TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ý nghĩa của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thứ năm - 23/06/2022 10:21 |   1147
Khi tôn vinh và trưng bày hình ảnh về Thánh Tâm, chúng ta mời gọi người khác cảm nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu đối với chính họ.
Ý nghĩa của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Ý nghĩa của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

 
  •  
    •  


Ý NGHĨA CỦA LÒNG SÙNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Giám mục Donald J. Hying[1]

WHĐ (22.6.2022) - Khi còn nhỏ, tôi rất thích bức tranh Thánh Tâm Chúa Giêsu tuyệt đẹp được treo trong phòng ngủ của cha mẹ tôi. Một Chúa Giêsu với nụ cười âu yếm chỉ vào trái tim của Người bị đâm thâu và cuốn mão gai, trong một cử chỉ mời gọi rất thiết tha. Bất cứ khi nào nhìn vào bức tranh đó, tôi luôn cảm thấy ấm áp như thể mình được ôm ấp, vỗ về, yêu thương, và như thể Chúa Giêsu đang mời gọi tôi bước vào nguồn bình an và niềm vui của Người. Mẹ tôi rất sùng kính Thánh Tâm Chúa nên mỗi Thứ Sáu đầu tháng, chúng tôi lại tận hiến cuộc đời cho tình yêu và lòng thương xót của Người.

Vào mùa hè, đúng hơn là vào tháng Sáu, chúng ta cử hành trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như một cách thế để đến gần với lòng thương xót và sự tha thứ dịu dàng của Chúa hơn. Về mặt thơ ca, trái tim là biểu tượng của trung tâm con người - cảm xúc, tình yêu, đam mê, ước muốn, và sức mạnh của ý chí. Trong cuốn “The Sacred Heart of the World”, tác giả David Richo giải thích rằng: “Trái tim của chúng ta là trung tâm ôn hoà của cái tôi vô ngã và nó có một khát vọng đó là sự mở ra. Trái tim là năng lực để mở ra.… Trái tim chứa đựng khả năng để vươn tới, vì vậy, nó là liều thuốc giải độc cho sự tuyệt vọng.… Việc chiêm ngắm Trái tim Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chúng ta thực sự sâu sắc đến mức nào, tiềm năng yêu thương của chúng ta rộng lớn biết bao, và khát vọng sự sống của chúng ta mạnh mẽ biết chừng nào".

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu thổn thức vì thương đám đông dân chúng (x. Mt 9, 36); chính Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng, Người “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bắt đầu đập trong lòng Đức Trinh Nữ Maria cách đây hơn 2000 năm, và hiện nay vẫn tiếp tục đập trong nhân tính được tôn vinh của Chúa Kitô Phục Sinh. Thánh Tâm ấy sẽ rung động mãi mãi, bơm tràn ân sủng, lòng thương xót, và sự sống của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Nơi Thánh Tâm, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa cũng như ước muốn vô tận của Ngài là được ở trong mối tương quan thân thiết với chúng ta.

Trong nhiều thế kỷ, có những Kitô hữu đã phát triển những hình ảnh khắc nghiệt về Thiên Chúa và Chúa Giêsu, theo đó, các Ngài giống như những thẩm phán đáng sợ, xa rời thực tại của con người, và sẵn sàng ra hình phạt đối với những ai không tuân giữ đạo lý. Còn Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh đã trở thành những vị rất thiết thân, gần gũi đến bên Thiên Chúa để cầu bầu cho chúng ta, và cho những linh hồn tội lỗi, lầm lạc.

Học thuyết của phái Jansen, đặc biệt thịnh hành ở Pháp vào thế kỷ XVI và XVII, đã nhấn mạnh quá mức đến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đến sự bất xứng của bản tính con người, và đến sự sợ hãi như một phản ứng căn bản của con người khi đối diện với Thiên Chúa.

Nhìn trong bối cảnh này, những cuộc hiện ra của Thánh Tâm Chúa Giêsu với thánh nữ Margaret Mary Alacoque cho thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh về mặt thần học, và việc cân bằng về đời sống thiêng liêng liên quan đến những nhận thức sai lầm phổ biến về Đức Kitô. Chúa Giêsu đã mặc khải cho thánh nữ Thánh Tâm của Người luôn cháy bỏng tình yêu dành cho nhân loại như thế nào. Đó là một trái tim bị đâm thâu, bị đóng đinh, luôn tuôn tràn ơn cứu độ và lòng thương xót. Cũng vì tình yêu, Chúa Giêsu mong mỏi chúng ta dâng hiến tình yêu và sùng kính dành cho Thánh Tâm Người. Nếu như một số hình thức đạo đức méo mó chỉ tập trung vào sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì Thánh Tâm lại nhấn mạnh đến lòng thương xót; Nếu như nhiều tín hữu thấy Thiên Chúa thật đáng sợ, thì Thánh Tâm biểu lộ tình yêu và niềm vui linh thánh; và nếu như trước đây người ta thấy Chúa Giêsu có vẻ xa cách và không thể tiếp cận, thì Thánh Tâm vẫy gọi chúng ta bước vào lò lửa tình yêu thần linh của Người.

Thánh Margaret đã diễn tả trải nghiệm của ngài về những lời của Chúa Giêsu như sau: “Thánh Tâm của Ta yêu thương loài người, và yêu thương con, đến nỗi nó không thể kìm nén ngọn lửa tình yêu đang bùng cháy lâu hơn nữa. Ngọn lửa tình yêu phải bùng cháy nơi con và hiển lộ Trái tim của Ta cho thế giới. Nhờ đó, đời sống nhân loại được phong phú bằng chính nguồn kho báu ân sủng của Ta”. Sau mạc khải này, Chúa Giêsu đã liên kết trái tim của thánh nữ với trái tim của Người bằng sự kết hợp của tình yêu và niềm vui thần bí.
Như thánh Gioan đã nhắc chúng ta rằng, Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4), Đấng đã hiến mình vì nhân loại; khao khát mang lại ơn cứu độ muôn đời cho chúng ta; và tìm kiếm những con chiên đi lạc, mang vác chúng vai và đưa về ràn. Toàn thể biến cố Chúa Kitô là một sứ mệnh của lòng thương xót. Vì Chúa Con, trong sự vâng lời Chúa Cha tuyệt đối đã nhập thể, trở nên phàm nhân như chúng ta để rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa lành người đau bệnh, tha thứ cho kẻ tội lỗi, cho kẻ đói ăn, và cuối cùng hiến trao mạng sống trên thập giá. Mỗi lời nói, hành động, cử chỉ và thái độ của Chúa Giêsu đều biểu lộ một tình yêu trọn vẹn, tinh khiết, và quảng đại đối với từng người. Nếu yêu thương có nghĩa là sẵn sàng làm điều tốt cho người mình yêu một cách vô vụ lợi, thì chúng ta thấy sự trọn vẹn của tình yêu ấy nơi chính trái tim rực cháy của Chúa Kitô.

Chúng ta đừng nghĩ rằng một tình yêu như thế là ngây thơ, đơn giản hoặc dễ dàng, vì đó là tình yêu của một Thánh Tâm rực cháy, bị cuốn vòng gai, bị đâm thâu và rỉ máu. Việc Đức Kitô bị đóng đinh là con đường kinh hoàng xuyên qua thung lũng của bóng tối và sự dữ mà chính Thiên Chúa bước đi, ôm lấy mọi tội lỗi, đổ vỡ, và chết chóc rình rập và hủy diệt chúng ta. Bằng cách im lặng trước những kẻ bắt bớ mình, cầu nguyện cho những kẻ giết mình, yêu thương tên trộm đang hấp hối, và nài xin sự tha thứ cho kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu cho thấy rằng tình yêu vô điều kiện, vô bờ bến và thần linh của trái tim Người là sức mạnh duy nhất có thể chữa lành thế giới đầy hận thù, tội lỗi và từ khước Thiên Chúa. Bằng cách tự mình gánh lấy toàn bộ tội ác của con người mà từng người trong mọi thời đại mắc phạm, Chúa Kitô đã biến bóng tối bao trùm này trở thành ánh sáng của sự Phục sinh.

Hành động triệt để

Trong hành động cứu chuộc triệt để này, Đức Chúa phục vụ như một nghệ sĩ đấu vật Aikido (Hiệp khí đạo). Aikido là một hình thức võ thuật mà mục đích là để tước vũ khí của đối phương nhưng không gây thương tích. Bằng cách hấp thụ và làm chệch hướng năng lượng tiêu cực hung hãn của đối phương, võ sĩ Aikido tước vũ khí của đối phương khi biến bạo lực thành một lực nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, không gây thương tổn cho ai, nhưng ngăn chặn hành vi gây hấn. Đây chẳng phải là điều Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc khổ nạn và cái chết của Người sao? Chúa Giêsu đón nhận mọi bạo lực, xấu xa, hận thù và tội lỗi của thế gian vào bản thân mình, để chúng giết chết Người và dường như tiêu diệt nguồn lực quan trọng của Người là tình yêu, sự chữa lành và hòa bình. Nhưng bằng cách hấp thụ toàn bộ bóng tối, Chúa Giêsu đã chiến thắng sức mạnh của nó trong một của lễ hiến thân tối cao dâng lên Chúa Cha trên bàn thờ thập giá. Sự chết và phục sinh của Đức Kitô là sự hấp thụ nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, làm chệch hướng và biến bạo lực thành tình yêu, tội lỗi thành ân sủng, hận thù thành tha thứ, và cái chết thành sự sống. Chiến thắng của Thánh Tâm là chiến thắng tột đỉnh của tình yêu.

Trong một bài phát biểu trước các giám mục Ý, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã từng diễn đạt như thế này: “Những gì Chúa Giêsu rao giảng trong Bài giảng trên núi, thì giờ đây Người thực hiện; Chúa Giêsu không lấy bạo lực chống lại bạo lực, như Người có thể đã làm, nhưng Người chấm dứt bạo lực bằng cách biến nó thành tình yêu. Hành động của giết chóc, của sự chết, được biến thành một hành động của tình yêu”.

Đối diện với những cuộc khủng bố bạo lực không ngừng, những vụ xả súng hàng loạt, những hình thức lạm dụng, và cả những hành vi coi thường sự sống thánh thiêng của con người, xã hội đương đại của chúng ta sẽ chỉ tìm thấy hy vọng, sự chữa lành, và hòa bình qua Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô.

Việc tôn sùng Thánh Tâm bao gồm những gì? Chúng ta hiểu về Lòng sùng kính này như thế nào? Sự thánh hiến chính thức, dâng lễ hàng ngày, cử hành Bí tích Thánh Thể và hòa giải vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng liên tiếp, trưng bày và tôn vinh hình ảnh Thánh Tâm, tất cả đều bao gồm một số thực hành cụ thể liên quan đến lòng sùng kính sâu sắc này.

Giống như bất kỳ sự thánh hiến nào, sự tận hiến cho Thánh Tâm là sự nối dài cam kết phép Rửa của chúng ta. Trong nước rửa tội, chúng ta được mặc lấy Đức Kitô, được Chúa Thánh Thần xức dầu để sống như một thụ tạo mới trong sự sống của Chúa Ba Ngôi, và để đón nhận phúc lành của Phúc Âm. Tận hiến cho Thánh Tâm là một cách thức tận hiến riêng tư trong tình yêu để canh tân và sống lời hứa phép Rửa của chúng ta. Chúng ta nhìn nhận quyền tối thượng của Chúa Giêsu trong cuộc đời mình, cam kết dâng trao tình yêu cho Người, Đấng đã yêu thương chúng ta bằng tình yêu nhân từ và quảng đại. Vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng, khi gia đình tôi đọc lại lời nguyện tận hiến, tôi luôn được nhắc nhở về sự hiện diện, che chở, và quyền năng của Chúa Giêsu trong cuộc đời tôi. Lời cầu nguyện đó đã thôi thúc tôi cố gắng cư xử với người khác như tôi đối xử với chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu bạn chưa làm như vậy, hãy cân nhắc việc dâng hiến hôn nhân, gia đình, mái ấm, và cuộc đời của bạn cho Thánh Tâm một cách chính thức. Điều đó sẽ tạo ra một khác biệt lớn.

Sự hiến dâng hàng ngày là một lời cầu nguyện đơn giản, trong đó chúng ta dâng lên Thiên Chúa ngày sống của chúng ta: lời cầu nguyện, công việc, niềm vui và đau khổ. Sự hiến dâng này đổi mới sự thánh hiến của chúng ta và nhắc nhở chúng ta sống trong tâm niệm thánh thiện rằng những gì chúng ta thực hiện, nói năng, quý trọng và ấp ủ phải là sự dâng trao lại cho Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện biết bao điều kỳ diệu cho chúng ta. Tôi nhớ việc cầu nguyện buổi sáng khi ở trường; nghi thức cầu nguyện hàng ngày này nhắc tôi rằng những gì tôi đã làm ở trường, ở nhà, ở sân chơi, với gia đình, với bạn cùng lớp có ý nghĩa quan trọng đối với Thiên Chúa, và thôi thúc tôi muốn cống hiến hết sức mình.

Vào thời điểm mà các tín hữu không thường xuyên lãnh nhận Thánh Thể, việc Chúa Giêsu đòi chúng ta xưng tội và rước lễ vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng là cách cơ bản để chúng ta gặp được tình yêu của Chúa. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hoàn toàn hiến thân cho chúng ta, nghĩa là Người nên một trong thân xác, linh hồn và sự sống của chúng ta. Chúng ta được kết hợp sâu xa với Đức Kitô, Đấng mà chúng ta đón nhận qua tấm bánh Thánh Thể. Trong Bí tích Hòa giải, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót và sự tha thứ mà Chúa Giêsu thực hiện trên đồi Canvê, nơi chúng ta nhận được vòng tay dịu dàng và quyền năng chữa lành của Người trong mầu nhiệm Vượt qua. Qua các bí tích này, Chúa Giêsu kéo chúng ta vào trái tim Người và cho phép chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và niềm vui thiên quốc ngay trong cuộc sống này. Tất cả sự phong phú của đời sống nội tại của Thiên Chúa đều được bày tỏ nơi Thánh Tâm Đức Kitô và được trao hiến cho chúng ta trong Thánh Lễ và khi xưng tội.

Khi tôn vinh và trưng bày hình ảnh về Thánh Tâm, chúng ta mời gọi người khác cảm nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu đối với chính họ. Sức mạnh của thị giác thật hiệu quả, vì cho tới nay, tôi vẫn có thể nhớ từng chi tiết bức tranh Thánh Tâm Chúa Giêsu trong phòng ngủ của bố mẹ tôi! Chúng ta chẳng thể thờ ơ hoặc vô cảm khi được chiêm ngắm một hình ảnh thánh thiêng và đầy lòng thương xót như thế. Một khi nhìn vào ảnh Thánh Tâm, trái tim chúng ta sẽ được tan chảy, tâm hồn chúng ta sẽ được đổi mới, và ý chí chúng ta sẽ được thúc đẩy để dâng trao cuộc đời mình cho Thiên Chúa.

Cần nhớ rằng, lòng sùng kính Thánh Tâm không phải là ma thuật, là phép thần thông hoặc là vé tự động bảo đảm chúng ta được lên thiên đàng; Trái lại, đó là một cách thế thiêng liêng giúp chúng ta cảm nghiệm sự viên mãn của Phúc Âm, của Tin mừng tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa tuôn đổ trên chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Khi càng tiến tới trong sự hiểu biết và hiệp thông với Thiên Chúa, chúng ta sẽ càng yêu mến Chúa Giêsu sâu sắc hơn, và càng sống trong mối tương quan biến đổi và cứu chuộc trong mọi chi tiết của cuộc đời chúng ta hơn. Lòng sùng kính này hiệp nhất tâm trí, trái tim, và ý chí của chúng ta trong một hành động dâng hiến tuyệt vời - một sự dâng trao hoàn toàn bản thân chúng ta cho Đấng đã hiến thân cách trọn vẹn cho chúng ta và vì chúng ta trước.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com

 
 
[1] Đức cha Donald J. Hying là giám mục của Giáo phận Madison, Wisconsin, Hoa kỳ.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/y-nghia-cua-long-sung-kinh-thanh-tam-chua-giesu-46171

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây