TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

“Đồng hành” hay “Hiệp hành”?

Thứ năm - 02/06/2022 19:27 | Tác giả bài viết: I-nha-xi-ô Hồ Thông |   1226
Trong bài viết này, tôi xin được tìm hiểu xem trong hai khái niệm: “đồng hành” và “hiệp hành”, khái niệm nào diễn tả chính xác hơn mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong Kinh Thánh.
“Đồng hành” hay “Hiệp hành”?

TỪ GÓC NHÌN KINH THÁNH: “ĐỒNG HÀNH” HAY “HIỆP HÀNH”?

Từ chủ chốt của “Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, 2021-2023” là nguyên ngữ tiếng Ý: “synodalità”. Nguyên ngữ này xuất phát từ từ nguyên Hy-lạp: “synodos”, theo chiết tự, được cấu tạo từ tiếp đầu ngữ: “syn” (“cùng với”) với ngữ căn: “odos” (“con đường”), nghĩa sát từ: “cùng chung đường” hay “đồng hành”. Vì thế, nguyên ngữ này mới về từ loại nhưng không mới về nội dung.

Theo cha Yves-Marie Blanchard, trong Tân Ước chúng ta không gặp thấy từ nguyên Hy lạp: “syn-odos”, nhưng danh từ: “syn-odia” và động từ: “syn-odeuô” được gặp thấy chỉ trong hai tác phẩm của thánh Lu-ca. Trong Lc 2, 44, danh từ: “synodia” chỉ đoàn người hành hương trở về sau khi mừng lễ Vượt Qua tại Giê-ru-sa-lem và trong Cv 9, 7 động từ “synodeuô” chỉ nhóm người cùng chung đường với thánh Phao-lô trên đường Đa-mát để bắt những người Ki-tô hữu. Tuy nhiên, cha nêu lên vấn đề: “Việc quy chiếu đến con đường băng qua ở đây thì minh nhiên: tuy nhiên phải chăng liên kết từ nguyên này cách có hệ thống với các từ “synode” và “synodalité” của ngày nay?”.[1]

Dù từ nguyên Hy-lạp: “synodos” không là từ ngữ Kinh Thánh, nhưng được Giáo Hội sử dụng trong thời gian dài lâu, không chuyển ngữ, nhưng chỉ phiên âm: La-tin: “synodus”, tiếng Anh: “synod” và tiếng Pháp: “synode”, trong khi tiếng Việt không phiên âm nhưng chuyển ngữ theo nhiều cách khác nhau, tùy theo ngữ cảnh: “Đồng Hành”, “Công Đồng”, “Công Nghị”, “Thượng Hội Đồng”…

Cũng vậy, nguyên ngữ tiếng Ý: “sinodalità” mà tiếng Anh và tiếng Pháp không chuyển ngữ, nhưng chỉ phiên âm: “synodalité” và “synodality”, trong khi tiếng Việt không phiên âm, nhưng chuyển ngữ: “Hiệp Hành”. Từ đó, thuật ngữ hiệp hành được dùng cách rộng rải trong các bài viết và bài giảng mà không cho người đọc biết tại sao nguyên ngữ tiếng Ý: “synodalità” được chuyển ngữ sang tiếng Việt là “hiệp hành” và hiệp hành có nghĩa gì?Dù từ nguyên Hy-lạp: “synodos” và từ phát xuất tiếng Ý: “synodalità” không là thuật ngữ Kinh Thánh, nhưng khái niệm Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài chạy xuyên suốt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Trong bài viết này, tôi xin được tìm hiểu xem trong hai khái niệm: “đồng hành”“hiệp hành”, khái niệm nào diễn tả chính xác hơn mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài trong Kinh Thánh. Để thẩm định của mình được chính xác, tôi sẽ tìm hiểu “sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài”“sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc hành trình về Đất Hứa”.

1-SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA Ở GIỮA DÂN NGÀI:

Để có thể hiểu cách thức Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài, tôi xin chọn phần đầu của sách Xuất Hành từ các chương 1, 1-15, 21 được gọi là “Cuộc Xuất Hành Ra Khỏi Ai-cập”. Phần thứ nhất này bắt đầu với chương 1 và chương 2 tường thuật những cảnh đời khốn khổ của dân Ít-ra-en dưới những biện pháp hà khắc của Pha-ra-ô; trong cảnh đời khốn khổ đó, tiếng kêu than của con cái Ít-ra-en thấu đến trời khiến Thiên Chúa quyết định can thiệp.

Chương 3 và chương 4 thuật lại việc Thiên Chúa vạch ra kế hoạch giải thoát dân Ít-ra-en khi kêu gọi ông Mô-sê làm vị lãnh đạo của dân Ngài; sự kiện này khai mào một loạt những hành động của Thiên Chúa với mục đích là giải phóng dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập (ch. 5-14) và kết thúc với bài thánh thi ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa (15, 1-21).

A-Về phía Thiên Chúa:

Trong cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với ông Mô-sê, Thiên Chúa tự giới thiệu mình: “Ta là Thiên Chúa của tổ tiên ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (3, 6). Lời giới thiệu này rất quan trọng vì cho thấy Thiên Chúa không là một vị thần xa lạ, nhưng là vị thần mà tổ tiên của ông Mô-sê đã thân quen. Như vậy, ông Mô-sê không là một nhà sáng lập một tôn giáo mới, nhưng nối tiếp truyền thống tôn giáo của các tổ phụ. Điều này cho thấy Thiên Chúa là vị thần luôn trung thành với lời giao kết ước của Ngài và xác nhận Ít-ra-en được Thiên Chúa tuyển chọn là dân Thiên Chúa.

Tiếp đó, Thiên Chúa thổ lộ với ông Mô-sê về kế hoạch giải phóng của Ngài: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta đã biết cảnh nỗi khổ đau của dân chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất trần trề sữa và mật…” (Xh 3, 7-8). Lời thổ lộ này cho thấy chân tính của Thiên Chúa dân Ít-ra-en, Ngài vừa siêu việt, nhưng lại vừa gần gũi thân tình với dân Ngài: Ngài đã “thấy”, đã “nghe” và đã “biết” các nỗi khổ của dân Ngài, vì thế Ngài ra tay hành động bằng cách “giải thoát” chúng khỏi tay người Ai-cập và “đưa” chúng vào miền đất tốt tươi. Vì thế, Ngài ủy thác cho ông Mô-sê sứ mạng: “Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến gặp Pha-ra-ô và ngươi hãy đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập” (3, 10).

Khi ông Mô-sê tìm cách thoái thác sứ mạng của mình, Thiên Chúa bảo đảm với ông là Ngài sẽ ở với ông, đồng thời Ngài cũng cho ông một dấu chỉ là hẹn ngày tái ngộ với ông và với dân Ít-ra-en ở chính nơi núi thánh này (3, 12). Điều này muốn nói rằng sứ mạng của ông dù khó khăn đến mấy đi nữa rồi sẽ thành công, vì có Chúa ở với ông.

Ông Mô-sê chấp nhận sứ mạng, nhưng để cho sứ mạng của mình được danh chính ngôn thuận trước dân Ít-ra-en, ông đánh bạo hỏi tên Thiên Chúa: “Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?”. Đây là một lời xin thật táo bạo, vì đối với người Do thái, tên một người chính là người ấy. Lúc đó, Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê được diễn tả bằng động từ “là” ở dạng thức chưa hoàn thành, được dịch sát từ theo cú pháp Híp-ri: “Ta là Đấng Ta sẽ là” (3, 14a).

Trong cuộc nói chuyện trực tiếp với ông Mô-sê, Thiên Chúa xưng danh của Ngài ở ngôi thứ nhất: Ta sẽ là” (3, 14b) và Ngài bảo ông Mô-sê nói lại cho dân Ít-ra-en biết danh Ngài ở ngôi thứ ba: “Đấng sẽ là” (3, 15). Danh Thiên Chúa ở ngôi thứ ba đóng chức năng chủ từ của động từ “sai đi” của câu 14b và câu 15. Như vậy, danh của Ngài được Thiên Chúa mặc khải trực tiếp cho ông Mô-sê ở ngôi thứ nhất: “Ta sẽ là”, còn ông Mô-sê nói lại với dân chúng ở ngôi thứ ba: “Đấng sẽ là”.[2]

Người Do thái tôn kính danh Thiên Chúa đến mức hễ khi nào gặp danh cực thánh được ký hiệu bằng bốn phụ âm thánh: YHWH, họ không dám phát âm, nhưng thay vào đó bằng một tước hiệu cao trọng khác: “A-đô-nai”, nghĩa là “Đức Chúa của tôi” mà Bản Hy-ngữ dịch là “Kurios” và bản La-tin dịch là “Dominus”.[3]

Trong lịch sử giải thích, Danh Thiên Chúa được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể ghi nhận ba cách hiểu cơ bản sau đây.

a-Câu trả lời có chủ ý thoái thác:

Danh Thiên Chúa mặc khải cho ông Mô-sê bí ẩn đủ để người ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa không thật sự muốn trao ban Danh của Ngài, vì theo não trạng sê-mít, biết tên của một vị thần linh, chính là có quyền làm chủ vị thần ấy, có quyền điều khiển sai khiến vị thần ấy, như khi gọi tên của vị thần linh trong các câu thần chú, thì câu thần chú mới hiệu nghiệm.

Vì thế, trong câu chuyện của chúng ta, Thiên Chúa không thể trao ban Danh Ngài vào tay con người để con người tự ý sai khiến Ngài. Hơn nữa, Ngài là một Mầu Nhiệm vô phương dò thấu, không ai có thể hiểu được bản chất của Thiên Chúa. Cách giải thích này được ủng hộ bởi các chuyện tích Kinh Thánh, như chuyện tổ phụ Gia-cóp nài xin Thiên Chúa: “Xin cho tôi biết tên Ngài”, nhưng Thiên Chúa từ chối: “Sao ngươi lại hỏi tên Ta?” (St 32, 30); hay như chuyện ông Ma-nô-ác nài xin cho biết tên vị sứ giả của Thiên Chúa, thì được trả lời: “Sao ông lại hỏi tên tôi? Đó là một điều bí nhiệm” (Tl 13, 17-18).

Vì thế, khi Thiên Chúa nói: “Ta là Đấng Ta là”, có nghĩa, “Thiên Chúa là Thiên Chúa” như bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn: “Ta có sao Ta có vậy”, nghĩa là Thiên Chúa là một mầu nhiệm bất khả chuyển thông: “Danh khả Danh phi thường Danh”. Qua câu trả lời từ chối đó, Thiên Chúa hàm ý rằng: “chuyện ấy có liên quan gì đến ngươi” hay “đó không phải là điều ngươi quan tâm”.

Nhưng cách hiểu này gặp phải một trở ngại. Theo ngữ cảnh của cuộc đối thoại này, rõ ràng Thiên Chúa chấp nhận mặc khải Danh Ngài. Hơn nữa, Thiên Chúa còn căn dặn: “Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia” (3, 15).

b-Câu trả lời về phương diện Hữu Thể

Căn cứ trên động từ “là” được dùng để diễn tả Danh Thiên Chúa, Bản Bảy Mươi dịch danh Thiên Chúa: “Egô eimi” được thánh Tô-ma A-qui-nô hiểu theo nghĩa Hữu Thể của triết học Hy-lạp “Ta là Hữu Thể”. Từ đó, Danh Thiên Chúa được chuyển ngữ theo nhiều cách khác nhau, nhưng chung quy theo cùng cách hiểu của thánh Tô-ma, như “Ta là Đấng Hiện Hữu” hay “Ta là Đấng Tự Hữu” hoặc “Ta là Đấng Hằng Hữu”

Việc hiểu Danh Thiên Chúa theo Hữu Thể của triết học Hy lạp này đem đến một sự hiểu biết phong phú về Danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, các nhà chú giải hiện đại bác bỏ cách hiểu này vì hai lý do: trước hết, động từ “là” ở dạng thức “chưa hoàn thành”, nghĩa là, một trạng thái đang tiếp diễn, chưa chấm dứt, nên không diễn tả một trạng thái hoàn thành được; thứ nữa, niềm tin của dân Ít-ra-en vào Thiên Chúa tự bản chất thì rất thực tiển, tích cực và năng động. Vì thế, quan niệm siêu hình về một Hữu Thể tuyệt đối, thường hằng, bất biến, tự hữu thì hoàn toàn xa lạ với niềm tin cụ thể và sống động của dân Ít-ra-en.

c-Câu trả lời là một Mặc Khải tiệm tiến:

Theo nhận định của A. B. Davidson, việc Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài trong một nền văn hóa theo đó tên đồng nghĩa với người mang tên ấy, vì thế “Mặc khải mà Thiên Chúa ban cho về chính mình là mặc khải về chính Ngài như Ngài thật sự là như vậy, dù Ngài không thể mặc khải chính mình cho con người một cách tròn đầy được”.[4] Vì thế, Davidson mời gọi chúng ta chú ý đến hai đặc tính của động từ “là” trong ngôn ngữ Híp-ri liên quan đến danh Thiên Chúa được ban cho trong câu chuyện bụi gai cháy đỏ này.

Trước hết, động từ này không có nghĩa “là” về phương diện hữu thể để diễn tả “sự hiện hữu”, nhưng về phương diện hiện tượng để diễn tả “sự hiện diện”. Thứ nữa, dạng thức chưa hoàn thành của động từ này không có nghĩa ở hiện tại nhưng ở tương lai. Từ nhận xét này, ông giải thích ý nghĩa của Danh Thiên Chúa như sau: “Xem ra rõ ràng trong quan điểm của người viết, ‘Ta sẽ là’ và ‘Đấng sẽ là’ thì như nhau: ‘Ta sẽ là’ khi Thiên Chúa nói về chính mình, và ‘Đấng sẽ là’ khi Thiên Chúa được những người khác nói về Ngài. Điều Ngài sẽ là để lại không được diễn tả - Ngài sẽ hiện diện với dân Ngài như Đấng Trợ Giúp, Đấng Quyền Năng và Đấng Giải Thoát” (God in the OT, 199).

Như vậy, khi Thiên Chúa mặc khải Danh Ngài cho ông Mô-sê, Ngài nói về chính mình: “Ta sẽ hiện diện với ngươi”. Còn đối với dân Ít-ra-en được ông Mô-sê truyền đạt cho biết danh mặc khải này, Thiên Chúa hứa “Ngài sẽ hiện diện với họ”. Trong cả hai trường hợp, động từ “là” được dùng ở nơi Danh Thiên Chúa không nhấn mạnh trên “sự hiện hữu” cho bằng “sự hiện diện” của Thiên Chúa với ông Mô-sê và với dân Ít-ra-en. Lúc đó, “Ta là Đấng Ta sẽ là” là một lời khẳng định về sự hiện diện của Thiên Chúa: “Ta thật sự là Đấng hiện diện”, nghĩa là “Ta thật sự là Đấng ở cùng”.

Đồng thời, Danh Thiên Chúa “Ta là Đấng Ta sẽ là” được hiểu như “điều chưa xác định”. Điều chưa xác định này chứa đựng những khả thể vô hạn tùy thuộc hoàn cảnh. Danh Thiên Chúa được mặc khải trong câu chuyện này đã không được bất kỳ thế hệ nào của Ít-ra-en hiểu trọn vẹn, vì thế Thiên Chúa vẫn cứ tiếp tục bày tỏ tất cả những gì Ngài sẽ là đối với dân Ngài: “Thiên Chúa sẽ là Đấng mà Ngài sẽ chứng tỏ Ngài là ai cho thế hệ này đến thế hệ khác; mỗi một thời đại sẽ khám phá những phẩm tính mới về Sự Hiện Diện của Ngài”.[5] Chúng ta gặp thấy Danh Thiên Chúa như một sự hiện diện ở nơi lời giải thích mang tính hiện sinh của Is 52, 6: “Vì vậy, trong ngày ấy, dân Ta sẽ nhận biết danh Ta, nhận biết rằng: chính Ta là Đấng đã phán: ‘Này Ta đây!’.

Trong bối cảnh trực tiếp của việc mặc khải danh Thiên Chúa, Thiên Chúa tự giới thiệu cho ông Mô-sê Ngài là Đấng ở với ông để cứu giúp, bảo vệ che chở dân Ít-ra-en (3, 10tt; 4, 12tt). Vì hoàn cảnh bị áp bức của dân Ít-ra-en, nên hành động của Thiên Chúa là giải thoát (3, 8). Sách Xuất Hành cho thấy Đức Chúa là vị Thiên Chúa làm cho mình liên lụy vào những biến cố có tác động đến dân Ít-ra-en. Tôn giáo phụng thờ Đức Chúa bắt nguồn từ tình nghĩa keo sơn bền chặt với tiến trình giải phóng chính trị-xã hội của một nhóm dân Híp-ri bị dân Ai-cập bốc lột, trấn áp gạt ra ngoài lề xã hội.

Trong cảnh đời cơ cực nầy, hành động của Đức Chúa có mối liên hệ trực tiếp với hoàn cảnh bi thương của nhóm dân nầy, hành động của Ngài mặc lấy một chiều kích chính trị-xã hội chứ không thuần túy tín ngưỡng. Hành vi giải phóng đầu tiên của Đức Chúa, qua đó Ngài tỏ mình ra như Thiên Chúa cứu độ, mang tính chất chính trị và xã hội. Việc Thiên Chúa can thiệp để cứu giúp dân Ít-ra-en dẫn Ngài đến mức đối đầu với Pha-ra-ô được xem như nhân vật phản diện đối kháng với Thiên Chúa. Theo J. A. Soggin, “Điều mà bản văn tuyên xưng… đó là cuộc can thiệp của Thiên Chúa bên cạnh những kẻ hèn mọn, những kẻ bị áp bức, và sự chiến thắng của những kẻ thấp cổ bé miệng này trên quyền tối thượng của thời đại và trên vị tối cao mà thời đại đó tôn phong như vị thần linh”.

Trong Tin Mừng Gioan, khi nào Chúa Giê-su tự nhận mình: “Egô eimi”, Ngài ngầm quy chiếu đến Danh Thiên Chúa được mặc khải trước bụi gai cháy đỏ này: “Nếu các ông không tin là Tôi Là (Egô eimi), các ông sẽ mang tội mình mà chết” (8, 24) hay: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Là (Egô eimi)” (8, 28) hoặc: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Là (Egô eimi)” (Ga 8, 58).[6] Trong Tin Mừng Mát-thêu, ngay từ đầu sách Tin Mừng, Hài Nhi Giê-su sẽ được gọi là “Em-ma-nu-en”, nghĩa là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23) và cuối Tin Mừng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

B-Về phía dân Ngài:

Trong bản văn này, dân Ít-ra-en bảy tỏ thái độ của mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa qua hai giai đoạn: Trong giai đoạn thứ nhất khi nghe ông Mô-sê trình bày kế hoạch giải phóng của Thiên Chúa, dân Ít-ra-en đáp trả bằng một thái độ tin tưởng tuyệt đối vào kế hoạch cứu độ của Ngài: “Và họ đã tin. Họ đã hiểu là Đức Chúa đến viếng thăm con cái Ít-ra-en và nhìn thấy cảnh khổ cực của họ. Và họ đã phủ phục mà thờ lạy” (4, 31).

Trong giai đoạn thứ hai, khi chứng kiến những hành động đầy quyền năng của Thiên Chúa trước hết ở nơi chín tai ương giáng xuống Pha-ra-ô và dân Ai-cập qua trung gian của ông Mô-sê, và sau cùng ở nơi hai kỳ công Thiên Chúa đích thân thực hiện không qua trung gian của ông Mô-sê: giết các con trai đầu lòng của Pha-ra-ô cũng như của dân Ai-cập và cứu thoát dân Ít-ra-en khỏi Biển Đỏ trong khi vùi thây toàn thể chiến bình hùng mạnh của Pha-ra-ô trong Biển Đỏ. Giai đoạn thứ hai kết thúc với niểm tin tưởng của dân Ít-ra-en vào những hành động của Thiên Chúa: “Ít-ra-en thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người” (14, 31).

C-Kết luận về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài:

Trong khi người Hy lạp và rồi người Tây Phương ưa thích suy luận siêu hình về Thiên Chúa bao nhiêu, thì người Do thái trầm tư nghĩ ngợi về những vấn đề cụ thể bấy nhiêu trong mối liên hệ của con người với Thiên Chúa, của con người với con người, của con người với những sự vật. Nếu người Hy-lạp hiểu biết Thiên Chúa bằng những con đường tư duy, thì người Do thái hiểu biết Thiên Chúa từ con đường kinh nghiệm, luôn luôn liên hệ đến những vấn đề “cuộc sống” và đòi hỏi những cam kết cụ thể. Do đó, nhiều nhà chú giải hiểu Danh Thiên Chúa: “Ta là Đấng Ta sẽ là” này không diễn tả sự “hiện hữu” về phương diện hữu thể cho bằng sự “hiện diện” về phương diện hiện tượng,[7] một sự hiện diện vừa hiển lộ nhưng đồng thời vừa phủ che, vừa rất gần gũi thân quen nhưng đồng thời hoàn toàn siêu việt.

Hai chiều kích này để lộ cho thấy một chuyển động tích cực và năng động không chỉ về phía Thiên Chúa, nhưng cả về phía dân Ngài. Về phần mình, Thiên Chúa sẽ vẫn tiếp tục chứng tỏ Ngài thật sự hiện diện ở giữa dân Ngài bằng cách tỏ mình ra qua hành động này nối tiếp hành động khác để dân Ngài ngày càng nhận biết Thiên Chúa của mình là ai. Còn về phía dân Ngài, “kinh nghiệm từng trải của dân Ít-ra-en với Thiên Chúa trong lịch sử của mình sẽ khẳng định ý nghĩa của Danh Thiên Chúa này. Dân Ít-ra-en hiểu lịch sử của mình từ Danh Thiên Chúa này, cũng như hiểu Danh Thiên Chúa từ lịch sử của mình”.[8]

2-SỰ HIỆN DIỆN CỦA THIÊN CHÚA TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH VỀ ĐẤT HỨA:

Trong Kinh Thánh không nơi nào cho thấy rõ nhất mối quan hệ của Thiên Chúa đối với dân Ngài và mối quan hệ của dân Ngài đối với Thiên Chúa của mình cho bằng cuộc hành trình về Đất Hứa. Cuộc hành trình đầy gian khổ của dân Chúa về Đất Hứa được mô tả thành hai thời kỳ (Xh 15, 22-18, 27 và Ds 10, 11-36: 12) được phân định bởi cuộc gặp gỡ của dân với Thiên Chúa trên núi Xi-nai (Xh 19, 1-Ds 10, 10).

A-Về phía Thiên Chúa:

Trong cả hai thời kỳ trước và sau cuộc gặp gỡ của dân với Thiên Chúa trên núi Xi-nai, Thiên Chúa hiện diện với dân Ngài để đáp ứng những vấn đề mà họ gặp phải trong hoang địa: những nhu cẩu tự nhiên (vấn đề đói và khát), những khó khăn giữa cộng đoàn Ít-ra-en (vấn đề quyền bính) và những cuộc tấn công của nhóm dân hung dữ và hiếu chiếu trong sa mạc (vấn đề bảo vệ và che chở). Sự hiện diện của Thiên Chúa trong hai thời kỳ được biểu lộ bằng hai cách khác nhau.

Trong thời kỳ thứ nhất, Thiên Chúa hiện diện với dân qua đám mây và cột lửa. Thiên Chúa Ít-ra-en là Đấng siêu việt không nhận bất kỳ hình tượng vật chất nào, nhưng chỉ chấp nhận tỏ mình ra qua đám mây hay cột lửa. Đám mây cùng với cột lửa biểu thị sự hiện diện vừa siêu việt vừa gần gũi của Thiên Chúa, Đấng dẫn đường chỉ lối cho dân đi. Ban ngày Thiên Chúa hiện diện với dân qua đám mây để phủ bóng mát trên dân, còn ban đêm qua cột lửa để soi sáng và sưởi ấm cho dân trong cuộc hành trình xuyên qua sa mạc khắc nghiệt. Con cái Ít-ra-en xác tín rằng qua hai hình ảnh đám mây và cột lửa, (8, 16-19; x. 3, 12-13), sự hiện diện của Thiên Chúa vừa là một sự hiện diện hữu hình, có thể thấy được, một sự hiện diện gần gũi thân tình để bảo vệ che chở và hướng dẫn họ; nhưng mặt khác, sự hiện diện của Ngài thì siêu việt, khôn dò, bất khả đạt. Như vậy, đám mây và cột lửa là những dấu chỉ hữu hình biểu lộ những thực tại siêu nhiên vô hình.

Trong thời kỳ thứ hai, Thiên Chúa không chỉ hiện diện với dân Ngài qua đám mây và cột lửa, nhưng nhất là nơi Lều Hội Ngộ trong đó đặt Hòm Bia Chứng Ước. Như tên gọi của chúng, Lều Hội Ngộ là nơi Thiên Chúa gặp gỡ dân Ngài và Hòm Bia Chứng Ước nhắc cho dân Ngài biết Thiên Chúa đã giao ước với dân Ngài tại núi Xi-nai, từ nay Thiên Chúa là Thiên Chúa của họ và họ là dân của Ngài.

Như vậy, sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Lều Hội Ngộ cho thấy mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ngài càng thân thiết gần gũi hơn. Quả thật, trong cuộc hành trình về Đất Hứa, khi nào dân dỡ lều ra đi thì Thiên Chúa cũng dỡ Lều của Ngài mà ra đi cùng với dân và nơi nào dân dựng lều tạm nghỉ thì Thiên Chúa cũng dựng lều ở giữa dân Ngài. Đó là lý do tại sao sách Xuất Hành dành một không gian rộng lớn cho việc xây dựng nơi thánh (Xh 24, 12-40, 38) và trình bày cách công phu sự hiện của Thiên Chúa trong Lều Hội Ngộ có liên hệ đến mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Ngài ba giai đoạn:

-Giai đoạn 1 (ch. 25-31) trình bày những huấn thị của Đức Chúa cho ông Mô-sê về việc xây dựng nơi thánh, nơi Thiên Chúa đích thân ngự giữa dân Ngài (25, 8). Mối liên hệ cấu trúc giữa hai đề tài: đề tài về những chỉ thị xây dựng nơi thánh (ch. 25-31) được đóng khung bởi đề tài về những bia đá ghi khắc những lệnh truyền của Chúa (24, 12 và 31, 18), để cho dân hiểu rằng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài tùy thuộc vào việc dân có trung thành tuân giữ những lệnh truyền của Ngài hay không.

-Giai đoạn 2 (ch. 32-34) trình bày việc ông Mô-sê ở trên núi bốn mươi ngày đêm tạo dịp cho dân Ít-ra-en bội giáo. Quả thật, trong khi ông Mô-sê đón nhận những chỉ thị để xây dựng nơi thánh, thì dân Ít-ra-en lại đúc cho mình một con bê bằng vàng (ch. 32) và phụng thờ nó như là Thiên Chúa cứu độ của mình (32, 8), như vậy vi phạm giới răn thứ nhất (x. Xh 20, 3-5). Con bê vàng, một loại tội “nghịch-nơi thánh”[9] trong mạch văn hiện nay, làm tổn hại đến sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ít-ra-en (x. 33, 3-5). Ông Mô-sê phá hủy con bê vàng và cũng đập vỡ hai bia đá. Nhưng sau đó, ông chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho dân, nhờ đó Thiên Chúa nguôi cơn giận và hứa Ngài sẽ tiếp tục hiện diện giữa dân Ngài (33, 12-17). Đoạn, Đức Chúa tái lập giao ước với dân Ít-ra-en, hai bia đá được đẽo lại và trên đó những điều khoản của giao ước được ghi lại (ch. 34).

-Giai đoạn 3 (ch. 35-40) kể cho chúng ta rằng sau khi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài được phục hồi, dân chúng khởi công xây dựng nơi thánh theo những đề án Thiên Chúa đã chỉ thị cho ông Mô-sê trước đây (x. ch. 25-31). Giai đoạn thứ ba đạt đến tột đỉnh với việc khánh thành nơi thánh (40, 1-33) khi đám mây và vinh quang của Đức Chúa xuất hiện (40, 34-38), đây là hai dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa hiện diện ở giữa dân Ngài. Như vậy, hai hình ảnh về đám mây và về vinh quang của Thiên Chúa ở đầu (24, 15-18) và ở cuối (40, 34-38) công trình xây dựng nơi thánh nầy hình thành nên thể đóng khung cho toàn bộ bản văn này.

Tin Mừng Gioan mô tả cuộc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa bằng hình ảnh của sách Dân Số: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và dựng lều giữa chúng ta” (1, 14). Trong Tin Mừng Lu-ca, sứ thần Gáp-ri-en loan báo cuộc nhập thể của Đức Giê-su trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cũng bằng hình ảnh của sách Xuất Hành: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35).

B-Về phía dân Ngài:

Những bản văn mô tả cuộc hành trình trong sa mạc trước khi đến núi Xi-nai (Xh 15, 21-18, 27), trong đó những kêu trách của dân không bị Thiên Chúa trừng phạt; trái lại, những văn bản về cuộc hành trình trong sa mạc sau khi đã đến núi Xi-nai (Ds 11, 11-21, 35), trong đó những kêu trách kêu trách của dân lại bị Thiên Chúa trừng phạt dẫn đến việc dân hối cải và được tha thứ. Những vấn đề trước và sau khi đến núi Xi-nai xem ra cũng như nhau, nhưng thực chất thì khác vì hoàn cảnh đã thay đổi giữa chúng với nhau. Quả thật, ở núi Xi-nai, dân đã chứng kiến cuộc Thẩn Hiển trong cảnh tượng kinh thiên động địa, dân đã được Thiên Chúa ban Thập Giới như bản hiến pháp và đã được Thiên Chúa ký kết giao ước với họ thành dân riêng của Ngài.

Đối với sách Dân Số, thời gian hành trình trong sa mạc là thời gian Thiên Chúa thanh luyện dân Ngài qua một loạt những thử thách. Những thử thách tự chúng nói lên rằng hễ khi nào dân chúng bước đi theo thánh ý Đức Chúa, thì những gì họ thực hiện đều thành công; trái lại, hễ khi nào dân chúng nghịch lại ý muốn của Ngài, thì những nổ lực của họ rốt cuộc đều thất bại. Hình phạt theo sau những phản loạn này mang ý nghĩa thanh luyện họ và thúc đẩy họ hối cải.

Những nét đặc trưng của sách này: những thử thách và bất trung của dân, sẽ trở đi trở lại trong lịch sử Ít-ra-en, nhưng trên tất cả là Thiên Chúa đầy lòng xót thương, Ngài luôn kêu gọi con người phải nên một lòng một dạ với Ngài, dù con người có yếu đuối và do dự như thế nào thì kế hoạch của Ngài đạt được kết quả. Do bởi tính chất mẫu mực của chúng, những chuyện tích nầy không chỉ hữu ích cho thế hệ xuất Ai-cập, nhưng cũng cho những thế hệ nối tiếp sau này. Từ đó, bài học được rút ra rất rõ ràng: cách hành xử của các tín hữu phải phù hợp với thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ ở nơi Luật của Ngài. Theo viễn cảnh nầy, những bản văn thuật chuyện và những bản văn luật pháp luân phiên đặt bên cạnh nhau và bổ sung cho nhau.[10]

Đối với các ngôn sứ, thời kỳ Ít-ra-en trải qua trong sa mạc là thời hoàng kim trong mối quan hệ với Thiên Chúa. Các ngôn sứ sẽ nhắc lại những năm tháng trong hoang địa này như thuở ban đầu duyên thắm tình nồng giữa Thiên Chúa với dân. Phản ứng lại tội bất trung thờ ngẫu tượng của Ít-ra-en, ngôn sứ Hô-sê loan báo Thiên Chúa sẽ đưa dân vào sa mạc một lần nữa, tại đây Ngài sẽ thổ lộ tâm can của Ngài với dân, để dân sống lại tình yêu nồng ấm mà họ đã có với Ngài trong thời thanh xuân (Hs 2, 16; x. Gr 2, 2-3). Ngôn sứ I-sai-a xem cuộc hành trình trong hoang địa là biểu tượng cuộc hồi hương của những người Do thái lưu đày tại Ba-by-lon, được diễn tả bằng hình ảnh sa mạc biến thành vườn cây ăn trái (x. Is 32, 15; 35, 1). Cũng thế, để khơi lại lòng nhiệt thành đối với sứ mạng Thiên Chúa gởi gắm mình, ngôn sứ Ê-li-a lên đường vào sa mạc, đến núi thánh của Thiên Chúa (1V 19, 1-18).

Các Thánh Vịnh cũng ca ngợi những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện trong sa mạc – đặc biệt vì lòng thương xót, Thiên Chúa không hủy diệt dân dù dân phản loạn (Tv 78, 15-24; 106, 7-11). Khi nhắc lại các biến cố trong sa mạc, các Thánh Vịnh kêu gọi dân ngày nay trở về với Thiên Chúa (x. Tv 95, 7-11).

C-Kết Luận về việc Thiên Chúa hiện diện trong cuộc hành trình về Đất Hứa:

Đối với dân Ít-ra-en, những chuyện tích của sách Dân Số không chỉ là tưởng nhớ những gì đã qua, nhưng còn là khuôn mẫu cho toàn thể lịch sử của họ, thì đối với Giáo Hội khuôn mẫu ấy là Chúa Giê-su Ki-tô, nơi Ngài các lời của sách này được thành tựu. Ngài trở nên con đường của chúng ta và vị dẫn đường của chúng ta, chỉ cho chúng ta phải tiến bước thế nào trong cuộc sống, làm thế nào đương đầu với những thử thách đầy cam go như dân Ít-ra-en đã gặp phải trong sa mạc.

Chính Giáo Hội cũng đi con đường của mình xuyên qua lịch sử giữa trăm chiều thử thách, nhưng phó thác vào sự bảo vệ che chở của Thiên Chúa, cũng giống như dân Ít-ra-en xưa đã làm trong sa mạc: “Tiến bước qua các thử thách và bách hại, Giáo Hội được kiện cường nhờ sức mạnh của ơn Chúa đã được hứa ban để, cho dù với xác thịt yếu hèn, Giáo Hội vẫn không đánh mất sự trung tín hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là Hiền Thê xứng đáng của Chúa, và không ngừng canh tân chính mình dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi qua Thập Giá đạt đến ánh sáng không hề tắt” (Vatican II, LG, 9).

KẾT LUẬN

Sau khi đã tìm hiểu những chứng liệu Kinh Thánh về “sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài”“sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc hành trình về Đất Hứa”, chúng ta có thể khẳng định rằng khái niệm: “Đồng Hành” mà chúng ta quen dùng cho đến nay chưa đủ để diễn tả mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài.

Về phía Thiên Chúa, Ngài hiện diện giữa dân Ngài không như có mặt ở đó, nhưng theo nghĩa năng động, tích cực: Ngài hiện diện với dân Ngài để đáp trả lòng mong ước của dân là được cứu thoát, Ngài hiện diện với dân Ngài để đáp ứng những nhu cầu mà dân gặp phải trong cuộc hành trình về Đất Hứa. Như vậy, Thiên Chúa không chỉ chung bước chung đường với dân Ngài, nhưng còn chung lòng chung dạ với dân Ngài. Về phía dân Ngài, họ phải đặt trọn niềm tin tưởng vào kế hoạch của Ngài và vào những hành động cứu độ của Ngài. Như vậy, dân Ngài không đơn giản chung bước chung đường với Thiên Chúa, nhưng phải nên một lòng một dạ với Thiên Chúa, Đấng giải thoát, bảo vệ che chở và cứu độ dân Ngài. Vì thế, mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài không đơn thuần “đồng hành”, nghĩa là chung bước chung đường, nhưng phải “hiệp hành”, nghĩa là phải nên một lòng một dạ với nhau và với Thiên Chúa của mình.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cho hai dấu chỉ để hiểu nguyên ngữ tiếng Ý: “synodalità” của “Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, 2021-2023”, đó là hai cặp bộ ba: bộ ba thứ nhất: “Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ” và bộ ba thứ hai: “Gặp Gỡ, Lắng Nghe và Phân Định”. Với hai cặp bộ ba này, nguyên ngữ: “synodalità” không đơn giản được hiểu là “đồng hành”, nghĩa là chung bước chung đường, nhưng phải được hiểu là “hiệp hành”, nghĩa là phải nên một lòng một dạ với nhau và với Thiên Chúa để nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong thời đại của mình và khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa trong thời đại này. Đây là một trong những đề tài lớn của Công Đồng Vatican II: khám phá ra những dấu chỉ của thời đại để nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong thời đại của mình.

I-nha-xi-ô Hồ Thông
Nguồn: ubkinhthanh.net

_________

 

[1] Yves-Marie Blanchard, “Synode et synodalité selon le Nouveau Testament”, trích từ Spritus n. 245, tr. 410.

[2] Chúng ta gặp thấy danh Thiên Chúa được mặc khải ở ngôi thứ nhất trong các bản văn Cựu Ước khác như trong Đnl 32, 38: Ta chính là Ta, bên cạnh Ta, chẳng có thần nào khác, Ta cầm quyền sinh tử, Ta đánh phạt, rồi Ta lại chữa lành, không ai cứu khỏi tay Ta được”; hay trong Is 41, 4: Chính là Ta. Ta là Đức Chúa, Ta là Khởi Nguyên, và ở giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta; hay trong Is 43, 10-11: Ta vẫn là Ta: trước Ta, chẳng có thần nào khác được hình thành và sau Ta cũng vậy. Chính Ta, chính Ta đây là Đức Chúa, ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ”.

Xin được nhắc lại hai truyền thống lớn về tên gọi của Thiên Chúa được ghi lại trong hai chương đầu của sách Sáng Thế về công trình Sáng Tạo: Truyền thống thứ nhất (St 1, 1-2, 3a) gọi Thiên Chúa là “Ê-lô-him” được dịch sang La ngữ: “Deus” và sang tiếng Việt: “Thiên Chúa”. Truyền thống thứ hai (St 1, 2b-25) gọi Thiên Chúa là “A-đô-nai” được dịch sang La ngữ: “Dominus” và sang tiếng Việt: “Đức Chúa”. Trong Hiến Chế Mặc Khải với nhan đề: “Dei Verbum” Giáo Hội nói đến toàn bộ Lời Chúa từ Cựu Ước đến Tân Ước, còn Tông Huấn của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI với nhan đề: “Domini Verbum” Đức Thánh Cha chỉ nhắm đến Lời của Đức Giê-su.

[3] Về việc Thiên Chúa mặc khải danh Ngài ở Xh 3, 14-15 được nhóm CGKPV chuyển ngữ như sau: 3, 14: “Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: ‘Ta là Đấng Hiện Hữu’. Người phán: ‘Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em’”. 3, 15: “Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: ‘Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đợi nọ đến đời kia’”.

[4] A. B. Davidson, God in the OT, in Dictionary of the Bible, vol. 2, 197.

[5] C. Westminster, The book of Exodus, London: 1908, 22.

[6] Ở những câu trích dẫn Tân Ước này, nhóm CGKPV chuyển ngữ “Egô eimi” thành “Tôi Hằng Hữu” để giúp người đọc hiểu chân tính thần linh của Đức Giê-su.

[7] Davidson, God in the OT; in Dictionary of the Bible, vol. 2, 197.

[8] W. Johnstone, Exodus, Old Testament Guide, 104.

[9] X. R. P. KNIERIM, The Composition of the Pentateuch, in R. P. KNIERIM (éd.), The Task of the Old Testament Theology. Substance, Method, and Cases, Grand Rapids, Eerdmans, 1995, p. 351-379 (p. 364).

[10] X. O. ARTUS, Etudes sur le livre des Nombres. Récits, Histoire et Loi en Nombres 13, 1-20, 13 (OBO 157), Fribourg-Göttingen, Press Universitaires-Vandenhoeck & Ruprecht, 1997.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây