”, phải chịu từ bỏ ý riêng để chu toàn thánh ý Chúa, phải vâng lời Chúa hơn là nghe theo người phàm. Trong khi đó, kinh nghiệm cho thấy khi say mê làm những công việc của Chúa, chúng ta thường đem cái “Tôi” vào trong đó để đánh bóng, tô son những việc chúng ta làm. Và như thế chúng ta đã dần dần loại Chúa ra khỏi những gì mà chúng ta tưởng rằng mình làm vì Chúa, cho Chúa.
Trong “Mười điều răn của linh mục”, Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xav. Nguyễn Văn Thuận cũng đã nhắn nhủ các mục tử như sau: “Những gì tôi sống trong tư cách là một linh mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.” [4]
Trên thực tế, ngày nay có một số linh mục vì quá hướng ngoại nên đã dần xa lìa Đức Ki-tô là trung tâm của đời sống mục vụ của ngài. Rồi từ đó, người tín hữu giáo dân cũng bị lôi cuốn theo và đi ra khỏi quỹ đạo “hướng về Chúa Ki-tô” như các ngài. Chính vì vậy, hiện nay người ta nói nhiều đến nào là “đạo hình thức”, “đạo phô trương”, “đạo đoàn thể” v.v… Chẳng hạn, Đức cố H.Y Phan-xi-cô Xav. Nguyễn Văn Thuận cũng đã có dịp đề cập đến “Bệnh phô trương” của người Công giáo, như sau:
“Bệnh phô trương chiến thắng: Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế… Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?
“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự.” [5]
Như vậy, lời khuyên nhủ các tân chức phải trở về với đời sống nội tâm, cả con người và cuộc sống các ngài phải luôn quy về Đức Ki-tô được xem là kim chỉ nam định hướng cho những ai dâng mình cho Chúa, bởi vì “Tinh thần thế tục đã lôi chúng ta đi xa tinh thần của Chúa nhiều quá. Phải quay về thôi.”[6].
2- TẬP TRUNG VÀO ƠN GỌI PHỤC VỤ
Chúng ta xác tín rằng, linh mục được tuyển chọn để phục vụ cộng đồng Dân Chúa, phục vụ chương trình cứu rỗi của Chúa Cứu Thế và phục vụ Nước Trời. Các ngài chính là hiện thân của mẫu gương phục vụ như Đức Ki-tô Mục Tử.
Đức Giê-su cũng đã khẳng định trước mặt các môn đệ là Ngài đến để phục vụ chứ không để được phục vụ. “Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 43-45).
Trong dịp truyền chức cho 10 tân linh mục tại Roma ngày 7-5-2017, ĐTC đã nhắn nhủ các tân chức như sau: “Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất trong Tân Ước, nhưng Chúa đã muốn chọn riêng một số người nhất định trong số các môn đệ của mình. Nên Giáo hội nhân danh Chúa mà thực hành chức linh mục, để họ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu như là thầy giảng, linh mục, và mục tử. Chúa Giêsu không chọn những người đó để cho họ một nghề nghiệp, một sự nghiệp, nhưng là để phục vụ. Trên tất cả, ơn gọi của linh mục là phục vụ dân Chúa, chính điều này hiệp nhất các linh mục với Chúa Kitô. Các linh mục sẽ là thầy giảng Tin mừng, mục tử của dân Chúa, và sẽ chủ trì các nghi thức thờ phượng, nhất là việc cử hành tưởng niệm lễ hy sinh của Chúa Chí Thánh.” [7]
Việc phục vụ luôn nhắc đến nhiệm vụ và đức tính của người đầy tớ. Đi theo ơn gọi làm linh mục là chấp làm đầy tớ Dân Chúa. Khái niệm làm đầy tớ không hạ thấp tư cách và phẩm chất linh mục, nhưng nó đòi hỏi người phục vụ luôn có thái độ khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, bao dung, nhiệt thành, tế nhị trong khi thi hành sứ vụ mục tử.
Về điều này, xin nhắc lại đoạn thư đã dẫn của ĐTGM Giu-se Nguyễn Năng nhắc nhở các tân linh mục: “Cách đây vài tháng, ngày các con thụ phong phó tế, cha đã nói các con hãy nhớ mình chỉ là đầy tớ. Muốn làm linh mục thì phải biết làm đầy tớ. Chịu chức phó tế là tập làm đầy tớ, để sau này khi thụ phong linh mục sẽ biết làm đầy tớ của Dân Chúa. Thụ phong linh mục không có nghĩa là từ nay không còn là đầy tớ nữa, trái lại, phải là đầy tớ đi xuống thấp hơn nữa, là đầy tớ suốt đời. Hãy nhớ mình chả là gì đâu. Từ bụi tro Chúa nâng con lên; Chúa nâng con lên nhưng con vẫn chỉ là bụi tro.”
Nhân đây, cũng xin được nhắc lại một đoạn trong bài giảng của ĐTGM Giu-se Nguyễn Năng tại buổi lễ phong chức linh mục cách đây một năm, ngày 25-8-2020 tại giáo phận Phát Diệm, như sau: “Chúng con phục vụ, quản trị cộng đoàn như thế nào để người ta thấy Chúa Giêsu ở nơi chúng con. Và nhất là, chúng con cùng với toàn thể Giáo hội loại trừ cái ‘Óc Giáo sĩ trị’ ra khỏi Giáo hội tuyệt đối. Lấy quyền mà dọa nạt, rồi la lối, rồi mắng mỏ, rồi đe dọa, rồi vạ tuyệt thông... Tất cả những cái đó là những cái lỗi thời và sai tinh thần Phúc Âm và làm cho người ta không thấy được Chúa Giêsu nơi con người của mình, mà như vậy thì không bao giờ có thể loan báo Tin Mừng hay Truyền giáo được. Dứt khoát loại trừ ‘Óc Giáo sĩ trị’.” [8]
Quả vậy, phục vụ là cung cách hành động và ứng xử của một đầy tớ chứ không phải của ông chủ. Hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ đã minh họa rõ ràng về điều đó. Và còn hơn thế nữa, đối với Chúa, tột cùng của phục vụ là hy sinh mạng sống và chịu chết vì đàn chiên. Cái chết của Chúa trên thập giá đã chứng minh hùng hồn cho điều đó. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8); “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).
ĐTC Phan-xi-cô cũng đã có dịp nhắn nhủ các tân linh mục như sau: “Giáo Hội không ở bên trên thế giới, nhưng ở bên trong thế giới để làm cho nó dậy men. Vì vậy phải loại bỏ mọi hình thức Giáo sĩ trị: chúng ta không được có các thái độ kênh kiệu, ngạo mạn hay uy quyền. Để là các chứng nhân đáng tin cậy, cần nhớ rằng trước khi là linh mục, chúng ta luôn luôn là phó tế; trước khi là thừa tác được thánh hiến, chúng ta là anh em của mọi người. Cả óc tìm kiếm địa vị và gia đình trị cũng phải gạt bỏ bởi vì cái luận lý của chúng là thứ luận lý của quyền bính, nhưng linh mục không phải là người của quyền bính mà của việc phục vụ. Thề rồi làm chứng tá có nghĩa là trốn chạy mọi kiểu sống hai mặt trong chủng viện, trong đời tu, trong đời linh mục. Không thể sống luân lý hai mặt: một cho dân Chúa, một trong nhà riêng. Chứng nhân của Chúa Giêsu phải luôn luôn thuộc về Ngài. Vì tình yêu Ngài mà ta dấn thân chiến đấu mỗi ngày chống lại các tật xấu của mình và mọi tinh thần thế tục tha hóa.” [9]
3- TẬP TRUNG VÀO VIỆC NÂNG CAO PHẨM CHẤT LINH MỤC
Trong phần cuối lá thư ngày 15-8-2021 dẫn trên, ĐTGM Saigon Giu-se Nguyễn Năng đã nhắn nhủ quý thầy phó tế như sau: “Trong ngày vui của các con, cha cùng với giáo phận tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các con. Dân Chúa khao khát những linh mục có phẩm chất cao. Đúng vậy, khao khát lắm! Ai cũng thích mua hàng chất lượng cao. Hàng kém chất lượng sẽ bị ế và tồn kho, không biết đẩy đi đâu. Các con hãy đáp lại kỳ vọng thánh thiện của Dân Chúa.”
Linh mục được Chúa chọn sẽ sống ơn gọi, thể hiện căn tính và thi hành sứ vụ khác với nhãn quan của thế gian. Các ngài sẽ là những mục tử như lòng Chúa mong ước, như Hội thánh mong đợi và như tín hữu kỳ vọng.
Thực vậy, “vì linh mục là hiện thân của Chúa Kitô giữa trần gian, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội khắp nơi ngày một thêm “tục hóa” vô lương tâm và vô luân hiện nay, cho nên mọi linh mục đều được mong đợi sống sao cho người đời, cách riêng cho người tín hữu, dễ nhận ra Chúa Kitô, Đấng đến và trở nên Con Người không phải để đồng hóa với người phàm trong mọi chiều kích thế tục mà trở nên Con Người để cứu chuộc và thần linh hóa (divinize) loài người hầu cho giúp con người được sống hạnh phúc và “được thông phần bản tính Thiên Chúa sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” này, như Thánh Phêrô đã dạy (2 Pr 1,4)”. [10]
Có thể nói ngày nay, người ta nhận xét và đánh giá linh mục không dựa trên những yếu tố như bằng cấp, học vị, tài năng, thông thái, uyên bác…cho bằng dựa trên những phẩm chất đặc thù của người môn đệ của Chúa, đó là sự thánh thiện, là sự mẫu mực trong đời sống đức tin và nhân bản, là sự say mê việc tông đồ truyền giáo và sự nhiệt thành thực thi bác ái mục tử.
Dưới đây, xin mạn phép bàn sơ qua về mấy phẩm chất của người mục tử hiện thân của Đức Giê-su Ki-tô giữa trần gian. Đó là: Gương sống thánh thiện, Gương sống đức tin và nhân bản mẫu mực và Gương nhiệt thành bác ái mục tử.
Gương sống thánh thiện
Có thể nói nên thánh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của linh mục. Bởi vì linh mục không thánh thiện thì làm sao trình bày và nêu gương thánh thiện cho giáo dân được. “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo!”. Muốn cho giáo dân đạo đức sốt sắng thì linh mục cần làm gương thánh thiện. Do đó sự thánh thiện luôn là phẩm chất đáng quý nhất nơi vị linh mục. Khi tiếp xúc với linh mục nào đó, điều mong ước đầu tiên của người tín hữu, đó chính là được đón nhận sự thánh thiện tỏa ra từ các ngài. Sự thánh thiện ấy âm thầm và sâu lắng, nó mang sức sống của hiện thân Đức Ki-tô, mang hơi ấm của tình yêu, sự dịu ngọt của Lời Chúa và sự thân ái của tình người.
Khi đề cập đến vấn đề “Căn tính linh mục là sự thánh thiện”, một tác giả đã viết như sau: “Đặc biệt linh mục, nhờ bí tích Truyền chức, được thông phần chức tư tế của Đức Kitô khác với các tu sĩ và giáo dân, được hành động nhân danh và với tư cách Đức Kitô, cho nên linh mục càng phải lo sống thánh thiện nhiều hơn vì Đức Kitô đã dạy rằng “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều hơn… Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,47-48). Lời dạy của Đức Kitô quả là “căng’, vậy linh mục phải làm thế nào để nên thánh đúng với căn tính mình, bởi vì căn tính của mình đòi hỏi mình phải thánh thiện. Tông thư “Bước vào ngàn năm mới” (2001) đặt ra bảy ưu tiên mục vụ mà việc đứng hàng đầu là : Sống thánh thiện rồi cầu nguyện, cử hành lễ Chúa nhật, bí tích Hòa giải, dành chỗ đứng tối cao cho ân sủng, lắng nghe Lời, và loan báo Lời (số 27).” [11]
Trong tuyển tập “Được chọn và sai đi”, ĐGM GB Bùi Tuần giáo phận Long Xuyên đã viết như sau: “Làm sao để khi gặp linh mục và thấy linh mục làm mục vụ và việc xã hội, ngay cả khi thấy ngài thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng vô hình đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài, và qua ngài mà Đấng ấy đang đến với lịch sử hôm nay. Với Đấng thiêng liêng ấy, linh mục hiện diện và đến như một tình thương, một hi vọng, một sức mạnh đổi mới trong dáng vẻ tu thân hiền từ và khiêm tốn.” [12]
Gương sống đức tin và nhân bản mẫu mực
Trở lại bài giảng ngày 25-8-2020 của ĐTGM Saigon Giu-se Nguyễn Năng tại Gp Phát Diệm, ta thấy có đoạn chia sẻ như sau:
“Cho nên cả cuộc đời của chúng ta, bản thân của chúng ta, lối sống của chúng ta, lời ăn tiếng nói của chúng ta, cách cư xử của chúng ta, cách phản ứng của chúng ta, cách giải quyết vấn đề của chúng ta, cách phục vụ của chúng ta, tất cả phải làm sao để cho thấy Chúa Giêsu trong con người của các con. Người ta nhìn vào đời sống của các con người ta thấy Chúa Giêsu và người ta có thể thốt lên rằng: quả thật đây là người Mục Tử của Chúa, quả thật đây là hình ảnh của Chúa Giêsu, là linh mục thật chứ không phải là linh mục giả. Cho nên các con phải cố gắng từng ngày nên hoàn thiện hơn.” [13]
Thực vậy, ngoài việc sống đời nội tâm thánh thiện, linh mục sẽ luôn là tấm gương về đời sống đức tin và nhân bản để tín hữu học hỏi và bắt chước noi theo. Vẫn biết, linh mục cũng là con người như bao nhiêu người khác, cũng yếu đuối mỏng dòn và tội lỗi, ngài không phải là một “siêu nhân” hay một vị “thánh sống”. Nhưng căn tính, phẩm giá, sứ vụ và ơn gọi của ngài buộc các ngài phải thường xuyên tu luyện để có một đời sống gương mẫu về đức tin và nhân bản. Trong Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (số 41) ĐTC Phao-lô VI đã viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng.”
LM Đỗ Xuân Quế OP trong bài “Tính nhân bản trong cách hành xử của linh mục”, cũng đã viết như sau: “Ở chủng viện các chủng sinh được học hành nhiều thứ và huấn luyện khá đầy đủ về đường đạo đức, nhưng có một mặt xem ra ít được để ý và coi trọng, đó là tính nhân bản. Nhân bản là lấy con người làm gốc trong cách giao tiếp đối xử, nghĩa là trọng kính người ta, khi nói năng, gặp gỡ, dù người ta ở cấp bậc nào, có học hay không có học, giàu sang hay nghèo hèn, Công giáo hay ngoài Công giáo, hay nói khác đi, tính nhân bản là cách đối xử sao cho có tình người và tính người...” [14]
Đa số những ai quan tâm đến đời sống, tư cách và phẩm chất của linh mục, thì đều nhận xét rằng một số linh mục của chúng ta hiện nay đang thực sự “xuống cấp”. Các ngài quá hướng ngoại, quá lo lắng bận tâm về những vấn đề ít có liên quan gì tới mục vụ. Trong khi đó, giáo dân khao khát những của ăn tinh thần, mong đợi những hướng dẫn đạo đức, những giải đáp của Tin Mừng cho những vấn nạn trong cuộc sống, việc cử hành Phụng vụ sốt sắng, bài giảng chất lượng cao, những lớp giáo lý phổ thông, những học hỏi thiết thực cho đời sống đức tin và nhu cầu cộng đoàn, những đồng cảm, chia sẻ qua việc thăm viếng mục vụ v.v...
Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận cũng đã nhắc nhở linh mục như sau: “Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, của Giáo phận và Giáo hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.” (x. Mười điều răn cho linh mục).
Đức TGM Vũ Văn Thiên đã chia sẻ thao thức của ngài trong một buổi huấn đức các chủng sinh và ứng sinh linh mục, có đoạn ngài đặt câu như sau:
“Tại sao một số tu sĩ, chủng sinh và linh mục thời nay say mê rượu chè, tiệc tùng, du lịch, hò hát, nhảy nhót, chơi xe, chơi cây, chơi đồ cổ, chơi động vật quý hiếm và nhiều thú vui phù phiếm phàm tục khác?”
Rồi ngài giải đáp: “Đó là những hệ lụy do đời sống nội tâm không có.
“Vì thế, chúng ta là chủng sinh, ứng sinh linh mục, người cử hành Phụng vụ, giáo dân là người tham gia. Nếu không có đời sống nội tâm, thì tất cả chỉ là những việc làm hời hợt bên ngoài và không đem lại ích lợi gì. Nó giống như một sự kiện văn hoá ngoài đời, người ta chú ý đến việc lôi kéo người khác đến thật đông, thật vui để kinh doanh lợi nhuận. Nếu thiếu đời sống nội tâm, thì đời tu sẽ trống rỗng, vô nghĩa, uổng công.” [15]
Gương nhiệt thành bác ái mục tử.
Chúng ta biết rằng, hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 4 xem ra khá trầm trọng và diễn biến phức tạp. Thống kê hằng ngày cho thấy mỗi ngày cả ngày cả ngàn người nhiễm, cả trăm người chết. Nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, đói khổ vì thất nghiệp và bệnh tật. Trước tình cảnh này, giáo quyền khắp nơi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa ra tay giúp đỡ bằng đủ mọi cách và với nhiều nguồn lực. Đặc biệt, đã nhiều linh mục, tu sĩ, dòng tu, chủng viện, đoàn thể tín hữu… tình nguyện tham gia chống dịch và công tác cứu trợ. Đây là biểu hiện của việc thực thi bác ái Ki-tô giáo cách chung và cũng nhắc ta suy nghĩ về đức ái mục tử cách riêng.
Trong bài viết tựa “Vài suy tư về đức ái mục tử”, tác giả viết như sau: “Đức ái mục tử chính là tình yêu của Đức Kitô - Linh Mục Thượng Phẩm và Mục Tử nhân lành. Linh mục là họa ảnh của Đức Kitô nên đức ái mục tử không thể vắng bóng trong tâm hồn và đời sống của linh mục (x. Ga 13, 34-35). Đức ái mục tử có tầm quan trọng rất lớn và là tâm điểm của mọi chương trình huấn luyện mục vụ: “Toàn bộ công cuộc đào tạo đại chủng sinh phải nhắm đến mục tiêu là giúp họ trở thành những mục tử đích thực của các linh hồn, theo mẫu gương của Đức Kitô” (PDV, số 57).
“Linh mục được kêu gọi trở nên giống Đức Kitô qua việc sống và thể hiện đức ái mục tử đã được Chúa Thánh Thần tuôn đổ qua và trong Bí tích Rửa tội và Truyền Chức thánh (x. Rm 5, 5). Do đó, đức ái mục tử không là sự nhiệt tâm, mối ưu tư mục vụ hay những bổn phận của linh mục nhưng phải là căn tính và nền tảng của thiên chức linh mục. Nhờ đức ái mục tử, linh mục sẽ có thể đáp ứng các nhu cầu cùng những nỗi khổ đau của con người như chính Đức Kitô đã làm. Nhờ đó, linh mục sẽ mang tình yêu và lòng thương xót của Đức Kitô - Mục Tử nhân lành đến cho mọi người.” [16]
ĐTC Phan-xi-cô cũng đã có dịp kêu gọi các linh mục thực thi đức bác ái mục tử, yêu mến Chúa hết lòng, vượt thắng cá nhân chủ nghĩa và có tinh thần hy sinh từ bỏ. Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 1-4-2017 dành cho 160 người thuộc ban giám đốc, các linh mục sinh viên và cựu sinh viên Học viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập Học Viện này.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa lời Chúa Giêsu trả lời cho một thầy Lêvi: “Con hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực” (Mc 12,30), và ngài rút ra những kết luận thực hành: Đức bác ái mục tử đòi chúng ta phải đi ra ngoài, gặp gỡ tha nhân, cảm thông, đón nhận và thành tâm tha thứ cho họ. Nhưng không thể có sự tăng trưởng trong bác ái nếu sống trong cô độc. Vì thế, Chúa kêu gọi chúng ta họp thành một cộng đoàn, để đức bác ái tụ tập tất cả các linh mục trong mối liên hệ đặc biệt của sứ vụ và tình huynh đệ”. [17]
ĐTGM John R. Quinn, nguyên là TGM San Francisco, California Mỹ, trong bài viết “Linh mục ngày nay” đăng trong tuần báo America, tháng 7- 2002 đã viết như sau:
“Các linh mục không chỉ nguyên lo cho đời sống thiêng liêng của mình, nhưng các ngài được nâng đỡ, được phong phú hóa và tìm thấy sức mạnh ngay khi sống cho giáo dân và sống giữa giáo dân. Họ gặp thấy Chúa Ki-tô ngay khi làm việc với giáo dân cũng như khi âm thầm cầu nguyện một mình. Họ thật sự đã sống sâu xa lý tưởng linh mục đã được ghi lại trong Phúc Âm thánh Gioan, chương 10: ‘Người mục tử tốt lành là người mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên’…” [18]
Aug. Trần Cao Khải
[9] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-09/dgh-phanxico-palermo-linh-muc-tu-si-chung-sinh.html
[10] LM Ngô Tôn Huấn - Linh mục, Đức Ki-tô thứ hai (alter Christus) phải là người như thế nào? – Đặc san giáo sĩ Việt Nam, số 279, CN 17-7-2016
[12] ĐGM GB Bùi Tuần – Được chọn và sai đi – Gp Long Xuyên 2003 – trang 62
[14] x. VietCatholic News, ngày 23-1-2005
[15] Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên thăm và huấn từ cho các chủng sinh ĐCV Bùi Chu, ngày 16-04-2018, tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-cha-giuse-vu-van-thien-tham-va-huan-tu-cho-cac-chung-sinh-dcv-bui-chu-32290
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn