TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bận lòng cùng Chúa

Thứ hai - 30/05/2022 21:49 | Tác giả bài viết: Maria Antôn Quỳnh Thoại |   1211
Con thấy cầu nguyện hình như mình nói với chính mình, chứ không nói với Thiên Chúa? Không biết cầu nguyện như thế nào mới đúng cách và lắng nghe được tiếng Chúa?
Bận lòng cùng Chúa

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 54: BẬN LÒNG CÙNG CHÚA

Hỏi: Con thấy cầu nguyện hình như mình nói với chính mình, chứ không nói với Thiên Chúa? Không biết cầu nguyện như thế nào mới đúng cách và lắng nghe được tiếng Chúa?
 

 

Trả lời:

Em,

Có lần em hỏi tôi cầu nguyện như thế nào cho đúng? Tôi rất vui vì câu hỏi ấy, em biết không? Khi nhịp sống hiện đại dường như cơn lốc xoáy, cuốn con người vào những mối bận tâm: Tiền –Tình–Danh Vọng, thì em, một người trẻ, rất thanh xuân và sôi nổi, lại “bận lòng” tìm kiếm cõi riêng tư để gặp gỡ Chúa, mong được nghe tiếng Ngài. Cám ơn em đã sống chậm như thế để tôi được chia sẻ đôi điều với em, một chút thôi!

Em thân mến!

Em nói đúng, cầu nguyện là lắng nghe tiếng Chúa, ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời. Đó là lý do tại sao khi cầu nguyện, người Kitô Hữu thường THINH LẶNG. Chúng ta thường đến nhà thờ, hoặc tìm nơi thanh vắng để dễ “nâng tâm hồn lên cùng Chúa”. (Thánh John Damascene). Chúa Giêsu đã từng cùng các môn đệ Ngài tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi sau những ngày rao giảng bôn ba, vừa là để lấy lại sức, vừa để Thầy trò có thời giờ nhỏ to tâm sự.

Thinh lặng để lắng nghe. Các Thánh, và những bậc tiền nhân đi trước đã để lại cho tôi và em những góc nhìn và những kinh nghiệm quý báu trong cầu nguyện, mình cùng tham khảo nhé!

Hai chiều kích của Thinh Lặng

Thinh lặng trong cầu nguyện được nhìn từ hai chiều kích. Trước tiên là sự thinh lặng bên ngoài. Nơi đó đưa ta tạm thời rời khỏi những ồn ào, những mối bận tâm vốn nhiều áp lực, khiến trí lực và năng lực tiêu hao. Nếu sự thinh lặng bên ngoài cần thiết cho thân xác như thế nào, thì sự thinh lặng nội tâm lại càng quan trọng hơn biết bao trong đời sống thiêng liêng. Đó là sự yên tĩnh, và an bình nội tâm. Nơi đó, ta thật sự lắng nghe được tiếng Chúa, tiếng anh chị em, tiếng lòng mình, và tạo vật.

Sự thinh lặng quả là một hành trình từ ngoài vào trong, để rồi những gặp gỡ nơi tận thâm sâu của thinh lặng làm ta được đổi mới.

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã từng chia sẻ: “Chúa nói trong sự thinh lặng của những cõi lòng”. Điều em và tôi cần làm là chuẩn bị cho mình một tâm thế để đi vào sự thinh lặng gặp gỡ ấy. Nhân đây, tôi muốn kể cho em nghe về ba đặc tính rất hay nơi người có sự thinh lặng nội tâm mà tôi học được, mình cùng nhìn lại nhé.

Ba đặc tính của sự Thinh Lặng

Thứ nhất, “Amerimmnia”, tiếng Hi–lạp có nghĩa là: không lo lắng. Đặc điểm này giúp ta tín thác vào Chúa trong tâm tình con thảo (Filial Trust). Thái độ không lo lắng khi đến với Chúa giúp ta trở nên tự nhiên và tự do hơn trong tương quan gặp gỡ với Ngài. Cảm giác “như trẻ thơ” chỉ cần được cha mẹ đón nhận, đơn giản bằng một cái ôm thôi, cũng thấy hạnh phúc và được an ủi lắm rồi. Nếu ta đến với Chúa trong tâm thế này thì còn gì bằng! “Không lo lắng” còn là thái độ phải có trong “cuộc chiến tinh thần” chống lại những lo lắng, sợ hãi và những khuynh hướng tự nhiên của con người. Nơi người không lo lắng khi thinh lặng, họ sẵn sàng để Thiên Chúa lấp đầy cuộc sống mình bằng tình yêu của Người.

Thứ hai, “Nepsis”, có thể tạm dịch là “sự thận trọng”. Đặc điểm này giúp ta cảnh giác hơn trước những nguy hiểm và khó khăn có thể xảy đến. Đây là thái độ của người mà tâm trí luôn phản tỉnh, nhất là luôn ghi nhớ Thánh Ý của Chúa trong cuộc đời mình. Nepsis còn được thấy nơi người có “lương tâm trong sạch”. Khi đó trong họ luôn có “hệ thống báo động”, nhắc nhở họ rằng luôn có sự hiện hữu của cả hai trong con người mình, đó là: thánh thiện và sự dữ.

Thứ ba, “Melete”, có nghĩa là “rèn luyện, suy ngẫm”. Tất cả mọi thói quen đều do luyện tập. Thinh lặng cũng vậy. Đó là bước đầu của cầu nguyện. Nếu một ai đó sợ thinh lặng, họ không thể cầu nguyện được! Và nếu có ai cho rằng khi cầu nguyện trong thinh lặng, sẽ bị cám dỗ nói nhiều về mình hơn là nói với Chúa và về Chúa, thì hãy thử dùng chính Lời của Chúa để suy ngẫm và cầu nguyện. Một lời nguyện tắt “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” được lập đi lập lại và suy ngẫm trong ngày cũng sẽ giúp bạn gắn kết với Chúa hơn.

Đó là ba đặc tính nổi bật từ sự thinh lặng. Tôi đã học để thôi không lo lắng, học cảnh giác, và luyện tập mỗi ngày để biết thinh lặng khi cầu nguyện. Hành trình này cũng gian nan nhưng đầy thú vị, nên tôi muốn kể cho em nghe câu chuyện của riêng tôi…

Khi vào dòng, tôi chỉ sợ duy nhất một điều, đó là tiếng kẻng báo thức lúc 4 giờ sáng và 1:15 chiều, cái lúc mà tôi vẫn tha thiết muốn gắn bó với chiếc giường của mình. Sáng thì ngủ gật. Chiều thì buồn ói. Sự thinh lặng của tu viện làm tôi đau đầu, đổ mồ hôi lạnh, rồi buồn nôn. Cả ngày nói cười không sao, cứ đến giờ viếng Thánh Thể hay nguyện gẫm là tôi ỉu xìu, như đang trong trận chiến thiêng liêng mà kẻ thù không ai khác là chính mình. Đứa con nít mười ba tuổi như tôi lúc đó chỉ ước giá mà không phải thức vào hai giờ đó thì đời tu đúng là thiên đàng! 

Ước vậy thôi, chứ tôi không cầu xin Chúa điều này. Bốn giờ sáng, tôi vẫn cùng chị em bật dậy như một cái máy và quỳ gối trên giường để đọc kinh dâng mình ngày mới. Vệ sinh cá nhân xong, chúng tôi cùng nhau nguyện gẫm lời Chúa, đọc kinh sáng cho đến 5 giờ và xếp hàng đi vô nhà thờ dự lễ. Riết rồi cũng quen. Tôi miễn nhiễm với tiếng kẻng ồn ào, và quen dần với thinh lặng. Chỉ có ngủ gật là luôn bên tôi, nên lúc nào tôi cũng đem theo cái khăn ướt để lau mắt, và nhiều lần nó cũng vô hiệu lực với tôi. Tôi ngủ trong Chúa! Thinh lặng không còn là nỗi ám ảnh nữa, tôi làm bạn với thinh lặng.

Thay vì ngồi không rồi ngủ gật, tôi lấy tập ra viết vào đó tất cả và dâng cho Giêsu. Những dòng chữ nguệch ngoạc chẳng ngay hàng thẳng lối nhưng giờ đọc lại, khiến tôi hạnh phúc. Tình yêu tôi dành cho Chúa tuy gập ghềnh con chữ, nhưng tâm tình ấy rất mộc mạc đơn sơ. Có khi chỉ là câu: “Chúa ơi con buồn ngủ quá! Chúa ơi, sao mà lâu hết giờ vậy? Chúa ơi, xin mở mắt con! Con thương Chúa lắm!...”

Khi vào Tập Viện, chúng tôi sống thinh lặng và cầu nguyện nhiều hơn. Hằng ngày suy ngẫm lời Chúa cùng nhau, tôi gặp được những tâm tình thật đẹp. Cách các chị cầu nguyện làm tôi thiết nghĩ: các chị yêu Chúa thật nhiều. Và đó là điều tôi muốn chia sẻ với em:

Hãy biết khiêm tốn. Vì cầu nguyện, là lúc em gặp gỡ Chúa với con người thật của mình, cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Nhận ra mình chỉ là bụi đất, mọn hèn sẽ giúp em biết cậy dựa hơn vào sự chăm sóc quan phòng của Chúa, cũng như sự nâng đỡ của anh chị em mình. Khi cầu nguyện, tôi thường mặc lấy ba tâm tình này: TẠ ƠN – XIN LỖI – VÀ XIN ƠN. Tôi biết tôi chẳng là gì nếu không nhờ ơn Chúa, nên tôi tạ ơn Chúa vì những khả năng Người ban. Tôi biết tôi yếu hèn, bất toàn, dễ sai phạm, nên tôi xin lỗi Chúa và quyết tâm đổi mới canh tân. Và tôi biết tôi cần Chúa luôn luôn để Người đồng hành với tôi. Có ơn Chúa, tôi tự tin xây dựng cuộc sống mình.

Hãy biết kính sợ Chúa. Lòng kính sợ Chúa là biểu hiện của một người nhận ra tình yêu tuyệt đối Chúa dành cho mình, và muốn gắn kết với Chúa trong cầu nguyện. Chính sự kết nối này đã thôi thúc tôi gắn kết với mình, với mọi người, và với thế giới. Có câu nói này khiến tôi rất tâm đắc: “Kẻ biết quỳ trước Chúa sẽ đứng vững trước mặt người đời”. Kính sợ Chúa giúp tôi càng muốn thực thi Ý Chúa và yêu mến Chúa hơn.

Hãy biết ăn năn. Cầu nguyện là dịp để tôi nhìn lại những đổ vỡ trong từng mối quan hệ: với Chúa, với chính mình, và với người khác. Sự thinh lặng mời gọi tôi hoán cải về những bất trung với Chúa, và những tổn thương gây ra cho anh chị em mình, dù vô tình hay hữu ý. Lòng ăn năn sám hối giúp tôi làm lại cuộc đời mới trong Chúa.

Hãy sống bác ái. Cầu nguyện không chỉ ở trên môi miệng, nơi trí lòng, nhưng còn là một thái độ sống được cụ thể hóa bằng hành động: yêu người như yêu chính mình. Đó là thực thi bác ái với người chung quanh, bắt đầu từ những người thân cận với mình. Như vậy là chúng ta đang lắng nghe và chu toàn luật Chúa.

Em thân mến,

Chút tâm tình trên đây tôi chia sẻ với em. Chúc em tìm thấy niềm vui trong sự thinh lặng nội tâm, tìm về giá trị của chính mình nơi Chúa qua cầu nguyện. Tặng em bài hát này, tôi đã viết từ trong chính mối bận tâm như em, đó là giữa muôn sự bận tâm của cuộc sống, tôi xin được bận lòng cùng Chúa, vì chỉ với Ngài, tôi tìm được chính tôi và sự bình an.

“Để tìm về con và tìm về với Ngài
Bận lòng cùng Chúa nơi tình yêu không phai
Xác hồn này, trí lòng này xin bận cùng Ngài
Bận lòng cùng Chúa con tìm được bình an
Bận lòng cùng Chúa cuộc đời con tươi sáng
Chúa gọi mời con đáp lời xin bận cùng Chúa”. (Trích trong ca khúc: Bận Lòng Cùng Chúa)

Maria Antôn Quỳnh Thoại
 (Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây